Sự áy náy và lo lắng giày vò mẫu thân, bà khẽ mân mê những đường chỉ vàng trên hỉ phục, lặng lẽ chờ đợi phán quyết từ ông.
Nhưng Tô Chấp Ngọc không nói gì nhiều, chỉ cúi người, nhẹ nhàng ôm lấy bà:
“Đừng sợ, sai không phải ở nàng. Nàng mới là người bị hại.”
Mẫu thân kể rằng, con người thực sự kỳ lạ.
Khi bị sơn tặc dùng mạng sống uy hiếp, thậm chí là bị đánh đập tàn nhẫn, bà không rơi một giọt nước mắt nào.
Nhưng khi được an ủi, bà lại không kiềm được mà cay xè đôi mắt.
Cuối cùng, Tô Chấp Ngọc giữ lại mẫu thân, còn mẫu thân giữ lại ta.
Nhưng nói thật, cuộc sống của họ sau khi thành thân không phải dễ dàng.
Nhà họ Tô từng bị cháy sạch trong một trận hỏa hoạn, Tô Chấp Ngọc chẳng còn gì làm của hồi môn. Nhiều năm qua, ông chỉ dựa vào việc chép sách, vẽ tranh để dành dụm đủ mua một căn viện nhỏ.
Gia đạo sa sút, lại mang tiếng xấu, nay còn cưới thêm một người mang “vết nhơ” như mẫu thân vào cửa, khiến hàng xóm láng giềng tha hồ bàn tán.
Mẫu thân sợ Tô Chấp Ngọc phiền lòng nên dứt khoát không ra ngoài nữa, tránh bị người ta kéo ra làm chủ đề câu chuyện.
Tô Chấp Ngọc cũng rất hiểu ý, mỗi ngày về nhà đều khóa cửa lại, mang theo đồ ăn ngon, đồ chơi vui, để mọi muộn phiền bên ngoài không ảnh hưởng đến mảnh sân nhỏ của họ.
Lúc rảnh rỗi, mẫu thân lại cầm kéo tháo chỉ vàng từ hỉ phục.
Ngoại tổ mẫu lo bà chịu khổ, đặc biệt thay những đường thêu trên hỉ phục bằng chỉ vàng thật, giờ đây có thể gỡ ra dùng để xoay sở chi tiêu.
Tô Chấp Ngọc vài lần muốn ngăn lại, nhưng đều bị mẫu thân gạt đi.
Mẫu thân là người đơn thuần, không nhìn ra những suy nghĩ phức tạp trong lòng Tô Chấp Ngọc, cho đến một đêm nọ ta bất ngờ tỉnh giấc, nhìn thấy ông ngồi dưới ánh trăng ngoài sân, cầm bút vẽ lại những hoa văn trên hỉ phục.
Nhìn hỉ phục trong nhà, được vẽ bằng chất liệu nhuộm vàng hình phượng hoàng đùa bên mẫu đơn, ta quay sang hỏi Tô Chấp Ngọc:
“Vậy nên, nửa đêm không ngủ chỉ để vẽ phượng hoàng trên hỉ phục sao? Phụ thân, từ khi ấy người đã thích mẫu thân của con rồi, đúng không?”
Tô Chấp Ngọc không trả lời, tay vẫn tiếp tục bóc nho cho mẫu thân, nhưng vành tai đã đỏ bừng như sắp nhỏ máu.
Mẫu thân gõ nhẹ vào đầu ta, giả vờ giận dỗi đuổi ta ra ngoài:
“Con bé chết tiệt, suốt ngày nghĩ những chuyện đâu đâu.”
4
Tô Chấp Ngọc không phải là thân phụ của ta, chuyện này từ rất sớm ta đã biết.
Không có lý do gì khác, chỉ bởi vì diện mạo của ta và ông không hề giống nhau.
Cả hai người họ đều là mẫu mực của người Kim Lăng, da trắng, dung mạo thanh tú, ngũ quan hài hòa.
Nhưng ta lại có dáng vẻ cao lớn vạm vỡ, từ nhỏ đã cao hơn bạn bè đồng lứa một cái đầu, sức lực cũng hơn người.
Nghe kể rằng, khi mẫu thân sinh ta xong, nhìn thấy đứa trẻ đen nhẻm, khỏe mạnh, bà suýt ngất.
Tô Chấp Ngọc lại khác, ông bế ta vừa cười vừa dỗ, từ nhỏ đã khuyến khích ta ăn nhiều cơm, nhiều thịt, khiến ba tuổi ta đã tròn vo như một quả cầu.
Chuyện ta không giống ông là điều hiển nhiên, ta hiểu rõ, Tô Chấp Ngọc hiểu rõ, nhưng mẫu thân lại không hiểu.
Từ khi ta biết chuyện, bà không cho phép ta gọi Tô Chấp Ngọc là phụ thân.
Bà luôn nói với ta, hai mẹ con đã nợ ông quá nhiều, không thể vượt quá bổn phận, không thể có những suy nghĩ không đúng mực.
Trước đây ta không hiểu, về sau thì hiểu.
Mẫu thân ta vẫn luôn nghĩ rằng mẹ con ta đã làm lỡ dở cuộc đời của Tô Chấp Ngọc.
Nếu không phải vì gánh nặng gia đình và việc mẫu thân mang thai, có lẽ Tô Chấp Ngọc đã sớm lên kinh ứng thí.
Nhưng sau khi sinh ta, sức khỏe mẫu thân không còn tốt, ta khi ấy còn nhỏ, cần người chăm sóc, mà ngoại tổ phụ thì lại chẳng thể trông cậy được.
Vậy nên, chuyện đi thi của Tô Chấp Ngọc cứ lần lữa mãi, trong lòng mẫu thân cũng ngày càng dâng lên nỗi áy náy.
“Hay là… chàng hãy bỏ thiếp đi.”
Khi ăn cơm, mẫu thân dè dặt lên tiếng.
Lời vừa thốt ra, trong lòng ta như sấm sét đánh ngang, bừng bừng nổ tung.
Tô Chấp Ngọc là người tính tình ôn hòa, ngay cả khi ta vô tình làm rơi quyển sách chép suốt đêm của ông xuống hồ, ông cũng chỉ cười, phủi bụi trên váy ta rồi hỏi xem ta có bị thương không.
Nhưng duy chỉ có chuyện “hòa ly” là ông không thể chịu nổi.
Trước đây, mẫu thân chỉ nhắc bóng gió một lần, ông tức giận đến nỗi bắt ta đọc thuộc cả ngàn chữ, đến mức khản cả giọng.
Giờ mẫu thân lại nói như vậy, cổ họng ta vừa mới nghỉ ngơi liền như có cảm giác đau lại.
“Lửa cháy cổng thành, cá trong ao chịu vạ lây.”
Tô Chấp Ngọc luôn như thế, không nỡ tỏ thái độ với mẫu thân, nhưng cuối cùng tất cả đều trút lên ta.
Ta cúi đầu, điên cuồng và cơm vào miệng, chỉ mong hai người họ đừng chú ý đến ta.
“Đừng nói linh tinh.”
Tô Chấp Ngọc gắp một đũa thức ăn bỏ vào bát mẫu thân, dường như muốn dùng nó để chặn miệng bà lại.
“Thiếp đã nghĩ kỹ rồi, hôn sự năm đó vốn là do phụ mẫu của thiếp ép buộc. Chàng đã chăm sóc mẹ con thiếp nhiều năm như vậy, đã quá vất vả. Nay Như Ý cũng đã lớn, chàng bỏ lại mẹ con thiếp, quay lại con đường của mình đi…”
“Trong lòng nàng, ta vẫn luôn coi hai người là gánh nặng sao?”
Câu nói thẳng thừng của Tô Chấp Ngọc khiến bầu không khí trong phòng lập tức trở nên lạnh lẽo. Ta căng thẳng nuốt nước bọt, nhìn dòng nước ngầm chuyển động giữa hai người họ.
Một lúc lâu, Tô Chấp Ngọc thở dài, là người đầu tiên nhượng bộ.
“Nàng nhắc chuyện này, có phải vì hắn đã trở về?”
“Tô Chấp Ngọc, sao tự dưng chàng lại nhắc đến hắn? Giữa thiếp và hắn vốn chẳng còn gì để nói.”
“Ta chỉ muốn hỏi nàng, Uyển Dung, bao năm nay chúng ta ở bên nhau, trong lòng nàng có ta hay không?”
Vừa nói, Tô Chấp Ngọc đã bước đến bên cạnh mẫu thân, một tay chống lên bàn, tay còn lại nhẹ nhàng chạm vào gương mặt bà. Trong đôi mắt ông ánh lên sự bi thương, thậm chí xen lẫn vài phần van nài.
“Thiếp… thiếp…”
Mẫu thân vò nát góc tay áo, mấy lần muốn ngẩng đầu nói gì đó, nhưng cuối cùng lại không thốt ra được nửa lời.
Bầu không khí giữa họ rất lạ, tựa như đang cãi nhau, nhưng trong mắt cả hai không hề có chút tức giận. Ta không hiểu, chỉ biết cảm giác như gai nhọn đâm vào lưng, không thể ngồi yên.
“Như Ý, con cầm bạc ra phố tìm lục thẩm ăn bát hoành thánh đi.”
Cuối cùng, Tô Chấp Ngọc chú ý đến sự tồn tại của ta, ném túi tiền bên hông vào tay ta, đuổi ta đi.
Như bị đại địch áp sát, ta vội vàng chạy như bay ra khỏi cửa.
5
Mang theo túi bạc nặng trĩu, ta đi trên phố cũng cảm thấy mình có chút uy phong hơn.
Lượn lờ một hồi, ta đến quán hoành thánh của lục thẩm.
Từ khi ta chào đời, mẫu thân luôn bảo ta hạn chế ra ngoài, muốn tránh để ta nghe thấy những lời đàm tiếu không hay. Ai mà biết được người ta sẽ nói những gì với một đứa trẻ như ta?
Chỉ có Lục Thẩm là người duy nhất luôn mỉm cười, lo ta ở nhà lâu sẽ chán. Mỗi khi không bày quán, thẩm lại đến nhà ta, dẫn ta ra ngoài dạo chơi.
Thẩm ấy ở ngay sau ngõ nhà ta, mở quán nhỏ hơn mười năm nay, quen biết rộng, đi cùng thẩm cũng không ai bàn tán.
“Như Ý đến rồi? Sao hôm nay đi một mình vậy? Cha nương con đâu?”
“Họ bảo con ra ăn hoành thánh. Thẩm, hôm nay con muốn ăn một bát lớn, thêm cả một cái bánh trứng gà nữa!”
Lục Thẩm nhìn ta đầy thắc mắc, sau đó gật đầu, miệng nở nụ cười như đã hiểu rõ mọi chuyện.
“Được, vậy con ngồi đây chơi với thẩm một lát, chờ thẩm dọn quán xong sẽ dẫn con đi tiểu lầu xem múa rối bóng, chịu không?”
“Chịu ạ!”
Ta gật đầu, chọn chiếc bàn gần Lục Thẩm nhất mà ngồi. Không lâu sau, một bát hoành thánh nóng hổi được bưng đến trước mặt ta.
Hành lá và tôm khô được nước dùng nóng hổi làm dậy mùi thơm, những viên hoành thánh trắng ngần như ngọc nằm yên trong bát sứ, bên cạnh là bánh trứng vàng ươm tỏa ra hương thơm ngọt ngào, khiến ta không kìm được mà cồn cào cả ruột gan.
Sau một bữa ăn no nê, ta cùng lục thẩm bận rộn đón khách, thời gian trôi qua thật nhanh. Đến khi ta dừng tay, mặt trời đã quá đỉnh đầu một hồi lâu.
Khi ta và lục thẩm vừa nói vừa cười trên đường đến tiểu lầu để xem múa rối bóng, đột nhiên trên phố, mọi người dạt ra hai bên nhường đường.
Ta bị kéo sang một bên, cùng đám đông chú ý nhìn cỗ xe ngựa xa hoa từ từ đi tới, nghe xung quanh bàn tán rằng đó là một vị quan lớn hoặc quý tộc từ kinh thành.
Giữa dòng người ồn ào, dưới ánh mặt trời gay gắt như thiêu đốt, lục thẩm phải gánh gồng quầy hàng, trông đã hơi mệt mỏi. Thẩm như sắp gục ngã, ta dùng hết sức để đỡ bà nhưng không sao giữ được.
Đúng lúc đó, đám đông xô đẩy khiến thẩm ngã xuống đường, chặn ngay trước xe ngựa của vị đại tướng quân kia.
Người đó nhíu mày, nhìn mảnh sứ vỡ dưới chân, ánh mắt không mang chút cảm xúc.
“Thật bẩn.“
Vị tướng quân phủi tay, ra hiệu cho đám thị vệ hung hãn bên cạnh lôi lục thẩm đi.
Nhìn thấy thẩm quỳ dưới đất liên tục cầu xin tha thứ, thức ăn vừa vào bụng ta như muốn trào ngược ra ngoài.
Không kịp suy nghĩ nhiều, chân ta đã bước ra trước tiên.
“Giờ vẫn còn là buổi trưa, dân chúng bận rộn đi lại trên phố. Ngài phô trương như vậy, ngồi xe ngựa nghênh ngang chắn đường của dân, không những thế còn bắt nạt người khác, thế mà cũng tự xưng là quý tộc sao?”
Vị tướng quân bị ta chất vấn không tức giận, ngược lại còn hứng thú nhướng mày nhìn ta từ trên xuống dưới, như đang thấy thứ gì đó lạ lùng.
Lục thẩm thì sợ hãi không thôi, vừa dập đầu tạ lỗi vừa giải thích rằng trẻ con không biết gì, mong được tha thứ.
Thế nhưng, vị tướng quân kia còn chưa kịp lên tiếng, từ trong xe đã vang lên một giọng nói trẻ con.
“Lục tướng quân.”
Từ trong xe bước ra một thiếu niên dáng vẻ như tượng ngọc điêu khắc, tuổi chừng lớn hơn ta vài tuổi, từng cử chỉ đều toát lên sự cao quý.
Thiếu niên khẽ phất tay, sau đó lấy mấy lượng bạc từ tay thị vệ đưa cho lục thẩm, rồi nhìn ta từ trên xuống dưới.
“Con bé này gan cũng lớn đấy.”
Ánh mắt của hắn cùng những người đứng sau khiến ta không thoải mái, ta vội kéo lục thẩm, nhét bạc vào túi rồi nhanh chóng rời đi.
“Lũ nhà giàu, chẳng khác gì ngoại tổ phụ ta, đều không bình thường.“
6
Khi lục thẩm đưa ta về nhà, mẫu thân và Tô Chấp Ngọc dường như đã không còn cãi vã gay gắt như lúc trước.
Tô Chấp Ngọc mở cửa, kéo ta vào nhà, dỗ dành ta về phòng chơi với mấy con tượng đất, sau đó quay người đi vào bếp nấu gà hầm.
Không thấy mẫu thân đâu, ta liền chạy theo hỏi.
Ông xoa đầu ta, đưa cho ta một hũ đường.
“Như Ý ngoan, mẫu thân con mệt rồi, đang nghỉ ngơi. Chúng ta không làm phiền người, được không?”