9.
Nhân gian có một loại người, so với việc nhanh chóng chiếm được con mồi, họ càng thích nhìn thấy con mồi tự sa vào bẫy.
Trần Ngọc Đình chính là loại người ấy.
Dẫu nàng tự xưng thanh cao, cũng không thể không động tâm trước vị trí Thái tử phi.
Nhưng nàng lại càng ưa thích việc trở thành trung tâm của sự ngưỡng mộ và bàn tán từ chúng dân.
Thái tử đối với Trần Ngọc Đình một lòng si mê, động trời cảm đất, hạ gửi đá băng giữa hè, đông lại dâng lò sưởi bằng ngọc thượng cống.
Lễ vật nàng nhận hết, nhưng vẫn giữ thái độ khách khí xa cách, tựa như để tránh nghi kỵ.
Nếu không có sự xuất hiện của ta, Thái tử có lẽ sẽ vì không thể chiếm được nàng mà càng thêm trân quý, mãi làm kẻ si tình không đổi.
Nhưng ta đã xuất hiện, và ta giống nàng hơn cả nàng, chính là phiên bản biết che giấu dục vọng và tâm tư của nàng.
Ta biết làm thế nào để lấy lòng những người thuộc trung tâm quyền lực hoàng gia, ví như phu nhân Bá Dương.
Dẫu người đời có đàm tiếu về ta ra sao, chỉ cần bà cảm thấy ta cúi đầu trước hoàng quyền, ngoan ngoãn thần phục Thái tử, tự hào vì ân thưởng của Thái tử, vậy là đủ.
Trần Ngọc Đình ngu xuẩn ở chỗ, nàng có thể mê hoặc hồn phách Thái tử, nhưng lại làm tổn thương thể diện của những người hoàng tộc khác.
10.
Kể từ hôm ấy, có phu nhân Bá Dương hậu thuẫn, chẳng ai dám ăn nói hàm hồ nữa.
Còn ta, đã trở thành khách mời được các gia tộc trong kinh thành tranh nhau mời đến dự yến hội.
Dù là cưỡi ngựa chơi bóng, ném hồ, hay thi hội làm thơ, cắm hoa, ta đều ứng phó hoàn mỹ.
Ngày tháng lần lượt trôi qua,thứ không đổi đó chính là sự vững chắc của ân thưởng hoàng quyền ta mang theo—đôi khuyên tai ngọc lan hoa và cây trâm ngọc hoa.
Ta từ ngày hè đeo chúng đến tiết lập thu—ngày mà nữ quyến các gia tộc công thần tiến cung vấn an Hoàng hậu.
Hoàng hậu nhìn ta phục sức, mỉm cười nói:
“Hàn Ngọc quả nhiên thanh nhã, chỉ là cũng nên may vài bộ hoa phục để tôn thêm vẻ quý phái của Hầu phủ.”
Ta cúi mình bái tạ, cung kính thưa:
“Phụ thân thường dạy rằng tiền tài là vật ngoài thân, tham lam không có lợi, chỉ dẫn chúng ta hiểu rằng quý trọng không bằng phù hợp.”
“Hầu phủ được mọi thứ đều nhờ ơn vua ban, thường ngày không dám vượt phận mà quên điều này.”
Hoàng hậu rất hài lòng, nói:
“Quả nhiên như nàng ta đã nói, ngươi hiểu chuyện.”
Khi rời cung, Hoàng hậu ban cho ta một xe trang sức, y phục , lại lệnh quản sự ma ma truyền lời:
“Cô nương này đang ở tuổi như hoa, nên mặc sao cho tươi trẻ kiều diễm.”
Trần Ngọc Đình đương nhiên cũng tiến cung, chỉ là dựa theo thứ bậc gia tộc, ta được ngồi trên nàng một bậc.
Hoàng hậu tinh lực có hạn, một khuôn mặt giống nhau đến lần thứ hai, dĩ nhiên bà không muốn tốn thêm thời gian nhìn lại.
11.
Sau tiết lập thu, phu nhân Bá Dương mở tiệc tại gia, mời quý tộc đến dự yến thưởng thức làm thơ. Lần này, Thái tử cũng tham dự.
Ở lần hội thi trước, Trần Ngọc Đình bị ta đoạt hết phong quang, lần này nàng chuyển sang họa tranh. Cúc hoa trong tranh nàng phác lên thanh nhã vô cùng.
Thái tử không tiếc lời khen:
“Tranh của cô nương Ngọc Đình, dẫu đối diện quốc thủ, cũng chẳng hề thua kém.”
Trần Ngọc Đình vừa khách khí cảm ơn Thái tử, vừa kiêu ngạo nhìn về phía ta, tựa như nói:
“Ngươi xem, ta chỉ cần khẽ động ngón tay, Thái tử liền đến.”
Theo ánh mắt nàng, Thái tử cũng nhìn về phía ta. Lần này ta không đeo đôi khuyên tai ngọc lan hoa Thái tử tặng, mà thay bằng trang sức Hoàng hậu ban.
Biểu cảm Thái tử lập tức thoáng chút ảm đạm, bởi chàng cũng biết ta luôn xem trọng đôi khuyên tai ấy:
“Hàn Ngọc cô nương, có biết vẽ tranh không? Nghe dì ta nói cô văn tài xuất chúng.”
Cuối cùng Thái tử vẫn không nhịn được mà hỏi.
Ta ngẩng đầu, khẽ mỉm cười:
“Thần nữ không biết vẽ, trước mặt tỷ tỷ Ngọc Đình, chỉ e múa rìu qua mắt thợ.”
Trần Ngọc Đình rất mãn ý, khi khách rời tiệc, nàng ngẩng cao đầu bước lên xe ngựa, suýt chút nữa trượt chân ngã.
12.
Tiết trời thu mát mẻ, ta cùng Định Quốc Hầu ra ngoại ô câu cá, thu được không ít cá tươi ngon.
Định Quốc Hầu lệnh người mang đến cho Thái tử một giỏ cá, kèm theo tấm thư pháp chàng luôn tìm kiếm bấy lâu.
Hôm sau, Thái tử gửi trả lại tấm thư pháp.
Hóa ra quản gia sơ suất, không gửi đi thư pháp mà lại là bức tranh “Thu nhật phong thu đồ”.
Quản gia quỳ dưới đất thưa:
“Hầu gia lệnh lấy từ thư phòng cuộn tranh đã chuẩn bị sẵn, tiểu nhân mắt mờ lấy nhầm.”
Thái tử lại không tức giận, chỉ nói:
“Không sao. Bản vương hôm nay mạo muội đến đây, chính là muốn hỏi lai lịch bức tranh, quả thực là tuyệt phẩm.”
Định Quốc Hầu bật cười:
“Đây là tiểu nữ Hàn Ngọc vẽ cảnh mùa thu thu hoạch ở nông gia sau hôm câu cá trở về. Khiến Thái tử chê cười rồi.”
Thái tử lộ vẻ vui mừng:
“Hầu gia khiêm tốn quá. Trình độ họa tranh của cô nương Hàn Ngọc, so với danh gia chẳng hề kém cạnh.”
“ Bản vương hôm nay may mắn được chiêm ngưỡng, thật mãn nhãn. Ngày sau nếu có cơ hội, nhất định xin thỉnh giáo Hàn Ngọc cô nương.”
13.
Từ sau khi xem bức tranh ấy, trong lòng Thái tử liền vấn vương.
Cách ba ngày hai bữa, chàng đều lấy cớ tìm thư pháp, luận bàn cung thuật, đánh cờ mà lui tới Định Quốc Hầu phủ.
Nhưng đúng lúc tiết thu trời sương xuống, gió mạnh, ta bị cảm lạnh, không tiện gặp khách, vậy nên vẫn chưa diện kiến Thái tử.
Tuy nhiên, bệnh nhân cũng cần vận động, ta liền vẽ vài bức tranh. Đơn giản chỉ là hoa cúc mùa thu, lá phong đỏ, chim nhạn giữa tiết thu và một cô gái tựa cửa ngắm cảnh khi bệnh.
Định Quốc Hầu thương nữ nhi, đem những bức họa ấy treo trong thư phòng, ngày ngày nhìn như thấy con gái.
Vậy là mỗi bức tranh, Thái tử đều ngợi khen. Chàng càng ca tụng tranh của ta, càng muốn gặp ta hơn.
Ta đoán thời cơ cũng đã chín, Định Quốc Hầu liền mở rộng lời mời, tổ chức tiệc mừng sinh thần phu nhân vào đầu tháng.
14.
Trong tiệc mừng sinh thần, ngoài việc bày tiệc hạng nhất, còn tổ chức nhiều hoạt động và phần thưởng, để các khách mời có thể vui chơi thỏa thích.
Phần thưởng của cuộc thi vẽ tranh là bức “Thu cư không sơn đồ“ của Ni Dần, bức họa này Trần Ngọc Đình từng sao chép nhiều lần.
Nàng dĩ nhiên nhiệt tình tham gia, cuối cùng giành được sự nhất trí khen ngợi của các quan khách.
Nhưng Thái tử vẫn chưa gật đầu, chàng nhìn bức tranh hồi lâu rồi hỏi:
“Hàn Ngọc cô nương không vẽ tranh sao?”
Ta khẽ che miệng ho một tiếng, đáp:
“Thần nữ không dám làm trò, hơn nữa bệnh vẫn chưa khỏi hẳn.”
Trần Ngọc Đình sắc mặt vô cùng khó coi, lần đầu tiên nàng nhìn thấy Thái tử tỏ ra có chút thất vọng với mình.
Nàng rụt rè hỏi:
“Thái tử điện hạ có phải thấy tranh của thiếp không đẹp?”
Thái tử lúc này mới nhận ra tâm tình người trong lòng không vui, bèn đáp:
“Tranh của cô nương Ngọc Đình, đương nhiên là tuyệt vời.”
Sau khi khách khứa rời đi, ta cùng Định Quốc Hầu ngồi trong thư phòng nhìn mấy bức tranh, ta cười nói:
“Dùng một bức tranh của Ni Dần, đổi lấy kết quả nàng không còn là lựa chọn ưu tiên nhất trong lòng Thái tử, quả thật đáng giá.”
Đây là lần đầu tiên, Thái tử biết rõ Trần Ngọc Đình thích điều gì, nhưng lại không hết sức vì nàng.
15.
Sau khi sức khỏe đã hồi phục, đúng lúc Thái tử đến thăm, mà Định Quốc Hầu lại đang ra ngoài luyện binh. Ta bèn cùng Thái tử ngồi chờ trong thư phòng:
“Hàn Ngọc cô nương, ta luôn muốn hỏi, cô nương có tài hội họa xuất chúng như vậy, cớ sao chưa từng thể hiện?”
Thái tử đã muốn hỏi câu hỏi này rất lâu.
Ta mỉm cười đáp:
“Trước đây, thần nữ chỉ nghĩ điện hạ là một công tử nhà phú quý. Sau khi biết thân phận của điện hạ, thần nữ lại nghe nói điện hạ và tỷ tỷ Trần Ngọc Đình của Bá tước phủ có tình ý sâu nặng, tất nhiên phải tự biết tránh né, không thể lấn át phong quang của tỷ tỷ.”
Nghe đến câu “tình ý sâu nặng”, rõ ràng sắc mặt Thái tử trầm xuống.Ta tiếp tục nói:
“Những điều này vốn là lời trong lòng thần nữ, cùng với cảm kích điện hạ ngày ấy ban cho đôi khuyên tai ngọc lan, xem thần nữ là tri kỷ nên mới nói ra.”
“Thần nữ cũng không phải kẻ không biết chừng mực. Dẫu dung mạo thần nữ giống tỷ tỷ tám phần, nhưng mọi việc cần xét thứ tự trước sau.”
“ Dù thần nữ có lòng, cũng chẳng thể dựa vào diện mạo mà đoạt lấy người trong lòng tỷ tỷ. Mong điện hạ thông cảm.”
Thái tử là người thông minh, tất nhiên hiểu ngụ ý của ta không chỉ dừng lại ở bức tranh:
Thái tư nghe ta nói xong bèn hỏi:
“Hàn Ngọc cô nương, nếu cô nương có hai tỷ muội giống nhau về dung mạo, tuổi tác, học vấn, một người kiêu ngạo xa cách, một người lại thân thiện vui vẻ sẵn lòng gần gũi, cô nương sẽ chọn ai?”
Ta cười đáp:
“Đương nhiên là người sau. Ta đâu phải kẻ ngu muội, tự chuốc khổ vào thân.”
Thái tử bật cười lớn:
“Bản vương cũng không phải kẻ ngu muội.”