Ta đã sáu tuổi, sống trong chợ lâu ngày, cũng hiểu được lời nào tốt, lời nào xấu.
Rõ ràng họ đang mỉa mai đại nương ta không ai cần!
Ta hùng hổ chống nạnh…
“Bốp!” Đại nương ta ném con dao lên thớt.
“Ta từ đầu tới cuối có nói sẽ lấy Trương thợ rèn sao? Cái mặt đen như đáy lò, hàm răng vàng khè hôi rình ấy, ai mà thèm!”
Ai cũng có quyền thích cái đẹp!
Đừng nhìn bà thô kệch như vậy, bà cũng thích những chàng thư sinh trắng trẻo.
Nhất là, bà chỉ ngưỡng mộ những người đọc sách.
Suy nghĩ của bà bị vạch trần, trở thành trò cười cho mọi người trong chợ.
Họ bảo bà đầu óc không thông, rõ ràng bị tú tài vứt bỏ, vậy mà vẫn không cam lòng.
Nhưng bà nghiến răng, làm một chuyện khiến ai nấy đều há hốc miệng kinh ngạc.
Bà gửi ta vào thư viện.
Bà thích người đọc sách, nhưng không chỉ thích nam nhân đọc sách.
Trong mắt bà, người đọc sách trên người không có mùi khó chịu, mà tỏa ra hương thơm của học vấn.
Thư viện ta vào là một thư viện nữ tử trong trấn, chỉ dành cho tiểu thư nhà quyền quý.
Bà vét sạch tiền bạc, nộp học phí hậu hĩnh cho ta, còn sợ ta bị bắt nạt nên mấy lần mang thịt heo đến nhà của Sơn trưởng để biếu.
Phu nhân của Sơn trưởng cảm kích tấm lòng của bà, hứa sẽ chăm sóc tốt cho ta.
Thật ra ta không cần ai đặc biệt chăm sóc. Ở thư viện, mỗi ngày ta đều rất vui.
Học chữ vui, viết chữ vui, tính toán lại càng vui hơn…
Những tiểu thư trong thư viện ai nấy đều thơm tho, mưu kế lớn nhất của họ chỉ là chu môi, giọng chua chát nói vài lời bóng gió.
Ngay cả chuyện lườm nguýt họ cũng không biết làm, thật buồn cười!
Hàng ngày ở chợ, ta nghe mãi những màn chửi rủa của các cô các thím, nhất là đại nương ta, không ai địch nổi.
Vì thế, chút ác ý của các tiểu thư chẳng thể làm ta tổn thương chút nào.
Hơn nữa, những ác ý đó rất nhanh đã biến mất.
Vì ta học rất giỏi, nổi trội, nhanh chóng khiến các tiên sinh chú ý.
Sơn trưởng vuốt râu, khen ngợi rằng ta là cô bé chăm chỉ nhất, lại có thiên phú cao nhất mà ông từng thấy.
Ông bảo nếu ta được sinh ra trong một gia đình có địa vị, tiền đồ của ta sẽ rộng lớn không thể tưởng tượng.
Chẳng hạn như hiện nay, quý phi được hoàng thượng yêu chiều nhất, năm xưa từng nổi danh khắp kinh thành vì tài năng, nét chữ tiểu khải đẹp xuất thần, nhờ đó mà kết nên mối lương duyên với bệ hạ, trở thành câu chuyện hồng nhan thêm hương sách nổi tiếng.
Chỉ tiếc, ta xuất thân từ chốn thôn quê nghèo, tất cả đều chỉ là chuyện viển vông.
Không ai biết vì sao đại nương lại gửi ta đi học, đã vậy còn cho ta học suốt năm sáu năm trời.
Đến năm ta mười ba tuổi, những gì cần học cũng đã học xong, mà ta lại không thể tham gia khoa cử.
Ta nghĩ bụng sẽ bàn với đại nương, thôi không học nữa, về nhà cùng bà giết lợn bán thịt.
Ta muốn trở thành một nữ đồ tể tinh thông sách vở.
Nhưng không ngờ, hôm ấy Sơn trưởng từ huyện trở về, mang theo một tin tức:
“Quý phi nương nương đang chọn thư đồng cho tiểu công chúa, không phân biệt xuất thân, chỉ cần là cô nương có thiên phú và chịu khó.”
Dĩ nhiên, thư đồng không thể quá xấu, dung mạo cũng phải đạt yêu cầu.
“Huyện chúng ta có một suất, sẽ tổ chức thi tuyển tại nha huyện.”
Thông báo này nhanh chóng lan truyền trong dân chúng, nhất là những tiểu thư nhà giàu, ai cũng hăm hở thử sức.
Đại nương nghỉ bán thịt ba ngày, đưa ta ngồi xe bò lên huyện.
Trước ngày thi, bà còn căng thẳng hơn cả ta.
Ta nhe răng cười với bà, rồi như một con khỉ, xoay người chạy vào cổng sau nha huyện.
Kỳ thi không khó, nhưng kéo dài suốt cả ngày.
Không ai báo trước, cũng chẳng cho người nhà mang cơm vào, trưa đến thí sinh đành phải chịu đói.
Ta còn chịu được, nhưng những tiểu thư vóc dáng mảnh mai, đến chiều vì vừa đói vừa nóng, nhiều người ngất xỉu tại chỗ.
Chiều tối thi xong, ta theo đại nương vào một quán ăn nhỏ, ăn một bữa bánh bao trắng thật no nê.
Bà không hỏi ta thi thế nào, còn ta vừa ăn vừa kể liên hồi về kỳ thi.
Đề bài không khó, ta làm được hết.
Nhưng quy định kỳ lạ của kỳ thi khiến ta thắc mắc: không chỉ làm bài, trước khi làm bài, mỗi người phải trải qua kiểm tra thân thể.
Một mụ già mặt đen kiểm tra từng cô nương từ đầu đến chân, kể cả răng lợi cũng không tha, còn phải ngửi cả nách…
Đại nương tuy không biết chữ, cũng chưa từng tham gia khoa cử, nhưng ngẫm nghĩ rồi bảo:
“Chắc sợ nách hôi quá, làm công chúa bị ám mùi.”
Ta gật đầu lia lịa, thấy cũng có lý.
Về nhà, ta không đến thư viện nữa, cùng đại nương ra chợ bán thịt, vừa chờ kết quả thi.
Điều kỳ lạ là, mấy ngày nay số người đến mua thịt đông hơn bình thường.
Nhưng đại nương không vui, mặt hầm hầm, tay cầm dao lọc thịt, lườm mấy kẻ láo xược cứ nhìn chằm chằm ta.
“Con bé lớn lên thật xinh xắn, dung mạo này ở trấn chúng ta cũng thuộc hàng nhất nhì.”
Vương Tam Nương, từ vài năm trước đã cùng đại nương hòa giải, giờ còn ngồi tán gẫu đôi câu.
“Thêm vài năm nữa, tìm một nhà chồng tốt cho nó cũng không khó. Chỉ tiếc, nhà ta có thằng Thạch Đầu ngốc nghếch, nó không xứng với con bé.”
Vương Tam Nương tuổi đã cao, hai con ruột với người phu quân trước đều đã lập gia đình. Bà coi Thạch Đầu đứa con riêng của chồng như cháu mà yêu thương.
Đại nương cười vang như chuông đồng:
“Thạch Đầu với con nhóc nhà ta đều là bọn chỉ biết ăn, chẳng lớn nổi, toàn là lũ rùa con!”
“Nhưng mà, nhi tử nhà họ Lâm thì không tệ. Chỉ tiếc là nương nó…”
Vương Tam Nương nhắc đến mẹ con họ Lâm, một đôi mẹ con dọn đến gần trấn vài năm trước. Nghe nói họ từng là nhà quyền quý, giờ thì sa sút.
Lâm công tử tuổi chừng mười sáu, mười bảy, dung mạo tuấn tú, tuổi trẻ đã đỗ tú tài.
Mẹ của cậu ta là Lâm bà bà, làm thêu thùa để mưu sinh. Nhưng bà không ưa gì đám phàm phu tục tử ở chợ.
Áo quần bà tuy cũ, nhưng giặt sạch tinh tươm, khăn trùm đầu lúc nào cũng buộc gọn gàng.
Mỗi buổi chiều, bà xách giỏ, bước chân tao nhã, đi chợ nhặt lá rau thừa.
Bà không nói chuyện với ai, có người chào hỏi, bà cũng làm như không nghe thấy.
“Loại người mắt cao hơn đầu ấy, chắc chắn không thèm kết thân với hạng người như chúng ta.”
Ta đứng phía sau nghe đại nương và Vương Tam Nương trò chuyện, bụng nghĩ, thật ra ta cũng từng chạm mặt Lâm công tử.
Cậu ấy quen biết Sơn trưởng thư viện, ta từng gặp cậu ở thư viện.
Cậu luôn đỏ tai, làm lễ chào ta: “Tưởng cô nương.”
Ta cũng đáp lại: “Lâm công tử.”
Vài ngày sau, chính Lâm công tử mang từ huyện về một tin vui cho ta.
Kết quả thi đã có, ta đỗ đầu!
Đại nương ta vui mừng đến mức đập đùi côm cốp, chạy ra đầu phố vừa đốt pháo, vừa đốt giấy tạ ơn các vị thần tiên.
“Ôi trời ơi! Đây đúng là chuyện vui lớn mà!”
“Ở chợ chúng ta mọc ra một con phượng hoàng vàng đây này!”
“Tưởng đại tẩu, những ngày tháng tốt lành của ngươi còn đang ở phía trước đấy!”
Nhà ta tổ chức tiệc, mời cả láng giềng phố xá đến chung vui.
Ai nấy đều xôn xao khen đại nương ta có phúc.
Đại nương ta vốn không con không cái, từ lâu bị mọi người mặc định là cô quả. Sau này, bà lại nhận nuôi đứa con ngoại thất của phu quân bà, không ít người xì xào sau lưng rằng đầu óc bà có vấn đề.
Nhưng không ngờ, những ngày tháng khổ cực cứ thế trôi qua, bà lại có được một ngày khiến ai cũng phải ngưỡng mộ.
Đến cả Thôi Đào Hoa cũng muốn đến chúc mừng. Nhưng thấy trong sân toàn phụ nữ, sợ bị ghét bỏ, nàng cứ lén lút dựa tường mà đi, lại bị đại nương ta phát hiện và mời vào.
“Ngày đó, nha đầu này còn nhỏ xíu, đã biết tính tiền giúp bán hàng. Ta đã bảo, nha đầu này không phải người thường mà!”
“Đúng thế, gan nó cũng lớn nữa! Lần đó, con chó to gần bằng nó, vậy mà nó dám giành lại khúc xương từ miệng con chó, còn ngậm cả đám lông chó vào miệng nữa chứ…” Thôi Đào Hoa che miệng cười khúc khích.
Mọi người bật cười vang. Ta xấu hổ, chỉ biết cúi gằm đầu, nhét đầy miệng miếng thịt hầm lớn.
Ngay cả Lâm bà bà cũng đến. Trong bữa tiệc, mọi người lại dò hỏi: “Hay là nhà họ Lâm và nhà họ Tưởng kết thân với nhau?”
Lâm bà bà liếc nhìn nhi tử, người đã đỏ bừng cả mặt. Vài ngày sau, bà thực sự đến nhà ta cầu thân.
“Nghe nói công chúa năm nay mới mười lăm, học hành chắc chỉ kéo dài ba năm. Đến khi Tưởng cô nương ra khỏi cung, vừa đúng độ tuổi tốt nhất để thành gia lập thất.”
Lâm bà bà vừa cười vừa tính toán.
Bà quay sang nhìn ta, nói:
“Con tính khí hoạt bát thế này cũng phải sửa đổi đi. Vào cung nhớ làm tròn bổn phận, hầu hạ công chúa cho tốt. Biết đâu lại tự kiếm được một phần thể diện, còn lo được cho tương lai của chính mình.”
“Nếu nhìn xa hơn, ở trong cung ứng xử tốt, nói không chừng còn giúp nhà ta kiếm thêm vài chỗ dựa.”
Giọng điệu của bà rõ ràng là tự xem mình như bề trên. Ta liếc nhìn đại nương. Rõ ràng cơn giận của bà đã dâng lên tận đỉnh đầu, đôi mắt trừng lớn, thở phì phò.
Nhưng bà lại nhìn ta, rồi nhìn Lâm công tử tuấn tú đứng bên cạnh, cuối cùng cũng nhịn xuống.
” Lâm phu nhân nói gì mà khôi hài thế,” ta không nhịn được, bật cười khanh khách:
“Dựa vào ta không tốt sao? Cần gì phải dựa vào người ngoài, ta đâu có ngốc.”
“Ngươi!” Lông mày của Lâm bà bà dựng ngược: “Không biết điều!”
Rõ ràng bà không ngờ ta lại dám nói thẳng như vậy.
“Khi con nhi tử ta thi đỗ cao, đừng có khóc lóc mà đến cầu xin!” Trước khi rời đi, bà quay lại, tức tối buông lời cay nghiệt.
Lâm công tử đỏ mặt tía tai, muốn thoát khỏi tay mẹ, nhưng bị bà ta lườm một cái, liền không dám động đậy nữa.
8
Tối đó, đại nương trằn trọc không ngủ được. Ta hỏi bà làm sao, bà im lặng hồi lâu, rồi tự lẩm bẩm:
“Con còn nhỏ, ta vội cái gì chứ?”
” Lâm công tử kia cũng chẳng có gì hay, biết đâu lại thành một tên như cha con.” Bà càu nhàu:
“Đều là một đám người mặt người dạ thú”.
Ta lặng lẽ lắng nghe.
Đây là lần đầu tiên ta nghe bà mắng cha ta.
Từ năm ta lên năm, ta đã không nhắc đến cha nương mình nữa. Ai nhắc, ta cũng chỉ coi như không nghe.
Thế mà không ngờ, cha ta lại xuất hiện.
Ngay trước ngày ta chuẩn bị lên kinh làm bạn đọc.
Hắn giờ đã có dáng vẻ đĩnh đạc, đi trên con đường trong chợ, trông như một kẻ “vinh quy bái tổ.”
“Ồ, đây chẳng phải là con rể nhà họ Tưởng sao? Về rồi đấy à!”
Thôi Đào Hoa đúng là người hiểu rõ đàn ông nhất, một câu đã bóc trần lớp mặt nạ hào nhoáng của hắn.
Dù bóng bẩy thế nào, hắn vẫn là con rể ở rể của nhà họ Tưởng.
Không thể giả bộ nổi nữa, hắn rụt cổ, lủi thủi bước vào sạp thịt.
“ Ngươi không cần lên kinh làm thư đồng cho công chúa nữa, vị trí này sẽ có người thay ngươi làm.”Hắn vừa mở miệng đã đòi hỏi, lại còn là yêu cầu quá đáng.
Ta nhìn hắn. Nhiều năm qua, vừa gặp mặt, hắn chẳng hỏi ta sống thế nào, đã trải qua những gì khi bị bỏ rơi.
“Đại nương, hắn là ai vậy?” Ta giả bộ ngây ngô quay sang hỏi đại nương.
Tay bà cầm dao, vừa nhìn thấy hắn đã nắm chặt đến mức run rẩy.
“Phân lợn, hắn là một đống phân lợn.” Đại nương nghiến răng nói ra từng chữ.
Những năm qua, bà đã có một nữ nhi, cả tấm lòng đều đặt vào đứa con ấy.
Người nam nhân này, trong mắt đại nương ta, từ lâu đã chẳng còn cái mùi thơm học vấn mà bà từng ngưỡng mộ, thay vào đó chỉ còn lại mùi cặn bã.
Ta khẽ “ồ” một tiếng, cúi đầu siết chặt túi tiền trong tay.
Ông ấy chỉ thẳng vào ta, mắng một tràng “bất hiếu,” miệng đầy “thi từ hiếu đạo,” rồi sau đó ngang nhiên ngồi lì trong sạp thịt, không chịu đi.
Hắn đột ngột quay về, lập tức thu hút sự chú ý của mọi người xung quanh. Ai nấy đều đến hỏi han:
“Phải chăng ở ngoài sống không nổi nữa, phải quay về đây?”
“Về tìm thê tử đòi tiền đúng không?”
“Người thiếp ngoài kia thế nào rồi? Theo lý thì phải đến dâng trà cho Tưởng đại tẩu mới phải!”
Hắn mặt khi đỏ khi trắng, nói rằng mình vẫn ổn.
Hiện giờ là mưu sĩ bên cạnh huyện úy đại nhân, rất được trọng dụng.
Sau đó, hắn lại lấy tư cách làm cha, một lần nữa yêu cầu ta từ bỏ việc lên kinh làm thư đồng.
Thì ra, ái nữ nhà huyện úy chính là người đứng thứ hai trong kỳ thi lần này.