Đêm đại hôn bị trả lại, chỉ vì ta nhận nhầm phò mã nên trèo nhầm giường.
Phò mã Tống Chân quỳ trước mặt phụ hoàng, khóc lóc như một cô nương.
Tống Thư chẳng khóc chẳng làm ầm, chỉ ngoan cố mặc lại bộ y phục đã bị ta xé rách đến không che nổi thân.
Dẫu người cả đời sáng suốt anh minh như phụ hoàng cũng không phân xử nổi vụ án hồ đồ này của ta.
Ta dõng dạc biện luận:
“Đồng Tước xuân thâm khóa nhị Kiều, ta đường đường là công chúa, cớ sao không thể nạp hai lang?”
Phụ hoàng giận đến tay run rẩy, chỉ vào ta mà mắng:
“Ngươi, nghịch nữ! Mười tuổi đánh đại thần, mười hai tuổi trộm hoàng lăng, giờ còn muốn làm loạn, khiến hoàng gia gia ngươi không được yên ổn có phải không!”
1
Thật ra việc này, ta thực chẳng có lỗi lớn gì cho cam.
Tống Chân cùng Tống Thư, tuổi tác tương đồng, dung mạo giống nhau đến bảy tám phần.
Đêm ấy, trăng đen gió lớn, ta lại uống thêm vài chén rượu nhạt. Cung nữ đi lấy nước, Tống Thư say khướt lảo đảo, vô tình ngã ngay trước cửa phòng ta. Ta liền tưởng hắn là phò mã nên đỡ hắn lên giường cưới.
Một gương mặt môi đỏ răng trắng, tựa như một quả đào tiên quyến rũ. Quả đào ấy tựa hồ thành tinh, vươn tay ôm lấy cổ ta.
Ta là thiếu nữ tuổi xuân phơi phới, mười chín năm chưa từng nắm tay nam tử, nay bị kích thích thế này thf làm sao nhịn nổi?
Ta chẳng khách sáo, liền ra tay cởi y phục hắn, kéo rèm đỏ xuống, bắt đầu lăn lộn khắp giường.
Hắn mặc thật sự quá nhiều. Ta cởi một lớp lại một lớp, một lớp lại một lớp, tựa như bóc ngô vậy.
Khó khăn lắm mới bóc hết lớp áo ngoài thì lại thấy thắt lưng hắn buộc một nút chết.
Cố gỡ mãi không xong, ta đành dùng miệng cắn.
Ngay lúc ấy, phò mã bước vào.
Có lẽ hắn chưa từng chịu kích thích lớn như vậy nên liền rú lên một tiếng, ngồi bệt xuống đất, khóc gọi cha gọi mẹ.
Hai người làm ầm lên đến trước mặt phụ hoàng. Một người khóc lóc thút thít, một người thì ấm ức chẳng nói nên lời.
Phụ hoàng ôm mặt, tỏ ý không muốn nhìn.
Ta giữa đống hỗn loạn tìm ra một chút manh mối:
“Dung mạo bọn họ giống hệt nhau thế này, nhà họ Tống sao lại có hai người?”
Phụ hoàng nghe xong bừng tỉnh, liền sai người triệu cha chồng ta, Trung thừa lang đến hỏi.
“Trẫm chỉ biết ngươi có một con trai tên Tống Chân, sao chưa từng nghe nói nhà họ Tống có một đôi song sinh? Xưa có kim ốc tàng kiều, nay ngươi lại… phủ đệ tàng lang?”
Trung thừa lang toát mồ hôi lạnh, phò mã cúi đầu không dám đáp.
Phụ hoàng giận dữ, đập bàn quát lớn:
“Khai mau!”
Trung thừa phu nhân bỗng rú lên một tiếng, đập đầu xuống đất khóc lóc thảm thiết:
“Khi được gả cho Tống lang, thần phụ chẳng hay hắn đã từng cưới một cô nương lầu xanh.”
“Cô nương lầu xanh ấy tên là Lâm Lang. Nàng phóng hỏa đốt tây phòng của thần, phá hoại danh tiết thần.”
“Rõ ràng mang thai sau thần phụ một tháng nhưng lại sinh con trai trước thần phụ một bước. Một thiên kim thừa tướng như thần phụ sao có thể cam tâm thua một nữ nhân lầu xanh?”
À, ta đã hiểu rõ rồi.
Hóa ra cha chồng ta, Tống Khâm, chính là một kẻ phụ bạc.
Lúc nghèo khó, ông ta bám vào danh hoa khôi lầu xanh Lâm Lang.
Cô nương Lâm Lang ngày đêm bán tiếng cười, nuôi dưỡng Tống Khâm học hành thành tài.
Tống Khâm không phụ kỳ vọng, một bước thành danh. Nhưng sau này ông ta lại bội tình bạc nghĩa, bỏ rơi nàng, quay sang bám lấy Thừa tướng.
Nào ngờ, vừa thành thân với thiên kim thừa tướng Lý thị thì Lâm Lang tìm đến kinh thành, làm loạn cả lên.
Mỹ nhân lầu xanh nhiều vô số, nhưng có thể vững vàng làm hoa khôi, Lâm Lang hẳn có bản lĩnh hơn người.
Trước tiên, nàng phóng hỏa đốt phòng ngủ phủ Trung thừa, làm mọi chuyện ầm ĩ lên, khiến chẳng ai dám ám hại nàng.
Sau đó, nàng mượn dư luận xôn xao mà gây sức ép lên phủ thừa tướng, đòi lại công đạo.
Thừa tướng dù muốn bảo vệ con gái, cũng không thể không lo danh tiếng, đành giả vờ rộng lượng, chấp nhận để Tống Khâm nâng cô nương lầu xanh thành bình thê.
Về sau Lý thị mang thai, cả phủ tràn ngập niềm vui. Nhưng chẳng đầy một tháng sau, Lâm Lang cũng được chẩn ra có thai, lập tức khiến cả phủ chìm trong mây mù.
Lý thị ngày ngày âu sầu, sợ rằng Lâm Lang sinh được con trai, còn mình lại sinh ra con gái.
Lâm Lang thì chẳng chút bận tâm, ngày ngày trước mặt Lý thị đùa cợt cười nói, tấu đàn thổi sáo.
Lý thị nghĩ, dẫu sao mình cũng có thai trước, nếu sinh được con trai, chính là đích trưởng tử.
Nào ngờ, Lâm Lang quả là kẻ nhẫn tâm, trước ngày Lý thị sinh con, nàng uống một chén thuốc thúc sinh, ép mình sinh trước, hạ sinh một bé trai.
Vì cưỡng ép thúc sinh nên nàng bị tổn thương thân thể, lưu lại bệnh căn.
Lúc Lâm Lang lâm chung, Tống Khâm vốn cứng lòng cũng không kìm được mà rơi lệ:
“Ngươi hà tất phải khổ như vậy.”
Lâm Lang nắm chặt rèm giường, gắng gượng giữ hơi tàn, lạnh giọng nói:
“Cả đời ta trôi dạt giữa rừng hoa, chỉ kiếm bạc, chưa từng động lòng, không ngờ lại gục ngã trước một con sói mắt trắng vẻ ngoài vô hại như ngươi, ta sao có thể cam tâm chịu thiệt?”
“Rượu ta từng bồi, nhục ta từng chịu, nụ cười ta từng bán, không thể để hoang phí.”
“Cứ xem như những năm tháng vất vả này đổi lấy xuất thân đích trưởng tử của con ta trong phủ Trung thừa, cũng xem như đáng giá.”
Nàng mang theo một chút thỏa mãn của sự trả thù mà nhắm mắt lìa đời, để lại Tống Thư chưa đầy tháng tuổi.
Sau khi Lý thị sinh con, Tống Thư bị giấu kín trong phủ, không để lộ ra ngoài.
Người đời chỉ biết, Trung thừa lang cùng thiên kim thừa tướng sinh được một con trai, tên gọi Tống Chân.
Mà không biết, nhà họ Tống thực ra còn có đại lang, tên là Tống Thư.
2
Ta liếc nhìn Tống Thư, thấy hắn mím chặt đôi môi, đôi mắt cụp xuống, dáng vẻ nhẫn nhịn, bướng bỉnh.
Nghĩ kỹ lại, ta – Chiêu Hòa công chúa, xưa nay tự nhận mình thông minh tuyệt đỉnh, nay e rằng đã bị tiểu lang quân này qua mặt.
Hắn nhẫn nhịn mười chín năm không hé nửa lời, lại chớp lấy cơ hội ta thành thân với Tống Chân, giả say, tự mình đưa tới cửa, một bước đẩy mình ra trước mặt phụ hoàng, muốn giấu cũng không thể giấu.
Không hổ là con của Lâm Lang.
Phụ hoàng quở trách Trung thừa lang, nhưng chuyện này ân oán kéo dài, thanh quan khó xử việc nhà.
Lúc này triều đình lại cần nhân tài, Trung thừa lang tuy tệ bạc, nhưng tài năng thực sự vững vàng, phụ hoàng không cách chức, chỉ đày đi ngoại trấn.
Phụ hoàng hỏi ta:
“Con còn muốn gả vào nhà họ Tống hay không?”
Ta nhìn thoáng qua Tống Thư đứng bên, dáng vẻ lạnh lùng, bướng bỉnh, liền điềm nhiên đáp:
“Gả, tất nhiên là gả.”
Phụ hoàng ngây người.
Nếu ta không gả thì dễ bề nói hơn.
Nhưng nếu gả, ta đã cùng Tống Chân tổ chức hôn lễ linh đình, lại cùng Tống Thư lăn lộn trên giường, sao có thể phân giải?
Ta đàng hoàng lý luận:
“Đông Phong chẳng giúp Chu Lang, Đồng Tước xuân thâm khóa nhị Kiều. Đường đường là công chúa như ta, vì cớ gì không thể nạp hai lang?”
Cả bốn người nhà họ Tống đều ngẩn ngơ tại chỗ.
Phụ hoàng mắt rưng rưng, giận đến tay run rẩy, chỉ vào mặt ta mà mắng:
“Ngươi, nghịch nữ!”
“Mười tuổi đánh đại thần, mười hai tuổi trộm hoàng lăng, nay lại muốn làm loạn, khiến hoàng gia gia ngươi nơi chín suối cũng không được an ổn!”
Những năm qua, mỗi lần ta làm phụ hoàng tức giận, người liền nhắc lại chuyện cũ.
Đây là nỗi đau cả đời của phụ hoàng.
Năm Phụ hoàng đăng cơ, mẫu hậu ta đã qua đời.
Quần thần nói, theo tổ huấn Đại Chiêu, bên cạnh đế vị không thể thiếu hậu cung, ép phụ hoàng nạp phi tái giá.
Phụ hoàng mỗi đêm đối diện với chân dung mẫu hậu, âm thầm rơi lệ.
Ta xót phụ hoàng, lại thương mẫu hậu, liền giận dữ đánh quần thần, mắng cả liệt tổ liệt tông Đại Chiêu.
Phụ hoàng từ nhỏ cần mẫn khắc kỷ, chăm chỉ học hành, làm con làm vua, chưa từng bị hoàng gia gia trách mắng nửa lời.
Thế mà lại vì sinh ra một nghịch nữ như ta mà bị hoàng gia gia chỉ thẳng mặt quở trách không giữ cương thường, dạy con không nghiêm.
Hoàng gia gia mắng quá kích động, mắng xong liền đột ngột qua đời.
Cuộc đời không vết nhơ của phụ hoàng, từ đó gánh thêm tiếng bất trung bất hiếu.
Nay người lại nhắc đến, ta trong lòng áy náy, cũng không dám tranh cãi:
“Gả một người, gả một người chẳng phải được sao?”
Lúc ấy lại có khẩn báo, gần đây triều chính luôn dồn dập gấp rút.
Phụ hoàng phiền lòng, đỡ trán phán:
“Mau cút. Muốn gả thế nào, gả cho ai, nghĩ rõ ràng rồi bẩm tấu.”
3
Gả cho ai đi nữa thì cũng đã gả rồi, ta thuận nước đẩy thuyền, dọn vào phủ Trung thừa.
Ngày hôm sau, tờ mờ sáng, Lý thị dẫn theo gia nhân bưng một bát chè ngọt, đến trước cửa ta quỳ bái vấn an.
Ta hòa nhã nói:
“Phu nhân không cần như vậy, dẫu ta gả cho lang quân nào thì cũng là bước vào cửa nhà bà, làm dâu nhà bà, vốn nên là ta kính trọng bà mới phải.”
Lý thị sắc mặt hoảng sợ:
“Công chúa cao quý tôn nghiêm, vạn lần không thể.”
Trong lễ đại hôn hôm qua bà đâu có nói thế.
Lúc đó, dựa vào nhà mẹ đẻ ba đời làm thừa tướng, bản thân lại có chiếu phong cáo mệnh, bà ngồi chễm chệ ở chính vị, nhận lễ bái của ta, uống trà ta dâng, còn nói với tân khách:
“Dẫu sao cũng là công chúa gả vào nhà ta, làm dâu nhà ta, thì ta làm mẹ chồng cũng xứng đáng.”
Nay thấy ta không biết chắc sẽ gả cho đứa con nào, bà lại co rúm cả người.
Ta hỏi:
“Đại lang hiện giờ ở đâu?”
Lý thị đáp:
“Tống Thư thích đọc sách, đang ở trong thư các phía sau.”
Ta cười lạnh một tiếng:
“Thư các lạnh lẽo âm u, sao có thể ở được? Phòng bên cạnh ta đây còn trống, lại sáng sủa, để đại lang dọn sang đó mà ở.”
Lý thị đôi mắt ngấn lệ:
“Đêm qua là một mớ lộn xộn, công chúa cùng Chân nhi hai lòng tương duyệt, vạn lần đừng vì việc này mà sinh mối bất hòa, hủy mất ý định ban đầu.”
Bà khi nào lại trở nên độ lượng thế này, có thể dung thứ con dâu trèo lên giường kẻ khác.
Bất quá là sợ ta chọn Tống Thư, từ đó con bà ta phải thấp hơn Tống Thư một bậc.
Ta bước đến trước mặt bà ta, lạnh lùng nhìn:
“Phu nhân biết rõ nhất chuyện giữa ta cùng Tống Chân. Nay ta muốn nghe thử, người mà ta nhất kiến chung tình, hai lòng tương duyệt, thật sự là nhị lang nhà họ Tống sao?”
Lý thị hai chân run lẩy bẩy, đôi tay run như sàng gạo.
Dẫu là đêm ấy trăng đen gió lớn, rượu nhẹ ngà ngà, ta há có thể thật sự nhận nhầm người mà ta nhất kiến khuynh tâm?