32
Sáng hôm sau, ta đến học viện, sau giờ học, ta bước đến trà phòng, nơi Phó lão sư nghỉ ngơi, Trần Nhất quả nhiên ở đó.
Nhiều năm sau, khi nhớ lại cảnh tượng ngày hôm đó, ta đã thấy mọi thứ dần phai mờ.
Nhưng hình ảnh Bùi Dịch đứng dưới gốc cây hoa đào, trên vai đầy cánh hoa, phong thái ngời ngời của thiếu niên, vẫn còn rõ nét. Chỉ là khi đó ta vẫn chưa biết hắn tên là Bùi Dịch.
33
Hắn dường như có chút ngạc nhiên.
Ta đoán hắn đã sớm biết “giáo viên” của ngôi trường này là người khác, nhưng không ngờ lại là một người nhỏ tuổi như ta.
“Xin hỏi… tiểu tiên sinh có thể giải đáp thắc mắc cho tại hạ chăng?” Hắn nghiêm chỉnh cúi người hành lễ.
Ta xoay người tránh né.
“Giải đáp thì không dám nhận.” Ta khàn giọng nói.
Người này có bối cảnh sâu không lường được, có tài lực và nhân lực, đến cả luyện thép cũng có thể thử nghiệm dễ dàng, nếu hắn muốn tính toán ta, thì ta e rằng chẳng có cách nào chống đỡ.
Vậy nên không ngại gì mà nói thẳng ra. “Những câu hỏi của công tử không khó giải đáp, nhưng tại hạ chỉ muốn hỏi một câu: chí hướng của công tử là gì?”
Hắn mở tờ giấy ra, chỉ vào những dòng chữ trên đó: “Tiểu tiên sinh tài cao, chỉ vài câu đã đáng giá ngàn vàng. Hẳn là mở học viện là để lập công vì sinh dân thiên hạ, Trần mỗ ngu dốt, nhưng cũng mong có thể đồng hành cùng ngài.”
“Có lẽ đạo của ta không phải đạo của công tử.” Ta nhìn thẳng vào hắn.
“Kinh thành nhà quý tộc đua nhau xa hoa, nhưng ta đã đi qua thôn quê nghèo khó, biết bao người không có đủ ăn, đủ mặc. Mỗi khi mùa đông lạnh lẽo, cả nhà gom hết vải vóc đắp lên người cũng không chống nổi cái lạnh.”
“Gặp thiên tai nhân họa, một năm vất vả làm lụng cũng không đủ đóng thuế, nhiều nhà còn không có gạo ăn.”
“Như công tử nói, những câu chuyện này có thể đáng giá ngàn vàng, nhưng đó không phải thứ ta muốn.”
Hắn nghe xong, ánh mắt trầm xuống, ta biết hắn đã hiểu.
Nếu hắn chỉ muốn lợi dụng ta để chế tạo máy móc, tăng sản lượng lương thực, luyện sắt thép để làm giàu, mà không phải là để giúp đỡ dân chúng, thì ta thà tự tay phá bỏ những thành quả của mình.
“Dân sinh khó khăn, công tử sinh ra nơi nhung lụa, sao có thể hiểu được.”
Hắn thở dài, “Trần mỗ hiểu được.”
Ta cười nhạt, ý tứ đã quá rõ ràng, ta ngẩng đầu nhìn hắn.
Hắn lại lặp lại lần nữa, “Cảm giác đói khát, không có đủ mặc, ta hiểu.”
Hắn nhìn ta rất nghiêm túc, nói với ta rằng, hắn không biết tại sao ta lại hiểu những điều đó, hắn cũng không muốn và cũng sẽ không truy hỏi. Chỉ là nếu thật sự có cách để giúp tất cả mọi người đều được no ấm, đó sẽ là niềm hạnh phúc cho dân sinh.
Hắn cúi sâu người, rồi ngẩng đầu nói, “Xin tiểu tiên sinh chỉ giáo.”
Đôi mắt của hắn rất đẹp, cảm giác mà chúng toát ra cũng rất quen thuộc, ya đã từng thấy trong ánh mắt của mẫu thân.
Ta suy nghĩ một chút, rồi gật đầu.
34
Cứ thế, hắn không vạch trần thân phận nữ nhi của ta, ta cũng không truy hỏi lai lịch của hắn. Coi như chúng ta chỉ là những cộng sự tạm thời đồng hành.
Ta đã vẽ lại bản thiết kế chiếc máy dệt mà hắn gửi đến đã được cải tiến một nửa, tuy vẫn còn cách xa khung cửi thực sự, nhưng hiệu suất đã có thể tăng lên gấp nhiều lần.
Quả nhiên, một tháng sau hắn đã gửi đến mấy cuộn vải thành phẩm, hắn còn vui vẻ nói với ta rằng, trước đây phải vài thợ dệt mới làm xong trong nửa ngày, thì bây giờ một người chỉ cần một canh giờ đã hoàn thành.
Chỉ cần có thể phổ biến, không lâu sau, có lẽ thật sự ai cũng có áo mặc đủ ấm.
35
Khi thu đến, tổ mẫu ta lên núi lễ Phật, trong nhà cũng thoải mái hơn đôi chút.
Ta và Trần Nhất gặp nhau tại học viện, hắn cho ta những phản hồi về các vấn đề trong thực tế, còn ta điều chỉnh lại bản thiết kế cho hắn.
Gặp nhau thường xuyên, một thời gian sau, ta cũng quen thuộc với các học viên ở đó.
Có một học viên trêu rằng ta gầy yếu quá, hắn vừa nhận được tiền công, lẽ ra nên mua hai cân xương lớn cho ta bồi bổ.
Hắn làm phụ bếp ở một quán ăn gần đó, sau giờ làm có thời gian thì ghé qua nghe học, hắn hứng chí, vô thức đưa tay định khoác vai ta, nhưng bị Trần Nhất ngăn lại.
Hắn cũng không để ý, lẩm bẩm vài câu rồi quay đi lo chuyện khác, ta quay lại nhìn hắn, thầm cảm ơn vì đã giải vây cho ta.
Tai hắn có chút đỏ lên, nhưng không nói gì thêm, chỉ bảo với ta rằng, hắn đã mời hơn một trăm lão nông có kinh nghiệm để thử nghiệm lúa lai của ta. Nếu mọi việc suôn sẻ, vụ mùa thứ hai năm sau sẽ có thể tiến hành chọn giống ban đầu.
36
Phụ thân ta đã đi bảy tháng, nghe nói tình hình dẹp loạn không tốt lắm. Tổ mẫu ngày ngày lên núi cầu phúc cho người, Tết cũng chưa về.
Đêm giao thừa trong phủ có chút lạnh lẽo, sau khi cúng tổ tiên xong, mẫu thân bảo các phòng trở về viện tự mình canh đêm, cũng thoải mái hơn.
Ta lười biếng ngồi trong phòng của mẫu thân, chuyện của Trần Nhất, mẫu thân đã biết từ lâu. Người gặp hắn một lần, cảm thấy hắn rất thích hợp để phát triển trong tổ chức. Vì vậy cũng mặc kệ ta làm gì thì làm.
Người tự mình còn bận rộn hơn nhiều.
Trong học viện, ta phụ trách chuyên môn, còn mẫu thân lo việc phát triển quần chúng, trong lĩnh vực này, ta rất tin vào khả năng tuyên truyền của người.
Có ngày nào đó, ở đâu đó mà có người giương cao lá cờ đỏ thì ta cũng không lấy làm lạ.
Qua giờ Tý, ta vui vẻ nhận tiền lì xì rồi trở về viện của mình. Ngồi trước gương, ta định cất giấu “kho vàng nhỏ” của mình, nhưng phát hiện trên bàn trang điểm của ta có một chiếc trâm cài.
Chiếc trâm có hình dáng rất đặc biệt, phần đỉnh được chạm khắc bằng ngọc hoàng kim, tạo thành những bông lúa tròn trịa, không quá tinh xảo nhưng rất đầy đặn. Dưới chiếc trâm là một tờ giấy.
“Tuổi già lại gặp xuân mới, mùa xuân này hoa càng rực rỡ.”
37
Sau tết, học viện mở cửa trở lại, có một số học viên không quay lại, nhưng đa phần vẫn tiếp tục theo học.
Trận tuyết đầu tiên của năm mới rơi xuống, Trần Nhất theo phản xạ giơ tay muốn phủi tuyết trên vai ta, nhưng dường như nhớ ra điều gì đó, tay hắn khựng lại.
“Chiếc trâm không đẹp sao? Sao không thấy nàng đeo?” Trong giọng nói dường như có chút tiếc nuối.
“Ừm…” Ta nghiêng đầu suy nghĩ,
“Cũng đẹp đấy, chỉ là không hợp với ta.”
Hắn cười, như ánh trăng rằm tỏa sáng, “Vậy lần sau ta sẽ mang cho nàng thứ phù hợp hơn.”
Ta không trả lời hắn, phía xa, vài học trò quen mặt đang gọi ta và hắn, họ lén mang theo tửu, muốn tranh thủ trước khi tháng Giêng qua đi để cùng nhau náo nhiệt.
Khó khăn lắm mới đợi đến khi tan học, ai nấy đều nóng lòng ngồi quây thành một vòng tròn, Trần Nhất vẫn cố gắng ngồi cách xa ta và những nam tử khác, hương thơm nhè nhẹ của nhựa thông thấm vào mũi ta.
Rượu được mang đến bởi người huynh đệ làm bếp trong quán ăn, vì học được toán ở đây, hắn ta đã trở thành người giữ sổ sách, tiền công cũng tăng lên, có thể coi là khá dư dả trong đám học trò.
Hắn ta mang đến loại rượu rẻ nhất từ quán, cùng với hai đĩa đậu phộng, cả đám bắt đầu tán chuyện rôm rả.
Ta liếc nhìn Trần Nhất, hắn đang cười chúc tết vài người lớn tuổi, rượu trôi xuống cổ họng, hắn không tỏ ra có chút ghét bỏ nào đối với loại rượu này.
Ta càng thêm khâm phục hắn, ở bên nhau lâu, ta cũng dần hiểu thêm về hắn. Dù chưa biết chính xác hắn là công tử của gia tộc nào, nhưng dường như thời thơ ấu của hắn khá khó khăn.
Hắn từng nói, hắn học được cách nhận biết rau dại là nhờ vào những ngày tháng khốn khó khi còn nhỏ.
Khi trưởng thành, hắn dường như đã sống ở biên cương vài năm, thường kể cho ta nghe về phong tục tập quán nơi đó.
Có lẽ chính vì điều này mà hắn trở thành người “nghịch ngợm đi ngược lẽ thường” và “đam mê khoa học” như bây giờ.
Khi rượu đã ngà ngà, một người bỗng lên tiếng đầy bí hiểm.
“Ta nghe tỷ phu làm việc ở phủ Hầu gia kể rằng, tiểu thư nhà Trấn Quốc Công sau khi ngã xuống nước năm ngoái, dường như đã trở thành một con người khác.”
“Trước đây nàng ấy có chút ngốc nghếch, nhưng đột nhiên trở nên thông minh, học được rất nhiều thứ.”
“Ta cũng nghe nói vậy! Giờ nàng ấy lợi hại lắm, thu phục hết thảy con cháu nhà Trấn Quốc Công, giờ cả nhà đều nghe lời nàng ấy.”
38
Sau khi trở về từ học viện, ta vội hỏi thăm các lão bà trong phủ về vị tiểu thư nhà Trấn Quốc Công này.
Lúc đó mới biết, Trấn Quốc Công tiểu thư, Tạ Tư Hoa, nửa năm nay đã nổi tiếng khắp kinh thành.
Giờ đây, nàng đã được xưng tụng là đệ nhất tài nữ của kinh thành. Lão bà phải cố lục lại trí nhớ mới nhớ ra, nàng còn làm một bài từ, lấy nhạc phủ “Thủy điệu ca đầu” làm tên.
Nghe đến đây, lòng ta chợt nặng trĩu. Bỗng nhiên ta hiểu ra tại sao khi gặp vị quý nữ ngoài phố hôm trước, ta lại có cảm giác quen thuộc như vậy.
39
Ta tìm gặp mẫu thân, nói với người rằng tiểu thư Tạ Tư Hoa có lẽ cũng xuyên không từ cùng thời đại với ta.
Ban đầu mẫu thân còn hào hứng, nhưng khi nghe nói nàng chính là người đã trừng phạt tiểu thư nhà thiếp thất trước tửu lâu, mẫu thân lại im lặng.
“Dù sao thì chúng ta cũng không nên đụng chạm đến nàng ta.”
Ta nghĩ, lý lẽ là như vậy, nhưng không hiểu vì sao trong lòng ta vẫn cảm thấy bất an.