10.
Tống Thời Thanh cắt một cành trúc nhỏ, sắc bén, đứng trong làn nước đục ngầu, nhắm mắt lắng nghe.
Ta không biết huynh ấy có thể nghe thấy gì, vì ngoài tiếng gió và tiếng ve, ta chẳng nghe thấy gì khác.
Nhưng chỉ trong chốc lát, huynh ấy đột nhiên ra tay, động tác nhanh nhẹn và dứt khoát. Khi huynh ấy nhấc chiếc cần lên, mỉm cười nhìn ta nói:
“Dao Dao, muốn nướng hay nấu cá?”
Huynh ấy thật sự bắt được cá.
Không chỉ vậy, huynh ấy còn biết nướng cá, dùng muối thô để ướp. Khi ta rửa tay xong quay lại, cá đã được nướng thơm lừng.
Ta ngồi giữa bốn năm đống cỏ ngải đang bốc khói để xua muỗi, dù khói làm mắt cay xè, nhưng không còn bị muỗi đốt nữa.
“Nếm thử tay nghề của tiểu gia đi,” huynh ấy đưa cá cho ta, “đừng keo kiệt, cứ khen thoải mái.”
Ta nếm thử, quả thật rất ngon.
Ta ăn xong một nửa, đưa phần còn lại cho huynh ấy, “Công nhận ngon, Tống đại nhân cái gì cũng giỏi, lợi hại thật.”
“Đương nhiên, trên đời này không có gì mà ta không làm được,” Tống Thời Thanh nói đầy tự mãn.
Ta liếc mắt, “huynh biết xây nhà không? Biết rèn sắt không? Biết viết thư không? Ta thấy huynh giỏi nhất là ba hoa!”
Tống Thời Thanh ngồi xuống cạnh ta, vừa quạt vừa nhíu mày, “Tiểu cô nương chưa thấy qua sự đời, không biết nhìn người. Tống đại nhân ta, không trách muội.”
Ta bật cười ha hả.
Sau này ta mới biết, Tống Thời Thanh thật sự cái gì cũng biết.
“Huynh học tất cả những thứ này ở đâu?” Ta đứng bên lò rèn, mắt mở to ngạc nhiên khi thấy huynh ấy rèn được một con dao, không khỏi bày tỏ sự kính phục. Huynh ấy liếc nhìn ta, “Thứ này còn cần học sao?”
Ta nghẹn lời, “À, phải phải, huynh thông minh nhất, may mà trên đời không có nhiều người như huynh, nếu không thì các phu tử chẳng thu được ai làm đệ tử nữa.”
Tống Thời Thanh cười đầy đắc ý.
“Giờ bắt đầu gieo hạt, muội đu không?” Huynh ấy hỏi.
“Đi chứ!” Chỉ cần chỗ nào ta giúp được, ta sẽ đi, còn những chỗ ta đến chỉ gây rối thì thôi.
“Đại ca.” Một thuộc hạ của huynh ấy vội vàng chạy đến, “Quan huyện La Sơn không hài lòng vì giống lúa họ nhận được ít hơn Long Bình, yêu cầu đại nhân phải bù thêm.”
Tống Thời Thanh vứt con dao vừa rèn vào chậu nước, tiếng xèo vang lên trong không trung, hắn nói, “Đi La Sơn xem sao.”
Khi chúng ta đến ranh giới giữa La Sơn và Long Bình, người dân hai bên đang đánh nhau.
Khung cảnh hỗn loạn, đen kịt người, kẻ cầm cuốc, kẻ cầm cọc tre, ai có gì dùng nấy, cảnh tượng la hét inh ỏi, ngựa hí vang, thật hỗn loạn.
Hai bên cũng có sai dịch và lính địa phương, nhưng chỉ biết đứng nhìn, không thể tách họ ra.
“Làm loạn cái gì vậy!” Tống Thời Thanh đặt ta xuống ngựa, rồi xông thẳng vào đám đông, quất roi mạnh mẽ, chẳng mấy chốc đã tách được hai bên đang đánh nhau.
Huynh ấy ngồi trên lưng ngựa, mặt lạnh lùng, ánh mắt sắc bén quét qua mọi người, quát:
“Vừa thoát chết đói, ăn no lại muốn làm loạn? Đời sống yên ổn không muốn à?”
Huynh ấy vừa nói, mọi người lập tức im thin thít.
Sau này ta mới biết, ngay ngày đầu tiên huynh ấy đến đây phát cháo cứu trợ, đã gặp phải người gây sự, và huynh ấy ngay lập tức xử lý rất quyết liệt.
Bây giờ người dân ở đây vừa sợ vừa kính trọng hắn.
“Sao lại thế này, tẩu tẩu,” thuộc hạ của huynh ấy, Trường Phong, đứng bên cạnh ta, cười nói, “Đại ca của chúng ta thật giỏi, trong quân doanh, lời của đại cả nói còn có trọng lượng hơn cả tướng quân.”
Ta hơi bất ngờ, “Huynh ấy ngày nào cũng gây chuyện đánh nhau, vậy mà lời huynh ấy lại có uy thế sao?”
“Đại ca đánh người là vì muốn tốt cho họ, lại rất trượng nghĩa, ai gặp khó khăn hắn đều không từ chối giúp đỡ.” Trường Phong cười đáp, “Bất cứ việc gì, chỉ cần tìm đại ca, chắc chắn sẽ được giải quyết.”
Ta chợt nhận ra, ta dường như không thực sự hiểu Tống Thời Thanh.
Trong ấn tượng của ta, huynh ấy là kẻ vô học, suốt ngày gây chuyện, nên bị cữu cữu ta lôi vào quân doanh để rèn luyện. Sau đó, do thích lo chuyện bao đồng, huynh ấy thường đánh nhau, nên quan chức của huynh ấy mãi không thăng tiến.
Nhưng bây giờ nhìn lại, hóa ra cách đối nhân xử thế của huynh ấy trong quân đội lại rất hiệu quả, huynh ấy rất được lòng người và có uy tín lớn.
Ngoài ra, sau khi đến đây, huynh ấy nhanh chóng hòa nhập với dân bản xứ, đối xử với mọi người đều rất phù hợp, từ già đến trẻ, nam hay nữ, huynh ấy đều có cách giao tiếp riêng.
Tống Thời Thanh không phải là người chỉ biết bốc đồng, vô não. Huynh ấy thông minh và có tính toán, chỉ là những điều đó đều bị huynh ấy giấu sau vẻ ngoài bất cần đời, còn ta – một kẻ nông cạn, đã chưa từng nhận ra.
Ta nhìn Tống Thời Thanh, người đang nhanh chóng giải quyết mâu thuẫn, bắt đầu hỏi trách nhiệm những kẻ gây sự chính. Cảm giác huynh ấy vừa quen thuộc, vừa xa lạ.
11.
Tống Thời Thanh xử lý việc gây rối của hai bên một cách phân minh. Huynh ấy không ngại phiền phức, đối chiếu từng việc, mỗi người chịu một hình phạt khác nhau, từ đầu đến cuối không hề dung túng.
Những người bị phạt cũng không ai oán trách, ngoan ngoãn nghe theo sự sắp xếp của huynh ấy .
Khi mọi việc xong xuôi, trời đã tối. Huynh ấy đỡ ta lên ngựa, lại trở về dáng vẻ hay đùa cợt, ném cho ta một quả, “Ăn đi, ngọt lắm.”
“Ta không tin.” Ta đáp.
Nhìn quả này thôi đã biết chắc là chua rồi.
Huynh làm bộ mặt kiểu “muội muốn ăn thì ăn, không ăn thì thôi.”
Ta vẫn cắn một miếng, chua đến mức suýt rụng răng. Ta giận dữ, ném quả vào huynh ấy, huynh ấy cười lớn, bắt lấy rồi vừa đi vừa ăn.
“Ta ăn không thấy chua, nên không phải ta lừa muội.”
Ta giận đến nghiến răng.
Chúng ta ở Giang Nam đến tận cuối tháng Chín mới quay về kinh, Tống Thời Thanh cũng theo chúng ta trở về.
Trên đường về, mối quan hệ giữa đại ca ta và Nam Bình quận chúa đã rõ ràng hơn hẳn. Ta lén hỏi đại ca xem có phải muốn cưới Nam Bình làm tẩu tẩu của ta không, đại ca đỏ mặt trừng mắt nhìn ta, nhưng không phủ nhận.
“Vậy ta đợi uống rượu mừng nhé.”
Nhưng ta lại cảm thấy kỳ lạ. Cả hai người đều có tình cảm, tính cách cũng cương nghị, quyết đoán, tại sao đời trước họ lại không đến được với nhau?
Phải chăng là vì Vương phủ phản đối?
Nhưng dù thế nào đi nữa, đại ca ta về phẩm hạnh, dung mạo hay quan chức đều xuất chúng, tại sao Vương gia lại phản đối?
Ngày về kinh, chúng ta cùng vào gặp thánh thượng. Khi nhìn thấy Tống Thời Thanh, thánh thượng cười rạng rỡ hơn hẳn, đích thân nâng huynh ấy dậy, “Tống ái khanh trẻ tuổi mà lại vững vàng, tài giỏi, quả là phúc phận của trẫm và của Đại Chu.”
Tống Thời Thanh chắp tay đáp, “Thần có thể giúp thánh thượng chia sẻ nỗi lo, làm việc cho bách tính, đó mới là phúc phận của thần.”
Thánh thượng cười lớn, rồi quay sang đỡ đại ca ta dậy, lại quay về phía phụ thân ta vừa bước vào cửa, nói, “Tướng gia nhà ngươi thật không tầm thường, con trai tài giỏi, cháu trai cũng là kỳ tài. Đại Chu nhờ vậy mà có hậu, gia tộc nhà ngươi cũng có người kế tục.”
Phụ thân ta vừa mừng vừa khiêm tốn đáp lời.
Thánh thượng ban thưởng cho cả bốn người chúng ta, đại ca ta và Tống Thời Thanh đều được thăng quan. Ta và Nam Bình không thể làm quan, nên được thưởng rất nhiều vàng bạc châu báu.
“Thiết yến, hôm nay trẫm phải cùng chư vị ái khanh uống một bữa thỏa lòng.” Thánh thượng nói.
Chúng ta theo thánh thượng đến thiên điện, thánh thượng đã mời nhiều trọng thần khác, Vương gia và Vương phi cũng lần lượt đến. Nam Bình dắt ta đến hành lễ với Vương gia và Vương phi.
Lần này ta mới lần đầu gặp Vương gia. Khi nhìn rõ dung mạo của ông ấy, ta không khỏi sững sờ.
Vương gia rất gầy, tuy đã có tuổi nhưng dung mạo vẫn thanh tú, nhã nhặn. Không hiểu sao khi nhìn ông ấy, ta lại có một cảm giác quen thuộc lạ lùng.
“Ta giống phụ vương của ta.” Nam Bình nhận ra sự bối rối của ta.
“Ừ, đúng là giống.” Ta đáp, rồi chợt khựng lại, trong đầu thoáng qua một suy nghĩ. Ta lập tức quay đầu nhìn về phía Tống Thời Thanh.
Ban đầu huynh ấy đang ngồi đối diện với hướng này, nhưng không biết từ khi nào đã quay lưng lại. Giờ ta không thể nhìn rõ khuôn mặt huynh ấy nữa.
Ta có cảm giác, Tống Thời Thanh cũng rất giống Vương gia.
12.
Tiệc rượu đã khởi, hoàng thượng càng uống càng nói nhiều, kéo những vị thần tử yêu mến của mình đến để giới thiệu cho mọi người.
Tống Thời Thanh dường như không mấy hứng thú, nhưng cũng không dám từ chối thiện ý của hoàng thượng, đành phải đi theo.
Ta vốn đang cúi đầu uống trà, đột nhiên nghe thấy tiếng cốc vỡ từ bàn bên cạnh. Ngẩng đầu lên nhìn, ta thấy Thuỵ Vương gia chỉ còn lại đế chén trong tay, còn chén trà đã vỡ tan dưới chân ông.
Nước trà thấm ướt vạt áo của Thuỵ Vương gia, nhưng ông ấy dường như không hề để ý, chỉ ngơ ngẩn nhìn chằm chằm vào Tống Thời Thanh.
Mọi người đều ngạc nhiên nhìn Thuỵ Vương gia.
“Có chuyện gì vậy?” Hoàng thượng hỏi Vương gia.
Vương gia giật mình tỉnh lại, thu hồi ánh mắt đang nhìn Tống Thời Thanh, lập tức đứng lên hành lễ, “Thần bất cẩn trượt tay làm vỡ chén, xin hoàng thượng trách phạt.”
Hoàng thượng đang vui, không có ý định trách tội, chỉ cười nói, “Không có chén trà thì cũng là thiên ý, hôm nay khanh uống thêm vài ly rượu là được.”
Vương gia kính cẩn đáp lời, nhưng ánh mắt ông ấy vẫn có chút xao động.
Ta lặng lẽ nhìn về phía đó, trong lòng bất giác nảy lên một suy đoán không thể tin nổi.
Sau khi yến tiệc tàn, khi chúng ta rời đi, không thấy Tống Thời Thanh. Ban đầu ta nghĩ huynh ấy sẽ quay lại sau, nhưng đợi mãi đến ngày hôm sau, huynh ấy vẫn chưa trở về.
Ca ca sai người đi tìm huynh ấy.
“Nó không phải đã trực tiếp về Tây Bắc rồi chứ?” Nương ta hỏi.
“Con sẽ viết thư cho cữu cữu, xác nhận xem huynh ấy có về đó không.” Ca ca lập tức ngồi xuống viết thư cho cữu cữu ta.
Ta ngồi một bên, không tập trung, tay lột vỏ quýt, thì bà quản gia bước vào bẩm báo với nương, “Phu nhân, Thuý di nương lại ra ngoài rồi.”
Từ đầu tháng Chín, Từ Dung đã được gả vào Bá Dương Hầu phủ, từ khi trở lại kinh ta không còn gặp nàng ta, cũng không cố ý hỏi thăm tình hình của nàng ta thế nào. Nghe bà quản gia nhắc đến Thuý di nương, giọng điệu mập mờ, ta không khỏi tò mò hỏi,
“Thuý di nương ra ngoài, có lý do gì không?”
“Bà ấy lén đến căn nhà đi kèm của Từ Dung, hai nương con bí mật gặp nhau. Không cần lo cho họ.” Nương ta uống trà, “Ta đã nói với cha con rồi, nếu bà ta gây chuyện lần nữa, ta sẽ bán thẳng đi, bất kể bà ta là thiếp của ai hay nương của ai.”
Nương vừa nói dứt lời, thì Trường Phong đột ngột bị người hầu dẫn vào, khuôn mặt cậu ta trắng bệch, lắp bắp nói, “Không… không xong rồi, biểu đại nhân… ngài ấy đã ám sát Thuỵ Vương gia và bị… bị bắt giữ rồi.”
Cả nhà chúng ta đều sững sờ, kinh ngạc đến mức không nói nên lời.
13.
Tống Thời Thanh không bị giam giữ tại Đại Lý Tự mà lại bị đưa đến Tông Nhân Phủ.
Ca ca ta vô cùng thắc mắc:
“Tại sao lại bị giam ở Tông Nhân Phủ?”
Thông thường, chỉ có hoàng thân quốc thích mới bị giam ở nơi này, người dân thường hoặc quan viên không có tư cách.
“Chúng ta nên gặp người trước rồi nói sau.” Ta nói.
Khi chúng ta gặp được Tống Thời Thanh, huynh ấy vẫn mặc chiếc áo dài màu xanh đậm từ hôm qua, vạt áo và tay áo đều dính máu. Huynh ấy tựa lưng vào ghế, đờ đẫn nhìn lên trần nhà, sắc mặt có phần uể oải, như thể đã thức trắng cả đêm.
Nương ta lo lắng gọi huynh ấy một tiếng, Tống Thời Thanh lúc này mới quay đầu lại nhìn chúng ta, nhếch miệng cười nhạt.
“Rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra? Sao lại nói con ám sát Thuỵ Vương?” Cha ta nghiêm nghị hỏi.
“Con không ám sát ông ta, chính ông ta tự đâm mình, còn nói muốn dùng mạng sống để trả cho con.” Tống Thời Thanh cười tự giễu, giọng điệu vẫn thoáng vẻ hờ hững.
Cả nhà chúng ta nhìn nhau, càng nghe càng cảm thấy khó hiểu.
“Thời Thanh, con hãy nói rõ ràng cho chúng ta biết, chuyện gì đang xảy ra.” Nương ta lo lắng nói.
Tống Thời Thanh vừa định lên tiếng, thì đột nhiên có một giọng nói vang lên từ phía sau:
“Chuyện này, để bổn vương giải thích rõ ràng.”
Quay đầu lại, ta thấy Thuỵ Vương với gương mặt tái nhợt được người đỡ bước vào. Dù đã mặc thêm áo khoác ngoài, nhưng máu vẫn thấm qua vạt áo trước ngực ông.
“Thời Thanh…” Thuỵ Vương ngồi xuống, ánh mắt buồn bã nhìn Tống Thời Thanh, thở dài, “Nó là con trai của ta.”
Cả nhà ta đều choáng váng. Nương ta loạng choạng lùi lại:
“Vương gia, chẳng phải con trai ngài đã… Thời Thanh sao lại…”
Thuỵ Vương kể lại rằng, ngay từ khi nhìn thấy Tống Thời Thanh, ông đã biết đó là con trai mình, bởi huynh ấy giống ông khi còn trẻ một cách kỳ lạ.
Sau đó, cha ta cũng sực nhớ ra:
“Không lạ gì khi đầu năm nay, hoàng thượng đã nói trông Thời Thanh quen mắt, chúng ta lại không nghĩ đến ngài.”
Thuỵ Vương cười khổ một tiếng.
“Để ta kể mọi chuyện từ đầu cho các ngươi hiểu rõ.” Ông nói.
Thuỵ Vương kể rằng ông và Vương phi hiện tại, Quách thị, vốn đã tư định chung thân. Nhưng tiên đế không hề hỏi qua ý kiến của ông mà ép ban hôn cho người khác.
Không có lựa chọn, ông buộc phải thành hôn với vị Vương phi đầu tiên.
Sau khi thành thân, hai người tuy không phải ân ái nhưng cũng sống với nhau tôn trọng lẫn nhau. Năm sau, họ sinh ra một cậu con trai, chính là Tống Thời Thanh.
Nhưng Thuỵ Vương thú nhận rằng, trong lòng ông ấy vẫn không thể quên Quách thị, và Quách thị cũng chưa bao giờ thành hôn với người khác.
Bốn năm sau, Vương phi đầu tiên qua đời vì bệnh. Trong nỗi đau khổ, ông ấy lại nghĩ đến Quách thị và nửa năm sau, ông ấy quyết định cưới bà ấy làm kế thất.
Khi Quách thị về nhà, bà ấy luôn yêu thương Tống Thời Thanh, thậm chí còn nói bà sẽ không sinh con, chỉ nuôi nấng Tống Thời Thanh là đủ.
Thuỵ Vương xúc động, cho rằng mình đã tìm được một người thê tử hoàn hảo.
Nhưng không ngờ, khi Tống Thời Thanh lên sáu, vào dịp Tết Nguyên tiêu, huynh ấy đi xem hội đèn lồng và không bao giờ trở về nữa.
Ông ấy đã tìm kiếm khắp nơi, nhưng không có bất kỳ tin tức nào về đứa con trai của mình, vì vậy đã lâm bệnh nặng. Sau đó, ông ấy vẫn tiếp tục tìm kiếm suốt hai năm mà không có kết quả, cho đến khi Nam Bình quận chúa ra đời, nỗi đau của ông ấy mới dần nguôi ngoai.
Tuy nhiên, ông ấy vẫn luôn nghi ngờ, vì chính Quách thị là người đã sắp xếp cho Tống Thời Thanh đi xem hội đèn lồng năm đó. Nghi ngờ rằng chính bà đã làm mất con ông.
Cuối cùng, khi ông chất vấn, Quách thị thừa nhận, nói rằng chính bà đã làm điều đó, và đã giết chết Tống Thời Thanh.
Ông ấy không nỡ giết Quách thị, nhưng từ đó, tình cảm phu thê giữa họ đã chấm dứt. Dù không ly hôn, nhưng họ đã sống như người xa lạ.
“Cảnh Chi,” Thuỵ Vương nhìn Tống Thời Thanh, “Phụ vương không ngờ con vẫn còn sống. Phụ vương… phụ vương thật có lỗi với con.”
Tống Thời Thanh hờ hững nhìn Thân Vương, ánh mắt tràn đầy mỉa mai:
“Ngài không cần phải xin lỗi con. Người ngài nợ là nương con. Bà ấy đã sống với ngài năm năm, chịu đựng ngài năm năm. Nếu không phải vì quá khổ sở, bà ấy sẽ không ra đi sớm như vậy.”
Thân Vương sững sờ, không thể phản bác lại.
“Sau khi bà ấy qua đời chỉ nửa năm, ngài đã cưới người mới, rồi còn tự hào cảm thán rằng mình đã có được một thê tử hoàn hảo. Ngài thật vô liêm sỉ!”
Lời nói của Tống Thời Thanh như dao đâm vào lòng Thuỵ Vương. Ông cúi gập người, phun ra một ngụm máu tươi.