Người ta thường viết rằng lang quân phúc thọ vô biên, còn trên danh thiếp này lại viết “nhi tử ta ngày chẳng còn nhiều.”
“Vị đại ca này sắp chết rồi, còn định lấy thê tử làm gì?”
Trên quầy dưa muối, mười thỏi vàng được bày ra, ánh sáng vàng rực làm chói mắt người nhìn.
“Thiếu gia nhà ta bệnh nặng, cưới thê tử một là để xua đuổi xui xẻo, hai là vì tính cách thiếu gia kỳ quái, phu nhân nói trong cả kinh thành chỉ có Thẩm cô nương với tính cách kiên cường mới trị được ngài ấy.”
Nói đến đây, phụ nhân nọ liếc quanh, rón rén ghé sát ta, hạ giọng nói: “Ngay cả thánh thượng cũng biết thiếu gia nhà ta sống không qua ba năm. Công tử thứ hai phủ Quốc công nhà họ Tạ, cô nương chỉ cần hỏi thăm một chút là rõ, tuyệt không dám lừa gạt cô nương. Tam tiểu thư nhà ta đã định thân với Thân Vương, sau này xin một đạo thánh chỉ phong cáo mệnh cho quả phụ cũng không khó. Ba năm này cô nương và thiếu gia ai sống đời nấy, sau này có tiền có tự do, lại không phải chịu cảnh nam nhân vướng bận, chẳng phải là sung sướng sao?”
Thật lòng mà nói, lời này khiến ta hơi dao động.
Nhưng ta không muốn đánh cược thêm lần nữa.
Ta đẩy đống vàng trả lại: “Phu nhân nhà họ Tạ có lòng tốt, nhưng quầy dưa muối nhỏ này đủ cho ta và Nha Nhi sống qua ngày.”
Nghe ta từ chối, phụ nhân họ Tạ chẳng hề giận, vẫn hàng ngày đến mua dưa muối, để lại danh thiếp của nhị gia nhà mình bên cạnh.
Trái lại, Nha Nhi, nửa tháng nay chẳng thấy đâu.
Ta nghĩ rằng có lẽ Lục mẫu quản chặt nàng, không cho nàng chạy lung tung.
Nhưng không ngờ, hôm ấy trời mưa lớn, khi ta dọn hàng về, liền thấy Nha Nhi nằm vật trước cửa.
Toàn thân nàng nóng đến mức đáng sợ: “Tẩu tử… ta đau quá…”
Đại phu nói Nha Nhi mắc bệnh ho gà, đưa đến quá muộn, sốt cao mấy ngày liền không hạ.
Tiền mua thuốc, tiền xem bệnh như nước chảy qua tay, ngày ngày không thấy đáy.
Nha Nhi thường sốt mê man, tỉnh dậy không bao lâu, liền níu tay áo ta khóc: “Tẩu tử, mẫu thân ta không quan tâm đến ta, tẩu cũng đừng bận tâm. Ta không muốn làm gánh nặng cho tẩu.
“…Hôm đó ta nghĩ rằng ta sẽ chết, mới muốn đến nhìn tẩu lần cuối.”
Khóc mệt rồi, nàng lại dựa vào ta ngủ say.
Lục mẫu không thích Nha Nhi, mắng nàng là đồ hạ tiện, đê tiện.
Lục Tướng Chấp đối với người muội muội gầy gò, co rúm lại này cũng chẳng để tâm.
Cô nương trong làng mặc áo bông hoa, còn áo bông rách của Nha Nhi vá đi vá lại, mỏng như tờ giấy cũ.
Ngày ta gả vào nhà họ Lục, Nha Nhi lấy hết can đảm đứng chặn đường ta.
Quần áo mỏng manh, lời cảnh cáo của nàng cũng yếu ớt như chính nàng: “Ngươi mà dám bắt nạt ta, ta sẽ bảo ca ca đuổi ngươi!”
Ba ngày sau khi ta về nhà phu quân, ta dùng vải đỏ trong của hồi môn, làm cho Nha Nhi một chiếc áo bông đỏ rực.
Nha Nhi ôm chiếc áo đỏ ngẩn ngơ hồi lâu, rồi bật khóc nức nở.
Từ đó trở đi, Nha Nhi liền đi theo ta không rời.
Ban đầu, Lục Tướng Chấp không thích ta, bà bà đối với ta cũng muôn vàn khó dễ.
Nhưng mẫu thân từ nhỏ đã dạy ta, làm thê tử cần phải khiêm nhường, hiếu kính, không thể để trong nhà sinh thêm khẩu thiệt thị phi.
Lục mẫu mắng ta lười biếng, Nha Nhi liền thay ta biện bạch trước mặt Lục Tướng Chấp.
Lục mẫu không muốn ta và Lục Tướng Chấp thân cận, Nha Nhi liền bịa chuyện rằng không có lúc nào ở riêng, vì nàng cũng luôn ở đó.
Ngay cả sở thích và tính tình của Lục Tướng Chấp, Nha Nhi cũng lén nói cho ta biết: “Ca ca ta thích ăn mì, người nghèo nhưng lại sĩ diện.”
Suốt bốn năm qua, có Nha Nhi bên cạnh, cuộc sống của ta dễ thở hơn nhiều.
Ta không thể mặc kệ nàng.
Ta nhận lấy danh thiếp nhà họ Tạ: “Ta không cần sính lễ, chỉ cần nhà họ Tạ chữa khỏi bệnh cho nàng.”
3
Nhà họ Tạ mời thái y trong cung đến, thuốc thang đều dùng loại tốt nhất.
Bệnh tình của Nha Nhi từng ngày một chuyển biến tốt đẹp.
Ta nhận danh thiếp của nhị gia nhà họ Tạ, tin tức ta sắp tái giá với họ Tạ đã truyền khắp nơi.
Kịch Truyền kỳ nàng Minh Chúc ở Đường Lê Viên bên cạnh đã diễn đến đoạn nàng Mình Chúc cứu tiểu cô, dâng thân mình nộp vào miệng hổ lang.
Ta ngồi nghe hoa đán trên sân khấu đưa mắt liếc qua liếc lại, ánh mắt sầu như lan, lệ như sương.
Vé khó mua, nhưng lại tiện cho người bán hàng như ta ở bên kia sông, nghe trọn vẹn không sót.
Người ta xem xong, vừa chửi mắng trạng nguyên lang, vừa chửi cả hổ lang nhà họ Tạ.
Sau đó, họ lại ghé qua quầy dưa muối của ta, nhắc nhở rằng dù khó khăn thế nào cũng phải sống tốt.
Tuy nhiên, cũng có kẻ không mời mà đến.
Chính là Lục Tướng Chấp.
Hắn chặn trước quầy dưa muối của ta: “Người mà ngươi sắp lấy, Tạ Vô Dương, ta biết rõ. Hắn từng ở chỗ tiên sinh Lưu Sơn Nhân, ta và hắn đã có không ít hiềm khích, ngay cả tiên sinh cũng chẳng ưa nổi tính khí cuồng ngông của hắn.”
Lưu Sơn Nhân là một đại nho nổi danh ở Liêm Châu, từng giảng kinh cho hoàng tử, cả hai phe cũ mới đều muốn kéo về, nhưng ông từ chối làm quan, ở ẩn trên núi Hạc, ngắm hoa uống rượu làm vui.
Ta từng đội nắng đội mưa, gánh dưa muối lên núi, lấy nước ngọt trong núi nấu trà cho ông.
Đổi lại, ông nhận Lục Tướng Chấp làm môn sinh.
“Huống hồ, ngươi cứng nhắc tẻ nhạt, chẳng hiểu phong nhã, hắn rất nhanh sẽ chán ghét ngươi.”
Ta nhìn Lục Tướng Chấp, bất giác tự hỏi từ khi nào hắn lại khinh thường ta đến vậy.
Rõ ràng ngày trước, khi phụ mẫu ta mất, hắn từng thề trước mộ rằng sẽ không nạp thiếp, sẽ đối xử tốt với ta.
Rõ ràng hắn cũng từng thức đêm chép sách kiếm tiền, chỉ để mua cho ta một chiếc trâm bạc, rồi nói rằng có được người thê tử như ta là phúc ba đời.
“Ngay cả chiếc thuyền kia cũng là rạp hát của Tạ Vô Dương, nuôi đào kép và kỹ nữ làm vui. Ngươi thử nhìn lại mình, cũng chẳng phải dung mạo khuynh quốc khuynh thành. Hắn cưới ngươi, chưa chắc đã thật lòng, phần nhiều là muốn đối đầu với ta.”
Đang nói, chiếc thuyền hoa kia tiến gần, neo vào bờ.
Chợt thấy hoa đán trên thuyền đứng tựa lan can, cách một dòng nước, cười duyên đến rung cả thân:
“Lục công tử, ngươi tự xem mình cao quá rồi.”
Nghe thấy lời trào phúng, Lục Tướng Chấp không vui, quay lại nhìn.
Chỉ thấy một nữ nhân ngọc thụ giai nhân, hắn lập tức dịu giọng: “Vậy cô nương cho rằng, Tạ Vô Dương vì cớ gì lại muốn cưới một thê tử bị hưu như nàng ấy?”
Nàng ta lười biếng liếc nhìn Lục Tướng Chấp, rồi lại đưa ánh mắt đầy ý cười về phía ta: “Người đời đều nói, lấy thê tử phải lấy người hiền, nhưng chẳng ai cưới về rồi mới biết nàng hiền hay không. Thê tử của ngươi hiền thục, vậy ta lấy thôi.”
Ta sững sờ nhìn hoa đán trước mắt, mới nhận ra nàng vóc dáng cao lớn, chỉ vì vừa rồi ngồi nên không nhận ra.
Lục Tướng Chấp lúc này mới phát hiện ra người trước mặt là kẻ thù cũ của hắn – Tạ Vô Dương, liền giận dữ quát: “Tạ Vô Dương! Ngươi hóa trang thành hạng thấp kém thế này, không thấy xấu hổ với danh nghĩa kẻ đọc sách hay sao? Thẩm Minh Chúc, ngươi nghe rõ rồi đấy, hắn cưới ngươi chẳng qua là để đối nghịch với ta thôi!”
Ta nhìn Tạ Vô Dương trước mặt, mặc xiêm y diễn kịch, hóa thân thành hoa đán, trong lòng cũng bắt đầu bối rối.
Khi xưa Lục Tướng Chấp từng học chung với hắn, kể với ta rằng hắn là kẻ ăn chơi lớn lên trong nhung lụa.
Mười tuổi, Tạ Vô Dương đã mang danh thần đồng vang danh khắp kinh thành.
Mười bốn tuổi, một bài cổ thể phú trước thánh thượng khiến mọi người kinh ngạc, được ban thưởng mũ miện và áo dài rộng.
Mười bảy tuổi, lên núi Hạc, bái nhập môn hạ của Lưu Sơn Nhân.
Mọi người đều cho rằng tương lai hắn sẽ vào triều làm quan, tiền đồ rộng mở không gì sánh được.
Thế nhưng, năm mười chín tuổi, hắn lâm trọng bệnh một trận, tỉnh lại liền đóng giường thành quan tài, gõ bát mà hát.
Hắn nói mình trong mộng mắc bệnh, không sống qua nổi ba năm.
Đã không sống nổi ba năm, thì chi bằng sống cho sảng khoái.
Từ đó, hắn liền hóa điên.
Không đọc sách nữa, chỉ vui chơi hưởng lạc.
Làm khúc hát phong tình, vẽ tranh xuân cung, nếu hứng lên còn tô phấn hát tuồng, cùng đám hạ lưu qua lại.
Từ đó về sau, không còn ai nhắc đến thần đồng Tạ Vô Dương năm xưa.
Chỉ còn lại Tạ nhị lang – kẻ ăn chơi, lưu manh, vô lại, và bậc đê tiện phong trần.
Tạ gia thật sự cho rằng ta có thể khiến hắn quay về chính đạo sao?
“Hồi trước thánh thượng từng để ta chọn Hoa Điểu Sứ nhập cung, bất kể mỹ nhân chốn nhân gian hay tiên nữ nơi cung Quảng Hàn, lòng ta cũng chưa từng gợn sóng. Thế nhưng năm xưa trên núi Hạc, thấy nương tử giặt lụa gánh nước, đầu cài trâm gỗ, mặc áo vải thô, lại khiến ta một lần trông thấy mà khắc cốt ghi tâm.”
Lời hắn nói khiến hai má ta nóng bừng, không khỏi cúi thấp đầu.
Tạ Vô Dương mặt phấn má đào, cười rạng rỡ như sóng nước ánh trăng: “Tạ mỗ thấy, cô nương tốt như vậy, không nên sống một đời khổ cực như thế.”
4
Lễ vật Tạ gia gửi tới chất đầy cả sân.
Nhà ta thuê trọ cách nhà Lục Tướng Chấp một con phố.
Đoàn xe đưa lễ cưới kèn trống rộn ràng, kéo dài từ đầu phố tới cuối ngõ, nhìn không thấy điểm cuối.