Ta đặt chiếc kim khâu xuống, đứng dậy sang hỏi thăm hắn:
“Nhị thúc, chiều nay ta đi tiệm vải mua vài xấp vải, định may áo dài cho ngài. Ta tính dùng lụa xanh lục may áo chẽn tay hẹp và cổ tròn, còn xấp màu lam hơi đậm, thích hợp may áo cổ đứng. Tay áo có thể may hơi hẹp lại, còn cổ tay và viền tay sẽ dùng lụa xanh nhạt viền vào, ngài thấy thế nào? Nếu không thích thì ta còn mua thêm hai xấp màu khác…”
Ánh nến trong phòng chập chờn, Bùi Nhị Lang đang đóng cửa sổ, nghe ta nói xong, hắn quay lại, nhướng nhẹ mày, giọng trầm trầm nhưng lại có chút ý cười nhẹ nhàng:
“Nàng tự quyết định là được rồi.”
Bùi Nhị Lang tính khí vốn lạnh lùng, vẻ mặt cũng thường lạnh nhạt. Lần này trở về, dù có vẻ lạnh lùng hơn trước, nhưng ta lại cảm thấy hắn dường như thân thiết hơn với người nhà, ít nhất là không còn khuôn mặt băng giá như trước, đôi lúc còn thoáng nở nụ cười.
Ta gật đầu, rồi chợt ngửi thấy mùi rượu trong phòng, bèn hỏi:
“Nhị thúc uống rượu à? Để ta xuống bếp nấu bát nước đường gừng cho ngài.”
…
Ta nhóm lửa, đun nước đường gừng, rất nhanh đã xong. Ta đặt bát nước đường lên khay, mang lên lầu nhưng không thấy bóng dáng Bùi Nhị Lang đâu.
Ta đặt bát nước xuống bàn, rồi quay lại phòng mình. Quả nhiên, Nhị thúc đang ở trong phòng ta.
Dưới ánh nến mờ ảo, dáng người cao lớn của hắn hiện ra, đang cúi đầu nhìn những xấp vải và chiếc rổ kim chỉ trên bàn.
“Nhị thúc, nước đường ta nấu xong rồi, để trên bàn đấy.”
“Ừ.”
Hắn đáp một tiếng, nhưng vẫn chưa rời đi.
Ta có chút bối rối thì hắn đột nhiên cười khẽ nói:
“Chẳng phải muốn may áo cho ta sao? Không định đo kích thước à?”
Ta ngẩn ra, “Ồ” một tiếng, rồi lấy thước đo ra từ rổ kim chỉ.
Bùi Nhị Lang vẫn mặc chiếc áo lót ta mới may cho hắn, màu xanh lam nhạt, càng tôn thêm dáng người cao lớn, thẳng tắp của hắn.
Hắn đứng sừng sững trong ánh nến, gương mặt góc cạnh rõ ràng, đôi mày kiếm rắn rỏi, thản nhiên dang tay ra.
Ta cầm thước đo, có chút ngập ngừng hỏi:
“Áo ngài đang mặc không vừa à?”
“Ừ, hơi chật.”
“Chật ư? Vậy để ta nới phần eo ra là được.”
“Đo lại đi, phần vai và lưng cũng hơi chật.”
Giọng Bùi Nhị Lang trầm lắng, nhưng lại có chút thúc giục, dường như thói quen chỉ huy từ quân đội đã khiến hắn có chút khí thế không thể từ chối.
Ta đành bước lên một bước, nhưng rồi đặt thước gỗ xuống, nói:
“Nhị thúc thứ lỗi, phần eo ta dùng tay đo sẽ chính xác hơn so với dùng thước.”
“Ừ, làm phiền nàng rồi.”
Ta đứng trước người hắn, đưa tay ra đo. Hắn cao lớn nên ta chỉ đứng đến vai, phải ngước nhìn lên.
Hắn là người luyện võ, thân hình cường tráng, bờ vai rộng che khuất cả gương mặt ta.
Khoảng cách gần gũi khiến tay ta đặt lên eo hắn, từng tấc từng tấc đo lường, dù ta cố giữ vẻ nghiêm túc, nhưng ánh nến đổ bóng lên tường, như thể cả người ta đang chìm trong vòng tay hắn, hòa quyện làm một.
Thân hình Bùi Nhị Lang cường tráng, eo săn chắc, mùi rượu hòa lẫn khí lạnh phả vào khiến lòng ta khẽ run lên.
Ta của ta nhẹ nhàng và nhanh nhẹn, chỉ lướt ngón tay hờ hững vòng qua eo của hắn một vòng rồi rút tay về. Đầu ta vẫn còn đang nhớ kỹ các số đo thì đột nhiên nghe tiếng của hắn gọi:
“Ngọc Nhi.”
“À?”
Ta ngẩng đầu lên nhìn hắn, do đứng ngay trước mặt hắn nên khoảng cách rất gần, gần đến mức có thể nhìn thấy từng biểu cảm nhỏ nhất trên khuôn mặt hắn khi cúi xuống.
Tóc đen như mực, lông mày thanh tú như núi xa, đôi mắt dài với hàng mi cong, che giấu một nét trầm lặng đầy suy tư, tựa như có một điều bí mật nào đó đang ẩn giấu bên trong.
Hắn khẽ mím môi, và trong khoảnh khắc đó, ta quên hết mọi số đo, trong lòng khẽ run lên, cảm thấy như mình đã bỏ lỡ điều gì đó.
Ánh mắt Bùi Nhị lang đan chặt lấy ta, còn ta chỉ biết lúng túng đối diện, đầy hoang mang và không biết phải làm gì.
Giọng hắn hơi khàn, lại nói tiếp:
“Vai và lưng còn chưa đo.”
Ta chợt bừng tỉnh, nhận ra tay mình có chút run rẩy, mồ hôi lạnh bắt đầu rịn ra sau lưng.
Ánh mắt vừa rồi của hắn có chút khác lạ, không giống với vị Nhị thúc mà ta từng quen thuộc. Ánh mắt ấy sắc bén như lưỡi kiếm, tựa một con sói trong đêm tối, phản chiếu ánh sáng lấp lánh của kẻ săn mồi.
Quả nhiên, đây là vị tướng quân Bùi Ý trong truyền thuyết, người nổi danh trên chiến trường với những quyết định lạnh lùng và tàn khốc. Chỉ một ánh mắt thôi cũng đủ khiến người khác khiếp sợ.
Ta có chút sợ hắn rồi đấy.
Sau khi bình tĩnh lại, khi ta tiếp tục đo vai và lưng cho hắn, ta cố gắng kiếm chuyện để nói, nhằm phá vỡ không khí ngượng ngùng giữa chúng ta.
“Nhị thúc, hôm ngài và Hàn tiểu tướng về, ngài có nhắc đến bức thư gì đó. Ngài nói rằng nếu không có bức thư ấy, mọi người không biết có còn sống để về ăn đậu hũ và canh lòng gà ở huyện này hay không. Chuyện đó là sao?”
Bùi Nhị Lang im lặng một lúc lâu rồi mới chậm rãi trả lời:
“Chúng ta từng thiết kế để hạ gục huyện Võ Thứ, một đội quân đã được phái qua sông Hồng Hà, nhưng trời lạnh quá, tuyết rơi suốt mấy ngày liền.”
“Không ngờ giữa đường gặp phải đại quân của người Thiết Lặc đóng trại. Quân ta ít người hơn, đánh cũng chẳng có cơ hội thắng, còn trì hoãn nhiệm vụ. Vậy nên ta dẫn họ ẩn nấp trên núi Lục Sơn.”
“Quân Thiết Lặc đóng trại ba ngày, chúng ta cũng chịu đói lạnh ba ngày trên núi. Trời lạnh quá, ngày đầu tiên có mười mấy người chết, ngày thứ hai chết cả trăm người. Đến ngày thứ ba, ta nói với họ rằng Bùi gia ở huyện Vân An, châu Đô có mở quán bán đậu hũ, nếu họ sống sót trở về, ta sẽ dẫn họ đến ăn đậu hũ và canh lòng gà.”
“Họ không tin, nói là đội trưởng lừa gạt. Ta mang bức thư nàng gửi ra đọc cho họ nghe, họ mới chịu tin.”
“’Mọi chuyện ở nhà đều bình an, lão thái thái ăn uống tốt, chỉ có Tiểu Đào lười học. Quán đậu hũ càng làm càng ngon, hàng xóm nói mùi vị chẳng khác gì đậu hũ của Bùi đại bá khi xưa.
Chúng ta nay còn bán thêm canh lòng gà, giá mười lăm văn một bát, trong canh có mì nữa, có thể chấm bánh. Mùa đông ăn một bát sẽ rất ấm bụng. Đợi nhị thúc về, có thể thưởng thức.’”
Bùi Nhị Lang đọc lại từng câu chữ trong thư không thiếu một từ nào. Trong ánh đèn vàng vọt, nét mặt của hắn dịu lại, nhưng dường như có chút u buồn, giọng nói rất chậm, rất nhẹ, rồi hắn khẽ cười.
Nghe xong, trong lòng ta chợt cảm thấy xót xa, không kiềm được, tay nắm chặt lại, rồi ta nói:
“Nhị thúc, hành quân đánh trận tất phải gặp nhiều tình huống bất ngờ, ngài không thể làm khác được.”
“Không, có cách.”
Bùi Nhị Lang nhìn ta, đôi mắt sâu thẳm:
“Chúng ta có ngựa, có thể giết ngựa và chui vào bụng nó, hoặc uống máu ngựa, chắc chắn sẽ không chết nhiều người như thế.”
“Nhưng làm vậy sẽ làm chậm mệnh lệnh quân đội, giết ngựa cũng là tội. Vậy nên ta chọn hy sinh họ để không vi phạm quân lệnh.”
“Đó không phải là lỗi của ngài, trong tình cảnh ấy, không ai có thể biết được đâu mới là lựa chọn đúng. Giết một con ngựa thì dễ, nhưng nếu mở đầu bằng việc đó, chưa chắc mọi người đều sống sót. Nhị thúc, ta tin rằng mọi quyết định của ngài đều đã được cân nhắc rất kỹ lưỡng.”
Mệnh lệnh quân đội luôn nặng như núi, từ xưa đến nay vẫn thế.
Nhưng có vẻ như lời an ủi của ta không có tác dụng. Hắn yên lặng nhìn ta, đôi môi nhếch lên một nụ cười chua chát:
“Đúng, ngay cả lệnh tàn sát mấy nghìn phụ nữ và trẻ em cũng là đã suy nghĩ kỹ lưỡng.”
“… Dù rất tàn nhẫn và đáng thương, nhưng đó không phải lỗi của ngài.”
“Vậy lỗi tại ai?”
“Lỗi tại họ là người Hồ, còn chúng ta là người Hán. Lỗi tại họ sinh ra nơi hoang vu, còn chúng ta sống trong cảnh thanh bình. Lỗi tại họ muốn cướp bóc, còn chúng ta phải bảo vệ đất nước. Lỗi tại họ muốn có cái ăn cái mặc, còn chúng ta muốn cày cấy, trồng trọt.”
Ta là phụ nữ, vốn dĩ sinh ra đã có phần yếu đuối. Khi nói những lời này, giọng ta không khỏi nghẹn lại:
“Cuộc chiến này vốn dĩ không có lối thoát, nếu nói đến đúng sai, thì chẳng ai làm gì cũng chưa chắc đã đúng. Có ai là thần tiên đâu, cái gáo gỗ dùng lâu cũng nứt ra.”
Nói tới đây, mắt ta đã đỏ hoe, không kìm được mà đưa tay lên lau nước mắt.
7
Bùi Nhị Lang lặng lẽ nhìn ta, đôi mắt sâu thẳm, nhưng không hiểu sao trở nên mềm mại hơn rất nhiều, giọng hắn cũng dịu dàng hẳn đi:
“Được rồi, sao lại khóc? Không nhắc đến chuyện đó nữa. Hôm nay ta gặp tri phủ đại nhân ở phủ đài, còn gặp cả Từ Huyện lệnh.”
Ta dừng tay lau nước mắt, nghi hoặc nhìn hắn :
“Rồi sao?”
“Ông ấy kể cho ta nghe chuyện nàng năm xưa cầm dao phay tố cáo cha mình trước công đường, rồi bị đánh hai mươi trượng.”
Ta: …
Cái vị Từ đại nhân đó chính là huyện lệnh của huyện Vân An, người từng xử lý vụ kiện của ta năm xưa. Nay biết được Bùi gia có vị tướng quân tam phẩm ở Kinh thành, mà góa phụ của nhà ấy lại từng bị mình đánh hai mươi trượng, ông ấy chắc sợ bị trả thù nên mới lật đật nhắc đến chuyện đó trước.
Ta đoán chắc hẳn ông ấy đã dùng lời lẽ khéo léo, vừa giải thích vừa tâng bốc. Nói rằng lúc ấy vì giữ chữ hiếu nên mới đánh ta, nhưng thật ra ta là người con gái cứng cỏi, trung nghĩa dũng cảm, đáng kính vô cùng.
Nếu ta mà được phong một chức vị nào đó, thì ngài ấy chắc chắn sẽ khổ sở hơn nhiều.
Ta nghĩ về những chuyện cũ, bây giờ nhớ lại cũng thấy chẳng có gì đáng để tâm nữa, không khỏi bật cười:
“Đúng vậy, năm đó quá bồng bột, hành động thiếu suy xét, không chỉ không đòi lại được tiền, mà còn bị đánh và bị mắng là bất hiếu. Nghĩ lại thấy thật chẳng đáng.”