Nha Nhi chưa từng thấy thứ gì đẹp đẽ đến thế, dè dặt sờ thử món này, ngắm nghía món kia, thì thầm hỏi:” Nghiêm di, đây là sính lễ của tẩu tử ta sao?”
Lúc này ta mới biết, người phụ nhân thường ghé qua quầy dưa muối của ta là quản gia nhà họ Tạ, họ Nghiêm.
Nhìn Nha Nhi lanh lợi, nàng cười nói: “Đây không phải sính lễ, mà là nhị công tử nhà ta tự mình tặng riêng cho cô nương, phấn son váy áo để cô nương thêm đẹp, yến sào a giao để dưỡng nhan.”
Sắc mặt Lục Tướng Chấp thoắt trở nên khó coi.
Vì khi xưa ta gả cho hắn, sính lễ chỉ có hai cuộn vải đỏ và ba lượng bạc.
Hắn tự cho rằng Tạ Vô Dương lấy ta không phải thật lòng, chỉ để chọc tức hắn, xem hắn như trò cười.
Giờ đây, những lễ vật Tạ Vô Dương tự mình tặng riêng đã khiến hắn càng thêm lu mờ, bần hàn thua kém.
Nghe thấy yến sào a giao, ánh mắt Lục mẫu sáng lên vẻ tham lam: “Yến sào a giao nhiều như thế, nó ăn hết được sao? Một ngày là bà bà, cả đời là bà bà, chỉ cần ta mở miệng, nó dám không đưa?”
Cô nương Bạch Linh đứng một bên, sau khi vào Lục gia nàng đã tiều tụy hơn nhiều, chắc hẳn những quy củ phạt đứng, hầu thuốc như xưa Lục mẫu từng hành hạ ta, nay cũng đổ hết lên người nàng.
Nhìn đống váy áo và trang sức chất đầy, trong mắt nàng thoáng hiện vẻ ghen tỵ, nhưng lại cúi đầu, sợ Lục Tướng Chấp không vui.
“Nhị công tử nhà ta biết Thẩm cô nương tấm lòng lương thiện, nên còn tặng thêm bốn nha hoàn và hai bà tử để hầu hạ.”
Nghiêm quản gia đã làm việc lâu năm, lời nói dường như ôn hòa nhưng ngấm ngầm sắc bén.
“Người hầu trong phủ nhà chúng ta không thể so với nhà khác, miệng lưỡi ít nhiều không có quy củ, nếu có kẻ nào mưu đồ bất chính, cũng đừng trách họ nói những lời khó nghe.”
Đám nha hoàn sắp xếp lại lễ vật, chỉ còn một chiếc hòm dưới cùng mà Tạ Vô Dương dặn dò phải để tự ta mở.
Đó là một chiếc hộp sơn mài tinh xảo, so với hộp đựng trân châu ngọc bích còn phần tinh tế hơn.
Mở ra lại chẳng phải là trang sức, mà là văn phòng tứ bảo.
Giấy Tuyên Châu, mực Huy Châu.
Bút Hồ Châu, nghiên Đoan Châu.
Nhớ đến lời Tạ Vô Dương từng nói rằng hắn đã gặp ta trên núi Hạc, lòng ta không khỏi rung động.
…Chẳng lẽ chuyện ta làm ngày đó trên núi Hạc, hắn đều đã thấy?
Ngày xuất giá, Nha Nhi lưu luyến không muốn xa ta, nhưng cũng mừng cho ta: “Tẩu tử, ta tuy chưa từng gặp Tạ gia ca ca, nhưng ta cảm thấy ca ca ấy là người tốt.”
“Nha Nhi ngốc, người ta chỉ vài bát chè ngọt đã mua chuộc được ngươi rồi sao?”
Đám nha hoàn hầm yến sào a giao, Nha Nhi cũng ăn theo nửa tháng, trên mặt đã thêm chút thịt.
Nha Nhi gạt tay ta khi ta véo má nàng, nghiêm túc nhìn ta: ” A Chúc tỷ tỷ, ta không muốn gọi người là tẩu tử nữa, dù ta thật lòng muốn tỷ làm tẩu tử của ta, làm cả đời. Nhưng ta biết, tỷ lấy ca ca ta, chưa từng có một ngày sống tốt. Mẫu thân ta và ca ta đều không phải người tốt. Người khác khen tỷ là hiền phụ, nhưng ta thấy tỷ sống chẳng hề vui vẻ. Ta từng thấy tỷ dùng nước viết chữ viết thơ trên đá dưới chân núi Hạc, thấy tỷ đứng ngoài học đường nghe rất lâu, cũng thấy tỷ lén xem bài tập của ca ca ta. Lúc đó, ta đã nghĩ, A Chúc tỷ tỷ thật sự, luôn bị tẩu tử giấu đi rồi.Dù người khác nói Tạ gia ca ca không tốt, dù ta không quen biết Tạ gia ca ca, nhưng hôm đó ta nhìn thấy những thứ trong chiếc hộp đỏ, ta cảm thấy Tạ gia ca ca, chắc chắn đã từng thấy tỷ tỷ thật sự của ta.”
Ta lặng người nghe xong lời nàng, không ngờ viền mắt lại đỏ lên, vừa cười vừa mắng: “Lại nghe được lý lẽ này ở đâu ra thế?”
Nha Nhi lắc đầu, cười đầy đắc ý: ” A Chúc tỷ tỷ của ta thông minh, đã lừa được bọn họ rồi.”
Nhưng rồi sao chứ? Người ta vì danh tiếng hiền lương của ta mà cưới ta vào cửa.
Sau này, ta chẳng qua cũng sẽ đội lớp mặt nạ hiền phụ, sống cầm chừng từng ngày mà thôi.
Họ Thẩm ở Lâm huyện vốn nổi danh hiền phụ, không ít người được dựng cột trinh tiết, ghi danh vào huyện chí, người người ca tụng.
Nhưng kỳ thực, khi chưa xuất giá, ta vốn chẳng theo nề nếp gì cả.
Những quy củ và giáo huấn nhà họ Thẩm nghe qua đã buồn cười, lúc nhỏ ta cứ nghĩ đó là vì các cô cô không thông minh bằng ta, nên mới bị lừa.
Tại sao khi gả đi, ta lại trở thành một người rỗng tuếch, nuốt mọi đắng cay mà vẫn phải cười đón lấy?
Sau này, mẫu thân ta nói với ta rằng: “Lời người đời là con dao giết người không thấy máu, là thứ tồi tệ nhất trên đời. Danh tiếng mà nữ nhân họ Thẩm chúng ta gầy dựng qua các thế hệ, vừa là gông cùm, vừa là phao cứu mạng.”
Lúc đó, ta chưa hiểu. Chỉ biết rằng nếu ta làm hỏng danh tiếng, thì các nữ tử họ Thẩm sau này sẽ không có ngày nào dễ sống.
Giống như bây giờ, ta và Lục Tướng Chấp hòa ly, nếu ta không có danh tiếng tốt, làm sao có người đưa tay ra giúp ta?
Ta vuốt nhẹ đầu Nha Nhi: “Nha Nhi thông minh, nhưng lừa người khác, đừng để bản thân cũng bị lừa.”
Nếu thế gian khắc nghiệt với nữ tử, cúi đầu để sống cũng chẳng sao.
Nhưng tuyệt đối không được tìm ra niềm vui trong những ngày làm nô lệ.
5
Mọi nghi thức đã hoàn tất.
Ta ngồi ngay ngắn trong phòng, siết chặt vạt áo trên đầu gối.
Ánh đèn sáng rực khắp gian, ánh hồng phủ lên muôn ngả, sao trời lấp lánh.
Khi gương mặt Tạ Vô Dương tiến gần dưới tấm khăn đỏ, cả căn phòng như mất hết ánh sáng.
Trước mắt hắn mặc hỉ phục đỏ rực, rõ ràng đã tẩy đi lớp dầu phấn, nhưng dung mạo lại càng đậm nét cuốn hút.
Bộ hỉ phục ôm lấy bờ vai rộng, eo thon của hắn, khiến ta không khỏi nhớ đến ngày trên thuyền hoa, hắn hóa thân thành hoa đán cũng nghìn phần yêu kiều.
Tạ Vô Dương nhếch môi cười, vẻ hồn nhiên như đứa trẻ vừa nhận được kẹo ngọt: “Ồ, A Chúc đã là nương tử của ta rồi.”
Tẩy đi lớp trang điểm, hắn lười biếng tựa người về phía sau, thấy ta vẫn ngay ngắn ngồi nghiêm chỉnh.
Hắn duỗi tay kéo lấy eo ta, thuận thế nằm xuống cùng một chỗ.
Nhìn lên màn đỏ trên đầu, ta không dám buông lơi, liền hỏi hắn: “Ngày mai giờ nào dâng trà ra mắt bà bà?”
Vừa dứt lời, Nghiêm quản gia của phủ Tạ đã tới, đứng ngoài cửa cười truyền lời: “Lão gia phu nhân đã nói, gả vào đây đã thiệt thòi cho nương tử, không cần dâng trà, không cần hỏi thăm, tiền trong khố phòng, không có việc thì không ai làm phiền.”
Ta có chút không tin, kéo tay áo Tạ Vô Dương: “Quản gia tiệc tùng, hầu hạ canh thuốc, ta đều có thể làm tốt.”
“Những chuyện đó không cần nàng bận tâm, nàng chỉ cần cùng ta ăn chơi vui vẻ là được.”
Không thể nào.
Mẫu thân ta từng dạy, nữ tử trên đời, một khi xuất giá, chính là từ giã những ngày tháng tự tại vô lo của nữ nhi nhà mình.
Nương nhờ người khác, nếu còn giữ thói quen tự chuyên như ở nhà mẹ đẻ, tất sẽ bị người ta chỉ trỏ, thậm chí bị nhà phu quân ruồng bỏ.
Huống chi ta chưa từng hy vọng việc gả cho Tạ Vô Dương sẽ mang lại một cuộc sống tốt đẹp.
“Vậy còn gì nữa?”
“Có đấy, nhưng nàng làm được không?”
“Được.”
Tạ Vô Dương bỗng chốc ghé sát mặt lại, chỉ vào mình, cười đầy vẻ vô lại: “Hôn môi rồi ngủ chung.”
Ta đột nhiên thấy đầu hơi đau.
“Ta thật đau lòng.” Tạ Vô Dương gối tay sau đầu, dài giọng than thở, “Ta vốn đã chẳng còn sống được bao lâu, vậy mà ngay cả hôn môi cũng không cho.”
Ta thật sự không nói nổi hai chữ “hôn môi”, không hiểu sao hắn có thể mặt dày mà treo mãi trên miệng.
“…Ngươi thật sự không sống được lâu sao?”
“Nương tử hy vọng ta sống lâu chăng?”
“…Tự nhiên là vậy.”
“Nói dối.” Tạ Vô Dương liếc qua đã nhìn thấu ta, “Ôi, ta biết nương tử cũng mong ta sớm chết mà.”
Không phải như thế.
“Ta không hiểu rõ ngươi, phần lớn chỉ nghe qua lời đồn, nói rằng ngươi phóng đãng, ăn chơi, nếu thật như lời đồn, ta không mong ngươi sống lâu.” Ta ngồi thẳng dậy, thở dài, “Nhưng nếu ta hoàn toàn tin vào lời đồn, e rằng không công bằng với ngươi.”
“Nương tử lại không dựa vào lời đồn để hiểu ta.” Hắn chống tay cười, “Vậy ta phải nỗ lực để không khiến nương tử thất vọng.”
“Tạ gia muốn ta quản thúc ngươi, để ngươi chuyên tâm đọc sách, giữ lấy danh tiếng tốt.”
“Ta hiểu rồi, nương tử muốn ta đọc sách đúng không?”
Ta khẽ gật đầu.
“Vậy nếu ta đọc sách nghiêm túc, có thể hôn môi không?”
…
“Được hay không nào.”
6
Tạ gia mời Lưu Sơn Nhân ra tay, chuyện Tạ Vô Dương phải nghiêm chỉnh đọc sách lập tức làm kinh động khắp kinh thành.
Ngay cả thánh thượng cũng đùa rằng, “Lãng tử hồi đầu quý hơn vàng”, muốn xem nhị lang nhà hắn học hành ra sao.
Tạ nhị lang muốn đọc sách, giờ đây vở Truyền kỳ nàng Minh Chúc ngừng diễn, ngay cả Lười vấn tóc và Chậm cài hoa mà các nương nương trong cung yêu thích cũng không còn hồi tiếp theo.
Ta lật qua đống sách trên bàn hắn, mới biết những vở kịch nổi tiếng khắp kinh thành kia đều là do hắn viết.
Mùa hạ dài, gió thổi qua hành lang, bóng trúc lay động.
Khép lại cuốn kịch bản, những lời hát vẫn như đọng lại hương thơm nơi đầu lưỡi.
Tạ Vô Dương lười nhác lấy sách che lên mặt, nằm nghiêng mắt khép, chẳng giấu được vẻ đắc ý: “Mau khen ta đi.”
Ta không có thời gian để khen hắn, phải đi chuẩn bị cơm nước cho Lưu Sơn Nhân.
Khi trước, Lục Tướng Chấp ở núi Hạc, ta thường mỗi ngày hai lần mang cơm lên núi cho họ.
Lưu Sơn Nhân vào mùa hạ thường muốn ăn cá ướp lạnh kèm cháo hạt bo bo và bách hợp, đều là những món tốn công.
Ta đứng dậy định đi, nhưng Tạ Vô Dương đã kéo lấy dải lưng ta, thuận thế ôm ta vào lòng: “Đã nói rồi, nương tử phải ở bên cạnh ta đọc sách, nếu không ta không xem được.”
Ta vừa thẹn vừa giận, muốn đẩy hắn ra: “Không phải ngươi nói, chỉ cần… hôn môi là đủ sao?”
“Không đủ.” Tạ Vô Dương cười vô lại, “A Chúc có việc nhờ ta, đương nhiên phải nghe lời ta.”
Bước chân Lưu Sơn Nhân gần đến, ta đành mềm giọng: “Được, ta ở phòng bên nghe.”
“Không được, phải ngồi cạnh ta.” Tạ Vô Dương chống tay, cười gian, “Nếu không, ta nghe không vào.”
Thật lòng mà nói, ta cũng muốn nghe Lưu Sơn Nhân giảng.
Khi trước, Lưu Sơn Nhân thu nhận môn sinh, đề bài nhập học là nửa bài thơ.
Lần đó, khi ta gánh dưa muối lên núi Hạc, dọc đường nghĩ mãi mới được hai câu.
Buổi tối, ta viết nửa bài thơ còn lại đưa cho Lục Tướng Chấp xem, tưởng rằng hắn sẽ khen ngợi tài học của ta.
Hắn không khen, chỉ lạnh lùng nhìn ta một cái: “Chỉ vì cái này mà hôm nay ngươi mang cơm muộn?”
Từ đó, ta không bao giờ nói thơ từ với Lục Tướng Chấp nữa.
Nếu có cảm hứng, ta chỉ nhúng nước viết vài bài lên đá bên suối.
Chữ trên đá hoặc bị nước rửa trôi, hoặc bị ánh nắng làm khô cạn.
Không ai nhìn thấy, không ai hay biết.
…Cũng chẳng ai cười nhạo ta.