4
Kiếp trước, toàn bộ của hồi môn ta mang theo đã dồn vào quán rượu này.
Năm đầu quán rượu không có lợi nhuận, đến những năm sau mới dần hoàn vốn.
Trong khoảng thời gian đó, mọi chi tiêu ăn mặc của nhà họ Tống đều đắp từ tiền của hồi môn của ta cùng chống đỡ.
Ta chỉ là một đứa con gái thứ không được cưng chiều, thế nhưng cha ta đã đem ta ra để đầu tư vào cuộc hôn nhân với nhà họ Tống, do đó đã không bạc đãi ta về khoản của hồi môn.
Ngay cả lúc sa cơ lỡ vận, Tống Dục vẫn phải ra dáng giữ thể diện, đọc sách phải có thư đồng, đánh đàn phải có Cầm Đồng.
Đằng sau tất cả những thú vui thanh nhã đó là vô số chi phí khổng lồ.
Do đó của hồi môn của ta trở nên cạn kiệt, nhất định phải tìm cách kiếm tiền.
Nay đã quyết định mặc kệ hắn, số tiền này đủ để ta và Tiểu Thúy tiêu xài thoải mái nhiều năm.
Ta vừa dọn hết tiền bạc xong thì Tống Dục đã về tới nhà.
Có lẽ ta cảm giác không đúng, hắn lại có chút kinh ngạc.
Hắn nói: “Hôm nay nàng khiến ta phải nhìn với con mắt khác rồi”. “Ta tưởng nàng sẽ bám riết không tha, tiếp tục đòi tiền rượu của Vương công tử”.
Trong lòng ta thầm chế giễu.
Kiếp trước, ta đã từng làm thế.
Ta dứt khoát đòi Vương công tử trả tiền, cuối cùng cũng đòi được.
Nhưng kể từ đó mang tiếng là người keo kiệt, tính toán, ai nấy cũng bảo Tống công tử hào sảng, chỉ tiếc lấy nhầm phải một bà vợ thực dụng.
Kiếp này, ta chẳng thèm làm kẻ xấu xa.
Miệng thì nói ngọt ngào còn trong lòng lại chế nhạo: “Thiếp đã là vợ người rồi, thì việc gì cũng phải nghe lời phu quân cả. Phu quân coi thường tiền tài, lẽ nào thiếp lại còn so đo những chuyện ấy”.
Tống Dục có hơi ngẩn ngơ, nhưng cuối cùng không nói nên lời, chỉ gật đầu rồi bỏ đi.
Nhưng chỉ ít ngày sau, Tống Dục đã chịu không nổi.
…
“Sao tối có thể ăn mấy thứ này?”
Người đầu tiên nổi trận lôi đình không phải Tống Dục, mà là em gái ruột của Tống Dục – Tống Nhu.
Vị đại tiểu thư họ Tống này kén ăn bậc nhất, trước đó đồ ăn hơi mỡ một chút cũng không chịu đụng đũa.
Hỏi nàng muốn ăn gì, nàng sẽ bảo: “Tùy tiện nấu lẩu hoa cúc đi”.
Nồi lẩu hoa cúc này, đã có người ghi chép lại.
Dùng cánh hoa cúc tươi nấu nước lẩu, thái mỏng thịt cá sông cho vào nhúng, ăn đúng là thanh tao nhã nhặn.
Nhưng Tống Nhu và ca ca nàng, Tống Dục, chỉ thích cái đẹp mà không nhìn thấy rằng đằng sau cái đẹp ấy có tốn kém thế nào.
Hoa ai đi hái, cá ai đi cắt? Mỗi bữa ăn chí ít phải có ba bốn người hầu hạ trong bếp.
Nếu là gia đình danh gia vọng tộc, như vậy cũng chẳng có gì đáng nói.
Nhưng nhà họ Tống chẳng may sa cơ lỡ vận, mà nàng ta vẫn khăng khăng giữ cái sự thanh tao ấy.
Hỏi tới, nàng ta lại ngây thơ chớp đôi mắt to: “Ta có ăn là bao mà lại phung phí chứ?”
Trước đây, hễ có chút mỡ trên bàn, Tống Nhu lại đưa mắt khinh thường nhìn ta.
“Đúng là thứ con vợ lẽ không ra gì, ăn uống toàn mấy thứ mỡ màng, những vị phu nhân chính thống trong nhà quyền quý như ta còn chẳng thèm bỏ vào mồm”.
Giờ thì bữa tối này chẳng còn miếng mỡ nào rồi—một chậu cháo trong vô cùng có thể nhìn thấy đáy và vài lá rau thối vàng úa.
Kết quả là mặt Tống Nhu tím bầm vì tức giận:
“Mặc dù nhà họ Tống chúng ta hiện đã bị cách chức, nhưng xét cho cùng vẫn là gia đình danh môn, trong sạch mấy đời nay. Ngươi tưởng chúng ta là đám ở đợ sao mà bắt chúng ta ăn những thứ thế nầy?” Tống Nhu tức tối ném đũa, chỉ tay quở trách ta.
Tống Dục cũng đầy mặt tức giận đặt xuống đũa, trách cứ nhìn về phía ta.
Ta thong thả múc một bát cháo, đáp rằng:
“Lời muội nói sai rồi, những người ở đợ cả ngày làm việc vất vả, những món họ ăn cũng chỉ ngang thế này thôi.
“Nhà chúng ta hiện giờ vào không đủ ra, chỉ biết tiêu chứ không biết kiếm, được ăn thế này là tốt lắm rồi”.
Tống Dục tức giận.
Hắn nhíu mày, lạnh lùng đáp:
“Hôm đó ta đi ngang qua quán rượu, thấy khách khứa đông đúc nườm nượp. “Buôn bán đông đúc là vậy, vậy mà nàng lại nói với ta là nhập không đủ chi, không có lãi sao?”
Ta thở dài than:
“Đúng là khách khứa đông thật, nhưng họ toàn không trả tiền cả”.
Lời này vừa nói ra, Tống Dục mặt lập tức tái nhợt.
5
“Đây…là sao vậy?”
Tống Dục đúng là công tử chẳng biết gì về cuộc sống phàm tục, đến nước này rồi mà còn hỏi tại sao.
Ta cũng chẳng vội, thong thả đáp: “Hôm đó, phu quân không phải đã nói Vương công tử là bạn học cũ của chàng, không cho phép thiếp nhắc đến chuyện nợ rượu sao?”
Thế là kia Vương công tử về sau lại hô bằng gọi hữu, mỗi ngày đưa cả chục người đến, nói là ủng hộ Tống Dục.
Rượu Bích thông và Thu lộ bạch đắt nhất, họ gọi liền cả chục vò.
Đương nhiên là chưa từng trả tiền lấy một đồng nào.
Thấy Vương công tử như vậy, những vị khách khác làm sao còn muốn ngoan ngoãn trả tiền.
Vậy là tất cả đều làm thân quen họ, người này thì nói trước kia có giao thiệp với nhà họ Tống, còn người kia thì nói đã có ơn với nhà họ Tống.
Tất cả đều có ngụ ý là muốn uống rượu không trả tiền.
Với kinh nghiệm kiếp trước, ta đều cười đáp ứng, còn không lấy họ một xu nào cả.
Sắc mặt Tống Dục rất khó coi.
Chàng ta nói rằng:
“Vương công tử thì cũng thôi đi, đích thật là đồng môn của ta .
Nhưng những người khác thì sao? Họ nói quen biết với nhà họ Tống, vậy mà nàng lại tin à?”
Ta nhìn ra là Tống Dục thật sự rất tức giận rồi, nên vội vàng nói: “Thế thì mai phu quân đích thân tới, nói cho thiếp biết những khách nào là giả mạo đi ạ.”
Tống Dục vẫn không vui vẻ.
Chàng ta không muốn đi.
Nhưng mà Tống Nhu cũng bắt đầu ra hiệu cho Tống Dục.
Lén lút, ta nghe nàng ta âm thầm khuyên nhủ Tống Dục rằng:
“Trong nhà này, ca ca mới là người cầm quyền.
Nếu ca ca vẫn một mực nhàn rỗi, thế mà cơ nghiệp này mà rơi vào tay thứ nữ kia thì biết phải làm sao?”
Ta không nhịn được mà bật cười.
Tống Nhu đã sốt ruột lắm rồi.
Cũng chẳng trách được nữa, vị tiểu thư khuê các sa sút này đến tận bây giờ vẫn luôn kiên quyết phải tham gia các hoạt động giao lưu của giới quý tộc kinh thành, những buổi tiệc xã giao, đạp thanh, thi thơ hội, hầu như không bao giờ vắng mặt.
Kiếp trước, ta khuyên nàng ta rằng nên ít đi những buổi tiệc như thế, thế nhưng nàng ta lại tỏ vẻ tức giận: “Phải đi chứ, ta phải để cho tất cả các tiểu thư khuê các ở kinh thành thấy rằng dù nhà họ Tống sa sút nhưng Tống Nhu ta vẫn sống hết sức đàng hoàng!”
Đàng hoàng ở đây nghĩa là, mỗi khi đi dự tiệc như vậy, nàng ta vẫn cần trang phục gấm vóc, trâm cài bằng ngọc trai, thậm chí mỗi lần như vậy đều khác nhau.
Vậy nên giờ đây biết rằng trong nhà chẳng còn mấy tiền, Tống Nhu lại còn sốt ruột hơn cả Tống Dục.
Dưới sự thúc giục của Tống Nhu, Tống Dục chỉ còn biết tới quán rượu.
Chàng ta đứng sau quầy rượu, chỉ từ xa chỉ cho ta những vị khách nào là giả dạng, thế rồi lại còn trách móc ta:
“Nàng cũng không phân biệt xem sao, cái loại buôn thúng bán mẹt này làm sao mà có thể quen biết thân thiết từ trước với nhà họ Tống chúng ta chứ?
Được rồi, biết sai thì sửa, bây giờ nàng hãy tới bên họ đòi tiền về ngay cũng chưa muộn.”
Ồ, tiền thì chàng ta muốn có nhưng bảo chàng ta đích thân đi đòi, làm chuyện thấp hèn như thế, công tử nhà họ Tống chúng ta lại không chịu làm đâu.
Không sao, ta đi thì được.
Ta bước tới, khó xử nói với một nhóm khách có số người đông nhất: “Mấy vị khách quan, xin phiền quý vị thanh toán tiền rượu hộ.”
Mấy vị khách đang uống rất hả hê, đột nhiên lại bị ta làm gián đoạn, thế là rất không vui: “Có chuyện gì vậy chủ tiệm, lúc trước không phải đã nói không lấy tiền sao?”
Ta nhíu mày buồn phiền, lén chỉ vào sau quầy rượu: “Vâng, nhưng là phu quân ta hôm nay tới đây. Người xưa có câu, chồng là trời, nên ta thực sự là không dám trái ý chàng, còn phiền mấy vị làm ơn đi.”
Mấy vị khách kia hầu hết đều đã uống hơi say, nghe ta nói như vậy thì lập tức có thành kiến rất lớn đối với Tống Dục.
“Lúc trước khi chủ tiệm đứng ra tiếp đãi, hào phóng hiếu khách biết nhường nào.”
“Giờ công tử họ Tống chỉ tới một ngày lại thành ra thế này.”
“Thực sự là, còn là danh sĩ tài tử gì nữa, giờ danh sĩ lại đi so đo với chúng ta một chút tiền rượu này cơ à! Đồ vô sĩ!”
Bọn nợ tiền rượu không trả này, bản thân bọn họ vốn là những kẻ vô lại ăn nói ngon ngọt, lấy lòng người ta, nên giờ không chỉ chửi Tống Dục mà còn cố ý tới trước mặt chàng ta mà chửi, để chàng ta nghe được rõ ràng.
Tống Dục vốn là chưa từng giao tiếp với những kẻ đầu đường xó chợ này, sắc mặt vốn thanh tú giờ trở nên méo mó, môi run rẩy, nhưng cuối cùng không thể nghĩ ra lời gì đáp trả.
Ta tới bên cạnh Tống Dục, đưa bạc cho chàng ta và nói: “Phu quân, tiền đã thu về rồi.”
Tống Dục đang tức giận lắm, căn bản là không thèm để ý tới ta, xắn tay áo bỏ đi ngay.
Chậc chậc.
Tống Nhu này, cô xem, là do chính anh trai cô không thèm muốn lấy tiền đấy nhé.
Ta nhét tiền vào người mình, rồi cùng Tiểu Thúy tới tửu lâu phía đông ăn giò heo kho tàu đi.
6.
Phải nói là, danh tiếng là thứ rất lạ.
Nếu mọi người cùng nhất loạt nói tốt về mình thì dù cho có những người thấy mình không tốt, họ cũng chỉ biết âm thầm kìm nén trong lòng.
Nhưng khi một người đứng ra, bắt đầu nói mình không tốt thì dường như chỉ trong một sớm một chiều, mọi người như thể đều nhất loạt nói mình không ra gì.
Danh tiếng của Tống Dục cũng xuống dốc nhanh chóng như vậy đấy.
Trước đây mọi người đều nói chàng ta hào phóng nhiệt tình, bản tính cao thượng.
Nhưng giờ một lần nữa lại cùng phao tin rằng chàng ta không hiểu nỗi khổ của người đời, giả tạo và ích kỷ.
Giờ Tống Dục tới quán rượu một lần nữa, trên đường đi chỉ toàn nghe thấy những lời chửi bới như vậy.
Vị công tử như trăng rằm gió mát năm nào, giờ sắc mặt đã đen xì như đáy nồi. chàng ta mặt không biểu cảm tìm tới ta, nhưng lại thấy ta rất nhàn nhã thảnh thơi đang ngồi bên cửa sổ thưởng tuyết.
“Ối chao!” Ta say sưa ngâm lên, “Tuyết lớn đầy trời bay, lại giống lông ngỗng, lại như đường. Không biết là lông hay đường, suy đi tính lại mãi phân vân.”
Ngâm xong, đến lúc ngoảnh đầu, ta mới trông thấy sắc mặt Tống Dục u ám như muốn nhỏ nước ra được.
“Phu quân tới rồi à.” Ta vui vẻ nói, “Phu quân thấy bài thơ thiếp làm thế nào ạ?”
Tống Dục im lặng hồi lâu, cuối cùng cũng không trả lời câu hỏi của ta, chỉ lạnh lùng nói: “quán rượu này không có ý nghĩa gì cả, đóng cửa đi.”
Ban đầu mở quán rượu này là do một tay ta đứng ra lo liệu, còn Tống Dục thì hầu như không bỏ ra chút sức lực nào.
Giờ chàng ta nói một câu, lại còn bắt ta phải đóng cửa.
Ta do dự, đáp: “Phu quân, quán rượu này là tâm huyết của thiếp…”
Tống Dục quát: “Ta bảo nàng đóng cửa thì nàng phải đóng!”
Trong lòng, ta thoải mái đáp: “Vâng ạ.”
Ta nhanh chóng đóng cửa quán rượu.
Tối hôm đó, tiếng Tống Nhu cãi nhau với Tống Dục thậm chí còn không cần phải đi nghe lén, tiếng đã trực tiếp vọng tới tận trong phòng ta.
Giọng Tống Nhu trở nên bén nhọn: “quán rượu vừa mới bắt đầu có lãi, sao ca ca lại bảo đóng là đóng thế!”
Vị đại tiểu thư nhà họ Tống này cách đây chỉ một khắc đồng hồ còn đang hậm hực tới chất vấn ta, may quá là ta đã chuẩn bị lời nói từ trước, nói với tiểu thư nhà họ Tống rằng mọi chuyện đều do ca ca nàng làm chủ, ta cũng không muốn đóng tiệm, nhưng ta chỉ có thể nghe theo lệnh của phu quân thôi.
Thế nên giờ đây mũi dùi của Tống Nhu chỉ chĩa thẳng vào anh trai mình.
Tống Dục cũng rất giận dữ.
Chàng ta nói: “Chỉ vì mở cái quán rượu này mà bây giờ danh tiếng của ta ra nông nỗi thế này đây? Ban đầu căn bản không nên qua lại với những kẻ thợ thuyền này, đóng sớm thì sớm được thanh tịnh.”
Tống Nhu khóc nức nở nói: “Ca ca chỉ quan tâm đến danh tiếng của mình thôi, sao chưa bao giờ nghĩ đến ta chứ? Không có tiền, hồi môn sau này của ta phải làm sao? Thể diện của nhà họ Tống chúng ta phải dựa vào đâu mà duy trì đây?”
Sắc mặt của Tống Dục trở nên tái xanh:
“Nhu Nhi, muội đã thay đổi rồi.
“Hồi xưa, muội cùng Tâm Nguyệt họa thơ, thanh cao tao nhã biết bao, giờ đây lại chỉ há miệng ra là tiền.
“Muội làm ta quá thất vọng.”
Tống Dục quay người bỏ đi, bỏ lại Tống Nhu một mình khóc nức nở.
Có lẽ vì Tống Dục làm anh trai vẫn có uy quyền, nên sau một hồi quở trách, Tống Nhu đã im lặng được hai ngày.
Tiểu Thúy tiếc rẻ vừa cắn hạt dưa vừa nói: “Hai đêm nay không nghe thấy quận chúa đi tìm công tử gây ồn ào, ta ăn hạt dưa muối tiêu cũng không thấy vui nữa rồi.”
Ta cười đáp: “Yên tâm đi, sau này đồ giải khuây càng ngày càng nhiều.”
Ta đã không để Tiểu Thúy thất vọng, nửa tháng sau khi đóng cửa quán rượu, ta đã trả tự hầu hết gia đinh trong phủ.