Phụ thân ta ở rể, ông có dưỡng một ngoại thất ở ngoài, mà ta… lại chính là nữ nhi do ngoại thất đấy hạ sinh.
Năm ta năm tuổi, phụ thân đã bỏ rơi ta, ông mang theo nương ta mà trốn.
Là một đứa trẻ năm tuổi, chỉ vì quá đói phải ăn rơm trên mái hiên, uống nước cháo loãng trong thùng rác. Khi bị đám khất cái đánh chỉ còn một hơi thoi thóp, trước mặt ta xuất hiện bàn tay thô ráp ôm ta lên.
Ta nghĩ ông trời cuối cùng cũng mở mắt, phái thần tiên xuống cứu vớt ta, dẫn đường chỉ lối giúp ta đi về hướng ánh dương rực rỡ ấm áp.
Nhưng đôi tay ấy không phải là của thần tiên, cũng chẳng phải là của quý nhân cao quý, mà thuộc về một phụ nhân tầm thường, không nhi không nữ,bà là chính thê của phụ thân ta.
Người đời thường chỉ vào bà mà mắng: “lão mẫu hổ cô độc” . Cuộc sống của bà vốn đã chẳng mấy tốt, nay còn cưu mang ta.
Ta cố gắng theo bà học giết lợn, bán thịt, cùng bà trải qua hết khói lửa chiến tranh,
Khổ tận cam lai, ta được ngự tứ ban lệnh sắc phong trở thành y nữ, cuối cùng bà cũng có được niềm vui an nhàn bên con cháu
Đúng lúc này, phụ thân ta trở lại, hối hận nói muốn bù đắp cho ta, lại muốn cùng bà quay về như xưa.
Ta chỉ lạnh lùng cười, đưa ra tờ giấy cắt đứt quan hệ, còn bà thì cầm lấy dao mổ lợn, đuổi ông ấy chạy qua năm con phố.
Ta vẫn nhớ rõ, ngày cha nương bỏ đi, trời xanh trong vắt.
Mặt trời treo lơ lửng, chậm rãi tỏa nắng, còn ta chỉ dám co ro nơi góc tường tối tăm, giống hệt một con chuột bị người ta chê bai, ghét bỏ.
Đói đến không chịu nổi, ta không biết từ khi nào đã bước chân ra khỏi cửa.
Ta tìm đến chợ, lặng lẽ nhìn người phụ nữ đứng sau quầy thịt lợn kia.
Trước đây, ta cùng nương từng nhiều lần lén đến từ xa nhìn bà.
Bà họ Tưởng, dưới gối không con không cái, người trong chợ gọi bà là ” Tưởng đại nương,” nhưng sau lưng lại khinh miệt gọi bà “Tưởng đại trùng.”
Bà là chính thê của cha ta, còn ông vốn là người ở rể trong nhà bà.
Nương ta chỉ là ngoại thất của cha ta, được ông dưỡng ở bên ngoài, thậm chí đến danh phận thiếp thất cũng không có, vì cha ta ở rể nên chẳng có tư cách nạp thiếp.
Hai người lén lút qua lại, sinh ra ta, rồi đến đệ đệ.
Nương thường dẫn ta theo sâu cha ta, nhìn ông lấy tiền từ bà ấy.
Cha ta là một tú tài, trước mặt bà chẳng khác nào gà con ốm yếu, nhưng lần nào cũng lấy được tiền.
Người trong chợ đều nói bà là kẻ ngốc, đầu óc đơn giản, thô lỗ mà lại si mê người đọc sách.
Bình thường bà dữ tợn như hổ, nhưng đối diện cha ta là một tú tài lại chẳng hề dám lớn tiếng.
Giờ đây, người đàn ông ấy bỏ trốn cùng nhân tình, bà càng chẳng dám ngẩng đầu.
Ta ngồi xổm cách quầy thịt của bà ba trượng, từng chút một nhích lại gần hơn.
“Cha ngươi đã bỏ đi rồi, sao ngươi còn ở đây?” Người trong chợ cười nhạo, trêu chọc ta.
Ta không nói lời nào, lại lặng lẽ nhích gần quầy thịt hơn chút nữa.
Ban đầu bà trừng mắt nhìn ta, ta cúi đầu, chẳng dám đối diện.
Sau đó bà coi ta như không khí, chẳng màng để ý.
Có lúc bà tính thiếu tiền cho khách, ta lên tiếng nhắc nhở, nhưng bà cũng không đáp.
Bà luôn giữ vẻ mặt lạnh lùng, tay cầm dao lọc xương không ngừng nghỉ.
Hôm ấy, một con chó ghẻ chạy đến, cắp đi một khúc xương.
Không hiểu vì sao, ta hét lên một tiếng “gâu” rồi đuổi theo nó, giằng co với con chó.
Người trong chợ nhìn mà sững sờ, rồi bật cười ha hả.
Bà nhíu mày rậm, buông một tiếng: “Cút!”
Ta lang thang vô định trên phố, trông thấy nhiều đứa trẻ không nhà giống như ta.
Nghe nói phía trước có chiến tranh, chẳng mấy chốc sẽ lan đến nơi này, nên nhiều gia đình đã dọn đi.
Những nhà đông con, thường coi trẻ nhỏ là gánh nặng.
Mà đã là gánh nặng, thì phải bỏ lại.
Ta đói lả, nhưng cũng chẳng dám động vào khúc xương vừa tranh giành được.
Hôm sau, trời còn chưa sáng rõ, ta đem khúc xương đặt lên thớt gỗ của bà.
Vương Tam Nương bán đậu phụ vốn dậy sớm, thấy cảnh ấy liền xuýt xoa kinh ngạc: “Con bé này sao chẳng giống cha nó chút nào.”
Một lát sau, bà vác nửa tấm thịt lợn trên vai, tay cầm dao lọc bước tới.
Ta có chút căng thẳng, thấy ánh mắt bà thoáng lướt qua khúc xương trên thớt, lại như chẳng hề để ý.
Cả ngày hôm đó, bà vẫn làm việc như thường: lọc thịt, cân thịt, bán thịt, đếm tiền… Khúc xương kia cứ như một món rác nhỏ bị bỏ quên.
Ta cúi đầu, mỗi lúc một thấp hơn.
Đến khi trời nhá nhem, bà bán hết thịt, trước lúc rời đi, bà lạnh lùng nhặt khúc xương lên, ném vào giỏ.
Ta lập tức ngẩng cao đầu, nhìn bóng dáng sừng sững như cây cột thép của bà dần khuất xa. Ta hớn hở chạy ra khỏi chợ.
Ngoài chợ có một quán mì.
Ta đứng từ xa, ánh mắt như sói đói, phát sáng xanh lè, dán chặt vào thùng nước rửa bát bên cạnh.
Ta biết, trong đó là chút nước canh còn sót lại của những thực khách ban ngày, đôi khi vận may đến, có thể tìm thấy một hai sợi mì rơi vãi.
Ta cũng biết, chỉ khi nào chủ quán thu dọn xong, ta mới dám tiến lại gần thùng nước ấy, không thể làm phiền công việc của họ.
Hôm ấy, ta uống no nê nước mì, húp sạch từng vệt dầu loang lổ trong đó.
Uống xong, ta còn ra bờ sông rửa sạch thùng nước bẩn, mang về trả cho chủ quán.
Chủ quán chẳng dư dả gì, phải nuôi sống cả gia đình năm người bằng quán mì nhỏ ấy, nhưng ông vẫn dặn người nhà không được ném khăn lau bàn bẩn vào thùng nước nữa.
Đó là chút lòng tốt nhỏ nhoi mà ông dành cho đứa trẻ năm tuổi như ta.
Đáng tiếc, lòng tốt ấy ta chẳng được hưởng lâu. Thùng nước mì ấy bị vài đứa khất cái khác để mắt đến.
Chúng cướp lấy, đẩy ta ngã xuống đất.
Ta chỉ là một đứa trẻ năm tuổi, vóc dáng và sứ lực chẳng bằng chúng. Chỉ có thể trơ mắt nhìn chúng chia nhau ăn mì, uống nước canh.
Chúng còn giơ nắm đấm hăm dọa ta, không cho phép ta xuất hiện lần nữa.
Thân thể ta bầm tím, đau nhức khắp nơi, nhưng nỗi đau ấy chẳng thấm vào đâu so với cái bụng trống rỗng.
Đêm đến, ta nằm trong căn nhà rách nát, gió lùa tứ phía, nhổ một cọng rơm trên mái nhà, đưa lên miệng nhai.
Trong đó có chút vị ngọt thoảng qua.
Ban ngày, ta vẫn đi xem bà bán thịt.
Khi ấy còn nhỏ, chẳng hiểu vì sao mình lại cố chấp đi đoạn đường dài như thế chỉ để đứng đó nhìn bà.
Sau này nghĩ lại, có lẽ chính dáng vẻ mạnh mẽ, dứt khoát của bà khi cầm dao mổ lợn đã khiến một đứa trẻ cô đơn như ta cảm thấy thế gian này bớt đáng sợ hơn.
Bà vẫn không để ý tới ta, xung quanh những kẻ chỉ trỏ cũng chẳng ai muốn lại gần một đứa bé gầy gò như ta.
Họ sợ bị ta bám lấy.
Thời buổi này, ai nấy đều khó khăn, thêm một miệng ăn là thêm một gánh nặng không nhỏ.
Ta nhặt một cành cây, định đưa lên miệng nhai thử, nhưng cắn không nổi.
Ta bèn dùng cành cây ấy vạch lên mặt đất.
Thực ra, ta còn biết tính toán nữa, đó là thứ cha ta dạy khi ông vui vẻ. Ta học rất chăm chỉ.
Mỗi lần thấy ta viết chữ, ông đều cười khen ta có thiên phú.
Đệ đệ thì ngốc nghếch hơn nhiều, chẳng chịu học chữ, mỗi lần chỉ biết khóc lóc ăn vạ.
Vậy mà khi cha mẹ bỏ đi, họ lại mang theo đứa đệ đệ vừa ngốc, vừa lười, vừa ương bướng ấy.
“Chà, đứa trẻ này biết viết chữ kìa.” Có người đi ngang qua ngạc nhiên thốt lên.
Ta thấy Tưởng đại tẩu thoáng nâng mắt nhìn về phía này, liền càng ra sức viết.
Sự chú ý ấy còn thu hút cả một bé gái trạc tuổi ta. Đó là cháu gái nhỏ của người bán kẹo đường bên cạnh.
Con bé ngồi xổm bên cạnh ta, vừa ăn kẹo vừa nhìn ta viết.
Nửa que kẹo trong tay con bé tỏa ra mùi hương ngọt ngào, khiến ta nuốt nước bọt không ngừng.
Nếu được ăn một miếng, không, chỉ cần liếm một cái cũng đủ thỏa mãn.
Trước đây, mẹ cũng từng mua kẹo đường cho đệ đệ. Lần nào ta cũng nhặt những que tre đệ ấy vứt đi cẩn thận mút lấy chút vị ngọt còn sót lại trên đó.
Hương vị ngọt ngào ấy, khi trở về nhai rơm trên mái nhà, làm thế nào cũng chẳng nuốt nổi nữa.
Ta lại chạy đến quán mì.
Đáng tiếc, chủ quán đã dọn hàng từ sớm, ta còn bị vài tên khất cái phát hiện ra.
Họ nói nơi này là địa bàn của họ, ta đã đến thì phải chịu đòn.
Lần này, chúng đánh ta rất nặng tay.
Mặt trời ngả về tây, ánh sáng yếu ớt rải rác chẳng đủ che khắp nhân gian.
Ta co quắp trên con đường nhỏ, thân hình nhỏ bé như một đốm bụi chẳng ai để ý.
Có lẽ, nếu lúc này một cỗ xe ngựa bất chợt chạy qua, ta chẳng khác nào một con mèo hoang bị cán chết.
Khi tia sáng cuối cùng sắp tắt, một bóng dáng to lớn hiện lên ở đầu đường, lưng quay về phía ánh chiều tà.
Bà không nói một lời, xách ta lên, đưa ta về nhà.
Bà đút cho ta vài muỗng canh thịt, thơm ngào ngạt. Ta trợn tròn mắt, ánh lên sự kinh ngạc lẫn thèm thuồng.
Ba ngày sau, ta đã có thể xuống giường.
Bà vẫn chẳng nói chuyện nhiều với ta, có lẽ vì không biết nói gì, hoặc bản thân bà vốn không ưa mở lời, mà mỗi khi mở miệng thì chỉ toàn là tiếng mắng.
Nhưng cơm bà nấu thật sự ngon!
Bà dùng mỡ heo rang gạo lứt đến khi hạt gạo ngả vàng, mềm dẻo, ăn vào béo ngậy đến nỗi miệng ta bóng nhẫy.
Bà còn làm bánh, để nguội rồi xé thành từng miếng nhỏ, ngâm vào nồi canh xương heo sền sệt. Ta ăn một chén đầy, không chừa lại chút nào.
Ta theo bà ra chợ bán thịt, ngồi trên chiếc ghế nhỏ phía sau lưng bà.
Mỗi khi có người đến mua thịt, bà cân xong, ta sẽ lanh lảnh báo giá cần bao nhiêu ngân lượng.
Ban đầu, bà không tin một đứa trẻ như ta lại biết tính toán. Nhưng khi kiểm tra kỹ, bà phát hiện ta không chỉ tính nhanh mà còn chính xác đến từng đồng.
Từ đó, ta trở thành người giúp bà tính toán.
Ngoài việc tính tiền, ta còn làm được nhiều thứ khác.
Trời nóng, bà dựng một cái lều tạm bằng tre và vải bạt để che nắng, ta đứng bên cạnh giúp bà giữ cột tre.
Ta còn cầm một cây gậy buộc mảnh vải đỏ, quạt đuổi ruồi từ sáng đến tối.
Có hôm trời bỗng đổ mưa lớn, mưa xối xả dồn dập!
May thay, cái lều tạm che được một phần, bà kịp gói ghém số thịt chưa bán hết.
Còn ta và bà bị mưa xối ướt như chuột lột.
Về đến nhà, bà nấu một nồi nước gừng. Ta sợ cay, không muốn uống, bà liền lớn tiếng quát mắng.
Nhưng ngay sau đó, bà lén xúc một muỗng đường đỏ bỏ vào chén của ta.
Ta chóp chép miệng, cố gắng tìm chút vị ngọt của đường giữa vị cay nồng của nước gừng, vừa uống vừa thích thú.
Từng ngụm nhỏ, ta uống hết cả chén nước gừng.
Đêm đến, trời nổi sấm sét ầm ầm. Ta ôm chăn, chạy từ phòng bên vào phòng bà.
Bà ngủ rất say, ta rón rén trèo lên giường, tìm một góc nhỏ nằm xuống.
Ngoài kia sấm chớp vẫn vang rền, nhưng trong tiếng ngáy đều đều của bà, ta chẳng còn cảm thấy sợ hãi.
Ta nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.
Sáng hôm sau, bà thức dậy, cả hai ta mắt to trừng mắt nhỏ nhìn nhau.
Có chút bối rối, bà quay mặt đi, dậy làm bữa sáng.
Nhưng bà không đuổi ta về phòng bên. Ta liền nhân cơ hội, tiếp tục ngủ chung phòng với bà.
Khi ta còn rất nhỏ, ta từng ngủ chung với nương . Nhưng sau khi có đệ đệ, nương không cho ta ngủ cùng nữa.
Những lúc nương kể chuyện cho đệ đệ, nương sẽ cho phép ta ngồi bên giường nghe ké.
Đến khi đệ đệ ngủ, nương sẽ dừng lại, gọi ta dậy ra gian ngoài ngủ.
Nương luôn nói chuyện nhẹ nhàng, dịu dàng, chẳng bao giờ lớn tiếng như bà.
Nương thường dặn ta chăm sóc đệ đệ, mọi thứ đều phải nhường đệ ấy
Nương bảo sau này lớn lên, ta phải giúp đỡ đệ đệ.
Cha cũng rất hòa nhã, ông nói rằng sau khi thi đỗ trạng nguyên, ông sẽ đưa cả nhà sống sung túc, không còn phải chịu cảnh khổ sở nhìn sắc mặt “lão hổ già ” nữa.
Nhưng cha chẳng kịp thi đỗ, ta cũng chẳng kịp lớn. Họ nói bỏ ta liền bỏ đi không chút đắn đo.