14
Sau tiết Lập Đông, tuyết rơi liên tục suốt hơn một tháng.
Đến ngày Đông Chí, Phùng Chiếu Thu tính toán xong sổ sách, liền đưa cho hai tỷ muội Lưu Nhụy mỗi người một bao lì xì.
Lưu Nhụy cười nói muốn đi mua món đuôi dê, ta đang trêu muội ấy tiêu xài hoang phí thì bỗng có một đám người tụ lại trước cửa hàng, chỉ trỏ bàn tán.
Thì ra Hầu phu nhân lại đến, nhưng lần này, bà ta không còn dáng vẻ ngạo mạn nữa.
Bà ta quỳ gối trước cửa hàng, tuyết dưới đầu gối tan chảy, rồi lại đóng băng.
“Niệm Chi, ta xin con, hãy về xem em gái con một lần đi!”
Bà ta nói rằng sức khỏe của Lạc Như vẫn không khá lên, gần đây còn ho ra máu.
Dưới gối bà ta chỉ có mỗi Lạc Như là con, nếu không phải tuyệt vọng, bà ta sẽ không bỏ thể diện mà quỳ xuống van xin ta giữa con phố đông người qua lại.
Phùng Chiếu Thu định ra đuổi bà ta đi, ta kéo áo bà ấy lại, nói: “A nương à, con đi là được.”
Thấy ta bước ra, mắt bà ta sáng lên: “Niệm Chi, con đồng ý cứu muội muội rồi sao?”
Ta lắc đầu: “Ta không phải là thuốc chữa của Lạc Như, ta không cứu được nó.”
Bà ta ngây dại: “Sao lại thế được? Chỉ có con mới cứu được nó! Có phải con không muốn cứu nó không? Con đúng là đồ vong ân bội nghĩa!”
Mắng xong, bà ta lại níu lấy áo choàng của ta, van nài: “Con cứu nó đi, nó mới 16 tuổi, còn trẻ lắm…”
Ta không rút áo choàng về, cũng không cúi xuống đỡ bà ta dậy.
Khi bà ta là a nương của Lạc Như, bà ta là người a nương nhất trên đời, nhưng với ta, bà ta chẳng hề đối xử tốt.
“Hầu Phu nhân…”
Bà ta sững sờ: “Con gọi ta là gì?”
“Hầu Phu nhân, bà có bao giờ nghĩ rằng, không phải là thiên mệnh mà chính con người gây ra cái chết của đứa con đầu tiên và căn bệnh của Lạc Như?”
“Ý con là gì?”
“Ta nghĩ, nếu bà ngừng cho Lạc Như uống nước bùa chú, có lẽ bệnh của nó sẽ tự khỏi.”
Hầu Phu nhân vốn không như thế này từ đầu.
Lúc mang thai đứa con đầu, bà ta từng cùng Lạc Hầu ra ngoài lễ Phật.
Trên đường, họ gặp một lão đạo sĩ điên điên dại dại, ông ta chỉ vào bà ta mà nói rằng mệnh của bà quá cao quý, đè nén vận khí của đứa bé, cái thai này hoặc là không giữ được, hoặc sẽ sinh ra thai chết.
Khi ấy bà ta và Lạc Hầu vừa mới cưới, tình cảm nồng thắm, bà ta nghe được những lời đó, nhưng Lạc Hầu thì không chịu nghe.
Lão đạo sĩ bị đánh một trận, nhưng vẫn chỉ vào bà mà nói: “Không sinh được đâu.”
Và đến ngày bà sinh nở, quả nhiên đứa bé chào đời đã là thai chết.
Khi còn nhỏ, ta từng lạc vào tiểu Phật đường mà phu nhân Nghiêm đã lập.
Tên trên linh vị là gì, ta đã không còn nhớ rõ.
Ta chỉ nhớ rằng, người phụ nữ luôn lạnh lùng, thờ ơ ấy đã gục xuống bàn thờ, lặng lẽ khóc không thành tiếng.
Ánh mắt đầy đau khổ của bà ta lúc đó giờ lại hiện lên rõ mồn một, như thể bà ta vừa hiểu ra điều gì đó, nhưng lại không dám tin.
Bà ta đứng dậy, mơ màng đi về phía sau.
Trò lừa gạt này vốn chẳng cao minh, chỉ là hầu phủ u ám đáng sợ, đứng trong đó, con đường nào cũng đầy sương mù.
Tuyết rơi trắng xóa, chẳng mấy chốc đã phủ kín bóng dáng của bà ta trong màu trắng mênh mông.
Phá vỡ mảng trắng đó là một chiếc ô màu xanh.
Người cầm ô mỉm cười, vẫn cái kiểu ngông nghênh như lần đầu gặp, giọng điệu lém lỉnh: “Ta cũng không nói là sẽ tới, sao ngươi còn ra đây chờ? Chẳng lẽ đây là thần giao cách cảm?”
Ta vui mừng chạy tới đón: “Phu tử!”
15
Tề Kiến Chân bị Anh vương bắt về kinh để ăn Tết.
“Ngươi không hiểu đâu, mấy cái lễ nghi rườm rà ấy khiến ta đau đầu vô cùng!”
Bà ấy trốn về làng Bảo Hoa là để tránh phiền phức, nhưng ngày Tết thì dù trốn mùng Một cũng không thoát được mùng Mười lăm.
Phùng Chiếu Thu mang rượu ra, rồi còn đi thái hai cân thịt bò luộc.
Tề Kiến Chân nhấp một ngụm, rồi đổi chén rượu sang bát, uống ừng ực: “Xem ra buôn bán đã khấm khá, rượu cũng ngon hơn.”
Lưu Nhụy Nhi chưa bao giờ thấy một người phụ nữ phóng khoáng như thế, muội ấy kéo áo ta, thì thầm hỏi liệu đầu óc Tề Kiến Chân có vấn đề gì không.
Đến khi Phùng Chiếu Thu ôm cả vò rượu ra mà uống, Lưu Nhụy Nhi suy nghĩ một lúc, rồi hỏi ta: “Phải chăng phụ nữ kinh thành đều thế này?”
Trên lò than đỏ rực, rượu đang được hâm, hơi rượu bốc lên nồng nặc khiến đầu ta cũng chếnh choáng.
Ta đáp: “Ước gì phụ nữ trên đời đều phóng khoáng như thế.”
Chớp mắt đã đến cuối năm, Phùng Chiếu Thu dẫn ta đi dán câu đối.
“Bốn vị thiên vương trấn giữ bốn phương, Thổ Địa cầu tài lộc!
“Dán chữ ‘Phúc’ ngược lại, ‘Phúc đảo’ là phúc đến!”
Vừa làm bà ấy vừa lẩm bẩm, còn ta thì giống như con chó con, lẽo đẽo theo sau bà, bám dính không rời.
Chiếc áo bông đỏ Lưu Nhụy Nhi may cho ta vừa ấm vừa đẹp, tiệm vải bán đắt hàng, cô bé nhanh chóng để dành được một khoản tiền, chuẩn bị mùa xuân tới sẽ gửi muội muội mình vào tư thục, học cùng lớp với ta.
Ngày mùng ba Tết, ta và muội muội sáu tuổi tương lai của mình cùng đốt pháo.
Dù còn nhỏ nhưng cô bé rất can đảm, ta chỉ dám đốt pháo chuột, còn cô bé dám đốt cả pháo nổ hai tiếng.
Chiến tích của hai chúng ta là làm nổ tung hai chậu hoa của Phùng Chiếu Thu.
Khi đang đứng chịu phạt ở góc tường, cửa sân lại vang lên tiếng gõ.
Ta không có bạn cũ ở kinh thành, chẳng lẽ Hầu phu nhân lại đến?
Ta không muốn mở cửa, cho đến khi nghe thấy tiếng ho khan của một người phụ nữ bên ngoài.
“Tỷ tỷ ơi, là muội.”
Giọng nói ấy ta không thể nào quên được, đó là Lạc Như.
Nghĩ lại, Lạc Như chưa từng làm khó ta, thậm chí chưa từng nói một lời khó nghe với t.
Lạc Như chỉ lặng lẽ đứng nhìn mọi chuyện mà thôi, ta mở cửa, Lạc Như đứng trên bậc thềm, yếu ớt không chịu nổi.
“Sao muội lại đến đây?”
Đôi môi Lạc Như tái nhợt, trên mặt có vài vệt hồng từ những cơn ho.
“A nương không dám đến, nên muội tới thay.”
Sau khi trở về Hầu phủ, Hầu phu nhân lén ngừng cho Lạc Như uống bùa nước, sau khi ngừng uống, sức khỏe Lạc Như ngày một tốt lên.
Hầu Phu nhân cuối cùng cũng thông suốt, bà ta về nhà mẹ đẻ tìm ca ca, mượn người tâm phúc của ông ta để điều tra.
Điều tra mãi, cuối cùng lại lần đến đầu Lạc hầu.
Lạc hầu có một quý thiếp họ Tôn, hai người lớn lên bên nhau từ thuở nhỏ, nhưng vì môn đăng hộ đối không xứng, sính lễ không đủ, nên bà không được làm chính thất, chỉ có thể cam chịu làm thiếp.
“Chuyện ông thầy bói chặn đường nguyền rủa ban đầu là do Tôn thị tự mình bày ra, nhưng sau khi chính tay Tôn thị bóp chết ca ca muội, cha để bảo vệ bà ta, liền cùng bà ta hợp mưu, dựng lên những lời bịa đặt đó, thậm chí còn không tiếc hại muội…”
Giọng Lạc Như nhạt nhòa, như đang nói về chuyện của người khác.
Lạc Như đưa chiếc hộp đựng đồ ăn trong tay cho ta, rồi nói: “A nương bảo, hôm nay là sinh thần của tỷ, đây là bát mì thọ a nương tự tay làm cho tỷ. A nương không có mặt mũi gặp tỷ, nên nhờ muội mang đến.”
Ta không nhận.
Khi còn nhỏ, ngày mà ta yêu thích nhất trong năm là sinh thần của Hầu phu nhân.
Chỉ trong ngày đó, bất kể ta tặng bà thứ gì, bà đều mỉm cười với ta.
Lúc nhỏ, ta tặng bà những bông hoa trong vườn, lớn hơn một chút, ta tự tay nấu mì thọ cho bà.
Bếp cao, ta phải đứng lên ghế, nhào bột, nấu nước, trán đầy bột trắng, mang theo tâm ý nóng hổi chỉ để đổi lấy một nụ cười của bà.
Cho đến năm ta chín tuổi, khi ta mang bát mì thọ cho bà ta, ta đánh rơi cái túi, quay lại tìm, tình cờ thấy bà ta sai người đổ bát mì đi. Kể từ đó, ta không còn cố gắng đến gần bà nữa.
Người ta lấy nhau, chung sống với nhau, ắt có duyên phận.
Hầu Phu nhân và Lạc hầu cũng vậy, họ coi trọng những người mình yêu thương, còn những người khác thì chỉ là cỏ rác để chà đạp.
Nhưng Hầu phu nhân quyền thế lớn hơn ta, còn Lạc hầu quyền thế lại lớn hơn Hầu phu nhân.
Lạc Nhu thu lại hộp đồ, trước khi rời đi nàng hỏi: “Tỷ tỷ à, tỷ có thể tha thứ cho a nương không? Bà ấy… cũng là một người đáng thương.”
Ta nghe thấy giọng mình, lạnh lùng và cứng rắn.
Ta nói: “Không.”
Ta nhỏ bé, yếu đuối, khi bị tổn thương thường không thể phản kháng, chỉ có thể quay vào bên trong, rèn luyện mình thành một người cứng rắn như kim cương.
Hầu Phu nhân nhận kết cục hôm nay là nghiệp báo của bà, không liên quan gì đến ta.
Nhưng ta vẫn có quyền không tha thứ cho bà ta.
Sau khi Lạc Như rời đi, ta đóng cửa lại.
Chuyện của hôm qua như đã chết theo hôm qua, chuyện của hôm nay là sự khởi đầu mới.
Từ bếp, tiếng của Phùng Chiếu Thu vọng ra: “Niệm Chi, ăn cơm thôi!”
“Dạ, con đến ngay!”
Sau mùa xuân, ta và muội muội sáu tuổi của mình đã trở thành bạn cùng bàn.
Cô bé cầm bút lông, nghiêm túc viết chữ đầu tiên trong đời—chữ “Nhụy.”
Chữ còn xấu, nhưng không sao cả.
Ta mở sổ tay, ghi lại một dòng:
“Lập xuân, Lưu Tâm Nhi đã biết viết chữ, chắc hẳn Lưu Nhụy Nhi rất vui.
Tề Kiến Chân chạy trốn về làng Bảo Hoa, bà ấy bảo cổ mình bị đè bởi mấy món trang sức, phải nằm liền hai tháng mới hồi phục được.
Giang Thụy dẫn bà Giang đến cửa hàng của nhà ta để may quần áo, nàng ấy chọn vải màu xanh, còn bà Giang chọn màu hồng.”
Những điều ghi chép trong sổ tay của ta ngày càng là những chuyện nhỏ nhặt chẳng đáng quan tâm, ta cũng không hiểu vì sao mình lại ghi chúng.
Rõ ràng ta đã định viết thơ, viết văn kia mà.
Thôi kệ!
Gió xuân thổi qua tiếng đọc sách, những trang sách lật qua dòng đời tấp nập, tan học rồi ta chạy thật nhanh về nhà, vì Phùng Chiếu Thu đang chờ ta ở nhà.