Phiên ngoại nhỏ
Khi tân đế lên ngôi, triều chính không ổn định, ta bị ép phải làm quan võ.
Làm quan ba năm, ta đắc tội với tất cả các quan ngôn luận.
Nghe nói, trong Tàng Thư Các có một cuốn sách chửi mắng ta dày đến nửa thước.
Chậc chậc, toàn là mấy kẻ không muốn nghe sự thật.
Ta đã sớm nói với bọn họ rằng ta không phù hợp để làm quan mà!
Khi triều chính đã ổn định, Công Tôn Hiền giao trả binh quyền, ta cũng từ quan.
Chúng ta rời khỏi hoàng đô, một kiếm một thương, tiêu dao giang hồ.
Ta mang một số tiền (của tỷ tỷ) cho Tư Đồ Thượng và mẫu thân của hắn, đưa họ về quê nhà của sinh mẫu hắn. Số tiền đó đủ để hai mẫu tử họ sống cả đời sung túc, coi như ta đã thực hiện lời hứa của mình.
Ngũ hoàng tử, không, hiện giờ phải gọi là Trấn Quốc Vương.
Trấn Quốc Vương tình cờ thấy tỷ tỷ ta tính toán sổ sách, bèn khăng khăng đòi bái tỷ tỷ làm sư phụ.
Theo chân thương đội của tỷ tỷ, hắn đi khắp bốn phương nhìn ngắm cảnh sinh hoạt của dân chúng, rồi viết một cuốn sách về nông nghiệp, thực sự đi trồng rau.
Khi hoàng đế muốn phong đất cho hắn, hắn đã tự xin vùng Tây Bắc xa xôi cằn cỗi nhất.
Trấn Quốc Vương nói:
“Ta tin rằng sẽ có một ngày, khi mọi người nhắc đến Tây Bắc, không còn là vùng đất hoang vắng mà là vùng đất ai cũng mơ ước. Khi đó, Đông Hạ nhất định sẽ là một quốc gia hùng mạnh.”
Hắn muốn mỗi tấc đất của Đông Hạ đều phì nhiêu.
Năm mà bệ hạ đến tuổi đội mũ, Công Tôn Nhã Chính từ quan.
Bốn người chúng ta tìm đến một nơi sơn thủy hữu tình, bỏ lại những sóng gió, cùng nhau sống cảnh ngày làm việc đồng áng, tối nghỉ ngơi.
Năm sau, ta sinh ra một phiên bản thu nhỏ của Công Tôn Hiền, tỷ tỷ ta thì năm kế tiếp sinh ra một phiên bản thu nhỏ của Công Tôn Nhã Chính.
Bốn người đứng chung với nhau, quả là một cảnh tượng buồn cười.
Điều bất đắc dĩ nhất là mấy đứa trẻ này đều rất bám người.
Một ngày kia, ta và tỷ tỷ, mắt thâm quầng như gấu trúc, thì thầm với nhau:
“Tỷ nhớ mấy điệu nhạc ở quán Nam Phong tại Tây Chiêu quá.”
“Muội cũng thế.”
“Chạy không?”
“Tỷ chạy thì muội chạy.”
“Đi!”
Vừa quay đầu lại, đã thấy một hàng lớn nhỏ đứng chắn hết lối đi.
“Toang rồi!” *2