4
Một năm trước, ta nhàn rỗi vô sự nên đi theo khuê mật, khuê mật lại theo bạn của nàng, vòng vo mấy lượt thì đi tới tận phủ Trung thừa vốn chẳng liên quan gì ta, để xem một con lừa hoang nuôi trong phủ.
Con lừa hoang tên là Hoan Hỉ, dáng vẻ vô cùng khôi hài, tiếng kêu như gã đàn ông bốn mươi tuổi cười ngớ ngẩn.
Các tiểu thư trước mặt Hoan Hỉ, cười đến mức không thở nổi, nhưng ta lại chẳng cười nổi.
Bởi vì năm ta mười hai tuổi, bản tính ngang ngược nên đã tự mình rèn một thanh kiếm, mộng tưởng hành tẩu giang hồ.
Ta còn đặt cho mình một cái biệt danh, cũng gọi là Hoan Hỉ.
Nay nghe bọn họ gọi Hoan Hỉ, con lừa hoang Hoan Hỉ lại cười ngốc như ta lúc mười hai tuổi, lòng ta bốc hỏa, phất tay áo đi về phía không người.
Khuê mật gọi:
“Công chúa đi đâu vậy!”
Ta hậm hực đáp:
“Đi nhà xí!”
Vòng qua một bức tường, xuyên qua rừng trúc tím, bên ngoài rừng là thư các. Ta mặt mày sa sầm, đôi mắt đỏ hoe, vén váy ngồi dưới rừng trúc tím mà giận dỗi.
Chợt nghe giọng nam lạnh lùng vang lên:
“Nhà xí ở phía đông, xin đừng tùy tiện đi bậy.”
Ta ngẩng đầu nhìn, thấy cửa sổ lầu hai thư các mở, một tấm rèm mỏng nhẹ bay, sau rèm có một công tử, bóng dáng mờ ảo, không nhìn rõ được.
“Ai đi bậy? Ngươi là ai?”
Công tử không đáp.
Chợt một cơn gió nổi lên, rèm bay ra ngoài cửa sổ, lộ ra áo quần màu sương núi của công tử, cùng một gương mặt lạnh lùng tuấn mỹ đến mức khiến người ta nghẹt thở.
Có lẽ sợ ta nghẹt thở chết tại chỗ nên rèm nhanh chóng rơi xuống, che lại bóng dáng công tử áo sương núi, nửa gần nửa xa, nửa ẩn nửa hiện, vô cớ khiến lòng người bồi hồi bất định.
Ta nhìn đến ngây dại.
Nhẹ bước muốn trèo lên lầu các, hái lấy vầng trăng lạnh lẽo ấy.
Chợt nghe công tử nói:
“Tiểu thư dừng bước.”
Giọng của chàng có một sức mạnh khiến người ta phải tin phục, dù trong lòng không cam, ta vẫn ngoan ngoãn dừng chân:
“Vậy ngươi nói cho ta, ngươi họ gì tên chi, thân phận ra sao?”
Đợi cả buổi, chẳng thấy động tĩnh gì.
Ta nhìn kỹ lại, trong cửa sổ nào còn bóng dáng công tử nào, chỉ còn tấm rèm trắng nhẹ nhàng lay động trong gió.
Ta bị vị công tử lạnh lùng ấy mê hoặc tâm hồn, liền gọi Lý phu nhân đến hỏi:
“Trên lầu các ngoài rừng trúc tím trong phủ có một vị công tử thần bí, ẩn ẩn hiện hiện, không chịu gặp mặt. Đó là ai trong phủ?”
Lý phu nhân sững người, một lúc sau mới cười gượng mà đáp:
“Hẳn là tiểu nhi Tống Chân, thấy công chúa mà ngại ngùng.”
Lý phu nhân chủ động tạo cầu, tổ chức một buổi hội chơi mã cầu để ta cùng Tống Chân tương kiến.
Tống Chân vận y phục đỏ thắm, tung hoành trên sân mã cầu, vẻ sáng rực cao ngạo, chẳng chút gì giống dáng vẻ ngại ngùng mà mẫu thân chàng nói.
A Ánh, cung nữ của ta, hỏi:
“Công chúa sao lại nhíu mày? Không phải vị công tử này sao?”
Ta ngắm chàng hồi lâu, cảm thấy vừa giống, lại vừa không giống.
Lắc đầu đáp:
“Chẳng trách cổ nhân nói, mỹ nhân tựa hoa sen, có thể ngắm từ xa, không thể vội vàng mạo phạm. Hôm nay đối diện trực tiếp lại thấy chẳng giống như hôm ấy ẩn mình sau rèm, lạnh lùng trong trẻo, khiến người rung động.”
A Ánh cười nói:
“Không sao, sau này thành thân, cứ nhốt chàng trong lầu, che rèm lại. Ngày ba bữa, nô tỳ mang lên cho chàng!”
5
Một năm sau, ta lại vòng qua bức tường ấy, xuyên qua rừng trúc tím, đến trước lầu các.
Tống Thư ngồi giữa đống sách, dung nhan tựa ngọc, áo quần tựa sương, đẹp đến mức khiến ta thở không thông.
Nếu chẳng biết thân phận chàng, chỉ e lần đầu gặp mặt, sẽ ngỡ rằng thư các quanh năm không thấy ánh mặt trời này đã sinh ra một hồn ma chuyên đi mê hoặc nhân gian.
Hồn ma ấy chẳng cố tình mê hoặc người, lại khiến ta muốn cắn một cái.
Ta nuốt nước bọt.
Lần này ta lý lẽ đầy mình, khí thế hùng hổ, vốn định hỏi chàng vì cớ gì giả say trèo lên giường ta, gây nên mối họa mù mờ này. Nhưng chàng chỉ khẽ ngẩng đầu liếc ta một cái, khí thế của ta liền tan biến, lý lẽ cũng không còn.
Chàng chẳng qua cần một người làm công cụ mà thôi.
Không sao, ta làm cho chàng.
Ta ngồi xuống bên cạnh, khuôn mặt e lệ mà nói:
“Ngươi muốn mượn ta để đổi đời thì chỉ cần nói rõ là được. Ta từ nhỏ mềm lòng thiện lương, sao có thể trơ mắt nhìn người khác rơi vào cảnh đường tuyệt lộ?”
Tống Thư nhướng mày nhìn ta, chợt bật cười:
“Năm trước, Đô úy đại nhân vì tương tư mà mắc bệnh, rơi lệ ngay trên đại điện cầu hôn công chúa, đến bệ hạ còn động lòng ba phần.”
“Khi đó ai là người ngày ngày sắc canh hoàng liên mang tới ép Đô úy đại nhân uống trị bệnh tương tư?”
Ta lập tức nghẹn lời.
Trước đó là ai nói với ta, Tống Thư nhiều năm không ra khỏi phủ, hoàn toàn cách biệt thế gian?
Ta đỏ bừng mặt:
“Đối với người mình thích và người không thích, dĩ nhiên phải khác biệt.”
Tống Thư cười nhẹ:
“Người và ta không hề quen biết, công chúa nói thích, chẳng qua là thấy sắc mà động tâm có đúng không?”
Ta giải thích:
“Một năm trước, ta từng gặp ngươi dưới lầu này, ngươi không nhận ra sao?”
“Không nhận ra. Trong mắt ta, thiên hạ ai ai cũng một dáng vẻ.”
“Không có người nào khác biệt sao?”
“Có, Hoan Hỉ.”
Ta tức giận, nghiến răng trợn mắt nhìn chàng.
Chàng lại bỗng nhiên sững người:
“Ngươi trừng mắt như thế, lại có mấy phần giống Hoan Hỉ.”
Ta nhổ nước bọt:
“Ngươi mới giống Hoan Hỉ, cả nhà ngươi đều giống Hoan Hỉ!”
6
Từ đó, ta ngày ngày lui tới chuồng lừa, chạy khắp phủ Trung thừa, cố ý để gặp Tống Thư.
Mỗi lần Tống Thư thấy ta, gương mặt vốn bình tĩnh không gợn sóng liền biến thành như vừa dẫm phải phân.
“Thật trùng hợp, Tống lang. Ngươi định đi đâu vậy?”
“Đi thăm Hoan Hỉ.”
Ta bê một giỏ thức ăn:
“Ta cũng định đi cho Hoan Hỉ ăn, hay cùng đi nào.”
Tống Thư nói:
“Người sáng nay đã cho nó ăn năm lần, ta phải đi xem thử nó có bị ăn no đến chết rồi hay không.”
Những ngày như thế lặp đi lặp lại, đến mức A Ánh không chịu nổi, nói:
“Công chúa, tấm chân tình này, dù dành cho Hoan Hỉ, nó cũng sẽ đá ngài một cái. Dành cho Tống Thư, chẳng khác nào ném một quả trứng xuống biển.”
A Ánh luôn chê canh trứng nhà Trung thừa phủ quá nhạt, như ném một quả trứng xuống biển.
Ta nhìn theo bóng lưng của Tống Thư, ánh mắt đầy tình ý mà thốt:
“Ngươi không thấy dáng vẻ lạnh nhạt vô tình của hắn thực sự khiến người ta mê mẩn sao?”
A Ánh lắc đầu:
“Không thấy. Nhưng dáng vẻ mê đắm của công chúa, thực khiến người khác hoảng sợ.”
7
Tống Thư đêm ấy bày kế trèo lên giường ta, là để đường đường chính chính ra khỏi phủ, lấy tên lấy họ đi tham gia khoa cử.
Ngày thi hội, Lý thị sáng sớm đã quỳ trong Phật đường, muốn gõ mõ cầu nguyện suốt một canh giờ cho con trai bà, Tống Chân.
Ta vì Tống Thư mà đốt một nén hương dài chín thước. Nếu dài thêm một chút nữa, chỉ e sẽ cháy luôn xà nhà.
Cả Phật đường khói mù mịt, Lý thị cắn răng chịu được một khắc, rốt cuộc cũng phải nhờ người đỡ ra ngoài.
Lý thị thỉnh cao tăng đến phủ bói quẻ.
Hẳn là bạc đưa cũng đủ nặng nên cao tăng nói hay như hát, giọng điệu vang vọng như lên cung.
Ta sai người mang một cái ghế đến, ngồi trước mặt cao tăng, cười tủm tỉm nói:
“Đã đến đây rồi, chi bằng đại sư bói luôn một quẻ cho đại lang nhà họ Tống.”
Cao tăng lập tức toát mồ hôi lạnh.
Ông lắc ống quẻ hồi lâu, giữa việc lấy tiền và giữ mạng, cuối cùng vẫn chọn giữ mạng mà rút ra một quẻ thượng thượng hạng, đưa cho Tống Thư.
Ta cười lớn:
“Quả nhiên cao tăng do phu nhân mời đến, linh nghiệm vô cùng. Mau mau trả tiền đi, đưa thêm nhiều vào.”
Lý thị tức giận nhưng không dám nói, khuôn mặt nghẹn đến tím xanh.
Tống Thư chẳng tỏ vẻ cảm kích:
“Ta xưa nay không tin những thứ này. Quả ép không ngọt, quẻ ép không chuẩn, điện hạ hà tất làm vậy.”
Ta tự mình vui vẻ, nhét quẻ vào rương của chàng:
“Ta cũng không tin.”
“Vậy sao còn giành lấy quẻ này?”
“Để trong lòng thoải mái thôi! Cùng là đích tử của Tống phủ mà ngày ngày bị đè đầu cưỡi cổ, ngươi không thấy ấm ức sao?”
“Người phải vui vẻ sảng khoái, mới có thể ý chí ngút trời, mọi việc hanh thông!”
Tống Thư hờ hững lắc đầu, xách rương đi thi. Nhưng dáng đi của chàng, rốt cuộc cũng nhiều thêm ba phần ngạo nghễ, đắc ý.
Sau kỳ thi đình, bảng vàng vừa ra, không chút bất ngờ khi Tống Thư đỗ đầu.
Các giám khảo cầm bài thi của chàng, vui đến rơi lệ:
“Trạng nguyên như thế, trăm đời khó gặp.”
Chuyện này quá đỗi bình thường.
Cõi đời này chẳng còn ai giống chàng, dùng mười mấy năm đời người, dồn toàn bộ tâm trí vào việc đọc sách, viết chữ.
8
Tống Thư nhập triều, được phong làm Thượng thư lang, áo bào đỏ thắm, mũ sa đen tuyền, diện mạo tuấn tú khiến người ta phải thốt lên.
Nhưng chàng chỉ vùi đầu vào kho tàng công văn, lật giở những tập hồ sơ đầy bụi.
Những vụ án người khác không muốn tra, chàng tra.
Những kẻ người khác không dám xử, chàng xử.
Chỉ trong một tháng ngắn ngủi, triều đình đã có ba vị ngũ phẩm quan bị cách chức.
Ta hỏi Tống Thư:
“Ngươi không sợ đắc tội người khác, có ngày bị nắm thóp mà giáng tội sao?”
Tống Thư tay vẫn viết, khuôn mặt bình thản xen lẫn chút điên cuồng:
“Vậy thì tru di cửu tộc, đào mộ tổ tiên của ta là được.”
Chàng cả đời cô độc, cha không thương, mẹ không còn, khi nào từng có vướng bận. Một lòng can đảm, chẳng qua vì không lưu luyến gì với cõi đời này.
Sống cũng được, chết cũng không sao.
Ta thấy lòng đau xót, vội vàng an ủi:
“Ngươi cứ mạnh dạn mà làm, sau này, ta sẽ vì ngươi mà chống lưng.”
Câu này vốn thật lòng.
Nhưng nói đến “chống lưng,” ta lại nghĩ đến vòng eo rắn chắc, quyến rũ của chàng mà bất giác nuốt nước bọt không đúng lúc.
Khuôn mặt vốn bình tĩnh của Tống Thư lập tức nổi sóng.
Chàng lịch sự đưa ta ra ngoài, đóng cửa lại:
“Muộn rồi, điện hạ về nghỉ sớm đi.”
Ta nhìn cánh cửa lạnh lùng đóng lại, quay sang khen:
“A Ánh, ngươi xem, hắn thật có nam đức.”
A Ánh nói:
“Nhưng hắn giữ nam đức như vậy, e rằng là để phòng công chúa đó.”
Lời A Ánh lạnh lẽo quá mức, ta chọn cách bỏ ngoài tai.