Skip to main content
Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors
Cổ Đại KHẮP NÚI CỎ XUÂN Chương 3 KHẮP NÚI CỎ XUÂN

Chương 3 KHẮP NÚI CỎ XUÂN

7:45 sáng – 28/11/2024

Nhưng người khiến ta gai mắt nhất là kẻ cưỡi ngựa song hành bên nam chính.

Khoác trên mình trường bào màu xám đậm, thần thái ung dung, tĩnh lặng như trăng lạnh giữa đêm thu.

Là Cầm Tịch Sơn, kẻ đang đến đón vị vua tương lai của hắn nhập kinh.

Đoàn ngựa rầm rộ, bụi đất cuốn mịt mù, khí thế bức người. Trong khoảnh khắc, ta như bị kéo về ba năm sau, hình ảnh phụ thân ta bị hắn tuyên án lưu đày chợt ùa về.

Đội ngũ đã tới gần, tiếng huyên náo kéo ta về thực tại.

Cầm Tịch Sơn liếc qua ta một cái, ánh mắt hờ hững rời đi, như thể ta đã phạm phải tội lỗi tày đình.

“Ngươi là ai?” Một thuộc hạ của nam chính, mặt tròn phúng phính, quát lớn: “Gặp Thất điện hạ sao không hành lễ?”

Ta cười nhạt trong lòng, nhưng vẫn giữ vẻ mặt vô tội, đảo mắt một vòng rồi nhìn về phía Cầm Tịch Sơn, giơ giỏ cam trong tay lên:

“Ta nào biết Thất điện hạ là ai, ta tới đây là để hái cam cho phu quân ta.”

 

Cả tên thuộc hạ mặt tròn lẫn Thất hoàng tử đều quay sang nhìn Cầm Tịch Sơn.

Hắn cuối cùng cũng liếc lại ta, nhếch miệng cười nhạt: “Ai là phu quân của ngươi?”

“Quả nhiên là đồ vô lại,” ta mắng, “Mới mấy ngày trước còn gặp, nhận lễ của ta, hôm nay đã quên mất.

“Ngươi xử lý công văn, giải tấu sớ, cũng quên nhanh như vậy sao, Cầm đại nhân?”

Tâm trạng vốn đã chẳng tốt đẹp, lại bị hắn làm cho tức tối.

Nghe thế, tên thuộc hạ mặt tròn trợn to mắt nhìn ta, vẻ đầy kinh ngạc.

Thất điện hạ cũng tò mò mà nhìn Cầm Tịch Sơn.

Hắn bỗng cười nhẹ, vẻ như chẳng muốn chấp nhặt với ta: “Được, là vị hôn thê của ta.”

Hắn nâng cằm, chỉ về phía Thất điện hạ: “Đây là Thất điện hạ, nàng nhận ra chứ?”

Biết rồi, phiền chết đi được.

Ta cầm giỏ cam đã đầy ắp, mệt đến mức tay tê rần: “Ngươi xuống đây nhận giỏ cam.”

Lời chưa dứt, Thất điện hạ đã cười vang.

Cầm Tịch Sơn cũng nhếch môi cười nhẹ, càng khiến ta thêm bực bội.

Ta định ném giỏ cam rồi quay đi, may mà hắn ngoan ngoãn xuống ngựa, nhận lấy giỏ cam từ tay ta.

Ta thở phào nhẹ nhõm.

Buông giỏ cam, ta chỉnh lại y phục, cúi người hành lễ:

“Tiểu nữ bái kiến Thất điện hạ, vừa rồi không biết thân phận điện hạ, có chỗ mạo phạm, mong điện hạ thứ lỗi.”

“Đứng lên đi,” Thất hoàng tử cười vang, nói lớn:
“Sớm đã nghe nói vị hôn thê của A Sơn tính tình thẳng thắn. Nay được gặp, quả nhiên là thế.”

“Con người ai chẳng có tính khí, chỉ là xem có ai đủ bản lĩnh áp chế hay không thôi.” Ta đứng trong gió thu, nhẫn nhịn không để lộ vẻ tức giận.

Thất điện hạ rời đi cùng đoàn tùy tùng, chỉ để lại Cầm Tịch Sơn ở lại.

 

Ta và hắn đều chẳng vui vẻ gì, cứ thế lặng lẽ bước đi, không nói một lời.

Không cẩn thận, ta đá phải một hòn đá, suýt nữa thì ngã. May mà hắn nhanh tay đỡ lấy ta.

Ta vốn đã chuẩn bị tinh thần để bị hắn cười nhạo,  nhưng lại thấy hắn chỉ thản nhiên như một cây cổ thụ trầm ngâm, tìm một chỗ ngồi xuống, nhàn nhã nhìn ta:

“Hôm nay nàng làm sao vậy, sao mà cáu kỉnh thế?”

Ta giận thầm: “Chủ tử của ngươi vào kinh chẳng khác nào mang tai họa đến cho ta. Ngươi vui vẻ, ta tự nhiên bực bội.”

“Ngươi đúng là miệng lưỡi không tha ai.” Hắn vỗ vỗ chỗ ngồi bên cạnh:
“Ngồi xuống nghỉ chút đi, mệt rồi phải không?”

Ta quả thực có hơi mỏi chân, liền ngồi xuống, không tình nguyện lắm.

Tiểu Ngư đã rời đi để gọi xe ngựa.

Ta và hắn ngồi dưới bóng cây, lặng ngắm lá rơi.

“Sao lại tặng ta giỏ cam?” Hắn lên tiếng phá vỡ sự im lặng.

Ta nhàn nhạt đáp: “Bởi vì ngươi là bảo bối của ta.”

 

Hắn bật cười: “Nói chuyện nghiêm túc chút đi.”

Thế là ta nhích lại gần, nghiêng đầu, ánh mắt cong cong, từng từ một: “Bởi vì ngươi là, bảo, bối, duy, nhất, của, ta.”

Nói xong, ta thu mình lại, tiếp tục nhìn cây rụng lá, không để ý thấy hắn bỗng chốc sững lại.

Trên đường về, hắn ngồi trong xe ngựa, không nói gì, dường như đang đăm chiêu suy nghĩ điều gì đó.

Ta vừa buồn chán vừa bực bội, chẳng phải theo nguyên tác hắn vốn là kẻ giỏi ăn nói sao? Sao giờ lại nhưkhúc gỗ thế này?

Ta chọc vào tay hắn, cảm thấy rắn chắc: “Này, ngươi nói gì đi chứ.”

Hắn định mở miệng, nhưng ta nhanh chóng ngăn lại:
“Đừng giáo huấn ta, đừng chỉ trích ta, cũng đừng chất vấn ta, mấy thứ đó ta đều không muốn nghe.”

“Thế ngươi muốn nghe gì?”

“Kể chuyện tiếu lâm đi.”

“Không biết.”

“Cái đó cũng không biết, vậy thì khen ta hai câu.”

“Khen ngươi?” Hắn nhếch môi, giọng điệu mang theo sự chế giễu: “Ngươi có gì đáng khen? Tuy nhan sắc xinh đẹp, nhưng tính tình lại chẳng ra gì. Những tiểu thư nhà người khác đều hiền lành, nết na, thông hiểu lễ nghĩa. Còn ngươi, rõ ràng đọc nhiều sách, nhưng lại chẳng hiểu thế nào là lễ pháp.”

Ta tức muốn chết, giơ tay đấm hắn, hắn hơi nhíu mày vì đau, nhưng vẫn nói: “Tính tình quả thực không tốt.”

Ta không buồn để ý đến hắn nữa, quay ra nhìn phong cảnh bên ngoài.

Lại nghe hắn khẽ cười, rồi bất ngờ nói: “Thôi được, để ta khen ngươi một câu. Hừm… chữ của ngươi viết rất tốt.”

Ta: “?”

“Rất có khí phách của phụ thân ngươi.”

“???”

Cái gì cơ? Chữ của ta viết như gà bới, sao hắn lại nói thế?

Ta nhìn hắn chằm chằm, đột nhiên cảm thấy chẳng còn hứng thú để trò chuyện nữa.

Hắn thấy ta im lặng, liền trở nên bồn chồn, nói năng không ngừng, nào là mắt nhìn người tốt, nào là tính cách thú vị…

Tuy rằng hắn vẫn giữ vẻ cao ngạo, không chịu hạ mình, lời nói lại hơi gượng gạo, nhưng ta vẫn cảm thấy ngỡ ngàng. Hắn bị sao thế này? Tại sao lại cố gắng và dễ nghe lời đến thế?

Khiến ta đâm ra không đành lòng làm hắn mất mặt, chỉ đành cười gượng gạo mà gật đầu lấy lệ.

Khi xe ngựa dừng lại ở trước cửa Cầm phủ, hắn xuống xe, đi được vài bước lại ngoảnh đầu nhìn về phía ta. Cuối cùng, hắn để lại một câu nhẹ nhàng: “Ngươi cũng rất đáng yêu.”

Trong lòng ta như có cơn gió thoảng qua, mang theo chút cảm giác lạ lùng, khiến cơn bực dọc của ta giảm đi đôi chút.

 

12

Về đến phủ, ta lập tức chạy thẳng vào thư phòng của phụ thân, mở miệng câu đầu tiên:

“Cha, người nhất định phải ủng hộ Tam hoàng tử sao?”

Phụ thân ngẩng đầu lên, thoáng sửng sốt: “Khanh Khanh, sao con lại hỏi vậy?”

Ta nhìn mái tóc bạc trắng của người, cảm thấy mắt cay xè, liền nói: “Phụ thân có thể không tham gia vào tranh đoạt ngôi vị được không? Sẽ có người mất mạng đấy.”

Thân thể này của ta vốn dĩ đã nên chết yểu khi mới ba tuổi, nhưng nhờ ta xuyên đến mà miễn cưỡng sống tiếp.

Là một nhân vật vốn đã định sẵn cái chết, ta luôn tránh xa mạch truyện, không muốn can dự vào bất kỳ điều gì.

Khi biết phụ thân sắp xếp gả ta cho Cầm Tịch Sơn, ta cũng chỉ thoáng thấy mình như đang dần bước vào mạch truyện, cảm giác thật kỳ lạ.

Nhưng thật ra, ta chưa từng nghĩ đến việc thay đổi hướng đi của cốt truyện, bởi tác giả đã cho mỗi nhân vật trong sách một kết cục hợp lý nhất.

Người thích hợp nhất làm hoàng đế đã lên ngôi, thiên hạ thái bình, bá tánh an cư lạc nghiệp.

Nhưng để đến được cái kết mỹ mãn đó, con đường phía trước nhất định phải trải qua vô số máu và nước mắt, phải giẫm qua biết bao nhiêu xác người.

Có chiến tranh là có hy sinh, điều này không thể tránh khỏi.

Không thể tránh được.

Trong nguyên tác, Tam hoàng tử được cha ta ủng hộ, còn Cầm gia thì phò tá Thất hoàng tử. Cuối cùng, hai phe trở thành kẻ thù quyết đấu cho ngôi báu.

Tam hoàng tử bị vu cáo tham ô, phụ thân bị kết tội đồng lõa và bị lưu đày mấy chục năm.

Sau khi phụ thân ngã ngựa, thế lực Tam hoàng tử vốn đã lung lay nay hoàn toàn sụp đổ chỉ sau một đêm.

Thất hoàng tử lên ngôi, tân đế yêu mến nhân tài, vài năm sau lại triệu hồi phụ thân về triều.

Nhưng điều đó có ý nghĩa gì chứ?

Mười năm lưu đày đã khiến người cha mạnh mẽ của ta bạc cả mái đầu, lưng còng xuống vì khổ cực. Ông chỉ trở lại triều được một năm, rồi vì bệnh tật mà qua đời.

Khi đọc sách, ta luôn thở dài tiếc nuối cho ông. Dưới ngòi bút của tác giả, ông là một con người đáng kính, đáng thương và cũng đáng buồn, vì cứ cố chấp đi theo một con đường không lối thoát.

Suốt hai mươi năm xuyên không đến đây, ta sống một cách mơ hồ, nửa tin nửa ngờ vào số phận đã định sẵn trong sách.

Ta công nhận kết thúc của truyện là hợp lý, nhưng lại không thể chấp nhận được việc nhìn thấy phụ thân phải chịu cảnh như thế.

Ta vừa đấu tranh, vừa bất lực vì không thể thay đổi điều gì, điều này khiến ta đau khổ khôn nguôi.

Ta đã nghĩ, chỉ cần ở bên phụ thân thật nhiều, yêu thương ông nhiều hơn.

Khi ông bị lưu đày, ta sẽ dùng tiền để chăm sóc ông, giữ gìn sức khỏe để chờ đến ngày được hồi triều.

Vì vậy, khi ông bảo ta gả cho ai, ta đều đồng ý, chỉ mong ông được vui lòng.

Ta thật sự nghĩ rằng mình có thể chấp nhận mọi thứ xảy ra như vậy.

Nhưng hôm nay, khi tận mắt chứng kiến Thất hoàng tử hồi kinh, tâm trí ta hoàn toàn bị chấn động.

 

Lưu đày, lưu đày, đầu óc ta chỉ toàn hình ảnh phụ thân mặc áo mỏng manh giữa mùa đông giá rét, bị người ta cầm roi đánh, bắt làm việc khổ cực.

Ta nhớ đến đoạn miêu tả trong sách:
**Ông cụ gầy gò, tóc bạc trắng, nhưng lưng vẫn thẳng, từng bước, từng bước đi lên thềm ngọc, khí khái năm nào của một tể tướng vẫn còn thấp thoáng.

Vị tể tướng từng khuynh đảo triều đình, nay đã là kẻ tội đồ mười năm, bước vào đại điện, cúi mình hành lễ, hướng về người ngồi trên ngai vàng mà cao giọng hô: ‘Bệ hạ Vạn tuế.**

Ta khóc không thành tiếng.

Cuối cùng, ta bật khóc nức nở như một đứa trẻ.

Điều này khiến phụ thân hoảng sợ, ông ôm lấy ta, hốt hoảng hỏi ai đã bắt nạt ta.

Ta không biết phải nói sao, chỉ lắp bắp:


“Phụ thân, người có thể không ủng hộ Tam hoàng tử nữa được không? Đừng ủng hộ các hoàng tử khác nữa. Nếu người nhất định phải giúp, vậy người giúp Thất hoàng tử đi, được không?”

 

Ông ngừng lại, chờ ta bình tĩnh hơn, mới dịu dàng nhìn ta:
“Khanh Khanh, nếu không có Tam hoàng tử, sẽ không có phụ thân của con ngày hôm nay.”

Phải rồi, phụ thân của ta có lý tưởng, có niềm tin, có sự kiên trì của riêng mình.

Năm đó, khi bị đồng nghiệp chèn ép, quan trường lụn bại, chính Tam hoàng tử đã nhìn trúng ông, giúp đỡ ông, mới có một vị tể tướng như hôm nay.

Ơn tri ngộ ấy, phụ thân không thể quên, cũng không thể phản bội.

 

Ta biết mình không thể thuyết phục được ông.

 

Vừa lau nước mắt cho ta, ông vừa dịu dàng nói:
“Khanh Khanh, điều phụ thân lo lắng nhất vẫn là con. Chỉ cần con sống thật tốt, kết cục thế nào cũng được, phụ thân đều mãn nguyện.”