7
Lời nói của Ninh Tam Lang nặng nề và lạnh nhạt, không chút khách khí. Thế nhưng, trong lòng ta lại như có một tảng đá lớn vừa rơi xuống, nhẹ nhõm lạ thường.
Hắn không phải là người đã viết thư cho ta, người mà ta đã quen gọi là Ninh Tam Lang. Dẫu có mất trí nhớ, phẩm cách của một con người sao có thể đổi thay đến thế?
Người từng viết rằng: “Tam tòng tứ đức chẳng qua là lời lẽ thế nhân bày ra để ép buộc nữ tử mà thôi,” dẫu có quên ta, dẫu có đem lòng yêu kẻ khác, cũng quyết không thể buông lời khắc nghiệt với nữ tử, càng không thể hạ nhục vị hôn thê của mình như vậy.
Từ khi quen biết, lời nặng nề nhất hắn từng nói với ta, chẳng qua cũng chỉ là: “Ngươi tâng bốc quá mức rồi.”
Ta khẽ cười, khép nép nói:
“Là ta đường đột, vậy thì cứ như lời công tử, hôn sự của ta và công tử từ đây hủy bỏ, mọi ràng buộc chấm dứt tại đây.”
Dứt lời, ta không ngoái nhìn thêm, lặng lẽ xoay người bước vào sảnh.
Bên trong, Ninh bá mẫu ngồi trên ghế khắc mây, sắc mặt tái nhợt, tức đến rơi lệ. Thấy ta, bà càng thêm bối rối, thẹn thùng mà nghẹn ngào:
“Chiếu Doanh, là bá mẫu có lỗi với con, lại nuôi ra một kẻ hồ đồ như vậy… Khụ, khụ khụ…”
Ta vội vàng rót một chén trà nóng, quen thuộc mà nhẹ nhàng vỗ lưng bà:
“Bá mẫu, xin người chớ phiền lòng. Thật ra, ta vốn không dám nói thật với người. Ta và Tam Lang, dù thường xuyên thư từ qua lại, cũng chỉ giống như huynh muội. Nay huynh ấy đã có người trong lòng, ta chỉ mong huynh ấy được toại nguyện.”
Ninh bá mẫu thoáng ngỡ ngàng, vội hỏi lại:
“Thật vậy sao?”
Đương nhiên là không phải sự thật.
Ta và Ninh Vân Chi, trong thư đã từng hẹn ước cả đời. Nhưng giờ ta chưa thể chắc chắn người viết thư cho ta có phải hắn hay không, chỉ đành nói mập mờ để an ủi bá mẫu.
“Là thật.”
Dỗ dành bá mẫu xong, ta gần như chạy tới trạm tín thư, tìm vị dịch sứ từng giúp ta viết tên Ninh Vân Chi năm xưa. Nào ngờ lại được thông báo rằng ông đã về quê thăm nhà, phải đến tháng sau mới trở lại.
Ta không cam lòng, cố gặng hỏi:
“Vậy, lão trượng có biết trong thành Ung Châu, những gia đình họ Ninh nào có nam nhân từng lên Bắc Địa tham gia trại Hổ Uy không?”
Lão trượng bận rộn đến đổ mồ hôi, chẳng buồn ngẩng đầu lên:
“Họ Ninh ở Ung Châu đông đúc, không đến trăm hộ thì cũng mấy chục. Nhưng trong trại Hổ Uy thì chỉ có nhà ở ngõ Hoài Thụ thôi.”
Ngõ Hoài Thụ, chính là nơi ta đang ở.
Ta không ngại xấu hổ, mặt dày hỏi thêm:
“Vậy xin hỏi, Ninh gia Tam Lang, tên gọi đầy đủ là gì, viết như thế nào?”
Lão nhân đáp bâng quơ:
“Ninh Vân Chí, chí của thanh vân chí thượng.”
Ninh Vân Chí…
Thì ra là như vậy.
Hóa ra hắn và Ninh Vân Chi chỉ cách một nét bút, mà cũng cách cả một đời duyên phận.
Ta cúi người cảm tạ rồi lặng lẽ quay về.
…..
Gió mưa sắp đến, trong phòng nặng nề oi bức. Ta mở cửa sổ, lấy chiếc hòm từ dưới giường ra. Bên trong là từng phong thư mà Ninh Vân Chí gửi cho ta, chất đầy kín đáy.
Rút ngẫu nhiên một bức, ta mở ra đọc.
“Bắc địa hôm qua đổ trận đại tuyết. Đêm đến, cành cây không ngừng bị tuyết đè gãy, tiếng động làm ta trằn trọc khó ngủ. Cùng doanh trại cũng có người thức, chúng ta ngồi kể chuyện tuổi thơ. Người ấy quê ở Dương Quan, đồng hương với mẫu thân nàng. Ta bạo dạn học được vài câu dân dao xứ ấy.”
“Hoàng tang trắc cách bồ tử lý, trung ương hữu ti lưỡng đầu hệ…”
“Còn lại thì đợi ta về hát cho nàng nghe sau nhé.”
Nước mắt rơi xuống làm nhòe chữ “hoàng tang” trên giấy.
Ta định gấp lại, bỗng ánh mắt lướt qua vài câu cuối:
“Chiếu Doanh, nếu ta vô tình nhặt được một món bảo vật mà không muốn hoàn trả cho chủ cũ, thì phải làm thế nào?”
Ngày ấy đọc những lời này, ta chỉ thấy chẳng đầu chẳng đuôi, nhưng vẫn nghiêm túc dặn dò:
“Quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo. Nếu thực sự yêu thích, có thể đàm phán với chủ nhân, dùng trọng lễ hoặc bảo vật khác mà chuộc lại, mong người cắt lòng mà tặng.”
Nay nghĩ lại, dường như hắn đã ám chỉ điều gì.
Ninh Vân Chí, phải chăng từ lâu đã nhận ra, lá thư đầu tiên của ta không phải viết gửi cho hắn?
8
Khi ý niệm ấy chợt nảy sinh, ta liền không thể kìm chế được.
Mở từng bức thư của hắn ra, từng trang từng trang như thấm đẫm mực máu, ta mới chợt nhận ra, sự hội ngộ vô tình này vốn dĩ đã có dấu hiệu từ trước.
Trong bức thư thứ bảy, hắn có nhắc đến tiệm điểm tâm ở cuối ngõ. Ta theo dấu vết mà đi, nhưng lại chẳng thấy một tiệm nào. Lúc ấy, ta chẳng nghĩ ngợi nhiều, chỉ cho rằng là tiệm đã đổi chủ, trong thư còn cảm khái vài câu tiếc nuối.
Bức thư thứ mười hai, khi ta nhắc đến Tiểu Mãn, hắn chần chừ lâu mới hồi âm, trong thư hỏi ta, liệu trái tim ta yêu thích kẻ mà gia đình đã ước hẹn, hay là hắn, Ninh Vân Chí? Lúc đó, ta còn tưởng rằng chính dung mạo của mình không lọt vào mắt hắn, nhưng giờ nghĩ lại, phải chăng nhà hắn chẳng hề có một tiểu cô nương tên Tiểu Mãn như thế?
Quả nhiên, khi ta tiếp tục đọc, hắn ít nhắc đến chuyện nhà mình, mà phần lớn là kể cho ta nghe những câu chuyện thú vị ở phương Bắc, nói về những quyển sách thời niên thiếu hắn yêu thích, những vở kịch mà hắn say mê.
Đến bức thư thứ hai mươi bốn, Ninh Vân Chí viết rằng hắn vô tình phát hiện được một bảo vật.
Bức thư thứ ba mươi hai, hắn kể rằng đã cứu chủ nhân của bảo vật hai lần khỏi lưỡi đao, dồn hết can đảm để xin người đó nhượng lại. Mặc dù hành động ấy có vẻ ti tiện, muốn báo đáp ân nhân, nhưng bảo vật ấy, đối với hắn, thực sự không thể buông bỏ.
…
Ta thở dài một hơi, trong lòng càng thêm bối rối.
Nếu Ninh Vân Chí đã biết từ lâu rằng ta viết thư nhầm, sao không đến tìm ta?
Ta cất hết thư lại, tâm trí càng lúc càng rối bời. Khi ngẩng đầu lên, lại thấy Tiểu Mãn đang ló đầu nhìn qua cửa sổ.
“Chuyện gì vậy?” – Ta vẫy tay gọi con bé vào.
Tiểu Mãn nước mắt lưng tròng chạy đến, rúc đầu vào vai ta, hỏi:
“Tam thẩm, sao người không muốn làm tam thẩm của con nữa?”
Ta do dự một chút rồi đáp:
“Ừ, sau này ta là tiểu cô của con.”
Tiểu Mãn nức nở, ôm chặt lấy ta:
“Con không muốn có tam thẩm khác đâu.”
Ta vuốt nhẹ đầu Tiểu Mãn, nói:
“Đừng nói vậy, tam thúc và tam thẩm sẽ không vui đâu. Ta làm tiểu cô có sao đâu, tiểu cô cũng yêu thương con như thế thôi mà.”
Tiểu Mãn gật đầu, nhưng đôi mắt vẫn đỏ hoe. Ta ra giếng múc nước, quay lại phòng, thấy Ninh Vân Chi đang đứng cạnh một nữ nhân mặc áo tay hẹp, quan sát xung quanh. Tiểu Mãn thì run rẩy đứng nép bên cạnh.
Nữ nhân ấy nhìn từ chỗ hoa cúc trên bàn tới ta, ánh mắt lướt qua, rồi nhìn xuống, sắc mặt dần dần tối sầm lại.
“Ngươi chính là Chu Chiếu Doanh?”
“Hoa cô nương?” – Ta vỗ nhẹ vai Tiểu Mãn, hỏi lại.
“Phải.” – Hoa Nga đáp.
“Ta nghe nói chuyện giữa ngươi và Tam Lang rồi, nếu ngươi đã đồng ý huỷ hôn, thì cũng không thể cứ ở lại nhà họ Ninh mãi dược.”
Ninh Tam Lang ngơ ngẩn một lúc, rồi nói:
“Nga nương, không phải bảo chỉ bảo nàng ấy dọn qua căn phòng phía Tây thôi sao?”
“Ta không thích nàng.”
Hoa Nga thẳng thắn nói:
“Đeo trâm hoa, cài nạm ngọc, mặt mày đầy vẻ lả lướt.”
Ta vô thức sờ sờ trâm cài hoa hải đường bên tóc mai.
Con gái Nam Châu rất thích cài hoa, hôm nay, Tiểu Mãn đã dậy sớm, hái bốn bông cho ta. Một bông cho ngoại tổ mẫu, một bông cho mẫu thân, còn hai bông thì ta và con đeo cho nhau.
“Ta với Ninh Tam Lang đã huỷ hôn, dọn ra khỏi nhà họ Ninh thì không có gì phải bàn.”
Cùng là nữ tử, ta hiểu rõ sự không ưa của Hoa Nga đối với ta từ đâu mà đến:
“Chỉ là Hoa cô nương không cần phải dùng lời lẽ hạ thấp ta, đeo hoa cài ngọc không phải quyến rũ, giống như cô nương này sạch sẽ gọn gàng cũng không phải thô lỗ.”
Ta rút tay khỏi tay Tiểu Mãn, che đi hoa thu hải đường bên tai.
“Tiểu Mãn, lại đây, giúp ta thu xếp hành lý.”