108
Khi ta đến Cảnh Nhân cung, vừa chạm mặt với Thái y.
Lúc ta đi ra, một đoàn Thái y lao vội qua ta, chạy vào trong điện.
Thái hậu cũng vội vã đến, chẳng màng đến dáng vẻ uy nghi, nét lo lắng trên khuôn mặt không thể giả dối.
Thực ra, so với Phương Tần Diệp Dịch Vi, thời gian Hoàng hậu ở cạnh Thái hậu còn lâu hơn nhiều.
Ta bước đến bên xạnh Nhị ca. Ánh mắt huynh ấy đờ đẫn, dõi theo hướng đoàn Thái y đi.
Ta nói:
“Huynh, đi thôi.”
Nhị ca vẫn không nhúc nhích.
Ta đẩy vai huynh ấy, cắn chặt môi, mất một lúc mới lên tiếng:
“Huynh sẽ không được gặp đâu!”
Giấc mộng lớn cũng phải tỉnh, người nam nhi cao tám thước bị ta đẩy lảo đảo.
Trong lồng ngực củ huynh ấy lộ ra một góc khăn tay, như bừng tỉnh, huynh ấy vội nhét lại vào ngực rồi mới ngước nhìn ta, trong mắt đầy vẻ ngơ ngác như trẻ con.
Ta mỉm cười, nói:
“Khăn tay ta thêu cho huynh, huynh nhớ giữ gìn nhé.”
Huynh ấy chỉ gật đầu, không nói nên một lời, cuối cùng cũng tỉnh táo mà bước theo sau ta.
Người đời có câu “hồi quang phản chiếu”, trong nhà ta từng có một bà vú già, từ khi mẹ sinh ra bà đã theo bên cạnh. Khi bà bị bệnh nặng được đưa về nhà, mẫu thân nói bà chẳng còn sống được bao lâu nữa, bảo chúng ta đến thăm.
Khi đến, bà vú trông tinh thần rất tốt, tự tay làm một bàn cơm mời chúng ta, mẫu thân cùng bà trò chuyện đủ điều thân thiết, lúc ra về, bà tiễn rất xa, quỳ gối mà vái lạy chúng ta.
Mẫu thân nước mắt tuôn rơi, bảo bà đừng tiễn nữa.
Bà vú mặt đầy từ ái, nói:
“Để nô tài tiễn phu nhân và tiểu thư thêm một đoạn, cảm tạ chủ nhân đã bao năm thương yêu.”
Đến nửa đường trở về, con trai bà vú đuổi theo bằng xe bò, nói rằng bà vừa về đến nhà đã lên giường rồi ra đi.
Mẫu thân nói:
“Người bệnh nặng chưa ra đi, giữ lại chút hơi tàn không thở dứt, chỉ để gặp người quan trọng một lần cuối. Gặp rồi, hơi thở cũng tan biến.”
Qua bao lớp cửa, ngàn ngàn lớp màn, biển người đen nghịt, hơi thở của Hoàng hậu nương nương, tan rồi….
Tiếng chuông tang vọng lên quanh quẩn trên bầu trời Tử Cấm Thành.
Ta dẫn theo đám người đi ngược dòng, trong lòng nghẹn ngào không thôi.
Hậu cung, nơi vô tình nhất, làm sao lại nuôi được bao nhiêu người đa tình đến vậy?
109
Hoàng hậu băng hà, Lý Quân Khắc ban cho nàng lễ tang long trọng nhất, coi như tri ân những năm nàng gánh vác bao nỗi nhọc nhằn trong việc cai quản lục cung.
Phương Tần khóc than suốt một ngày, suýt ngất xỉu, lại tự nguyện xin giữ linh cữu cho Hoàng hậu, Hoàng thượng chấp thuận.
Ta thấy thật khó hiểu.
Bình thường Diệp Dịch Vi với Hoàng hậu cũng chẳng thân thiết, sao bây giờ nàng ta lại đau lòng đến thế.
Thần Phi quỳ trên bồ đoàn, nhắm mắt tụng kinh. Nghe thấy ta hỏi, nàng nói:
“Nhà họ Diệp muốn nàng đau lòng, nàng không thể không nghe.”
“……”
Ta ỉu xìu “Ồ” một tiếng
Ta cũng muốn giữ linh cho Hoàng hậu nhưng Phương Tần đã đi, thế nên ta lại không muốn đi nữa.
Sợ nàng trước linh cữu Hoàng hậu mà xỏ xiên ta. Cũng sợ ta nhịn không được lại lén mách Hoàng hậu nương nương về những chuyện xấu của nàng.
Thật khó hiểu, dù rằng cùng một mẹ sinh ra, vậy mà trong lòng ta, hai người lại đứng ở hai đầu cán cân.
Thần Phi đoán được suy nghĩ của ta:
“Lòng thành không câu nệ hình thức.”
Giờ đây nàng trở nên dịu dàng hơn rất nhiều, trên gương mặt bình thản của nàng, ta thoáng thấy bóng hình của Hoàng hậu.
Ta bắt chước dáng vẻ của nàng, ngay ngắn quỳ xuống trước Phật tổ khấn nguyện.
‘Bồ Tát phù hộ, xin cho Hoàng hậu nương nương kiếp sau không làm Hoàng hậu nương nương nữa.
Phù hộ Hoàng hậu nương nương, kiếp sau khi lên cõi Cực Lạc sẽ có người thực lòng bên cạnh.’
110
Thái hậu sau khi đến thăm Hoàng hậu cũng sinh bệnh.
Trong cơn bệnh, bà gọi ta đến hầu.
Thái hậu dựa vào giường, gương mặt xưa nay cứng cỏi tinh anh nay in hằn nếp nhăn, dấu vết tuổi già hiện rõ, bây giờ lại trông từ ái hơn nhiều so với trước.
“Trước khi ai gia gặp Tình nhi, nàng đã hấp hối. Con là người cuối cùng gặp nàng, nàng có nói gì với con không?”
Ta hồi tưởng lại những lời hôm đó.
Hình như mỗi câu nói ra đều có thể bị phạt.
Ta cứ lắp bắp mãi chẳng thốt nên lời, ánh mắt cứ đảo qua đảo lại.
“Hoàng hậu… Hoàng hậu nương nương thương Hoàng thượng, bảo ta… nghe lời Hoàng thượng nhiều hơn.”
Ta lựa chọn một câu, cũng là một câu thật lòng mà nói với Thái Hậu.
Thái hậu cúi đầu, thở dài khe khẽ.
“Hóa ra là nói nhiều lời không tiện truyền lại.”
“Thôi đi, ai gia hiểu rồi.”
111
Thái hậu hiểu điều gì?
Đến khi ra ngoài, ta vẫn chẳng hiểu được đầu đuôi.
Nhưng người ấy là nhà vô địch trong cuộc cung đấu năm xưa, đã chứng kiến Hoàng hậu lớn lên từng ngày, hẳn là minh tường hơn ta nhiều.
Bên trong sâu không lường được, ta không nên nhúng tay vào.
112
Trong thời gian giữ tang, cung đình trở nên lạnh lẽo.
Lá thu cũng úa mà rụng lả tả, tiếng quét dọn xoèn xoẹt như cứa vào tai.
Tần Đáp ứng đến tìm Đại Hoàng tử chơi. Bây giờ ngồi trong phòng mà không còn đủ người để chơi bài cửu như lúc xưa nữa rồi.
Nàng dạy Đại Hoàng tử xem mạch, Đại Hoàng tử cười khúc khích ngây ngô.
Ta hỏi:
“Ngươi lại học y thuật rồi à?”
Tần Đáp ứng gật đầu:
“Chốn hậu cung chẳng được bình yên, ta muốn học pháp sự nhưng khổ nỗi không ai dạy nên đành học chút y lý, tự chăm sóc cho mình.”
Nàng khuyên ta cũng nên học chút ít nhưng ta là người lười biếng, đầu óc đần độn, lập tức từ chối.
Tần Đáp ứng không ép, chỉ nói nàng biết cũng coi như tất cả chúng ta đều biết. Bình thường nàng ít nói, nhưng lại rất nhạy với tin tức nhỏ. Nàng ghé sát tai ta thì thầm:
“Ta nghe từ Thái y viện, Phương Tần e rằng khó có thai lại.”
Ta tròn xoe mắt nhìn nàng, nàng đưa ngón tay lên môi, nháy mắt với ta.
Thư Lan Âm, thật là tàn nhẫn.
Ta chợt thấy lạnh sống lưng.
Trước khi đi, Tần Đáp ứng bắt mạch cho ta, nàng nói Thái y viện đôi khi giấu giếm, nhưng nàng thì luôn thành thật với ta. Nàng đặt hai ngón tay lên cổ tay ta, hài lòng gật đầu.
“Tỷ tỷ, tháng này tỷ sắp đến kỳ rồi, dạo này đừng tham lạnh.”
Ta tiễn nàng ra cửa. Nàng đi được vài bước rồi ngoảnh lại nhìn ta, chân thành nói:
“Tỷ tỷ, chúng ta đều phải sống thật lâu dài.”
Tần Đáp ứng cũng sợ cô đơn.
113
Trong cung xảy ra sự việc liên tiếp.
Thần Phi quy y cửa Phật, đóng cửa không ra, Hoàng hậu băng hà, Phương Tần giữ linh.
Cả hậu cung rộng lớn, số phi tần đếm trên đầu ngón tay.
Triều thần bắt đầu bất mãn, yêu cầu Lý Quân Khắc nạp phi, mở rộng hậu cung.
Lý Quân Khắc lấy cớ đang trong thời kỳ quốc tang Hoàng hậu, không có tâm trạng. Vì vậy, triều thần lại ồn ào rằng hậu cung không thể một ngày không có chủ, cần lập tân hậu.
Trên tấu chương của Tuyết Hoa, đề nghị nên để Phương Tần lên Hậu vị. Chỉ có Định Quốc công là không có động tĩnh gì.
Lý Quân Khắc phiền chán họ, biểu diễn một màn đau buồn khôn xiết, xử lý vài viên quan nhàn rỗi nhảy nhót, rồi ba ngày không thượng triều.
Nước không thể một ngày không vua, nhưng lại có thể ba ngày không vua.
Hoàng thượng ngồi ở Dưỡng Tâm Điện phê duyệt tấu chương, ta bế hoàng tử ngồi bên cạnh dạy con gọi “nương,” hoàng tử dùng tay đập lên mặt ta liên hồi.
Lý Quân Khắc mất tập trung nên cũng quay sang nhắc nhở:
“Là ‘ngạch nương’.”
Ta giữ lấy bàn tay nghịch ngợm của hoàng tử, nghiêng đầu:
“Hai chữ khó học.”
Lý Quân Khắc thuận theo:
“Vậy dạy con gọi ‘cha’ đi.”
“……”
Nhiều tấu chương trong mắt Lý Quân Khắc chẳng khác gì giấy vệ sinh, ngài phê duyệt mà mồ hôi ướt lưng, phải nhờ thái giám quạt mát.
Đột nhiên ngài hỏi ta:
“Tiểu Quất nhi có muốn làm Hoàng ngạch nương của Thanh Khê không?”
“……”
Ta lắc đầu:
“Ta đã là nương của hài tử, như vậy là được rồi.”
Lý Quân Khắc nhìn ta chằm chằm, một lúc sau lại cúi đầu tiếp tục phê tấu chương.
Ta tiếp tục kiên nhẫn dạy tiểu hoàng tử.
“Con à, gọi nương, nương…”
114
Ta không muốn làm Hoàng ngạch nương của Đại Hoàng tử. Ta chỉ muốn làm nương của đoàn tử.
Lý Quân Khắc hỏi ta, dường như muốn nghe lời từ chối của ta.
Ta không muốn đoán liệu nếu ta nói muốn, ngài có đồng ý hay không.
115
Ròng rã nửa năm, vị trí hoàng hậu vẫn còn trống.
Thần Phi được phong thành Quý phi, thay mặt cai quản lục cung, Phương Tần được thăng thành Lương phi, Thư Quý nhân trở thành Thư Tần, ngay cả Tần Đáp ứng cũng thành Thường tại.
Năm nay, mọi người đều thăng tiến, ai nấy đều có tiền đồ rộng mở. Chỉ có việc lập tân hậu là cứ mười ngày lại bùng lên một lần, tin đồn không ngớt.
Diệp Dịch Vi vẫn nằm trong danh sách đề cử. Nàng ta hiện tại đã thu bớt tính tình, đối đãi người khác đều chu đáo cẩn trọng. Thực sự phù hợp với chữ “Lương” ấy.