7
Cuộc sống của ta và Dịch Sinh thật thoải mái và nhàn nhã. Một phần vì ta đã trở thành người xuất sắc nhất trong thế hệ, phần còn lại nhờ vào sự phồn thịnh của nhà họ Dịch.
Mẫu thân ta, người thường lạnh lùng xa cách lại rất yêu quý Dịch Sinh. Bà không hề thúc giục chúng ta sớm sinh con.
“Không sinh con sớm cũng tốt, năm xưa khi sinh Thủ Trúc, ta suýt mất mạng. May mà ta đã lớn tuổi, cơ thể đã phát triển đầy đủ,” bà nói.
Dịch Sinh rất đồng tình với quan điểm này, nàng luôn lo lắng cho sức khỏe của Dịch An.
Dịch An hiện là hoàng hậu đương triều, sinh trưởng hoàng tử khi vừa tròn mười bảy tuổi. Nghe nói lúc lâm bồn rất nguy hiểm, nhưng may mắn mẹ tròn con vuông.
Ta đang đảm nhiệm công việc tại Hình Bộ, bận rộn không kể xiết. Nhưng những ngày được nghỉ, ta luôn dành thời gian đưa Dịch Sinh mặc thường phục ra ngoài du ngoạn.
Dịch Sinh cũng tìm thấy niềm yêu thích mới của mình: chăm sóc và đồng hành cùng trẻ mồ côi tại Từ Ái Cục.
Một lần tan sở, ta đến đón nàng. Nhìn nàng dịu dàng tạm biệt những đứa trẻ mặc áo vải thô, ta nghĩ rằng chúng ta đã đến lúc nên có con.
Nhưng việc này không dễ dàng như mong đợi. Dịch Sinh không quá bận tâm, nàng chỉ nói rằng “Duyên phận chưa đến.”
Ta thì sao? Ta không thể chấp nhận được.
Ta đã đặt đứa con chưa ra đời vào kế hoạch cho hạnh phúc của ta và Dịch Sinh.
Nhưng đại phu bảo với ta rằng, cơ thể Dịch Sinh có di chứng từ sự kiện ở Kỳ Châu năm đó, khả năng mang thai gần như không có.
Ta nghe mà cảm giác toàn thân lạnh buốt như rơi vào hố băng.
8
Ta giữ chặt tin tức này trong lòng, nhưng những ngày tháng êm đềm cũng không kéo dài được lâu.
Phụ thân ta, người luôn rất cưng chiều nàng dâu này, dần trở nên lạnh nhạt khi thấy chúng ta đã thành thân năm năm mà vẫn chưa có con.
“Dòng chính của nhà họ Bạch tuy chỉ có một mình con, nhưng nếu con không thể nối dõi…”
Ông cười, nụ cười có phần cay nghiệt:
“Ta chỉ có thể chọn người khác làm dòng chính.”
Mẫu thân, người luôn cứng cỏi và kiên định, giờ đây lại có vẻ u sầu:
“Ta chỉ nhận Dịch Sinh là con dâu, nhưng ta cần có cháu.”
Dịch Sinh nhận ra sự thay đổi trong bầu không khí gia đình, dè dặt hỏi ta có phải nàng đã làm gì sai không.
Ánh mặt trời rực rỡ của ta trở nên nhạt nhòa, e dè ló ra khỏi những đám mây, khiến lòng ta tan nát.
Ta an ủi nàng bằng một nụ cười:
“Nương tử, nàng không có lỗi gì cả. Chỉ là trong tộc có chút chuyện khiến phụ mẫu không vui.”
Ánh mắt nửa tin nửa ngờ của nàng cứ quanh quẩn trong đầu ta, và khi người hầu khuyên ta tìm người khác để sinh con nối dõi, ta như bị ma xui quỷ khiến mà gật đầu.
Ta nghĩ, chỉ cần có một đứa con, mọi chuyện sẽ ổn thỏa. Những hỗn loạn, ngột ngạt này, chỉ cần có con sẽ được sắp xếp lại.
9
Dịch Sinh loạng choạng lao vào biệt viện.
Ta vội vã che đậy hiện trường, nhưng đám nha hoàn ngất xỉu, quần áo xộc xệch, cùng những gia nhân hoảng loạn đã bày ra trước mắt nàng toàn bộ sự xấu xa của ta.
“Bạch Thủ Trúc—”
Nàng gọi tên ta bằng giọng tuyệt vọng và bi thương.
Ta muốn bước tới, nhưng đôi chân cứ chần chừ.
Dịch Sinh bỏ đi.
Ta chỉ đứng đó tuyệt vọng nhắm mắt lại, biết rằng mọi thứ giữa chúng ta đã kết thúc.
10
Chúng ta hòa ly.
Cha muốn chọn một người thê tử mới cho ta, nhưng trong kinh thành, những cô gái sẵn sàng gả vào nhà họ Bạch đều không hợp ý ông, còn những người hợp ý ông thì lại không muốn dính dáng đến nhà ta.
Phụ thân tức giận đến mức suýt đập tan thư phòng.
Ta nhìn ông, cảm thấy trong lòng có chút khoái ý, lạnh lùng châm chọc:
“Phụ thân, sao người phải tức giận? Quyền lực của hoàng gia, chẳng phải mấy chục năm trước người đã rõ rồi sao?”
“Nghịch tử—” ông tát ta một cái.
Ta không né tránh, thậm chí còn chua xót tự cười thầm, thật đúng là cơn giận bất lực của một con sư tử già.
Ta quyết định, sẽ bảo vệ ánh mặt trời của mình, ngay cả khi phải đứng từ xa.
11
Khi phụ thân nghe được tin tức về nhà họ Dịch, ông có chút đau xót, nhưng không giấu được vẻ hả hê khi nghĩ đến vị hoàng hậu luôn dùng quyền uy áp chế kẻ khác kia.
Ta cảm thấy vô cùng hổ thẹn vì dòng máu mình mang trong người.
May thay, chỉ cần nhẫn nhịn thêm chút nữa, phụ thân sẽ sớm bị ta loại bỏ khỏi quyền lực.
…
Hoàng hậu im lặng suốt hai năm, còn đại tiểu thư nhà họ Dịch thì khép mình trong bóng tối.
Ngày hoàng hậu được sủng ái trở lại, phụ thân lại muốn đập phá thư phòng. Nhưng lần này, ta đã sai người giữ chặt ông.
…
Ta yêu thích hội họa, đặc biệt là vẽ chân dung.
Một buổi sáng nọ, ba năm sau ngày ấy, ta vẽ được bức tranh tâm đắc nhất trong đời.
Đó là một bức tranh mang cả sự lạnh lẽo và ấm áp, với lớp tuyết dày đặc, những quả anh đào đỏ mọng, và một cô bé nhỏ nhắn, mặc bộ đồ rực rỡ, đứng bên cạnh cỗ kiệu tinh xảo, nâng niu dâng anh đào cho những thái giám cúi đầu cung kính.
…
Tiếng chuông tang trong cung đột nhiên vang lên, ta như bị bóp nghẹt hơi thở, nghiêng tai lắng nghe, lặng lẽ đếm từng hồi chuông.
Hoàng hậu… băng hà rồi.
…
Khi đến dự tang lễ của hoàng hậu, ta tất nhiên nhìn thấy Dịch Sinh.
Nàng được phá lệ đứng ở hàng đầu tiên trong các mệnh phụ, nơi gần với linh cữu của hoàng hậu nhất.
Dịch Sinh gầy gò như một bộ xương, bộ đồ tang trắng rộng thùng thình mặc trên người nàng trông như một đứa trẻ mượn y phục của người lớn.
Nàng quỳ yên lặng, yên lặng như một ngôi sao đã mất đi ánh sáng.
…
12
Ba năm tiếp theo, nhà họ Dịch từng huy hoàng giờ đây lặng lẽ đến mức như không tồn tại giữa kinh thành. Chỉ có những phần thưởng liên tục từ hoàng đế và sự hiện diện của thái tử mới đôi khi khiến người ta nhớ đến nhà họ Dịch.
Ta thường ngồi tại một quán trà nhỏ cách không xa cổng nhà họ Dịch, lặng lẽ dõi theo Dịch Sinh từ xa.
Thỉnh thoảng, cánh cửa phụ bên hông nhà mở ra, vài tỳ nữ hoặc bà vú bước ra mua chút đồ ăn rồi nhanh chóng đóng cửa lại.
Còn cánh cửa chính, đã lâu lắm rồi ta không thấy nó mở.
Dịch Sinh cứ sống cô độc và lặng lẽ như vậy.
Nhưng màng sống được bao lâu nữa đây?
Sống đến ngày thái tử thành hôn.
…
Trước lễ thành hôn, nhà họ Dịch bỗng trở nên nhộn nhịp hiếm thấy.
Dịch Sinh chống đỡ thân thể gầy yếu, nghiêm túc giúp hoàng đế chọn cho cháu trai nàng một mối hôn sự xứng đáng, vừa phù hợp, vừa khiến thái tử hài lòng.
…
Lần cuối cùng ta gặp Dịch Sinh là khi nàng tiễn công chúa Du Du rời đi.
Nàng xoa cái đầu nhỏ của công chúa, đợi cô bé đi khuất rồi mới quay lại.
Nàng nhìn thấy ta ở quán trà.
Cảm xúc của nàng rất nhạt nhòa, nhạt đến mức ngay cả khi ta bước đến trước mặt, nàng vẫn không biểu lộ gì đặc biệt.
Nàng mỉm cười với ta, dịu dàng như phu nhân nhà họ Dịch ngày nào.
“Thủ Trúc, ta không oán trách chàng. Chúng ta chỉ là đạo bất đồng bất tương vi mưu.”
“Cũng có thể nói, ta và tất cả mọi người trên đời này đều là đạo bất đồng bất tương vi mưu.”
Nàng ngừng lại, suy nghĩ một chút rồi lại cười, nụ cười rất đẹp:
“An An thì khác. An An gần như do một tay ta nuôi lớn. Ta và muội ấy chỉ có thể tính là nửa đạo bất đồng bất tương vi mưu thôi.”
Nói đến đây, nàng thoáng buồn:
“Nếu An An không phải do ta nuôi lớn, liệu muội ấy có hạnh phúc hơn không?”
Ta vừa định phủ nhận thì nàng đã mỉm cười, như thể không cần câu trả lời của ta:
“Tất nhiên là không. Muội ấy luôn nói rằng ta là người tỷ ấy tốt nhất.”
“Thủ Trúc, hãy sống thật tốt.”
Nụ cười trên mặt đã biến mất, nàng thản nhiên nói.
Trong mắt nàng, ta thấy rõ quyết ý tìm đến cái chết. Ta hy vọng mình đã nhìn nhầm, nhưng khi ta muốn nhìn kỹ hơn, nàng đã bước vào cánh cửa lớn của nhà họ Dịch.
Cánh cửa đóng sầm lại.
13
Ta biết, lúc đó ta không nhìn nhầm.
Ba tháng sau khi thái tử thành thân, Dịch Sinh dùng một dải lụa trắng để kết thúc cuộc đời mình.
Phụ thân ta cũng rất nhanh rời khỏi thế gian. Vì ta đã tự tay “bào mòn” ông đến chết.
Khi đó, những nha hoàn trong biệt viện đều bị ta cho đi nơi khác. Một người trong số họ lén sinh con trai, trước khi chết đã đặt đứa trẻ trước cửa nhà họ Bạch.
Mẫu thân vô cùng quý trọng đứa trẻ này. Ban đầu ta định bỏ nó đi, nhưng nhìn thấy ánh mắt dịu dàng của bà khi chăm sóc đứa trẻ, ta chợt nhớ đến hình ảnh của Dịch Sinh trước cổng Từ Ái Cục.
Cuối cùng, ta quyết định giữ đứa trẻ lại.
Cả đời ta không tái hôn, cũng chỉ có một người con trai này. Sự giáo dục hà khắc của nhà họ Bạch cuối cùng đã kết thúc tại thế hệ của ta.
…
Ngày con trai thành thân, nhìn nó và con dâu quỳ lạy trước mặt mình, ta chợt nhận ra đây chính là trọn vẹn một đời của ta.
…
Hoàng đế suốt đời không lập hoàng hậu mới, nhưng cuối những năm tại vị lại rất sủng ái một phi ttần có xuất thân bình thường.
Ta từng gặp nàng tại cung yến. Một thiếu nữ tuổi mười bốn mười lăm, dáng điệu giữa cử chỉ có nét giống hoàng hậu Dịch An thuở trẻ.
Không ai ngờ rằng mỹ nhân ấy là thích khách được nước địch đào tạo từ nhỏ.
Lần này, không còn một vị hoàng hậu sẵn sàng liều mạng để cứu giá.
Hoàng đế bị ám sát, nằm liệt giường vài ngày rồi băng hà. Thái tử lên ngôi, lấy niên hiệu là Thuỵ Sênh, tự xưng Nguyên An Đế.
…
Ta nhớ về Dịch An, người hoàng hậu mà đến cuối ta vẫn không chắc nàng có thật sự yêu hoàng đế hay không.
Cho dù vì bảo vệ ngai vàng cho nhi tử mà có phần tính toán, thì người họ Dịch vẫn luôn đường hoàng và ngay thẳng, trung quân ái quốc.
…
Ngày ta rời khỏi thế gian, trời đổ tuyết lớn như những bông lông ngỗng bay trắng trời. Năm đó, vườn anh đào ở biệt viện kết quả đỏ mọng lạ thường.
Con trai và con dâu ngồi bên giường, nghẹn ngào vì đau buồn.
Ta bảo con trai đừng khóc, chỉ dặn nó nhớ lấy chiếc hộp gỗ đàn trong ngăn thứ năm của thư phòng, đặt bức tranh bên trong vào quan tài của ta.
Con trai vội vã làm theo, mở bức tranh ra trước mặt ta.
Trong tranh là phố xá náo nhiệt đêm Thất Tịch, ánh đèn lồng rực rỡ, một thiếu nữ xinh đẹp mặc áo vải trắng đang cúi người thả hoa đăng xuống dòng sông. Những chiếc hoa đăng trên nước sáng lấp lánh, tạo thành cảnh đẹp đến động lòng người.
Đây là bức tranh đẹp nhất mà ta từng vẽ, chất chứa trong đó tình cảm sâu đậm của người hoạ sĩ.
Tầm nhìn của ta dần nhòe đi. Trong mơ hồ, ta lại nhớ đến gia tộc họ Dịch trung quân ái quốc.
Mỹ nhân như tranh, anh hùng như cốt, cuối cùng cũng chỉ là một nắm đất vàng.
Nhưng, dù biết thế, ta vẫn muốn trở thành một phần của người nhà họ Dịch.