Từ thuở thiếu thời, phụ thân ta từng ở thư viện quyên góp và định cho ta một vị tiểu tướng công.
Ông hứa rằng, chỉ cần chàng chịu cưới ta, nhà ta sẽ chu cấp kinh phí cho chàng đọc sách, lên kinh ứng thí, lại còn chăm nom gia đình của chàng.
Về sau, chàng thi đỗ cử nhân, còn gia tộc ta lại suy bại.
Tự thấy mình không còn xứng đáng, ta liền dâng thư từ hôn, nhưng chàng chẳng nói lấy một lời hồi đáp.
Sau đó, ta tần tảo làm công tại quán bán tàu hủ nước đường ở trấn để cố gắng nhọc nhằn trả nợ.
Chàng thân khoác áo bào trạng nguyên, cưỡi ngựa cao lớn, giữa tiếng chiêng trống rộn ràng khắp phố, bỗng dừng ngay trước cửa quán.
Chàng cúi đầu, cất tiếng gọi: “Nương tử, ta đến đón nàng về nhà đây.”
Ta : “…”
1
Từ sau khi Lý gia tỷ tỷ qua đời, ta vốn chẳng ngờ Lý Hành Chu lại quay về trấn Bồ Liễu.
Chốn phố hẹp ngõ sâu, người đến người đi tấp nập, khách lữ hành qua lại không dứt, quán tàu hủ nước đường làm ăn phát đạt, ta bận đến mức chân chẳng chạm đất, tự nhiên cũng chẳng nhìn rõ dung nhan của chàng.
Giữa lúc ấy, có một vị cô nương nữ giả nam trang, mặc áo học sĩ, nhưng chỉ cần nhìn thoáng qua liền biết là nữ bỗng cất tiếng gọi ta:
“Tiểu nhị, hãy lau sạch lại chiếc bàn này đi .”
Ta cầm lấy khăn lau nghiêng mình, lau bàn vài lượt nữa, sau đó quen việc đến đem tàu hủ đường bưng lên.
Ngày trước, những việc như vậy đều do Lý Hành Chu giúp ta, chàng rất nhẫn nại, mỗi lần đều cẩn thận lau muỗng sạch sẽ rồi đưa cho ta.
Khi ấy, ta cứ ngỡ rằng là chàng cam tâm tình nguyện ở bên cạnh ta.
Nhưng mãi sau này ta mới hiểu, con người chàng thực ra vốn dĩ luôn chu đáo như thế, cho dù là ai đi chăng nữa, nếu là người được chàng chăm sóc thì chàng vẫn sẽ ân cần tận tâm như vậy.
Ba năm đổi thay, cảnh vật còn mà người thì chẳng phải như xưa nữa .
Một vị tú tài chợt hỏi:
“Lý huynh, nghe nói năm xưa ở trấn có một phú thương muốn gả con gái cho huynh, chuyện ấy có thực không?”
Lý Hành Chu khẽ gật đầu, chỉ “ừm” một tiếng.
Tức thì, các tú tài xôn xao bàn tán.
“Vậy huynh có đồng ý không? Sau đó huynh và vị cô nương ấy thế nào rồi ?”
Giữa tiếng ồn ào, Lý Hành Chu chỉ im lặng, những tú tài cố ý đùa cợt chàng chờ mãi cũng không nghe được lời hồi đáp cũng lúng túng .
Đám tú tài ngại ngùng vội đổi chủ đề, nhưng chưa kịp náo nhiệt trở lại thì nghe thấy thanh âm trầm khàn kèm theo chút ủy khuất của Lý Hành Chu vang lên :
“ Ta đồng ý, nhưng sau đó nàng không cần ta nữa .”
2
Lời vừa dứt, vẻ mặt các tú tài ai nấy đều đặc sắc, muốn hỏi thêm nhưng lại bị nữ tử giả nam trang bên cạnh cười ngắt lời:
“Các ngươi thật là nhiều chuyện! Đó là việc của nhiều năm về trước rồi, chẳng qua cũng là lời nói đùa lúc còn thời niên thiếu mà thôi, sao còn phải để tâm .”
“Đúng vậy, nữ nhi nhà phú thương dù tốt, cũng chỉ là con của nhà buôn, làm sao có thể sánh bằng tiểu thư của quận thủ phủ.”
“Các người có đừng nói càn!”
Nữ tử kia mặt thoáng ửng hồng, đám người kéo nhau sang chuyện khác, không khí dần trở nên vui vẻ trở lại.
Ta đứng dậy đi tiếp khách, vì đứng quá vội vàng không để ý đến, liền va vào góc bàn khiến tàu hủ nóng bỏng đổ cả lên tay, lập tức nổi mấy vết phồng rộp, động tĩnh quá lớn khiến mọi người xung quanh ngoảnh đầu nhìn sang.
“Thật xin lỗi, thật xin lỗi, ta sẽ đổi bát mới cho quý khách!”
Ta liên tục cúi đầu tạ lỗi, luống cuống muốn rời đi.
Khách bàn bên cạnh tức giận quát tháo, bỗng nhiên một bóng dáng cao ráo đột nhiên chắn trước mặt ta, ngăn cả các tầm tắm hướng ta nhìn tới.
Ta cố ý nhích sang trái, chàng nghiêng sang trái, ta lại nhích sang phải, chàng lại nghiêng mình về bên phải.
Không cách nào thoát thân được, lòng ta lại càng chua xót vạn phần.
Bỗng nhiên nghe được giọng nói trầm thấp từ trên đỉnh đầu truyền xuống:
“Nàng… bị thương rồi.”
Ta đứng ngây tại chỗ, cũng không dám ngẩng đầu lên vì lo sợ rằng chàng sẽ nhận ra, ta còn cố lén giấu bàn tay đỏ rát ra sau lưng .
Tiếng thúc giục của khách vang lên liên hồi, bà chủ quán nhìn về phía ta:
“Khách đang gọi kìa, ngươi phải nhanh tay lên!”
Ta vội đáp, liền cúi đầu bối rối chạy đi.
Bà chủ thấy tay ta, lập tức quở trách:
“Con bé này tại sao ngươi lại nngốc như vậy? Đồ nóng như thế mà ngươi lại dùng tay không để đỡ!”
“Lần sau con nhất định sẽ chú ý.”
“Ôi, bình thời ngươi lanh lợi lắm, sao hôm nay ngươi lại bất cẩn đến thế?
Những vị thư sinh ngồi bàn kia, nhìn qua đã biết chẳng phải hạng tầm thường, ngày sau tất sẽ làm quan, tiền đồ như gấm. Nếu lỡ làm bỏng họ, dân nghèo nhưu chúng ta bồi thường đâu nổi.”
Bà chủ liền tự tay mang tàu hủ nước đường đến cho khách, còn ta lui về hậu viện, nhúng đôi tay vào nước giếng, cảm nhận được chút lạnh liền thở phào nhẹ nhõm.
Hôm nay bất luận làm bỏng ai, ta cũng không đền nổi, bởi vậy lúc đó bất đắc dĩ mới dùng tay không mà đỡ.
Người không có tiền thì mạng tất hèn, có đau cũng chẳng sao, đau mãi rồi cũng sẽ quen, vết thương cuối cùng cũng sẽ lành.
Ta làm sao mà không nhận ra bóng dáng Lý Hành Chu, chỉ là ta không dám thừa nhận, cũng không muốn để chàng nhận ra bản thân ta.
Người nữ nhi nhà phú thương trong câu chuyện của bọn họ chính là ta.
Người không cần chàng… cũng là ta.
3
Lý Hành Chu gia cảnh bần hàn, tiền lên trấn học đều do hương thân làng xóm gom góp, chắp vá mà thành.
Áo quần chắp vá, rộng chật chẳng vừa, dán trên thân hình gầy gò, khiến chàng hoàn toàn lạc lõng giữa những thư sinh phong lưu trong thư viện.
Chàng cần cù hơn bất kỳ ai, quanh năm đứng đầu bảng, trong đôi mắt lãnh đạm chỉ có chữ nghĩa thi từ, ngoài sách vở chẳng màng bất kì thứ gì khác.
Ta thích chàng ở điểm không cúi đầu khuất phục số phận, thích sự chuyên tâm nghiêm cẩn, chẳng giống với người đời.
Bóng dáng chàng dưới bóng cây kiên nhẫn dạy ta học chữ đã khắc sâu trong lòng ta, ngày ấy ngọt bao nhiêu, lúc buông tay lại trở nên đắng chát bấy nhiêu.
Phụ thân ta một chữ bẻ đôi cũng không biết, nhưng nhờ ánh mắt tinh ý nhìn người mà bôn ba khắp nơimới tích góp nên gia sản, trở thành phú thương nổi tiếng trong trấn.
Đường gia chỉ có mỗi mình ta là nữ nhi, phụ mẫu ta muộn mới có hài tử nên thương yêu ta hết mực, nếu ta muốn sao trăng trên trời người cũng tìm cách hái về cho ta vui vẻ.
Người đưa ta vào thư viện, căn dặn một phen :
“Tiểu Tước, nay triều đình cho phép nữ tử cũng được nhập học, nếu là thời của phụ thân đến nghĩ cũng chẳng dám mơ. Phụ thân không mong con đạt được công danh, chỉ hi vọng con có thể biết đôi chữ, hiểu rõ lý lẽ, phân biệt được đúng sai thì dù ta có nhắm mắt cũng yên lòng.”
Nhưng phụ thân đâu ngờ, chữ thì ta chưa học được mấy, lại sớm đem lòng ái mộ Lý Hành Chu.
Trong một lần, thấy chàng đang cố cắn chiếc bánh bao đã nguội lạnh, ta liền đem bát cơm đầy đùi gà nhét vào tay chàng nói :
“Lý Hành Chu, cơm nhà ta ngon lắm, chàng nếm thử đi! Ngày sau ta ngày nào cũng mang cơm đến cho chàng.”
Chẳng ngờ giây lát sau, cả bát lẫn đũa đều được chàng trả lại tay ta, chàng khẽ khàng từ chối ta.
Nhưng ta vốn mặt dày, chàng càng từ chối, ta lại càng bám chặt, càng bị đẩy lui lại càng thêm tiến tới.
Mẫu thân từng bảo: “ nữ nhân gan dạ sợ nam nhân cố chấp, đối với nam nhân cũng chẳng khác là bao .”
Ta chỉ còn thiếu khắc hai chữ “thích chàng” lên mặt, đến mức các thư sinh trong thư viện cười nhạo ta, nhưng ta cũng chẳng hề bận tâm, ta chỉ muốn để ý mình chàng mà thôi.
Lý Hành Chu không lên lớp, ta ôm bát cơm chờ đợi hai ngày, rốt cuộc nhịn không được, lần mò hỏi đường đến Lý gia thôn .
Lúc đến nơi mới hay, tỷ tỷ chàng bệnh nặng, không nỡ mời thầy thuốc, cứ thế kéo dài thành trọng bệnh.
Phụ mẫu chàng mất sớm, chàng lớn lên nhờ tỷ tỷ nuôi dưỡng, tình cảm hai người gắn bó thì làm sao chàng nhẫn tâm đành lòng bỏ mặc người chăm sóc mình trưởng thành .
Thấy ta đến, chàng đang kéo nước cũng ngẩn người, làm rơi cả gàu xuống giếng, “bùm” một tiếng.
Ta quay người bỏ chạy, hồng hộc chạy thẳng về nhà, ta lục tung hết số tiền lì xì tích góp bấy lâu nay đổ cả vào túi, thấy vẫn chưa đủ, lại cướp sạch hộp trang sức của mình.
Lúc quay lại làng họ Lý, trời đã ngả bóng chiều tà, nhà chàng đến đèn cũng không dám thắp, cả sân đen như mực.
Ta chẳng nói chẳng rằng, đem tất cả nhét vào tay chàng, ngốc nghếch cười, bảo chàng mau mời thầy thuốc chữa bệnh cho tỷ tỷ.
Đây là lần đầu tiên chàng không từ chối ta, ta ngỡ đây là khởi đầu của chúng ta.
Nhưng mãi sau ta mới hiểu, ngay từ đầu đã sai, mối quan hệ giữa 2 ta vốn chẳng bình đẳng, giống như một cái gai, nhỏ bé mà sắc nhọn, thỉnh thoảng lại nhói đau.
Việc ta lấy tiền lì xì giấu không nổi phụ thân, nhưng chết cũng không chịu nói đã dùng vào việc gì, không ngoài dự đoán, ta bị một trận đòn đau.
Bệnh tình tỷ tỷ chàng khá hơn, Lý Hành Chu quay lại thư viện học.
Buổi học xong, chàng đi làm thuê tại quán ngoài ngõ, kiếm tiền chăm nom cho tỷ tỷ.
Ngày ấy ở Lý gia thôn, chàng chỉ nhận của ta một chiếc trâm bạc, nhưng đến thư viện liền bị đồn thổi thành kẻ tham phú phụ bần, vì tiền mà nhục nhã cúi đầu.
Những thư sinh từng tôn kính chàng, nay nhìn chàng bằng ánh mắt khinh bỉ, thậm chí còn buông lời nhục mạ ngay trước mặt chàng.
Chàng khó lắm mới chịu nói thêm đôi lời với ta, ta nào chịu để chàng phải chịu nỗi oan uổng này, ta liền xông vào đánh nhau với đám thư sinh mỉa mai ấy, kết quả tư thục liền thỉnh phụ thân ta đến xử lý.
Phụ thân ta bị phu tử mắng cho một trận, mất hết cả thể diện, người liền giận dữ kéo ta về nhà cấm túc suốt mấy ngày liền .