4
Từ đó về sau, mỗi tháng ta và Ninh Vân Chi đều trao đổi một phong thư.
Ban đầu chỉ là chuyện gia đình, phong tục, cảnh sắc, nhưng dần dần trong đó lại chất chứa thêm những tình ý mơ hồ khó gọi thành tên.
Chàng viết: “Đợi ta trở về.”
Ta hồi đáp: “Ngóng quân khải hoàn.”
Cứ thế mà qua lại, mãi cho đến khi ta gửi đi phong thư thứ mười hai. Trong thư này, ta nhắc đến Tiểu Mãn.
“Tháng sau Tiểu Mãn tròn sáu tuổi, hôm trước dẫn tiểu cô nương này ra phố, con bé lại nằng nặc đòi mua hoa lụa cài đầu. Ta mua cho Tiểu Mãn một đôi hoa lựu, con bé lại chọn cho ta một đóa màu tím thẫm. Bá mẫu bảo ta cài lên nhìn rất đẹp, còn gọi người vẽ cho hai chúng ta một bức tiểu họa.”
Gấp thư lại, ta đặt bức tiểu họa lên bàn, ngắm nghía hồi lâu, nhiều lần định bỏ vào phong thư rồi lại rút ra. Cuối cùng, ta cẩn thận gấp nó chung với bức thư.
Ta tự nhủ, dung mạo mình… hẳn cũng không đến nỗi khiến người khác chán ghét.
Thế nhưng, bức thư ấy gửi đi rồi, lại không thấy hồi âm.
Mấy ngày đầu, ta nghĩ chắc chàng không thích dung nhan của ta, ngày ngày soi gương tự xét, lần đầu cảm nhận được thế nào là “từ đây chẳng màng đêm trăng đẹp.”
Sau mới nghe nói, quân Di xâm lấn mấy thôn trang ở Bắc địa, Bắc quân phản kích, đuổi được giặc nhưng cũng có hơn mười binh sĩ thương vong.
Lúc này ta chẳng còn lòng dạ đâu để nghĩ đến chuyện thích hay không thích, vội vã gửi liền ba phong thư, chỉ lo chàng là một trong số những người đã ngã xuống.
Đợi chờ trong thấp thỏm nửa tháng trời, cuối cùng ta cũng nhận được thư hồi âm.
“Chiếu Doanh đẹp lắm.”
“Giống như tiên nữ trong kịch bóng da trên cung trăng vậy.”
“Chiếu Doanh, nếu ta không phải là vị hôn phu của nàng, nàng còn ngóng ta trở về không?”
“Ý ta là, người nàng ngóng khải hoàn, rốt cuộc là vị hôn phu được chỉ hôn từ nhỏ, hay là Ninh Vân Chi, người biết nàng thích tàu hũ ngọt, bánh hoa quế, thích ngắm hoa đăng?”
“Là Ninh Vân Chi… người đem lòng yêu nàng?”
Đọc đến hai câu đầu, mặt ta đã đỏ bừng, nhưng càng đọc tiếp, lại càng thấy lạ – tại sao chàng lại hỏi, người ta ngóng trông là vị hôn phu hay Ninh Vân Chi?
Chẳng phải cả hai đều là chàng sao?
Ta cầm bút, định viết hồi âm, thì bá mẫu bưng hai quả quýt vào bảo ta nếm thử. Ta thuận miệng kể lại chuyện này. Bá mẫu nghe xong chỉ cười, vẻ mặt đầy ý vị:
“Tiểu tử này đúng là đang tự làm khó mình. Nó hỏi con là vì hôn ước mới yêu nó, hay là vì thật lòng yêu nó.”
Nói đến đây, bà bỗng ngừng lại, cười bảo:
“Nhưng chuyện này ta không dạy con được. Con nghĩ sao thì cứ nói vậy.”
Bá mẫu đặt quýt xuống, cười rồi đi ra ngoài.
Ta ngồi xuống, mở thư của Ninh Vân Chi, nghĩ ngợi hồi lâu. Cuối cùng, chỉ viết lại cho chàng một câu:
“Nguyện ta như sao, chàng như trăng, đêm đêm ánh sáng hòa chiếu soi.”
5
Năm thứ ba ở Ung Châu, triều đình rốt cuộc cũng điều binh từ Trung đô ra Bắc, quyết tâm đánh lui quân Di khỏi Biên Hà Quan.
Không giống những trận nhỏ lẻ trước đây, Bắc quân giữ biên cương lần này phải phối hợp cùng triều quân, thực hiện một trận chiến sinh tử. Điều này cũng đồng nghĩa, thương vong của Bắc quân tương lai sẽ không còn là con số nhỏ nữa.
Tin tức nhanh chóng được truyền vền hưng còn nhanh hơn cả, chính là thư của Ninh Vân Chi. Chàng như đoán trước nỗi lo lắng của ta, nên trong thư đặc biệt dặn dò:
“Chiếu Doanh, đừng lo lắng. Ta có người để nhớ mong, nhất định sẽ toàn mạng trở về, ta hứa với nàng.”
“Đợi ta trở về, chúng ta thành hôn, được không?”
Ta vừa hồi âm, chỉ vài ngày sau lại nhận được thư khác.
“Chiếu Doanh, tam tòng tứ đức chỉ là lời thế nhân bày ra để lừa gạt nữ nhi. Nếu ta chết, vị hôn phu của nàng chết… nàng đừng chịu cảnh thủ tiết, hãy tìm một nam tử tốt mà gả đi.”
“Nhưng nàng không gả cũng không sao. Bắc địa cởi mở, không bó buộc nữ tử. Nếu có kẻ ép nàng thủ tiết hay tái giá, nàng cứ đi lên phía Bắc. Ở thành Yến Bắc có một người là Hồ đại nương, bà ấy nghĩa hiệp lại đáng tin, nàng có thể tìm bà giúp đỡ.”
“Đây là số bạc ta tích góp bao năm, nàng hãy giữ lấy để phòng thân.”
Kèm theo thư là một tờ ngân phiếu ba mươi lượng.
Ta còn chưa kịp đưa tay lấy ngân phiếu, mắt đã nhòa lệ. Cắn răng định vò nát lá thư, nhưng cuối cùng lại chẳng có sức, chỉ biết hậm hực cầm bút viết hồi âm:
“Được thôi, nếu chàng chết, ta sẽ tìm người khác mà gả.”
“Ba mươi lượng bạc này, coi như là sính lễ đi!”
Viết xong, nhìn lại nét chữ đậm đến hằn cả trang giấy, ta lại thấy không ổn, vò thư thành một nắm rồi ném đi.
Vì có mắng, chẳng bằng mắng thẳng vào mặt chàng mới hả dạ.
—————————-
Xuân qua thu tới, nửa năm đã trôi qua, quân đội xuất chinh khỏi thành Yến Quan, không còn thư từ gì gửi về nữa.
Hôm ấy, ta đang giúp tính sổ sách ở hiệu gạo, Tiểu Mãn bỗng chạy vào hớt hải, kéo tay ta mà hét:
“Tam thúc về rồi! Tổ mẫu bảo người mau về nhà kìa!”
Ninh Vân Chi… đã trở về rồi sao?
Tim ta chợt đập dồn dập, nhớ lại lời bá mẫu từng bảo: chàng giống đại lang, nhưng cao hơn, mắt mày lại sắc sảo hơn.
Ta từng tưởng tượng dáng vẻ của chàng qua hình bóng đại lang, nhưng ba năm nơi biên cương, hẳn đã chẳng còn như lời bá mẫu tả nữa.
….
Từ hiệu gạo về đến Ninh gia, quãng đường ngắn ngủi mà nay như dài vô tận. Khi bước qua cổng viện, từ xa ta đã thấy một nam tử cao lớn đứng giữa đường, đang nói chuyện với bá mẫu và đại lang.
Ta suýt nữa không nhịn được mà gọi tên chàng, nhưng lại thấy bá mẫu bất ngờ vung một cú đấm lên vai chàng. Ngay khi ấy, giọng nói tức tối của chàng vọng đến tai ta:
“Hôn ước gì chứ? Ta không nhận! Thê tử của ta chỉ có Hoa Nga mà thôi!”
6
Ta vội đưa tay che tai Tiểu Mãn, không muốn con bé nghe thấy những lời tranh cãi trong phòng.
Bên trong, giọng nói của nam nhân tràn đầy bực tức:
“Mọi người chẳng phân biệt đúng sai, liền ép con nhận một vị hôn thê. Ai biết nàng là người thế nào? Nếu diện mạo như Vô Diệm, con cũng phải cưới sao? Lòng dạ hiểm độc, con cũng phải cưới sao? Đại ca của con được tự chọn thê tử, cớ gì đến con lại không được quyền quyết định?”
(*”Vô Diệm” nghĩa là “không có nhan sắc” hoặc “không có vẻ đẹp quyến rũ.”
Theo mô tả trong các tài liệu cổ, bà có dung mạo không nổi bật, thậm chí được xem là xấu xí. Bà là một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử và văn hóa Trung Quốc, biểu tượng cho nhan sắc không mấy hấp dẫn nhưng trí tuệ và tài năng xuất chúng. Tên đầy đủ của bà là Trung Lệ Xuân (钟离春), còn được gọi là Vô Diệm Quân. Bà sống vào thời Chiến Quốc, trong nước Tề, dưới thời vua Tề Tuyên Vương (齊宣王).* )
Bá mẫu tức đến run rẩy cả người.
“Ta há nào phải hạng người bảo thủ cố chấp? Nếu con và Chiếu Doanh thật sự không có duyên, ta có thể nhận nó làm nghĩa nữ, tìm cho nó một mối hôn sự tốt khác. Nhưng ngàn vạn lần không thể để Chiếu Doanh chờ con ba năm, rồi con lại quay về để cưới người khác như thế được!”
Giọng nam nhân thoáng thêm phần phiền chán:
“Con đã nói là không nhớ gì cả! Dẫu con có thật sự từng thư từ qua lại với nàng, cũng chỉ là đùa bỡn. Nếu thật lòng, sao con có thể quên mất được?!”
…
Ta lặng người đứng bên ngoài, nghe rõ từng lời.
Ba tháng trước, trên chiến trường, Ninh Tam Lang bị quân Di dùng bổng sói đánh trúng đầu. Tỉnh lại, ký ức về những năm tháng tòng quân dường như bị xóa sạch.
Hắn quên đi những lá thư chúng ta từng trao đổi, quên lời hẹn khi về sẽ cưới ta làm thê.
Hắn yêu nữ y sĩ đã chăm sóc mình tại Nhạn Bắc thành – Hoa Nga.
Giờ đây, khi trở lại phương Nam, hắn mang Hoa Nga cùng về, chỉ chờ bẩm báo mẫu thân để rước nàng vào cửa.
“Dù thế nào đi nữa, thê tử của con chỉ có thể là Hoa Nga.”
Ninh Tam Lang dường như không muốn tranh cãi thêm với bá mẫu, liền buông một câu nặng nề:
“Nếu người đàn bà kia cứ muốn gả cho con, vậy chỉ có thể làm thiếp. Mẫu thân, người tự quyết định đi!”
Nói đoạn, hắn bước ra khỏi phòng và bất ngờ đối diện với ta.
Tiểu Mãn đã được ta khéo léo sai rời đi từ trước, nên lúc này chỉ còn ta đứng dưới mái hiên.
Ninh Tam Lang nhìn ta từ trên xuống.
“Ngươi chính là Chu Chiếu Doanh?”
Ta khẽ gật đầu, đồng thời cũng thấy rõ diện mạo của hắn.
Hắn chẳng giống đại lang chút nào. Đại lang dáng người chất phác, làn da trắng trẻo, còn Ninh Tam Lang cao lớn, da ngăm đen, nét mặt góc cạnh sắc bén. Trên cằm hắn còn có một vết sẹo nhạt nhòa, tựa như minh chứng của những trận chiến khốc liệt nơi biên thùy.
“Những gì vừa nói, ngươi đều nghe thấy?”
Ninh Tam Lang nhíu mày, giọng nói còn vương sự hằn học khi nãy:
“Như ngươi đã thấy, ta đã có người trong lòng. Hôn sự giữa ta và ngươi chấm dứt tại đây, đừng dây dưa thêm!”
Nói rồi, hắn bước ngang qua ta, ta vô thức gọi hắn lại. Hắn quay đầu, giọng nói ngập tràn mất kiên nhẫn:
“Còn chuyện gì nữa?”
Ngón tay ta chạm đến chiếc túi thơm bên hông.
Bên trong có một viên đá sắc màu từ Bắc địa, thứ mà Ninh Vân Chi từng gửi kèm theo bức thư thứ hai cuối cùng.
Khi ấy, hắn viết rằng đêm đầu tiên đến Bắc địa, viên đá này bất ngờ xuất hiện trong đống chăn gối của hắn, tựa như định mệnh đã an bài.
“Nay ta thân mang chí mỏng, tạm dâng vật này thay sính lễ. Khi chúng ta thành thân, ta sẽ đưa nàng đến cố hương của viên đá, cũng là nơi mẫu thân nàng từng sinh ra và lớn lên. Ý nàng thế nào?”
Từng lời chữ vẫn còn vẹn nguyên trong trí nhớ.
Ta hít sâu một hơi, nhìn nam nhân trước mặt, trên khuôn mặt vẫn vương nét cau có.
“Thưa Ninh công tử, tiểu nữ có thể thỉnh một câu không?”
Hắn lạnh lùng đáp:
“Hỏi đi.”
Ta mím môi, rồi nhẹ nhàng hỏi:
“Giả như công tử sắp ra trận, viết thư cho vị hôn thê nơi quê nhà, liệu có nhắc rằng nếu chẳng may công tử tử trận, nàng không cần giữ lễ mà nên tái giá sớm không?”
Ninh Tam Lang buột miệng đáp ngay, không chút do dự:
“Sao có thể như vậy?! Vị hôn phu mất, dẫu nàng tái giá cũng phải để tang đủ ba năm! Làm sao ngươi có thể hỏi một câu vô liêm sỉ như thế?!”