13
Mượn danh nghĩa huynh muội, ta cứ cách vài ba hôm lại đến phủ Diệp Quốc Công để tìm chàng.
Nhưng lần nào cũng bị quản gia chặn lại ngoài cửa, không cho vào, nói là Quốc công gia dặn rồi, người nhà Thẩm tướng quân và chó không được vào phủ.
Hôm tiệc thưởng hoa, ta ngang nhiên cõng con trai ông ấy chạy đi ngay trước mặt trưởng công chúa, giờ đây họ phòng bị ta như đề phòng sói.
May mắn là Diệp Văn Lam nghe tin ta đến, đã tự mình ra gặp ta.
“Lam ca ca, muội ở kinh thành không có nhiều bằng hữu, huynh có tiện dẫn muội đi một vài nơi không?”
Để có thể hẹn chàng ra ngoài, ta bịa ra một cái cớ.
Chàng đồng ý ngay lập tức.
Ta dẫn chàng đi dạo khắp nơi, giả vờ như điều gì cũng khiến ta tò mò thích thú.
Khi thấy màn nuốt kiếm, phun lửa và những trò ảo thuật, ta hớn hở hỏi chàng: “Lam ca ca, cái kia là gì vậy?”
Khi gặp những hàng bán kẹo hồ lô, kẹo đường hay hạt dẻ nướng, ta lại xoa bụng hỏi: “Lam ca ca, cái đó có ngon không?”
Thấy có người nặn tượng đất, ta nặn một bức tượng hình chàng, rồi vui vẻ khoe: “Lam ca ca, có giống huynh không? Nhưng ta nặn không thể hiện được hết phong thái của huynh.”
Mỗi câu đều gọi “Lam ca ca”, đến nỗi chính ta nghe còn thấy ngọt ngào.
Trong mắt chàng, ta là một con thỏ nhỏ trong sáng, vô tội, dễ thương.
Chàng cưng chiều ta, đáp ứng mọi yêu cầu, nhưng luôn giữ lễ nghĩa, hành động gần gũi nhất cũng chỉ là xoa đầu ta.
Ta cẩn thận che giấu tâm tư, làm một muội muội ngoan hiền, được chàng yêu mến.
Ta năn nỉ chàng dạy ta viết chữ, chàng nhẫn nại chỉ dẫn, thi thoảng còn cầm tay ta sửa cho đúng, khi da thịt chạm nhau, tim ta đập như trống.
Khi thấy ta không tập trung, chàng nghiêm mặt trách mắng, còn chê ta ngốc nếu viết chữ xấu.
Để không bị chàng xem thường, ta luyện viết chữ mỗi ngày, cuối cùng cũng có thể viết được một bức chữ nhỏ thanh nhã.
Để đáp lại, ta dạy chàng cưỡi ngựa và bắn cung.
Ban đầu, chàng sợ hãi ôm chặt cổ ngựa, mặt tái mét.
Lúc chàng quá lo sợ, ta leo lên ngựa, giúp chàng nắm chắc dây cương, cảm nhận nhịp tim mạnh mẽ của chàng.
Khi bốn mắt nhìn nhau, ta thấy ánh mắt chàng lóe lên sự bối rối, đôi tai cũng hơi đỏ.
Chàng cũng thích ta sao?
Nhưng sau đó ta nghe chàng cáu gắt trách mắng: “Muội muội không được đùa giỡn như thế!”
Hóa ra chàng chỉ là tức giận vì xấu hổ, ta thất vọng, chỉ biết gượng cười: “Ca ca đúng là nhát gan.”
Ta không dám trêu chọc chàng nữa, sợ rằng chàng sẽ xa lánh ta.
Về sau, chàng đã có thể cưỡi ngựa phóng nhanh, sánh vai cùng ta.
Chàng lại trêu đùa: “Muội muội giỏi như vậy, đã nghĩ đến việc sẽ gả cho loại lang quân nào chưa?”
Ta muốn gả cho người như huynh! Nhưng câu nói đơn giản ấy lại khó thốt ra.
Ta thích chàng thì sao? Ở kinh thành có rất nhiều cô nương thích chàng, nhưng chỉ khiến chàng cảm thấy phiền lòng.
Có thể làm muội muội của chàng, ở bên chàng đã là hạnh phúc lắm rồi.
“Ta cả đời này không gả đi!”
“Tại sao?” Trong mắt chàng có tia nhìn mà ta không hiểu được.
Nhưng ta chỉ biết ngượng ngùng trả lời: “Mấy công tử trong kinh thành không có ai xứng với ta cả! Vả lại, sau này ta sẽ trở thành một đại tướng quân ra trận giết giặc!”
Chàng lặng đi một lúc lâu, rồi thúc ngựa bỏ đi.
Nếu không thể gả cho Diệp Văn Lam, cả đời này ta sẽ không gả đi, làm muội muội của chàng mãi cũng tốt.
Nhưng tại sao ngực ta lại thấy nặng trĩu thế này?
14
Khi ta tìm chàng lần nữa, chàng nói chàng muốn tập trung vào việc học, không thể tiếp tục cùng ta rong chơi.
Ta thất thần trở về phủ, cơm không ngon, nước không uống được, ngày ngày nóng ruột bồn chồn.
Ta nhớ chàng.
Nhưng không thể đi tìm chàng.
Nỗi nhớ đúng là thứ dày vò con người, mới mấy ngày mà ta đã tiều tụy hẳn.
Cha thấy ta không thiết tha ăn uống, liền bảo ta ra hồ dạo chơi cho khuây khỏa.
Tiết xuân ấm áp, liễu rủ thướt tha, gương hồ phẳng lặng với những chiếc thuyền lượn lờ, đúng là một khung cảnh hữu tình.
Khi đến thuyền cha đã chuẩn bị sẵn, một nam tử đã đợi sẵn ở đó, hắn nói hắn là Nhị hoàng tử.
Ánh mắt hắn nhìn ta khiến ta cảm thấy rất khó chịu.
Thật không ngờ cha lại không báo trước, đã để ta cùng hắn du hồ.
Dù trong lòng không thoải mái, ta vẫn cùng hắn lên thuyền, giữ khoảng cách, nói năng khách sáo và xa cách.
Hắn là hoàng tử, quen sống trong nhung lụa, tất nhiên việc chèo thuyền phải để ta làm.
Nhưng do sơ ý, ta đã va vào một chiếc thuyền khác, nghe tiếng la thất thanh của một cô nương.
Ngẩng đầu nhìn qua, Diệp Văn Lam đang đỡ một cô nương yêu kiều yếu đuối.
“Lam ca ca!” Dù lòng ta buồn bã, nhưng vẫn ngọt ngào gọi một tiếng.
Diệp Văn Lam nghe thấy tiếng ta, ánh mắt sáng lên, gật đầu chào ta và Nhị hoàng tử.
Cô nương đó chính là Tô Bích Dao, ánh mắt nàng ta nhìn ta đầy sự thù địch, ta liền vẫy tay với nàng.
Nhìn thấy Nhị hoàng tử bên cạnh ta, nàng ta lập tức thu lại vẻ khó chịu, dịu dàng thốt lên: “Gặp Nhị hoàng tử.”
“Tô tiểu thư không sao chứ?”
“Ta không sao.” Tô Bích Dao nhẹ nhàng đáp lời, chỉnh lại tư thế.
“Nhị hoàng tử, Thẩm tiểu thư, thật trùng hợp! Hay là chúng ta cùng du hồ nhé!” Diệp Văn Lam có vẻ rất vui, “Chúng ta cùng đi thuyền.”
Chàng nhanh chóng nhảy lên thuyền của ta.
Tô Bích Dao cũng muốn qua, nhưng thuyền nhỏ chòng chành, nàng ta hơi sợ hãi, Nhị hoàng tử đỡ nàng lên.
Vừa qua được, nàng đã nhìn chằm chằm vào ta hỏi: “Sao ngươi lại ở đây?”
“Ngươi có thể ở đây, sao ta lại không thể? Lam ca ca, chúng ta ra đuôi thuyền câu cá đi?”
“Được! Nhị hoàng tử, nghe nói Tô tiểu thư giỏi đánh cờ, các ngươi có thể đánh một ván.”
Chúng ta vui vẻ ra đuôi thuyền, chẳng bận tâm xem hai người kia nghĩ gì, hiểu lầm thì càng tốt.
“Sao huynh lại đi du hồ cùng nàng ta?” Sau khi thả cần câu, ta hỏi.
“Gia đình sắp đặt. Còn muội, sao lại đi cùng Nhị hoàng tử?”
“Cũng giống huynh thôi.”
“Xem ra muội không vui?”
Ta bĩu môi, hào hứng hỏi: “Huynh cũng không thích nàng ấy?”
Chàng không trả lời, chỉ nhìn chằm chằm vào mặt hồ im lặng.
Ánh nắng chiếu lên khuôn mặt chàng càng làm tôn thêm vẻ phong lưu tuấn tú.
Nhưng lòng ta lại như hòn đá chìm xuống đáy hồ, trĩu nặng và khó chịu.
Ta có thể để chàng cưới người khác mà không làm gì sao?