“Nói tiếp đi! Mau nói tiếp đi!”
…
Ta ngồi trong một tửu lâu trên lầu cao, cúi đầu nhìn xuống khung cảnh náo nhiệt của Bình Dương, rồi lại ngửa cổ uống thêm một chén rượu nữa.
Chẳng bao lâu sau, một nữ tử nhẹ nhàng ngồi xuống đối diện với ta.
Phu nhân thành thủ Bình Dương, chính là Hứa Oánh Oánh.
Lúc nàu, nàng vấn tóc theo kiểu của một phu nhân, so với hình ảnh trong trí nhớ của ta, nàng giờ đây đã khác đi rất nhiều.
Ta nhìn nàng một cái, giọng điệu hờ hững:
“Sao? Ngươi đến để giết ta?”
Hứa Oánh Oánh không đáp, chỉ yên lặng nhìn xuống Bình Dương thành đang yên bình phía dưới:
“Ta đến để cảm tạ ngươi. Thay mặt bách tính Bình Dương, ta muốn nói lời cảm ơn ngươi.”
Ta cười nhạt:
“Không cần cảm ơn. Ta giữ thành này là để thay cha ta mà thôi.”
Hứa Oánh Oánh khẽ nói:
“Tây Dương cuối cùng vẫn không giữ được. Ca ca ta… đã tử trận rồi.”
Ta đã nghe tin Hứa Hạ dẫn quân trấn thủ Tây Dương, nhưng tin hắn chết trận, bây giờ ta mới hay.
Tay ta khựng lại giữa chừng khi rót rượu:
“Hắn vẫn không bằng ta. Còn chưa kịp đến tìm ta báo thù mà đã chết rồi ư?”
Hứa Oánh Oánh đưa chén rượu đến trước mặt ta:
“Cho ta một chén rượu.”
Ta im lặng rót đầy rượu vào chén của nàng.
Nàng nói tiếp:
“Chúng ta sẽ không tìm ngươi báo thù nữa. Ca ca ta không, ta cũng không.”
“Rốt cuộc là nhà họ Hứa có lỗi với ngươi.”
Chúng ta không nói thêm gì nữa, chỉ lặng lẽ uống hết chén này đến chén khác.
Tửu lượng của Hứa Oánh Oánh vốn không tốt, chẳng bao lâu nàng đã say khướt.
Nàng gục trên bàn, khóc nức nở, miệng gọi “phụ thân” rồi lại “ca ca”.
Ta nhìn nàng, trong lòng dâng lên một cảm giác khó tả.
Nàng giờ đây cũng như ta, đã trở thành một kẻ cô độc trên cõi đời này.
“Phu nhân! Phu nhân, sao nàng lại uống thành ra như vậy?”
Một nam nhân thư sinh nho nhã chạy vội tới, vẻ mặt đầy lo lắng, vội vàng bế Hứa Oánh Oánh rời đi.
À, nàng ấy không phải là người cô độc.
Chỉ có ta… chỉ mình ta mà thôi.
22
Ta mất bốn năm để gây dựng nên một đội quân thuộc về chính mình. Ta cũng thành công từ một thiếu nữ trở thành một cô nương đã quá tuổi cập kê.
Bọn họ gọi ta là Đường tướng quân, một vị tướng không được triều đình sắc phong, một kẻ mà họ gọi là Dã tướng quân.
…
Ngày ta dẫn quân tiến vào kinh thành, hoàng đế đích thân ra khỏi thành nghênh tiếp.
Ta nói:
“Bệ hạ, ngài có thể hứa với thần một chuyện không?”
Vị hoàng đế đã già nua sững người, hỏi:
“Chuyện gì?”
Ta đưa tay gỡ chiếc mặt nạ đen xuống, chậm rãi nói:
“Xin ngài chiếu cáo thiên hạ, Đường gia chúng ta từ đầu đến cuối đều là trung thần vì nước vì dân. Phụ thân ta mười năm trước đã chết trận sa trường, chưa từng phản bội Đông Khánh.”
“Nếu ngài muốn có chứng cứ, ta có thể đưa ngài những chứng cứ mà tám năm trước ta đã dâng vào ngự thư phòng. Lần này, xin đừng đốt nó nữa.”
Nhìn thẳng vào mặt ta, đôi mắt hoàng đế thoáng ửng đỏ. Cuối cùng, ông cúi đầu xuống:
“Trẫm… có lỗi với nhà họ Đường của các ngươi.”
…
Năm Đông Khánh thứ ba mươi tư, ta được phong làm nữ hầu duy nhất của Đông Khánh – Bình Dương Hầu.
Năm ấy, Bạch Thái phó qua đời vì tuổi già sức yếu, hưởng thọ tám mươi ba tuổi.
Khi ta đến Bạch phủ để viếng ông, ta lại gặp Bạch Lâm Xuyên.
Chàng gầy hơn trước rất nhiều, ánh mắt lại sắc bén, đầy cương nghị, đã không còn dáng vẻ ôn nhuận như ngọc trong trí nhớ của ta.
Nghe nói, hiện tại chàng là thái phó của thái tử, tiền đồ rộng mở, tương lai vô hạn.
Ta đốt cho Bạch lão thái phó hai nén hương. Bạch Lâm Xuyên mặc đồ tang, khom người đáp lễ:
“Đa tạ Bình Dương Hầu.”
Ta đứng trước mặt chàng, cũng không biết nên nói gì, chỉ đưa tay vỗ nhẹ lên vai chàng, nói một câu:
“Tiết chế bi thương.”
Ta không tiện quấy rầy quá lâu, chỉ hàn huyên đôi ba câu rồi rời đi.
Chỉ là ta không ngờ, lần gặp gỡ ấy lại trở thành lần cuối cùng ta và chàng đối diện nhau.
23
Hậu ký
Mùa thu năm Đông Khánh thứ ba mươi tư, quân Kim Man dã tâm chưa chết, lại một lần nữa tập hợp binh mã tiến đánh Bình Dương thành.
Bình Dương Hầu Đường Nguyên Ca nhận lệnh trong lúc nguy cấp, dẫn ba nghìn quân tinh nhuệ cấp tốc tiến về Bình Dương.
Quân Kim Man thế như chẻ tre, khí thế hùng hổ tràn vào.
Bình Dương Hầu cùng ba nghìn quân sĩ cố thủ thành trì đến cùng.
…
Khi viện binh đến nơi, cửa thành vẫn vững vàng, bách tính trong thành vẫn bình an vô sự.
Tướng sĩ tiến lên mở cổng thành, chỉ thấy một người lặng lẽ đứng giữa núi thây biển máu.
Người ấy cầm thanh trường đao trong tay, thân áo đỏ thẫm, máu thấm khắp tà áo.
Có người nhận ra nàng là ai, liền hô lớn:
“Bình Dương Hầu! Là Bình Dương Hầu!”
Tiếng hô vang vọng khắp thành. Dân chúng ùa lên phía trước.
Nhưng khi vừa chạm vào người nàng, thân thể của nàng đổ ập xuống đất.
Tướng sĩ lúc ấy mới phát hiện, Bình Dương Hầu Đường Nguyên Ca đã chết từ lâu.
Hôm ấy, tiếng khóc than bi ai của dân chúng vang vọng khắp Bình Dương thành.
…
Khi tin Bình Dương Hầu tử trận truyền về kinh thành, bầu trời đổ tuyết trắng xóa.
Trên triều đình, thái phó của thái tử phun ra một ngụm máu tươi rồi ngã xuống bất tỉnh.
Hoàng đế vì cảm niệm lòng trung nghĩa của nhà họ Đường, ban chỉ dụ đưa Đường Nguyên Ca nhập hoàng lăng, truy phong nàng là Trung Nghĩa Hầu.
24
ngoại truyện
Ta là một gia nhân trong Bạch phủ.
Hôm nay là sinh thần của Bạch công tử, cả phủ từ sáng sớm đã bận rộn náo nhiệt.
Ta cùng vài người khác đánh cược xem ai sẽ là vị khách đầu tiên đến chúc mừng. Ai ai cũng đoán sẽ là Đường tiểu thư – Đường Nguyên Ca.
Thật chẳng có gì thú vị, bởi đáp án này ai cũng đoán ra được.
Chúng ta vừa nói xong thì liền nghe thấy ngoài cửa truyền đến tiếng cười sang sảng:
“Tiểu Đậu Tử! Công tử nhà ngươi đâu rồi?”
…
Tiểu Đậu Tử chính là ta.
Ta vội vàng chạy ra đón:
“Đường tiểu thư đến rồi sao? Công tử đang ở trong viện, tiểu nhân dẫn người vào.”
Đường tiểu thư ôm trong lòng một chiếc hộp, ta đoán bên trong là lễ vật sinh thần nàng chuẩn bị cho công tử.
Khi ta dẫn nàng vào viện, Bạch công tử đang ngồi đánh cờ một mình. Ta trông thấy công tử khẽ mỉm cười, nhưng Đường tiểu thư lại không nhìn thấy.
…
Đường tiểu thư đi về phía tiền sảnh chơi đùa, còn ta tiến lại gần Bạch công tử:
“Công tử, để tiểu nhân mang lễ vật của Đường tiểu thư vào trong phòng cất đi.”
“Không cần, lát nữa ta tự mình mang vào.”
“Vâng.”
Ta nhìn thoáng qua tai của công tử, thấy chúng hơi ửng đỏ. Tám phần là lại bị Đường tiểu thư trêu chọc rồi.
Bạch công tử mở chiếc hộp ra, cẩn thận lấy ra một bức thư pháp.
Ta tinh mắt, phát hiện trong hộp còn có một thứ khác.
Ta chỉ vào hộp, nói nhỏ:
“Công tử, ngài xem.”
Ta chỉ vào trong hộp, nhắc công tử nhìn.
Khi công tử lấy ra, ta mới phát hiện đó là một chiếc khăn tay được thêu hình con cua.
Ta lẩm bẩm:
“Đường tiểu thư thật thú vị, sao lại thêu cua tặng ngài nhỉ?”
Công tử trừng mắt nhìn ta:
“Ngươi nói bậy bạ gì đấy, đây là hoa cúc.”
Ta: “…”
Ta thật sự không nhìn ra nổi đó là hoa cúc. Công tử nhà ta đúng là tài tình, có thể nhận ra được thứ đó.
Tông tử nhìn chiếc khăn tay, tai càng lúc càng đỏ. Khi ngài mang chiếc hộp vào phòng, phu nhân lại vừa hay đến.
Họ ở trong phòng bàn chuyện, còn ta thì đứng chờ bên ngoài.
Ta thề, ta không cố ý nghe lén chủ nhân nói chuyện đâu. Nhưng mà… giọng họ hơi lớn một chút.
“Mẫu thân, ta đã nói rồi, ta không cưới tiểu thư nhà Thượng thư.”
“Những chuyện khác, ta đều có thể nghe theo người, nhưng chuyện này thì không.”
Phu nhân giận dữ, giọng nói có phần gay gắt:
“Vậy con muốn cưới ai? Là Đường Nguyên Ca, người thêu chiếc khăn tay này cho con sao?”
“Mẫu thân! Trả khăn lại cho con!”
“Lâm xuyên, trong kinh thành này có bao nhiêu tiểu thư khuê các đoan trang hiền thục, tại sao con lại cố chấp nhìn trúng cái con bé hoang dã ấy?”
Lần đầu tiên ta nghe thấy công tử dùng giọng điệu nghiêm túc đến vậy mà phản bác lại phu nhân:
“Đường Nguyên Ca không phải là đứa con gái hoang dã, nàng là một cô nương tốt.”
Ta đang nghe đến nhập thần, không ngờ bên cạnh mình đã đứng một người khác từ bao giờ.
Ta nhận ra hắn ngay, đó là công tử nhà họ Hứa, Hứa Hạ.
Ta vội vàng hỏi:
“Hứa công tử, ngài đến đây làm gì?”
Hắn cười gượng một tiếng:
“Không có gì, không có gì, chỉ là tiện đường đi ngang qua thôi.”
Sau này mọi chuyện diễn ra thế nào, hẳn ai cũng đã biết rõ rồi. Vậy để ta kể tiếp những chuyện mà không mấy ai hay biết.
Thi thể của Trung Nghĩa Hầu, chính công tử nhà ta là người đích thân đi đón về.
Ngày trở về, tóc mai của công tử đã điểm bạc, dù khi ấy chàng vẫn chưa đến tuổi ba mươi lăm.
Thời gian qua nhanh quá, từ một đứa tiểu đồng, ta đã thành quản gia của Bạch phủ. Còn công tử, chàng vẫn lẻ bóng một mình, chưa từng lập gia thất.
một năm sau, phu nhân mắc phải bệnh dịch, bệnh tình ngày càng nặng.
Trước lúc lâm chung, phu nhân nắm lấy tay công tử, thở dài nói:
“Lâm Xuyên, điều mà ta hối hận nhất trong đời này, chính là đã làm lỡ dở con.”
“Nếu không phải vì ta ngăn cản, con đâu đến mức…”
Công tử chỉ đáp lại bằng giọng điệu nhàn nhạt:
“Mẫu thân, người đừng nói nữa. Bao nhiêu năm nay, nhi tử đã quen rồi.”
Phu nhân siết chặt tay chàng, một giọt lệ lăn dài nơi khóe mắt.
Ngày phu nhân hạ táng, công tử đóng cửa phòng, suốt một ngày không bước ra ngoài.
…
Công tử cả đời không cưới vợ. Sau khi thái tử lên ngôi, công tử dâng sớ từ quan, lui về ở ẩn.
Ta cũng rời Bạch phủ, theo công tử đến sống trong một ngôi nhà nhỏ gần hoàng lăng.
Mỗi ngày, chúng ta cùng nhau làm việc lúc mặt trời mọc, rồi nghỉ ngơi khi hoàng hôn buông xuống.
Sau khi mặt trời lặn, công tử luôn ngồi nhìn về phía hoàng lăng, thẫn thờ rất lâu.
“Ngươi xem, trước đây mẫu thân ta vẫn nói nàng không xứng với ta. Nhưng nay, hóa ra là ta không xứng với nàng.”
“Ngôi mộ kia của nàng, sau khi ta chết… ta cũng không thể vào được.”
End