16
Từ giữa trưa, Lục Uyển đã bắt đầu thấy khó chịu.
Ba bà đỡ vây quanh giường của nàng ấy, các cung nữ mang nước trong vào, rồi lại ôm nước máu ra ngoài.
Tiếng rên la đau đớn của Lục Uyển kéo dài cho đến tận đêm.
Ôn Quân lo lắng như con ruồi mất đầu, đi đi lại lại, liên tục hỏi về tình hình trong phòng.
Bà đỡ nói rằng, Lục Uyển khó sinh.
Người bà đỡ lớn tuổi nhất run rẩy hỏi Ôn Quân: “Hoàng thượng, nên giữ mẹ hay giữ con…?”
Ôn Quân không cần suy nghĩ: “Nhất định phải giữ được mạng của hoàng hậu.”
Ta ở trong phòng, bên cạnh Lục Uyển.
Trên trán nàng ấy đầy mồ hôi, tóc ướt đẫm, tay nàng nắm chặt lại, kêu lên từng tiếng.
Ta chưa từng sinh nở, đây là lần đầu tiên ta chứng kiến cảnh sinh con đáng sợ đến vậy.
Ta nắm chặt tay nàng ấy, nàng ấy bấu vào tay ta đến bật máu, nhưng ta không thấy đau, chỉ cảm thấy trong lòng khó chịu vô cùng.
Đến giờ Tý, giọng của nàng ấy dần yếu đi, ý thức cũng bắt đầu mờ nhạt.
Ta nghe bà đỡ nói đã nhìn thấy đầu đứa trẻ.
Dường như nàng ấy lấy lại được chút ý thức, nắm chặt tay ta, ánh mắt kiên định.
Ánh mắt ấy làm ta nhớ đến mẫu thân ta.
Lục Uyển đã dồn hết sức lực, gắng gượng đến giờ Dần, cuối cùng sinh được đứa trẻ.
Đứa trẻ vừa ra đời đã khóc to.
Ôn Quân vừa nghe tiếng khóc của đứa trẻ thì hốt hoảng: “Trẫm đã nói phải giữ mẫu hậu rồi mà! Hoàng hậu đâu, hoàng hậu thế nào?”
Ngài ấy không chịu nghe lời khuyên can nữa, lao thẳng vào phòng sinh.
Bà đỡ bế đứa trẻ lên: “Hoàng hậu cũng ổn, nàng đã sinh được một tiểu công chúa.”
Lúc này, Ôn Quân mới thở phào nhẹ nhõm.
May mắn thay, cuối cùng mọi chuyện cũng suôn sẻ.
Lục Uyển nói rằng nàng ấy muốn nhìn công chúa.
Bà đỡ bế công chúa đến trước mặt nàng ấy.
Nàng ấy nâng tay, nhẹ nhàng nắm lấy bàn tay nhỏ của đứa trẻ, trên mặt vừa mới hiện lên nụ cười dịu dàng thì lập tức nhăn lại vì đau đớn.
Bà đỡ kéo chăn ra, lúc này mới phát hiện máu chảy lênh láng dưới thân nàng ấy.
Lục Uyển bị băng huyết sau sinh.
Ôn Quân điên cuồng gọi thái y đang chờ bên ngoài, bắt họ nhất định phải cứu hoàng hậu.
Nhưng băng huyết quá nặng, thái y không thể cứu được.
Lục Uyển chỉ kịp nhìn thấy đứa trẻ một lần, chưa kịp dạy con cách nấu rượu, cũng chưa kịp mặc cho con chiếc áo nàng tự tay may, thì đã trút hơi thở cuối cùng.
Ta và Ôn Quân ở bên nàng ấy, hết lần này đến lần khác gọi tên nàng ấy.
Nàng ấy chỉ từ từ khép mắt lại, bàn tay rũ xuống.
Ta khóc nức nở mà hỏi: “Diên vĩ trong Trường Xuân Cung thì sao? Nếu ngươi dám rời đi, ta sẽ nhổ hết diên vĩ lên tận gốc!”
Cuối cùng nàng ấy cũng chịu đáp lại chúng ta.
Giữa trời đất tĩnh mịch, chỉ còn giọng nói của nàng yếu ớt, nhưng lại đè nặng lên trái tim ta và Ôn Quân.
Nàng ấy nói: “U Châu.”
“Chôn ta ở U Châu, xin hãy làm ơn.”
Khi sống, nàng ấy là Trung cung hoàng hậu, khi chết, nàng ấy chỉ muốn là Lục Uyển.
Nàng ấy nhớ đến tiểu tướng quân của mình, nàng ấy muốn đi tìm hắn.
Ôn Quân đã đồng ý.
“Trẫm sẽ đưa nàng đến U Châu, và trồng đầy diên vĩ khắp thành U Châu.”
Lục Uyển mỉm cười.
Nàng ấy đã rời đi trong nụ cười.
Còn ta, ta quỳ bên giường, khóc không thành tiếng.
Ta không giữ được Lục Uyển, cũng giống như ta không thể ngăn cản Ngọc Ninh mười sáu tuổi đi hòa thân.
Muôn vàn sự việc, chẳng việc nào ta có thể tự chủ.
Ôn Quân thức canh Lục Uyển suốt một đêm, đến đứa trẻ cũng không có thời gian để ngó ngàng.
Vị hoàng đế ngồi bó gối trên mặt đất, vùi mặt vào cánh tay. Khi ngẩng đầu lên, y phục của ngài ấy đã ướt đẫm nước mắt.
Ngài ấy cố gắng an ủi ta, cố nở ra một nụ cười.
Nhưng ngài ấy không cười nổi, chỉ rơi hai hàng lệ trong sự nghẹn ngào, khản giọng.
“A Sinh, trẫm lại mất thêm một người thân nữa rồi.”
“Mẫu hậu đã mất, Ngọc Ninh cũng mất, giờ cả Lục Uyển cũng rời đi. Có phải trẫm mang mệnh cô độc, nên không thể giữ được người thân không? Ngươi đừng bỏ trẫm mà đi trước, được không? Trẫm xin ngươi đấy.”
Ta nắm lấy tay Lục Uyển, muốn an ủi Ôn Quân đôi câu, nhưng lòng ta như bị tắc nghẹn, chỉ thấy cuộc đời sao mà khổ quá. Ba ngày sau, quan tài của Lục Uyển được đưa vào hoàng lăng.
Thi thể của nàng ấy, được Ôn Quân lén lút đặt vào một quan tài khác, bí mật đưa về phương Bắc, đến U Châu.
Ta chìa tay đón lấy cơn mưa thu nhè nhẹ, không khỏi nghĩ rằng, vào giờ phút này, có lẽ nàng đã đoàn tụ với tiểu tướng quân của mình rồi chăng?
Công chúa nhỏ mà Lục Uyển sinh ra, được Ôn Quân đặt tên là Ôn Niệm.
Ôn Quân rất yêu thương Niệm Niệm, mang con bé theo bên cạnh, tự tay chăm sóc.
Ngài ấy nuôi dưỡng Niệm Niệm trong sự cưng chiều, khiến con bé trở nên kiêu căng, rất giống với Ngọc Ninh khi còn bé.
Khi Niệm Niệm biết nói, ngài ấy dắt con bé đến hoàng lăng.
Gọi mẫu hậu, gọi cô cô.
Về phần ta, Niệm Niệm cũng gọi ta là cô cô.
Ngoại hình của con bé giống Lục Uyển, nhưng tính cách lại giống hệt Ngọc Ninh.
Con bé luôn thích ăn mì trứng ta nấu, thích gối đầu lên đùi ta và nghe ta kể chuyện.
Những lần sinh thần sau này, vẫn là bốn người cùng nhau mừng sinh nhật.
Ta, Ôn Quân, Tiêu Nhi, và Niệm Niệm.
Chúng ta thường mở cửa sổ để ánh trăng chiếu vào phòng, Niệm Niệm thích ngắm trăng, con bé nói đó là cô cô đang chào con bé.
Tiêu Nhi ngày càng gầy đi, trên người đầy vết thương, chiếc túi thêu hạt đậu đỏ vẫn không bao giờ rời khỏi người.
Sức khỏe của Ôn Quân càng lúc càng yếu. Ngài ấy đã dốc hết tâm huyết nhiều năm, cơ thể hao tổn nặng nề, mỗi lần ho là kéo dài mãi không dứt.
Đêm ấy, chúng ta cùng nâng chén rượu.
Không dám chúc “tuổi tuổi có hôm nay,” chỉ mong người trường thọ.
17
Sau khi Lục Uyển qua đời, Ôn Quân không lập hoàng hậu, cũng không nạp phi.
Có không ít đại thần dâng sớ khuyên can, nhưng tất cả đều bị Ôn Quân gạt bỏ.
Họ nói rằng Ôn Quân không có con trai, quốc gia sẽ bất ổn.
Ôn Quân quay sang phàn nàn với ta: “Sao cứ phải là con trai, trẫm không có con gái sao?”
Khi Niệm Niệm lớn hơn, Ôn Quân cho con né vào học đường, những gì thái phó dạy đều là đạo trị quốc.
Ta hiểu rằng, Ôn Quân muốn truyền ngôi cho Niệm Niệm.
“Đại Sở đã có nữ tướng, thêm nữ đế thì có gì không được?”
“Trẫm không theo quy tắc nào cả, trẫm muốn làm người đầu tiên.”
Nhưng vị đế vương mang chí lớn ấy, thân thể lại ngày càng yếu ớt. Sau khi Ôn Quân nằm liệt giường, mọi việc triều chính đều do ta lo liệu.
Lúc đầu, ta vẫn khuyên ngài ấy nên nghỉ ngơi để tĩnh dưỡng, biết đâu vài ngày sẽ khá hơn.
Nhưng sau đó, ta chẳng còn khuyên nữa.
Ôn Quân bắt đầu ho ra máu, ta không thể tự lừa dối bản thân được nữa.
Thái y bắt mạch lần nữa, nói rằng Ôn Quân chỉ còn sống được tối đa ba năm.
Ôn Quân ngẩn người một chút, rồi nở nụ cười nhẹ nhàng: “A Sinh, ngươi thấy không, trẫm cố gắng thì vẫn có thể ở bên ngươi và Niệm Niệm thêm ba năm nữa.”
Ông trời đối với ngài ấy thật không công bằng.
Mất mẫu hậu từ nhỏ, mất hoàng muội khi còn trẻ, rồi lại mất thê tủ.
Nhưng ngài ấy luôn dịu dàng, dù là đế vương nắm quyền mấy chục năm, vẫn giữ được sự dịu dàng như ngày đầu ta gặp ngài ấy.
Ngày Ôn Quân ra đi, trời rơi một cơn tuyết nhỏ.
Ngài ấy nằm trên ghế dựa, nhìn ra ngoài cửa sổ nơi mai đỏ nở rộ giữa tuyết trắng, bỗng nhiên nói nhiều hơn thường lệ.
“A Sinh, mẫu hậu thích mai đỏ, bà nói rằng mai đỏ kiêu ngạo trong tuyết, lại có cốt cách. Mỗi khi đông về, bà lại cắt một nhành mai cắm vào bình.”
“Khắp phòng đều tỏa hương mai, thơm vô cùng. Khi còn nhỏ, Ngọc Ninh nghịch ngợm, kiễng chân lén ngắt nhành mai, bị mẫu hậu bắt gặp, bà liền dùng cành mai quất vào muội ấy.”
“Muội ấy vội vàng chạy trốn, đẩy cửa mà chạy ra ngoài, lao vào trong tuyết. Dù có ngã xuống cũng chẳng sợ, muội ấy nói tuyết mềm mại, ngã xuống không hề đau.”
Ngài ấy quay sang mỉm cười với ta: “A Sinh, họ đến để đón trẫm rồi.”
Ta quấn chặt áo choàng cho ngài ấy: “Không được nói bậy, Niệm Niệm và ta đều mong người sẽ ở lại thêm với chúng ta.”
Ngài ấy nhẹ nhàng đặt tay lên mu bàn tay ta, ánh mắt trở nên xa xăm.
“A Sinh, có đôi khi trẫm thật sự hối hận, hối hận vì đã đòi Ngọc Ninh từ ngươi về cung. Nếu nàng ở bên ngươi, nàng sẽ không phải đi hòa thân.”
“Nhưng ngươi biết không? Từ khi ngươi vào cung đến khi Ngọc Ninh tròn mười sáu tuổi, đó là quãng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời trẫm. Trẫm như đang bước vào một giấc mơ đẹp, nhưng tiếc thay, đi thêm một bước nữa, giấc mơ liền vỡ tan, vạn kiếp bất phục.”
Ôn Quân mỉm cười, khẽ vuốt lại lọn tóc rối bên mai của ta: “Nhưng quen biết A Sinh thật tốt. A Sinh của chúng ta, là người tốt nhất trên đời.”
“Hoàng thượng cũng là người tốt nhất.”
Tuyết rơi trên hàng mi của ta, ngài ấy định đưa tay phủi đi giúp ta, nhưng bàn tay ngài ấy buông lơi giữa chừng.
“A Sinh, Niệm Niệm và Đại Sở, trẫm giao lại cho ngươi.”
Ngài ấy mỉm cười, như chợt nghĩ đến điều gì đó khiến bản thân bật cười.
Ta nghiêng người, ghé sát môi ngài ấy, lắng nghe ngài ấy nói:
“Lần này, cuối cùng cũng đến lượt người khác tiễn trẫm đi.”
“Chỉ là khổ cho nàng.”
“A Sinh, đừng khóc.”
Ôn Quân thật sự là người dịu dàng đến tận xương tủy.
Ngươi thấy không, rõ ràng là ngài ấy sắp đi rồi, nhưng vẫn lo lắng không biết ta có khổ hay không.
Ta chưa bao giờ nghĩ rằng, một cô nương bán mì trứng như ta, một ngày nào đó sẽ trở thành nữ tướng.
Là Ôn Quân đã chọn cho ta con đường tốt nhất, còn trải sẵn cho ta lối đi.
Và trong cả cuộc đời này, khoảnh khắc gần gũi nhất giữa ta và ngài ấy, chính là đêm trăng sáng ấy.
Ngài ấy đã cho ta một cái ôm nhẹ nhàng, còn nhẹ hơn cả tuyết rơi.
Trong ngày hôm nay, ta đã hồi tưởng về cả cuộc đời ngài ấy. Giang sơn mà tiên đế để lại cho ngài ấy đầy những vết thương.
Ngài ấy đã trị vì hai mươi năm, cống hiến hết mình vì đất nước.
Bình định nội loạn, xua đuổi quân Liêu, mở ra chính sách mới, mở rộng bờ cõi.
Giang sơn mà ngài ấy giao lại cho Niệm Niệm, là cảnh thái bình, hòa hợp bốn bể.
Ngài ấy là một vị hoàng đế tốt của Đại Sở, nhưng cuộc đời ngài lại chẳng hề viên mãn.
Khi Ôn Quân băng hà, ngài ấy chỉ mới ba mươi bảy tuổi. Tướng quân giữ quốc môn, thiên tử chết vì xã tắc.