8
Thánh chỉ tứ hôn đến đúng như dự đoán.
Lúc ấy, tỷ tỷ ta đã trở thành phu nhân của nhà họ Bạch được hơn một tháng. Bạch Thủ Trúc yêu thương tỷ ấy, thường cho phép tỷ ấy về nhà ngồi chơi đôi chút.
Khi nhắc đến Bạch Thủ Trúc, gương mặt tỷ ấy rạng rỡ như hoa hạnh đầu xuân, khóe mắt đuôi mày đều mang nét ngượng ngùng và niềm vui sướng.
“Như vậy là tốt rồi,” ta nghĩ.
Ta cũng thường tưởng tượng, không biết vị hoàng đế mà ta sẽ kết duyên là người như thế nào.
Rồi ta mặc phượng bào, bước qua tường thành gạch đỏ, dọn vào Phượng Nghi Cung, trở thành hoàng hậu của Đại Khải.
Đêm tân hôn, vị hoàng đế trẻ vừa tròn hai mươi tuổi có phần ngượng ngùng, nhưng vẫn giữ được vẻ điềm đạm.
Tình cảm giữa đế hậu hòa thuận, trở thành câu chuyện đẹp được truyền tụng.
Chúng ta cùng nhau dạo qua từng góc của ngự hoa viên, cùng nhau nếm thử từng món trong ngự thiện phòng. Hoàng đế chia sẻ với ta những niềm vui nhỏ nhoi giữa muôn vàn áp lực, còn ta sẽ xoa bóp thái dương cho ngài mỗi khi ngài mệt mỏi.
…
Năm thứ hai ta làm hoàng hậu, vào mùa hè, ta mang thai.
Trong một lần cải trang đi dự hội hoa đăng Thất Tịch, thả đèn trên sông, ta nhận ra cảm giác của hạnh phúc là như thế nào.
Lần này, ta không còn thả mười chiếc đèn nữa.
Những chiếc đèn lập lòe ánh sáng nhỏ nhập vào dòng sông đèn như biển cả, mang theo nỗi nhớ nhung của ai đó.
Ngẩng đầu lên, ta thấy bóng mình trong đôi mắt sáng ngời tựa dải ngân hà của hoàng đế.
Khóe môi ta mỉm cười, khuôn mặt tràn đầy niềm vui.
…
Mùa xuân năm sau, ta sinh trưởng tử của Đại Khải. Hoàng đế ban tên Dận Vân Chu. Cùng năm đó, hoàng đế mở kỳ tuyển phi đầu tiên, nạp vào hậu cung hơn mười người.
Hoàng đế bắt đầu phân phát ân sủng khắp nơi.
Với tư cách hoàng hậu hiền đức, ta tỏ vẻ thông cảm và chu đáo duy trì sự cân bằng trong hậu cung.
9
Ngày mùng Một tháng Giêng năm thứ tư, các mệnh phụ tiến cung triều bái.
Sau buổi triều bái, tại Phượng Nghi Cung, ta giữ tỷ tỷ và mẫu thân lại.
Tỷ ấy vẫn như thường lệ, đùa giỡn với tiểu Vân Chu, còn mẫu thân thì khuyên tỷ ấy hãy sớm sinh một đứa trẻ.
Tỷ ấy và Bạch Thủ Trúc đã thành thân gần năm năm, tuy chưa có con, nhưng Bạch Thủ Trúc chưa từng nạp thêm bất kỳ ai, vẫn đối đãi chu đáo như ngày đầu. Điều này khiến nữ nhi kinh thành không khỏi ghen tỵ.
Tỷ ấy cười, an ủi mẫu thân đừng lo lắng.
…
Vào một buổi sáng sau đó, khi ta đang dạo trong ngự hoa viên, Kỳ Quý nhân, người đang mang thai, vuốt ve bụng mình, giọng kéo dài đầy châm chọc:
“Người không thể sinh con, dù được trượng phu sủng ái cũng để làm gì? Nhà họ Bạch vốn nổi danh coi trọng con nối dõi. Để xem sau này ra sao.”
Ta khẽ đạp nát một cành khô dưới chân, nhìn nàng ta, khóe môi nhếch lên, như cười như không.
…
Ta còn chưa kịp động tay với Kỳ Quý nhân thì tỷ tỷ đã xảy ra chuyện.
Sáng hôm đó, cung nữ thân cận bẩm báo rằng, tỷ ấy đã đứng đợi ở cửa từ đêm khuya, nhưng vì cung quy nên mãi đến sáng mới dám trình thẻ bài cầu kiến.
“Người bên dưới nói, phu nhân trông rất tiều tụy.” Cung nữ nhắc khéo.
Ta khựng lại, hỏi:
“Bạch đại nhân đâu?”
“Ở cách đó không xa.”
“Được rồi, đưa phu nhân vào đi.”
Nén sự bất an trong lòng, ta hủy buổi thỉnh an buổi sáng của các phi tần, cho lui tất cả tỳ nữ hầu hạ xuống, một mình ngồi chờ tỷ ấy tại Phượng Nghi Cung.
…
Tỷ tỷ bước vào với đôi mắt đỏ hoe, y phục nhàu nhĩ, khuôn mặt hằn rõ dấu bụi đường. Tỷ ấy ôm ta, bật khóc:
“An An, ta muốn hòa ly với hắn.”
“An An, hắn giam mấy tỳ nữ trong biệt viện, lần lượt… sủng hạnh, cho đến khi một người trong số đó mang thai. Sau đó hắn định sẽ bỏ mẹ, chỉ giữ lại đứa trẻ, rồi đưa đứa trẻ cho ta nuôi.”
“Khi ta phát hiện ra, những tỳ nữ đó… đã không còn nhìn ra hình người nữa.”
“An An, phải chăng, con cháu thế gia không bao giờ có thể thật lòng xem hạ nhân là người?”
Chiếc kim bộ diêu hình phượng trên búi tóc tỷ ấy rung lên, rơi xuống trước mắt ta.
Ta nhắm mắt lại, tự nói với lòng mình:
“Tỷ tỷ, ta đang ở vị trí mà không cách nào đối xử bình đẳng với hạ nhân được. Ta là hoàng hậu của họ, là người mà họ phải kính trọng.”
…
Sau một hồi lâu, ta ngước nhìn ra ngoài cửa sổ. Bên tường đỏ, những chú chim ríu rít nhảy nhót trên cành cây, không ngừng líu lo.
Vì sao những con chim ta đích thân thả ra khỏi cung, cuối cùng vẫn không có được hạnh phúc?
…
Cuộc hôn nhân đáng ngưỡng mộ của phu thê nhà họ Bạch cuối cùng cũng đi đến kết cục hòa ly.
Nghe nói Bạch Thủ Trúc đã xử lý toàn bộ nha hoàn trong biệt viện, quỳ suốtvngày trước cổng phủ họ Dịch nhưng vẫn không được tỷ tỷ tha thứ.
Người đời đồn rằng đại tiểu thư nhà họ Dịch ghen tuông quá mức, không nổi chuyện phu quân mình có trắc thất.
Chỉ có ta hiểu, điều tỷ tỷ thực sự để bụng là sự thờ ơ với mạng người trong bản chất của Bạch Thủ Trúc.
Khi lời đồn lan xa, hoàng đế đã ghé qua Phượng Nghi Cung, ý muốn giúp Bạch Thủ Trúc cầu tình. Ta nở nụ cười, tay dâng lên một tách trà, chặn lời của ngài.
Ta nói với hoàng đế rằng: “Thần thiếp là hoàng hậu của ngài.”
Hoàng đế lập tức hiểu ý ta.
Không lâu sau đó, trọng tâm của những lời đồn chuyển hướng. Người trong thành tán tụng các nam nhi nhà họ Dịch chiến đấu trên sa trường, làm rạng danh thiên triều; nữ nhi nhà họ Dịch thì hiền đức đoan trang, mẫu nghi thiên hạ.
Đại tiểu thư nhà họ Dịch từ đó biến mất khỏi câu chuyện của người đời.
Ta cuối cùng cũng yên lòng. Giống như điều ta luôn nghĩ, nữ nhi nhà họ Dịch, chỉ cần một người làm hoàng hậu hiền đức là đủ.
…
Kỳ Quý nhân vốn tính kiêu kỳ, hay ghen tị với bất kỳ ai có thứ mà mình không có.
Trong cung lúc này có hai vị phi tần mang thai: một là Kỳ quý nhân, một là Ôn mỹ nhân.
Ta liên tục hạ chỉ ban thưởng, bổ phẩm vào cung của Ôn mỹ nhân như nước chảy trôi. Kỳ quý nhân thấy vậy, mắt không khỏi đỏ lên vì ganh ghét.
Không lâu sau, hoàng đế ám chỉ rằng ta nên “nâng đũa cho đều.”
Ta hiểu ý, chỉ mỉm cười.
Sau đó, bất kỳ bổ phẩm nào cũng đều được chia thành hai phần, gửi đến phần của Kỳ quý nhân còn nhiều hơn để bù đắp cho những tháng trước.
Kỳ quý nhân vỡ ối vào nửa đêm, đúng lúc hoàng đế ở lại Phượng Nghi Cung.
Ta thay y phục định đến xem, làm tròn bổn phận hoàng hậu nhưng hoàng đế cản lại, nói ta không cần vất vả, sáng mai đến cũng không muộn.
Ta ngừng lại, giao áo ngoài cho cung nữ, chậm rãi quay về giường rồi ôm lấy hoàng đế, bình thản ngủ một giấc không mộng mị.
Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, hoàng đế đã đi thượng triều.
Thái giám thân cận báo rằng Kỳ quý nhân do thai nhi quá lớn nên khó sinh, sau cả mẹ lẫn con đều mất. Ôn mỹ nhân vì bị kinh động bởi tiếng kêu gào của Kỳ quý nhân mà sinh non, cũng không giữ được thai nhi.
Ta ra lệnh an táng Kỳ quý nhân thật tốt, sau đó đích thân đến thăm Ôn mỹ nhân.
Mất con, Ôn mỹ nhân như một con rối không còn linh hồn, đôi mắt đờ đẫn nằm trên giường.
Ta ngồi lại với nàng một chút, an ủi vài lời.
Ngày hôm sau, ta phong Ôn mỹ nhân làm quý nhân, ban thưởng vàng bạc châu báu vô số.
Một tháng sau, Kỳ gia bị phát hiện phạm tội cậy quyền hà hiếp dân lành, bán quan mua chức, bị đầy cả nhà ra biên giới.
Kể từ đó, kinh thành không còn Kỳ gia nữa.
…
Khi Vân Chu lên sáu, biên giới Tây Bắc xảy ra biến cố, Khương quốc kiếm cớ tuyên chiến chính thức với Đại Khải.
Đại ca bị đánh bất ngờ, chiến sự vô cùng khốc liệt.
Hoàng đế giận dữ tại buổi thượng triều. Phụ thân, lúc ấy đã bước vào tuổi tri thiên mệnh, tự nguyện xin đi Tây Bắc chinh chiến.
Hoàng đế đồng ý, còn phái thêm đại quân cùng đi.
Ta đè nén nỗi bất an, mặc thường phục về nhà tiễn cha.
Đây là sứ mệnh mà con cháu nhà họ Dịch phải gánh vác, bất kể tuổi tác hay giới tính.
Tấm lưng gần sáu mươi tuổi của phụ thân đã hơi còng, nhưng lúc khoác lên bộ giáp bạc, ông vẫn oai hùng như trong ký ức khi một tay nhấc ta đặt lên vai.
Đêm hôm đó, ta không phải hoàng hậu, mà là tiểu nữ nhi họ Dịch. Ta cùng tỷ tỷ và phụ mẫu nâng chén rượu lớn, ăn miếng thịt to, cứ như hôm nay có rượu, hôm nay say.
…
Sau khi phụ thân lên đường, ông không phụ danh tướng già nơi sa trường, nhanh chóng xoay chuyển cục diện.
Những ngày đó, hoàng đế tâm trạng vô cùng thoải mái, liên tiếp ban thưởng cho Phượng Nghi Cung.
Nhưng sự an nhàn không kéo dài được lâu.
Phía Tây Nam là sa mạc, cũng đã xảy ra bạo loạn. Quân địch đêm đến vào thành cướp bóc, sáng sớm lại rút về nước mình. Hoàng đế vừa phái Hồng Lư Tự Khanh đi sứ, vừa điều động quân lực dư thừa gia cố phòng vệ Tây Nam.
Cùng lúc đó, chiến sự Tây Bắc tám trăm dặm báo gấp. Quân Khương bao vây trọng trấn Lâm Thành, nhưng chủ lực đã phân tán khắp các thành.
Tiểu tướng quân họ Dịch mang hai nghìn quân vào sâu trong lòng địch thực hiện nhiệm vụ bí mật. Lâm Thành chỉ còn lại Dịch lão tướng quân, binh lực thủ thành còn rất ít..
Đêm đó, ta mời hoàng đế đến Phượng Nghi Cung.
Ta mặc phượng bào, trên đầu cài chiếc trâm phượng ngọc trắng đỏ năm nào.
Sau khi cho lui tất cả cung nhân, ta quỳ xuống trước hoàng đế, dâng lễ bái đầu tiên kể từ ngày thành thân, cầu ngài phái binh tiếp viện.
Trong ký ức, cha từng ôm ta khi còn nhỏ, chỉ lên bản đồ và nói rằng:
“Lâm Thành chính là cánh cửa của Đại Khải, là nơi họ Dịch không được phép để mất.”
Hoàng đế im lặng, để mặc trán ta chạm xuống nền gạch lạnh băng. Một lúc lâu, ngài nói, giọng trầm hẳn đi:
“Dịch An, nàng là hoàng hậu của trẫm.”
Ta cuối cùng phải thừa nhận, vị thiếu niên nhìn ta thôi cũng đã đỏ mặt khi xưa nay đã trở thành một hoàng đế quyết đoán, tâm địa sắt đá.