14.
Đêm đó, chúng ta ngồi rất lâu, lâu đến khi hai bình rượu đều cạn. Khi ánh trăng bị những đám mây đen che khuất, phủ công chúa cũng chìm trong bóng tối, chỉ còn lại những hình bóng mờ mờ.
Ta loạng choạng đứng lên, chân không vững thì đã có một bàn tay đỡ lấy cánh tay ta, cảm giác ấm áp xuyên qua lớp vải. Ta ngẩng đầu nhìn hắn, đôi mày ánh mắt của Thẩm Ước dường như nhiễm men say, nhưng trong ánh mắt vẫn sáng ngời.
Ta cười nói một cách vô thức: “Thẩm Ước, để ta đưa ngươi về nhà.”
Ta đưa hắn về nhà.
Lời nói không qua suy nghĩ bật ra khỏi miệng khiến ta hối hận ngay lập tức, lọ thuốc giấu trong áo trở nên nóng rực. Hiện tại, sứ đoàn Lâm Tề vẫn ở Khương quốc, phụ hoàng để ta giữ Thẩm Ước trong phủ công chúa, chắc chắn đã âm thầm bố trí người canh giữ. Ta thả con tin, dù ta là nữ nhi được phụ hoàng yêu thương, cũng không thoát khỏi những lời chỉ trích của các quan lại.
Hoa ngọc lan trong phủ công chúa nở rất nhiều, thỉnh thoảng cơn gió đêm thoảng qua thổi mạnh, khiến hoa rơi như pháo bông dưới ánh trăng, rồi trở thành những đốm trắng.
Thẩm Ước dường như sững lại, hắn cúi xuống nhìn ta, ánh mắt rất dịu dàng, nhưng khóe miệng lại khẽ cong lên: “Công chúa say rồi.”
Ta biết hắn không tin, thậm chí còn rất biết điều cho ta một bậc thang, còn để lại cho ta một đường lui. Nhưng một khi ta đã quyết, thì sẽ không thay đổi ý định nữa.
Ta cười chân thành: “Thẩm Ước, ta nghiêm túc.” Cũng đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ để đưa hắn rời khỏi Khương quốc.
Kiếp này, ta và Thẩm Ước chưa kết thù, hiện tại cuộc chiến đoạt ngôi ở Lâm Tề chưa xảy ra, dù Thẩm Ước về lại Lâm Tề, cũng không thể trong thời gian ngắn được vua cha tin tưởng. Dù sau này hắn có nổi dậy, ta cũng coi như đã giúp hắn, chỉ mong hắn không bỏ đá xuống giếng là được.
Trước khi đến, ta đã nghĩ rất nhiều, ép Thẩm Ước nói ra nội ứng trong Khương quốc, lấy đó làm điều kiện thả hắn. Hoặc theo sắp xếp của Tần Dịch, dù thả Thẩm Ước, cũng phải cho hắn uống thuốc trong bình sứ trắng. Thuốc giải mỗi ba tháng một lần, dù rời Khương quốc, hắn cũng sẽ bị kiểm soát mãi mãi.
Nhưng đến cuối cùng, ta không hỏi gì, cũng không làm gì.
Mùa hè năm Nguyên Hành thứ bốn mươi sáu của Khương quốc, đêm đó ta ngắm nhìn vầng trăng sáng đẹp lửng lơ trên bầu trời, quyết định làm người nhân hậu một lần, thả một người đồng bệnh tương liên.
Ta đã từng cầu xin, cầu xin những người đó nhân hậu với ta, tha cho phụ hoàng, ấu đệ của ta, tì nữ Tiểu Sương của ta. Nhưng không ai nhân hậu với ta, từ trước đến nay đều không có.
Ta không tin Tần Dịch, cũng không tin Thẩm Ước.
Sáng sớm, thành đô mưa rả rích hơn nửa giờ mới dứt. Ta nhận được báo cáo từ mật vệ, nói mọi việc như bình thường, ta mới chuẩn bị về cung.
Nhưng vừa ra khỏi phủ công chúa, ta thấy một bóng dáng gầy guộc, người ướt sũng, ngồi trên bậc thềm đá thứ chín ngoài phủ công chúa. Hắn dường như ngồi rất lâu, lâu đến mức tiếng rao bán ngoài ngõ ùa vào, càng ồn ào, hắn càng cô đơn.
Nghe tiếng cửa mở, người dưới bậc thềm quay đầu lại, lần này không đeo mũ, mà thay bằng mặt nạ bạc, trông hắn lại càng u ám hơn lần gặp trước.
Ánh mắt ta chạm vào chiếc mặt nạ bạc trên mặt hắn, nhíu mày: “Tần công tử phải che giấu như vậy sao?”
Hắn dường như im lặng một lúc, nhưng lại hỏi: “Công chúa không biết đây là đang thả hổ về rừng sao?”
Dù không thấy được biểu cảm của Tần Dịch, ta cũng biết dưới mặt nạ đó không có sắc mặt tốt.
Ta không nói gì, sau một lúc im lặng, hắn khàn giọng nói: “Thần ngồi đây rất lâu, cảm thấy đói bụng, công chúa và thần cùng trên một con thuyền, chắc là không nỡ để đồng minh của mình chịu đói chịu rét chứ?”
Ta tưởng rằng Tần Dịch sẽ mời ta đi ăn món gì ngon, nhưng cuối cùng hắn chỉ đưa ta đến một quán ăn nhỏ gần phủ công chúa.
Trên chiếc bàn dài bằng gỗ hình vuông, những chiếc bát sứ trắng nông cỡ lòng bàn tay, món mì hoành thánh này không đẹp mắt lắm, nhưng vỏ ngoài trong veo, nhân thịt cũng đầy đặn, hành lá thái nhỏ rắc lên trên nước dùng, trông rất ngon miệng. Từ khi trọng sinh, dù bày lên bàn những món sơn hào hải vị, ta cũng không có chút cảm giác ngon miệng nào. Có lẽ vì đã buông thả bản thân vào đêm qua, mà bát mì hoành thánh bình dân và giản dị này lại vô cùng ngon miệng.
Khi sắp sửa chia tay, Tần Dịch gọi ta từ phía sau: “Công chúa…”
Ta dừng lại động tác lên ngựa, quay đầu nhìn hắn, Tần Dịch lại ngẩng cao cằm, lắc đầu nhẹ: “Công chúa nên về cung sớm, chuyện thả con tin Lâm Tề, thần sẽ lo liệu thay công chúa.”
Rõ ràng là trời nắng đẹp, nhưng hắn lại như đứng trong bóng tối.
Ta không ngờ rằng cái gọi là dàn xếp của Tần Dịch lại là một tay gánh vác tội danh tư thả tù binh. Trong điện Càn Minh, phụ hoàng nổi giận đùng đùng, Thái úy Tần dốc hết sức vãn hồi, mới có thể bảo vệ được nhi tử nhà mình. Ta nghe người trong cung nói, sau khi Thái úy Tần về phủ, đã mắng Tần Dịch là đứa con bất hiếu, đánh hắn một trận nhừ tử, bản thân cũng lâm bệnh nặng, nằm liệt giường, ngay cả thuốc ta sai người đưa cho Tần Dịch cũng bị ném ra ngoài.
15.
Mùa thu năm Nguyên Hành thứ bốn mươi sáu, trên bàn ta có một bản tấu và một bức huyết thư của trăm người, lũ lụt sông Tư Giang. Hai tháng trước, chỉ là đê điều hư hỏng, phụ hoàng ra lệnh thái thú Tư Thành giám sát tu sửa, còn ban tiền cứu trợ.
Khi nhìn thấy bản tấu, ta hơi bàng hoàng, vì việc này xảy ra sớm hơn ba năm so với kiếp trước, ta không biết có phải vì những quyết định của mình đã thay đổi cục diện hay không. Bản tấu buộc tội thái thú Tư Thành tham nhũng, khiến tình hình lũ lụt nghiêm trọng, huyết thư của trăm người là các nho sinh địa phương tự nguyện viết, cầu xin hoàng thượng trừng trị tham quan.
Kiếp trước, vì thái thú Tư Thành là biểu huynh của mẫu hậu đã mất, có mối quan hệ biểu thúc với ta, nên khi thấy bản tấu này, ta nghĩ có lẽ ai đó sợ tấu chương không đến tay phụ hoàng, muốn mượn đường của ta, dâng lên hoàng thượng. Vì mẫu hậu, ta dù ghét biểu thúc, nhưng vẫn nể tình, viết thư cảnh báo, yêu cầu ông an phận thủ thường, trấn an dân sinh, đồng thời xin lỗi phụ hoàng, đốc thúc tu sửa đập, có lẽ vẫn còn cơ hội lập công chuộc tội.
Nhưng ta cũng cho rằng việc này không thể chậm trễ, bèn bảo người chuyển tấu chương cho phụ hoàng.
Kết quả, bản tấu không đến tay phụ hoàng, mấy ngày sau, Tư Thành náo loạn, lý do là vì Vĩnh Định trưởng công chúa viết thư tay, ra lệnh chém ngang đường hơn một trăm nho sĩ dâng huyết thư xin vua vì dân, và thiêu hủy họ.
Thư tay ta gửi đến Tư Thành không biết khi nào bị người ta đánh tráo, người đưa thư làm chứng rằng thư tay do Tiểu Sương đích thân giao cho hắn.
Tiểu Sương không biết chữ, là tì nữ thân cận, thư tuy không phải ta viết nhưng chữ viết lại bắt chước giống hệt ta, bị ném vào lửa ở Tư Thành, không thể so với bản gốc.
Thái thú Tư Thành nước mắt nước mũi đầm đìa về kinh xin tội, nói là nhận lệnh của Vĩnh Định trưởng công chúa.
Phụ hoàng vì để chặn miệng thiên hạ, đã phạt ta cấm túc ở phủ công chúa. Sau đó con tin Lâm Tề tấn công Khương quốc, Tống Quân Sở nhận lệnh, được trao ấn tín hổ phù, nhưng lại khởi binh tạo phản. Hắn nói phụ hoàng là hôn quân, dung túng công chúa giết nho sinh, ép phụ hoàng ban chết cho ta; đồng thời sai người đem ta vào cung, trước mặt ta, bóp cổ phụ hoàng đến chết. Hắn tuyên bố phụ hoàng vì hối hận mà tự sát, đã truyền ngôi cho hắn, lấy ấn tín hổ phù làm chứng.
Không ai nghi ngờ Tống Quân Sở có âm mưu, chỉ là khi đó Khương quốc cần hắn, vị tướng quân bách chiến bách thắng, để chống lại Lâm Tề. Ấu đệ của ta cũng bị bọn họ hành hạ đến mức trở thành kẻ ngớ ngẩn, mới khiến giang sơn đổi chủ, thành họ Tống.
Bây giờ nghĩ lại, chẳng phải tấu chương không đến tay phụ hoàng, mà là ai đó cố ý đưa đến chỗ ta.
(truyện đăng tại page Bơ không cần đường, đứa nào reup là chó)
Ta tuyên bố ra ngoài vi hành, hôm sau, xe ngựa của Vĩnh Định trưởng công chúa rời kinh, hẳn kẻ chủ mưu sẽ nhận được tin tức ta đích thân đến Tư Giang.