“Ta uống không trôi, trong lòng bồn chồn lắm. Thật đấy, ta cũng muốn uống lắm, cũng biết rằng cha ta rất buồn, nhưng ta cảm thấy mình không thể qua khỏi, Ngọc nương à. Ta không muốn chết, nhưng ta không còn sức để gắng gượng nữa…”
Ra khỏi nhà A Hương, nước mắt ta cứ trào mãi không ngừng.
Theo yêu cầu của nàng, ta mặc bộ váy lụa bích hà, nàng nói để tóc xõa ra mới đẹp. Một góa phụ bao nhiêu năm như ta đành cởi trâm búi tóc, để mái tóc dài buông thả, rủ xuống đến thắt lưng.
A Hương nói:
“Ngọc nương, muội thật xinh đẹp, mắt muội đẹp, miệng muội cũng đẹp, trông như muội đã khoác cả bầu trời lên người vậy. Tối nay đi ngắm hội đèn lồng giúp ta nhé…”
Bộ dạng đó, dường như nàng sẽ không qua khỏi đêm nay.
Ta vừa đi vừa khóc, bước trên đường giữa dòng người đông đúc mà nước mắt ta rơi không dứt. Tiểu Đào từ lúc đầu còn ríu rít, giờ cũng bắt đầu lo lắng:
“Tẩu tẩu, sao tẩu lại khóc? Chẳng lẽ tỷ A Hương sắp chết rồi sao? Những lời tỷ ấy vừa nói, chẳng lẽ đều là lời trăn trối sao?”
Vậy là hai chúng ta cùng nhau vừa khóc vừa bước đi. Người qua đường trên phố đều ngoái nhìn chúng ta, bàn tán không ngớt.
Ta và Tiểu Đào rẽ từ phố chính vào hẻm Sư Tử, sau đó từ hẻm Sư Tử bước dần về phía cầu Nam Châu.
Trời đã bắt đầu tối, những chiếc đèn lồng trên phố cũng đã lần lượt được thắp sáng. Giữa đôi mắt đẫm lệ, ta bước đến tiệm đậu hoa thì bỗng nhiên nhìn thấy một ảo giác.
Hình như đó là Nhị lang đang đứng ở cửa tiệm, khoác bộ y phục tối màu viền bạc với họa tiết mây trôi, thân hình vạm vỡ, đứng như một cây ngọc giữa trời. Rồi hắn ngẩng đầu nhìn chúng ta, trên mặt dường như cũng ngạc nhiên không kém.
“Đó chẳng phải là nhị ca của ta sao? Sao hắn lại về vào lúc này?”
Tiểu Đào vừa khóc vừa hỏi ta.
“Không… Không biết… Sao hắn lại về nhỉ?”
Ta cũng vừa khóc vừa đáp lại.
Ta bỗng phản ứng kịp, lập tức bật khóc thành tiếng, vừa òa khóc vừa chạy về phía hắn.
Do chạy quá nhanh, ta đâm sầm vào ngực hắn, kích động đến mức không biết nói gì cho đúng:
“Nhị thúc, nhị thúc đã về rồi, ngươi sao bây giờ mới đến, hu hu hu.”
Nhị lang giữ lấy thân người ta, trước tiên dùng tay nắm chặt bờ vai ta, nhíu mày quan sát rồi nhẹ nhàng dùng ngón cái lau nước mắt đang tuôn như suối của ta, giọng nói ẩn chứa chút thương xót:
“Sao thế, đừng khóc nữa, khóc đến nỗi mắt sưng hết cả lên rồi.”
Khi ta vừa nức nở kể rõ ngọn ngành và kéo hắn quay về nhà Triệu thúc, đằng sau bỗng vang lên tiếng khóc càng lớn hơn của Tiểu Đào:
“Hu hu hu, hóa ra người mà A Hương tỷ không thể có được lại là nhị ca của ta…”
…
Sau khi rời khỏi nhà Triệu thúc, cảm xúc của ta đã bình ổn lại rất nhiều.
Không rõ nhị ca đã nói gì với A Hương trong phòng, nhưng khi bước ra, sắc mặt hắn trông không được tốt lắm.
Trên đường về tiệm đậu hoa, ta hỏi hắn:
“Nhị thúc, ngươi làm sao vậy? A Hương tỷ không sao chứ?”
Hắn mím chặt môi, dường như đang kiềm chế điều gì đó:
“Không sao.”
“Không sao là tốt rồi, bệnh của tỷ ấy là tâm bệnh, khí huyết ứ đọng không thông, đại phu nói cần phải dùng tâm dược mới chữa khỏi…”
“Nàng viết thư hỏi ta khi nào về, là vì chuyện này?”
Nhị lang bất ngờ ngắt lời ta.
“Phải rồi, ta lo lắng muốn chết.”
“Thật sao?”
Hắn đột nhiên dừng bước, đôi mắt đen thẳm nhìn ta, khẽ cười lạnh:
“Ta không giống như nàng, ta là sắp ngu ngốc đến chết rồi.”
Ta ngẩn ra, không hiểu hắn đang nói gì, cũng thấy kỳ quái, một đại tướng quân như hắn sao lại có thể nói những lời kỳ lạ như thế?
“Sao ngươi có thể nói mình ngu ngốc chứ? Ngươi là đại thần nhị phẩm triều đình, nếu ngươi ngu ngốc thì hoàng thượng đâu có cần ngươi.”
“Xì…”
Nhị lang khẽ xì một tiếng, như đang kìm nén cảm xúc nào đó, ánh mắt đối diện với ta chứa đầy sự không hiểu và lo lắng bất an.
“Nhị thúc, có phải ta lại nói sai điều gì không?”
Ta không biết làm gì hơn, chỉ có thể rụt rè hỏi.
Nhưng hắn đột nhiên lại bật cười—
“Không, đây là y phục mới của nàng sao?”
“Ừ, một trăm lượng bạc chỉ mua được ba tấm vải, đắt quá.”
Vì là dùng bạc của hắn mua nên ta cũng thấy hơi ngại ngùng. Nhưng hắn chẳng để tâm, giọng nói trầm thấp đầy ý cười:
“Không đắt, đáng giá lắm, rất đẹp.”
“Phải không? Ta cũng thấy đẹp, nhưng vẫn thấy tiếc tiền không thôi. Cuối cùng, ta còn mặc cả với ông chủ tiệm, lấy thêm được một tấm lụa mịn nữa, mà ông ta còn chẳng vui lòng…”
Ta vui vẻ muốn kể kỹ lại quá trình mặc cả và “chiến lợi phẩm”, nhưng vừa ngẩng đầu thì thấy ánh mắt đen láy của hắn ánh lên những tia sáng vụn vỡ, đột nhiên khiến lòng ta chộn rộn.
Hắn vừa nói gì nhỉ? Khen ta mặc rất đẹp sao?
“Nhị, nhị thúc, trời không còn sớm nữa, chúng ta về tiệm xem lão thái thái thế nào đi.”
“Không vội, ta vừa mới ghé qua rồi, tinh thần bà ấy rất tốt, sức lực cũng không hề yếu.”
“…Bà lại dùng gậy đánh ngươi sao?”
“Ừ,” hắn khẽ đáp.
“…”
Xong rồi, dường như ta lại thấy càng thêm bối rối hơn trước.
Chúng ta tiếp tục đi về phía tiệm, trên con đường lát đá xanh từ Sư Tử Hạng đến Châu Kiều, những chiếc đèn lồng treo cao hai bên, sáng rực một mảng trời.
Vùng quanh Châu Kiều lại càng náo nhiệt hơn.
Đèn hoa rực rỡ, tiếng trống và tiếng sáo ầm ĩ, còn có các kỹ nữ ở Tần Lâu ngồi trên thuyền hoa giữa sông đàn tì bà.
Nhị lang về thật khéo, vừa đúng vào dịp lễ hội đèn hoa.
Khi đến cửa tiệm, hắn không vào ngay mà nói rằng đã nhiều năm chưa được dạo đèn hoa, bảo ta dẫn hắn đi về phía tây cầu dạo một chút.
Ta nói cần về trông lão thái thái, nhưng hắn lại bảo đã có Tiểu Đào ở nhà, không cần lo lắng.
Rồi hắ chỉ đứng ở đó yên lặng mà nhìn ta, sống mũi cao và đôi mày kiếm trông như đỉnh núi cao vút.
Người này vốn dĩ luôn không dễ dàng bị người khác từ chối nên ta chỉ còn biết cười gượng vài tiếng, đi trước dẫn đường cho hắn.
Trên đường, ta còn mua một chiếc đèn thỏ.
Người qua lại đông đúc, ta đi phía trước, hắn theo sau. Chiếc đèn thỏ trong tay tỏa ra một vầng sáng ấm áp.
Có lẽ vì ta mặc một chiếc váy quá nổi bật nên rất nhiều người nhìn ta, cộng thêm ánh mắt như xuyên thấu của hắn khiến ta càng cảm thấy bất an, và bất cẩn ta vấp chân.
Nhị lang kịp thời đưa tay đỡ lấy ta, giữa dòng người xô bồ, chúng ta bị dồn đến cạnh cầu, giọng nói lo lắng của hắn vang lên trên đỉnh đầu ta:
“Đau không? Để ta cõng nàng.”
“Hả? Không cần đâu, nhị thúc chỉ cần đỡ ta một chút là được rồi.”
Chưa kịp dạo hết lễ hội đèn, bàn tay vững chãi của hắn vẫn đỡ lấy ta, dìu ta từng bước khập khiễng quay về tiệm đậu hoa.
Thật không may, vừa lúc đó ta trông thấy Trần tú tài đang chờ ở cửa.
Trần tú tài từ xa nhìn thấy ta đi khập khiễng thì lập tức lo lắng chạy lại, hoảng hốt hỏi:
“Ngọc Nương, nàng làm sao vậy?”
“Không sao, chỉ là trật chân một chút thôi.”
Chàng đưa tay ra, dường như muốn đỡ ta từ tay Nhị lang. Hành động này có chút vượt quá giới hạn nên không ngạc nhiên khi sắc mặt Nhị lang trầm xuống, ánh mắt lạnh lùng nhìn Trần tú tài.
Ta bỗng lo lắng, vội nói:
“Trần huynh, đây là nhị ca ta, hôm nay vừa mới từ kinh thành trở về.”
Trần tú tài đương nhiên là biết Bùi Nhị lang, chỉ là chưa từng diện kiến trực tiếp mà thôi. Chàng là người nho nhã lễ độ nên vội vàng cúi mình thi lễ với nhị lang:
“Bái kiến tướng quân.”
Nhị lang không nói gì, chỉ đứng lặng nhìn chàng, không hề để lại chút mặt mũi nào.
Ta có chút lúng túng, lại tiếp lời:
“Nhị thúc, Trần tú tài vốn là tiên sinh dạy học cho Tiểu Đào, nay đã đỗ kỳ thi hương, tháng ba này chàng sẽ lên kinh dự thi.”
Cuối cùng hắn cũng có phản ứng, nhưng vẻ mặt vẫn lãnh đạm:
“Kỳ thi hội diễn ra vào tháng hai, sao lại đợi đến tháng ba mới đi kinh thành?”
Trần tú tài vội đáp:
“Thật ra kỳ thi hội đúng là vào tháng hai, nhưng năm nay triều đình nhiều việc, thánh thượng không lâu trước đã hạ chỉ dời kỳ thi đình đến tháng năm.”
Triều đình bận rộn, có lẽ là do vụ án buôn lậu quân hỏa gây ra.
Nhị lang gật đầu không nói gì thêm, ta tiếp lời:
“Kỳ thi hội tháng ba cũng đã sắp tới rồi, hành trang chuẩn bị xong hết chưa?”
“Đều chuẩn bị xong rồi, thứ gì cần mang đều đã có đủ. Lần thi hương đúng vào lúc trời lạnh, giờ đã ấm lên, không cần mang theo ủ đầu gối nữa, nhưng ta sẽ mang theo chiếc đệm lông dê đen mà Ngọc Nương may, có thể để trên ghế khi thi…”
“Thôi, Trần huynh, hôm nay ta đứng hơi lâu rồi, chân có chút mỏi, không tiện trò chuyện nhiều.”
“Ồ, vậy nàng nhớ xoa thuốc lên chân, nếu không ngày mai sẽ không đi được đâu.”
Trần tú tài lưu luyến cúi đầu chào rồi rời đi, ba bước ngoái lại một lần.
Ta cũng không biết vì sao, trong lòng ta cứ thấy chột dạ nên không dám nhìn thẳng vào nhị lang mà chỉ cúi gằm đầu, để hắn đỡ ta về phòng trên lầu hai.
Vào đến phòng, không phải đối diện với hắn nữa thì ta mới thở phào nhẹ nhõm.
Lúc nãy, chuyện ấy không phải là hành động lỗ mãng của Trần tú tài, mà vốn dĩ trước khi thi đỗ, chàng đã cùng ta bàn tính xong, muốn trước khi vào kinh ứng thí sẽ định chuyện hôn nhân của hai chúng ta.
Cái gọi là “định chuyện”, chính là phải báo với người trong nhà họ Bùi. Mà cái người trong nhà họ Bùi ta cần phải thông báo đương nhiên chính là nhị lang.
Hưu thư (thư từ bỏ vợ) hắn đã ký từ lâu rồi, ta lấy Trần tú tài làm chồng thì cũng không có gì là trái với luân lý. Nhưng xét về danh nghĩa thì ta vẫn là quả phụ nhà hắn, đã chung sống cùng nhà bao nhiêu năm, chuyện này tất nhiên phải bàn bạc với hắn một chút.
Nhị lang vừa mới về huyện Vân An, đây là cơ hội tốt để ta nói chuyện với hắn. Nhưng ta không hiểu sao trong lòng lại cứ thấy chột dạ, cảm giác như mình làm điều gì không trong sạch.
Nghĩ kỹ lại, ta chẳng làm điều gì sai, không trộm cắp cũng chẳng lén lút. Trời đổ mưa, đàn bà tái giá, một quả phụ nhà đại tướng quân không muốn thủ tiết nữa thì chẳng có gì đáng xấu hổ cả.
Huống hồ, lần này nhị lang về, ta cứ thấy có gì đó là lạ, làm cho lòng ta cứ bất an.