4
Mùa đông đến, trời bắt đầu lạnh dần.
Vườn rau của Hồng Liên sớm đã trống không, gà vịt cũng đều bị nàng ấy lùa vào chuồng.
Chỉ khi nắng to, nàng ấy mới thả chúng ra để nhặt đồ ăn dưới đất.
Không còn phải trồng trọt, nàng có nhiều thời gian hơn, bắt đầu lật cái này, xem cái kia trong thư phòng của đại ca.
Đại ca vốn không thích ai bước vào thư phòng của huynh ấy, ngay cả phụ thân cũng không được.
Nhưng khi Hồng Liên ở trong đó, nàng ấy chạm vào đủ thứ, đại ca vẫn không giận.
Huynh ấy còn đích thân dạy Hồng Liên viết chữ.
Chỉ có điều chữ nàng viết thật sự rất xấu.
Theo lời Tiểu Thất, những con gà con vừa nở chạy vài vòng trên giấy, nét bút còn ngay ngắn hơn chữ nàng.
Tiểu Thất không hề giễu cợt nàng, đôi khi nó còn tỏ ra bực bội, nhỏ tuổi nhưng ra dáng thầy giáo, cầm bút lông, tỉ mỉ dạy nàng viết từng nét.
Người ngoài, mỗi khi thấy nàng trong các buổi tiệc, thường hay đến trêu chọc.
Có người hỏi nàng năm nay nhà nàng thu hoạch được bao nhiêu lương thực, có người lại hỏi gà vịt nàng nuôi có bị tuyết lớn làm chết không, có người còn trực tiếp hỏi nàng làm đại nương tử của phủ hầu có sung sướng không…
Khi họ hỏi những câu đó, ánh mắt đều đầy vẻ trêu đùa.
Ta vội vàng đứng chắn trước nàng, nhưng chưa kịp nói gì, nàng đã lần lượt trả lời.
“Năm ngoái trời đẹp, mùa màng nhà ta khá hơn những năm trước một chút.
“Gà vịt vẫn ổn, tuyết có lớn thật, nhưng ta đã sửa lại chuồng gà, bên trong có nhiều cỏ khô, chúng không bị lạnh.
“Chỉ là làm đại nương tử khó lắm, ta không hiểu quy củ, cũng không biết cầm kỳ thi họa. Mỗi lần ra ngoài, ta đều sợ làm hầu phủ mất mặt, cũng sợ các vị cười ta…”
Nàng ấy nói những lời đó với vẻ mặt rất nghiêm túc, không hề có ý khác.
Những người đặt câu hỏi nghe xong, mặt ai nấy đều lúng túng, cuối cùng tìm cớ rời đi.
Trên đường về phủ, nàng ấy ngượng ngùng hỏi ta: “Ta có làm mất mặt gia đình không?”
Ta quả quyết lắc đầu: “Không hề! Hồng Liên giỏi lắm, cả bữa tiệc chỉ có tỷ biết trồng trọt, nuôi gà vịt! Mấy người kia đâu ai bằng tỷ!”
“Không làm mất mặt là tốt rồi.” Nàng nói xong, thở phào một hơi.
Nhưng từ hôm đó, thay vì chỉ viết chữ một canh giờ mỗi ngày, nàng đã luyện đến hai canh giờ.
Lúc đó ta đã nghĩ, Hồng Liên không hề ngốc chút nào.
Nàng ấy thông minh lắm.
Đến mùa xuân năm sau, chữ nàng viết không còn như những con gà say rượu nữa, ít nhất đã có thể đứng vững rồi.
Nàng còn hỏi ta và Tiểu Thất, thuê một vị thầy dạy cầm kỳ thi họa cần bao nhiêu bạc, nàng muốn học, nhưng tiền không đủ, phải trồng thêm ít thứ để bán, gom góp mời thầy.
Tiểu Thất nhìn đôi tay đã chai sạn vì lao động của nàng ấy, khó xử nói: “Đại nương tử, hay là thôi đừng học nữa?”
Ta cũng cảm thấy Hồng Liên học mấy thứ này không hợp.
Đôi tay này có thể xới đất, có thể nuôi gà vịt, có thể nấu ăn, nhưng khó có thể lướt trên dây đàn.
Nhưng nàng không chịu bỏ cuộc.
Đại ca thấy nàng muốn học, liền dạy nàng từng chút một.
Vậy mà từ Tết cho đến tháng tư, cuối cùng tiếng đàn của nàng vẫn là loại âm thanh có thể giết người.
Vẽ tranh thì càng khỏi phải nói, mỗi lần nàng đưa ta xem tác phẩm của mình, ta phải đoán nửa ngày trời mà vẫn không biết đó là thứ gì.
Chơi cờ cũng chẳng khá hơn.
Ta và Tiểu Thất cùng nàng chơi cờ suốt mấy tháng, nhưng cuối cùng nàng vẫn thích đặt quân cờ vào mấy ô vuông trên bàn cờ.
Dần dần, nàng từ bỏ ý định học cầm kỳ thi họa, chỉ chăm chú luyện chữ và làm vườn ở khu sân của mình.
Nhưng chưa đến mùa hè, mẫu thân đã không cho phép nàng xách cuốc đi khắp nơi nữa.
Lý do chẳng phải vì gì khác, mà vì trong bụng nàng đã có một tiểu hài tử.
5
Hồng Liên mang thai, người vui nhất chính là đại ca.
Suốt hơn một năm nay, huynh ấy và Hồng Liên hầu như ngày nào cũng ở bên nhau.
Giờ nàng mang thai, đại ca càng vui vẻ hơn, mỗi bữa đều ăn thêm nửa bát cơm.
Hôm ấy, khi Hồng Liên ra vườn chăm sóc gà vịt, đại ca liền nói với phụ thân và mẫu thân: “Con muốn sống, nàng đối đãi với con rất tốt, con không thể bỏ nàng lại một mình.”
Nghe đến đây, mẫu thân liền lấy khăn lau nước mắt.
“Con cũng đừng trách nó không biết quy củ, không thể hầu hạ con.” Đại ca vừa nhắc đến Hồng Liên, trong mắt liền không còn vẻ lạnh lùng, “Nàng từ nhỏ đã lớn lên trong thôn làng, tự do tự tại.
“Nếu không phải gả cho con, nàng đâu phải chịu những lời chế giễu của người khác?
“Những tháng ngày con không ở đây, người hãy chăm sóc nàng nhiều hơn.”
Nghe đến đây, ta ngạc nhiên hỏi: “Đại ca, huynh sắp đi đâu?”
Đại ca xoa đầu ta: “A Ngộ, đại ca phải rời phủ vài tháng. Lúc huynh không ở đây, đệ phải chăm sóc tẩu tẩu, đừng nghịch ngợm.”
Ba ngày sau, đại ca rời khỏi phủ hầu.
Khi huynh ấy đi, mắt Hồng Liên đã đỏ hoe.
Từ hôm đó, mỗi sáng khi nàng dậy, việc đầu tiên là đứng trước cổng phủ, nhìn ra đường lớn.
Mẫu thân, phụ thân sợ nàng lo nghĩ nhiều quá, ảnh hưởng đến thai nhi, nên thay nhau khuyên bảo, mong nàng sớm quay lại nghỉ ngơi.
Nhưng nàng không nghe, mỗi ngày vẫn kiên nhẫn đứng chờ ở cổng phủ.
Đợi nửa canh giờ, nàng mới quay lại khu vườn của mình chăm sóc cây cối.
Mẫu thân vốn không muốn nàng làm những công việc này nữa, nhưng nhìn thấy nàng mỗi ngày đứng ngóng đại ca về, mẫu thân cũng không nỡ ngăn cản.
Hôm đó, Hồng Liên mang theo một giỏ trứng gà đến viện của ta.
Nàng ấy đặt giỏ trứng trước mặt ta: “Đệ ăn đi.”
Ta đếm thử, trong giỏ vừa đủ hai mươi quả trứng.
Nghĩ ngợi một lúc, ta nói: “Hồng Liên, hay là ta và tỷ để dành, đợi đại ca về, huynh ấy có thể ăn.”
Nàng ấy quả quyết lắc đầu: “A Yến còn bảy mươi ngày nữa mới về, không để được đến lúc đó, đệ ăn đi.”
Nghe nàng nói vậy, ta cũng muốn khóc.
Nàng không giỏi tính toán, nhưng lại nhớ rất rõ ngày đại ca trở về.
Nhưng ta cố gắng kìm nén, không khóc trước mặt nàng.
Ta giả vờ đi tìm thầy, tránh mặt nàng, rồi tìm đến mẫu thân.
“Mẫu thân, khi nào đại ca về? Từ khi huynh ấy đi, Hồng Liên gầy đi nhiều… Tẩu ấy đã để dành rất nhiều trứng cho đại ca, huynh ấy phải về sớm thôi!”
Nghe ta nói xong, mắt mẫu thân ánh lên tia nước: “Sắp rồi, sắp rồi.”
“Vì sao người khóc?”
“Con ngốc, mẫu thân không khóc, mẫu thân là vì vui mừng thôi.”
Thấy mẫu thân xúc động, Lưu ma ma bèn dẫn ta ra khỏi phòng.
Ta hỏi bà: “Mẫu thân rốt cuộc vì sao lại khóc?”
“Nhị lamg, phu nhân khóc, một nửa là vì đại thiếu gia, một nửa là vì đại nương tử.”
Lưu ma ma kể với ta rất nhiều.
Bà nói, đại ca rời nhà ba tháng là để chữa bệnh.
Khi tổ phụ còn sống, đã tìm được một thần y ở Nam Bình.
Vì thần y đã già, không tiện đi xa, nên đại ca phải đến đó.
Nhưng lúc đó đại ca không muốn đi, còn nói rằng số mệnh đã định sẵn, nếu Diêm Vương muốn thu mạng của huynh ấy, thì chẳng ai ngăn được.
“Nhưng giờ đây, đã gặp đại nương tử, có ý muốn sống, phu nhân tự nhiên rất vui mừng.
“Thế nhưng, đại nương tử vừa mới có thai, thế tử lại phải đi ba tháng, phu nhân cũng thương cho đại nương tử.”
Cuối cùng Lưu ma ma nói với ta: “Nhị lang, ngài cũng là người hiểu chuyện. Đại nương tử rất sợ hầu gia và phu nhân, nhưng không sợ ngài.
“Bây giờ thiếu gia không ở đây, ngài hãy thường xuyên ở bên cạnh đại nương tử, có được không?”
Điều đó tất nhiên là tốt rồi.
Những ngày tiếp theo, ta ngày ngày ở bên Hồng Liên.
Khi nàng ấy luyện chữ, ta cũng luyện cùng nàng.
Khi nàng ấy trồng trọt, ta cũng giúp một tay.
Thỉnh thoảng Tiểu Thất cũng đến chơi cùng chúng ta.
Thời gian cứ thế trôi qua, bụng của Hồng Liên cũng đã hơi nhô lên.
Nhưng đại ca vẫn chưa trở về, kinh thành lại rối loạn.
6
Cuối tháng bảy, đầu tháng tám, quanh kinh thành đột nhiên xuất hiện người mắc phải dịch bệnh.
Đến khi triều đình điều tra rõ nguồn gốc dịch bệnh, đã có không ít người trong kinh thành bị lây nhiễm.
Nghe các đại phu nói, những người bị nhiễm bệnh đều có triệu chứng nôn mửa, tiêu chảy, sau đó là sốt cao liên tục, uống bao nhiêu thuốc cũng vô dụng.
Cứ như vậy chịu đựng bảy tám ngày, rồi cuối cùng tắt thở.
Chỉ trong một thời gian ngắn, từ trong đến ngoài hoàng thành đều hoang mang lo sợ.
Hồng Liên không biết dịch bệnh là gì, nhưng nghe nói ở ngoài rất nguy hiểm, nàng liền lao thẳng đến viện của phụ thân.
Bình thường, nàng rất sợ phụ thân.
Mỗi khi cùng phụ thân dùng bữa, nàng thậm chí còn không dám cầm đũa nhiều hơn một chút.
Sau này phụ thân phát hiện ra điều đó, nên cũng ít xuất hiện trước mặt nàng.
Giờ thấy nàng ấy tự mình tìm đến, phụ thân rất ngạc nhiên, còn tưởng rằng nàng khó chịu trong người: “Có phải con không khỏe ở đâu không?”
Nghe thấy vậy, nước mắt nàng ấy bỗng trào ra như suối.
Một tay nàng ôm bụng, một tay kéo tay áo phụ thân: “A Yến! Trở về! A Yến! Trở về!”
Nàng ấy chỉ nói vài câu như vậy, nhưng phụ thân lập tức hiểu được ý nàng.
Ông nghiêm túc gật đầu: “Yên tâm, ta đã phái người đi đón từ trước rồi. Nhiều nhất là mười ngày, A Yến sẽ trở về.”
Nghe đại ca sẽ trở về sau mười ngày nữa, Hồng Liên mới yên tâm đôi chút.
Chưa đến mười ngày, đại ca đã trở về.
Vừa thấy đại ca, Hồng Liên vui mừng kéo huynh ấy vào khu vườn của nàng.
Nàng chỉ vào những luống rau xanh mướt và đàn gà vịt đang đi lại trong sân, hân hoan nói: “Tất cả là để làm cho chàng!”
Đại ca thấy nàng trong lòng và mắt đều tràn đầy tình cảm dành cho mình, cũng rất vui mừng.
Nhưng niềm vui của họ chưa kéo dài được nửa canh giờ, đại ca đã bắt đầu nôn mửa và tiêu chảy.
Phụ thân biết tin, lập tức sai người đi mời thái y, đồng thời ra lệnh tách đại ca và Hồng Liên ra.
Hồng Liên không chịu, phụ thân phải nhẫn nại giải thích với nàng ấy: “A Yến bệnh rồi, con đang mang thai, tuyệt đối không thể tiếp xúc với nó!
“Chờ khi nó khỏi, hai đứa có thể gặp lại nhau.”
Hồng Liên mắt đỏ hoe, ôm bụng, hồi lâu không nói lời nào.
Phụ thân nhìn dáng vẻ đáng thương của nàng, vô cùng không đành lòng, nhưng vẫn không mềm lòng.