Nay ta khốn cùng bần hàn, chàng tiền đồ rộng mở, những lời khiến người ta mơ tưởng đến tốt nhất ta nên giữ trong lòng.
Ta cúi mắt thu lại cảm xúc, đôi tay sần sùi đầy thương tích nhẹ nhàng sửa lại những chiếc diều trên quầy.
Gió đêm nay rất lớn, ta không cẩn thận khiến từng chiếc diều bị gió cuốn bay phần phật, ta giữ được cái này, lại bay mất cái kia, cuối cùng diều thì gãy khung, diều thì rách vải.
Cả buổi tối bận rộn vô ích, chẳng thu được đồng nào, lại còn chịu tổn thất.
Ta muốn sửa lại những chiếc diều gãy, nhưng bị dằm đâm vào tay, ta liền vội buông tay chỉ sợ máu dính lên mặt diều.
Lý Hành Chu đột nhiên xuất hiện, gom lại tất cả những chiếc diều bị gió thổi tung.
Ta không biết chàng đến từ khi nào, cũng chẳng rõ chàng đã đứng nhìn ta bao lâu, chỉ biết theo phản xạ cúi đầu, giấu tay ra sau lưng.
“Tay nàng cần được băng bó lại.” Giọng chàng trầm thấp, khóe mắt thoáng đỏ.
Ta vội xua tay: “Không sao, không sao, ta còn phải bán hàng.”
“Những cái này đều hỏng cả rồi, không ai mua đâu.”
“Ta khéo tay lắm, sửa một chút là được. Nếu không được, ta sẽ dán lại lần nữa…”
“Nhưng tay nàng đã bị thương!” Giọng Lý Hành Chu không tự chủ được mà cao lên một bậc.
“Không được, ta phải kiếm tiền.”
“Ta cho nàng!”
Ta đột ngột ngẩng đầu lên, định cự tuyệt.
“Dù nàng bán gì, ta cũng mua hết. Bao nhiêu tiền, ta đều trả!”
7
Lý Hành Chu dẫn ta trở về dịch quán, nhưng ta đứng lưỡng lự bên ngoài, chẳng chịu bước vào.
“Thiên kim quận phủ nhìn thấy sẽ không vui.”
“Nàng vui hay không liên quan gì đến ta? Nàng cả ngày cứ nghĩ vớ vẩn cái gì ?”
Bàn tay ta bị xước, còn trên mu bàn tay vẫn chưa lành hẳn vết bỏng cũ.
Chiều nay ngồi dưới chân núi, vạt áo còn dính bùn chưa phủi sạch.
Cảm xúc Lý Hành Chu nén nhịn bấy lâu cuối cùng cũng bùng nổ.
“Đường Tước, nàng dựa vào đâu mà nghĩ rằng ta sẽ giống như nàng, yêu thích người khác?”
“Nhưng các người…”
“Giữa ta và nàng ấy chẳng có gì cả.”
Lý Hành Chu đặt mạnh hộp thuốc lên bàn.
“Nếu nhất định phải nói, thì chỉ là thúc thúc của nàng ấy là lão sư chỉ dạy cho ta, ta hứa với người sẽ chăm sóc nàng ấy mà thôi.”
Thấy ta vẫn chưa tin, chàng tiếp lời giải thích:
“Nhà họ Lâm có thân thích ở đây, nàng ấy nhân dịp đi thăm người thân nên mới đi cùng ta.”
Lý Hành Chu vốn là người ít nói, nay lại hiếm khi nói nhiều như vậy.
Chàng cúi đầu bôi thuốc cho ta, ánh mắt ta liền rơi xuống án thư.
Ngoài sách vở, trên bàn còn đặt một vòng những con búp bê bằng đường, đủ loại kiểu dáng.
Có vài con để quá lâu, màu sắc đã phai nhạt.
Ngày trước, ta thích nhất những món đồ nhỏ nhắn này, trong nhà từng bày đầy búp bê bằng đường.
“Ta đã hỏi bà chủ quán tàu hủ nước đường.”
Chàng cất giọng trầm thấp.
“Nàng không có hôn phu. Bà chủ còn định giới thiệu con trai bà ấy cho nàng. Nàng cố ý nói dối ta, phải không?”
“Ta không có.”
“Nhưng người bên cạnh nàng chưa ai từng gặp qua vị hôn phu của nàng. Nàng nói đi, hắn ở đâu?”
Ta vội vàng cãi lại:
“Chưa gặp không có nghĩa là không có.”
Sắc mặt Lý Hành Chu chưa từng khó coi như vậy.
Chàng đứng dậy, hai tay vịn vào tay ghế, cúi người nhìn thẳng vào ta.
Chàng sát lại gần đến nỗi ta có thể thấy rõ từng sợi lông mi của chàng.
Sau gáy ta tê dại, bất giác thu mình lại thành một khối.
“Nàng muốn gì? Tiền sao? Tiền ta dành dụm đều cho nàng, chỉ xin nàng đừng rời bỏ ta.”
Chàng tránh tay ta, ôm ta vào lòng, gương mặt vùi vào cổ ta, khẽ run rẩy.
Ta nâng hai bàn tay vừa bôi thuốc lên, không thể nhúc nhích, mãi lâu sau mới khó nhọc cất lời:
“Lý Hành Chu, ta thực sự sắp thành thân rồi.”
Chàng khẽ cười lạnh, ngón tay nhẹ nhàng kéo sợi dây trên cổ ta, lấy ra mặt dây chuyền.
“Đồ lừa gạt. Nàng sắp lấy người khác, mà vẫn còn đeo vật ta tặng. Nàng dám nói trong lòng không có ta?”
8
Chiếc dây chuyền trên cổ ta được buộc bằng một sợi dây thô, là một con chim khách nhỏ xinh, nét khắc thô sơ, nhưng ta đã giữ nó đến nhẵn nhụi mịn màng.
Đó là món quà duy nhất Lý Hành Chu từng tặng ta.
Phụ thân ta không biết chữ, nhưng lại rất tôn kính người đọc sách.
Lý Hành Chu dù nghèo nhưng lại là một mầm non học hành xuất sắc.
Năm trước khi ta cập kê, phụ thân đã mở tiệc mừng lớn, mời tỷ đệ Lý gia tới tham dự.
Nhưng họ lại không đến.
Phụ thân vốn định nhân dịp này gặp mặt lý gia tỷ tỷ để bàn bạc chuyện hôn sự giữa ta và Lý Hành Chu.
Nhưng đợi mãi đến khi tiệc tàn, khách khứa đều đã về, vẫn không thấy bóng dáng họ đâu.
Phụ thân ta là người làm ăn, rất xem trọng thể diện, tuy không nói ra nhưng rõ ràng người tức giận vô cùng.
Đêm đó trời đổ mưa, ta cố chấp ngồi trước cửa lớn nhất định phải chờ Lý Hành Chu.
Ta giận chàng, cũng giận chính mình.
Ta giận chàng, giận vì chàng rõ ràng biết hôm nay là ngày quan trọng thế nào, biết rõ ý của phụ thân ta, vậy mà vẫn chậm chạp không đến.
Lại giận chính mình, đã đến nước này rồi, mà vẫn lo lắng liệu có phải chàng gặp chuyện gì không nên mới chẳng kịp tới.
Đêm lạnh như nước, mưa bụi lất phất, thiếu niên của ta cuối cùng cũng đến muộn màng.
Trên người chàng thấm đẫm hơi mưa và khí lạnh, vai còn mang những chiếc giỏ tre chưa bán hết, trông chẳng khác gì ta lúc này.
Chỉ là khi ấy, ta chưa từng nếm trải nỗi khổ thế tục, thấy những chiếc giỏ tre liền không dám tin, hóa ra vì bán chúng mà chàng lỡ việc đến chúc thọ phụ thân ta.
Lần đầu tiên, ta và chàng cãi nhau.
Ta vừa giận vừa tủi, nước mắt không kìm được cứ thế rơi.
Chàng lặng lẽ không nói một lời, đưa tay định chạm vào mặt ta nhưng rồi lại buông xuống, để mặc ta trút giận.
Đợi ta khóc mệt, chàng mới xoa đầu ta, đưa cho ta con chim khách nhỏ bằng gỗ.
Có thể thấy chàng đã đặt nhiều tâm tư, nhưng tay nghề vụng về, con chim khắc ra vừa thô vừa xấu.
Ta khóc đến nấc lên, vừa nắm lấy tay áo chàng vừa nghẹn ngào bắt chàng đeo nó lên cổ ta.
Vì chuyện ngày thọ yến, phụ thân ta tức giận không ít, nhốt ta trong nhà không cho ta đi tìm Lý Hành Chu.
Đến khi ta được ra ngoài, thì đã hay tin Lý gia tỷ tỷ đã qua đời.
Ta chưa từng thấy Lý Hành Chu tiều tụy đến vậy, trong mắt chàng là một màu đen kịt, chẳng còn lấy một tia sáng.
Rất lâu sau ta mới biết, đêm thọ yến ấy, tỷ tỷ chàng ngất trong nhà, chàng phải gọi thầy thuốc trông nom đến khi nàng tỉnh lại thì trời đã tối đen.
Những chiếc giỏ tre chàng gánh, không phải để bán.
Đó là những món tỷ tỷ chàng đã dồn tâm huyết làm suốt mấy đêm, muốn đem tặng phụ thân ta, trong đó còn có vài món đồ nhỏ dành cho ta.
Tỷ tỷ Lý gia không biết phụ thân ta có thích hay không, nhưng nàng chỉ biết làm những thứ này.
Lý gia nghèo đến mức tiền thuốc men còn phải nhờ phụ thân ta giúp đỡ, nàng sao dám cầm số tiền ấy để mua lễ vật?
Nàng mang cơ thể yếu ớt, cẩn thận chuốt những thanh tre đầy gai nhọn, tỉ mỉ làm ra những chiếc giỏ tre, gửi gắm hy vọng và lời chúc tốt lành vào đó.
Khi ấy, ta chẳng biết gì.
Sau này nghĩ lại, tim ta luôn đau âm ỉ.
Lý Hành Chu luôn trầm mặc ít lời, nhưng cũng từng thích ta, phải không?
Thời gian của chàng vốn eo hẹp, vậy mà vẫn dành ra để khắc cho ta con chim khách ấy.
Đôi tay lẽ ra chỉ cầm sách, lại đầy những vết sẹo vì làm việc.
Chàng biết ta nhất định sẽ chờ, nên dù đã muộn vẫn đội mưa mà đến.
Những năm ấy, chàng chật vật giữa tuyệt vọng và hy vọng, nhưng chưa từng cúi đầu.
Thế mà giờ đây, chàng lại ôm chặt lấy ta, van xin ta đừng rời bỏ chàng.
Ta rõ ràng đang cười, vậy mà nước mắt cứ thế từng giọt từng giọt rơi xuống áo chàng.
Người đang ôm ta bỗng cứng đờ, lóng ngóng lau nước mắt cho ta, đợi đến khi ta khóc mệt, mới buông ta ra.
Chàng thở dài, nhìn ta bất lực:
“Nàng đúng là muốn lấy mạng ta.”
Chàng lấy ra một chiếc dây chuyền mới, cũng là một con chim khách, màu xanh biếc, vô cùng đẹp.
Tay nghề của chàng… tiến bộ nhiều rồi.
“Giờ ta đã khắc tốt hơn nhiều. Đợi sau khi thi đình, ta làm quan, sẽ kiếm được nhiều tiền hơn, mua vật liệu tốt hơn cho nàng.”
Chàng định đeo nó lên cổ ta, thay cho con chim khách bằng gỗ.
“Ta xin nàng, đừng rời bỏ ta nữa có được không ?”
Chàng còn định nói gì đó nhưng bị tiếng gõ cửa vang lên cắt đứt, tiểu nhị của dịch quán báo có người tìm ta.
Ta vội vàng mang đòn gánh và hai chiếc giỏ xuống lầu, thấy Tề Thiệu đang đứng trước cửa, chống gậy, cười ôn hòa:
“Tiểu Tước, ta đến đón muội .”
9
Ta theo Tề Thiệu về nhà, đỡ huynh ấy nằm xuống giường, rồi đi đun nước nóng, lau chân tay cho huynh ấy.
Đường từ dịch quán đến đây xa như vậy, chân cụt của huynh ấy bị cọ xát, đỏ cả lên.
Ta lại dùng nước nóng làm dịu đi cho huynh ấy.
Chân phải của Tề Thiệu bị cụt tới tận gốc đùi, là vì ta mà mất.
Khi Đường gia sụp đổ, người người đều thừa cơ giẫm đạp, phụ thân ta vì quá tức giận mà lâm bệnh, chẳng bao lâu đã qua đời.
Mẫu thân ta vốn quen hưởng phúc, không chịu nổi khổ cực, cả nhà rơi vào cảnh rối ren.
Khi chúng ta bị đuổi ra khỏi Đường gia, chính Tề Thiệu đã cưu mang mẹ con ta.
Huynh ấy vốn là quản sự trong tiệm nhà ta, khi tiệm phá sản, đám tiểu nhị đều tìm đường mưu sinh khác, chỉ riêng huynh ấy là không đi.
Huynh ấy dõng dạc nói: “Lão gia từng có ơn với ta, ta không thể cứ thế mà rời đi.”
Những ngày ấy, huynh ấy dẫn theo mẹ con ta lẩn trốn khắp nơi, sợ rằng chủ nợ sẽ tìm ra.
Nhưng sợ hãi thì có ích gì chứ, thứ phải đến cuối cùng vẫn đến.
Chỉ là ta làm liên lụy Tề Thiệu, đó là lỗi của ta.
Dù đã trốn sang trấn khác, đám chủ nợ vẫn tìm được chúng ta, ép ta ký vào khế ước bán thân để trừ nợ.
Chúng dùng tay bịt miệng, lôi ta lên xe ngựa. Mẫu thân ta khóc lóc đuổi theo sau, nhưng chẳng mấy chốc đã khuất dạng.
Tề Thiệu vội vã trở về, vì cứu ta mà một mình chặn xe ngựa.
Xe phu dùng roi ngựa quất Tề Thiệu, nhưng huynh ấy vẫn không chịu nhường đường.
Tề Thiệu xông lên bám lấy xe, bọn chủ nợ mất kiên nhẫn, đánh huynh ấy đến da thịt nát bấy, vậy mà huynh ấy vẫn ôm chặt chân chúng không buông.
Nhân cơ hội, ta nhảy khỏi xe ngựa, quay đầu bỏ chạy.