Năm đó gia cảnh sa sút, biến cố ập đến nhà ta, ta bị ép bán vào lầu xanh làm quan kỹ.
Khi nhũ mẫu của ta mang tiền đến chuộc thân cho ta thì ta đã bị mụ tú bà ép uống thuốc tuyệt tử, không còn khả năng sinh con nữa.
Bà ấy ngày ngày lấy nước mắt rửa mặt, tự trách vì đã không đến sớm hơn mà chuộc ta về. Mãi cho đến lúc có một người đàn ông thần thái sáng láng tìm đến cửa.
Hắn chỉ dùng hai miếng thịt muối và một túi gạo nhỏ, đã định được mối hôn sự giữa ta và hắn.
1
Sáng sớm khi ta đang rửa mặt chải tóc, bà mai dẫn người đến.
Bà ta đứng ngoài sân trò chuyện với nhũ mẫu, không biết nói chuyện gì.
Một lúc sau, nhũ mẫu bước vào.
“Đó là con trai nhà họ Trần ở tiệm đậu phụ phía đông thành, tên Trần An, nói muốn cưới tiểu thư. Tiểu thư có đồng ý không?”
Qua khe cửa nhỏ, ta liếc nhìn người đàn ông đứng trong sân.
Một bộ quần áo vải thô xanh, gương mặt bình thường, chỉ có hai miếng thịt muối và túi gạo trên vai là đáng chú ý.
Trên bàn có nửa bát cháo cám lúa mạch ấm, là bữa sáng mà vú nuôi chuẩn bị cho ta.
Ta và bà ấy chỉ có thể ăn những thứ này để sống qua ngày sau khi bà ấy dồn hết tiền chuộc thân cho ta.
Vậy nên ta không chút do dự mà gật đầu: “Đồng ý.”
Nhũ mẫu mới thở phào nhẹ nhõm,khuôn mặt già nua mới nở nụ cười chua chát: “Tiểu thư nhà ta đã lớn rồi.”
Bà bước ra ngoài vài bước, rồi quay lại, mắt đẫm lệ.
“Nếu là trước đây…”
“Tiểu thư đã phải chịu ủy khuất rồi.”
Ta tự nhiên biết bà ấy muốn nói gì.
Nếu là trước đây, người như thế này không xứng với ta.
Nhưng giờ đây…
Ta không có lựa chọn nào khác.
Ba tháng trước, gia đình bất ngờ gặp biến cố, cha và đệ đệ bị phán tội mà lưu đày nơi biên cương, mẫu thân ta dùng tiền để bảo toàn cho bà và tỷ tỷ, chạy đến Kinh đô nương nhờ người thân.
Chỉ còn lại mình ta, nữ nhi cha không thương mẹ không đau không được coi trọng, tự nhiên phải lưu lạc đến chốn mua vui làm quan kỹ.
May mắn thay, Nhũ mẫu của ta vừa hay tin liền chạy tới. Bà đã bán hết gia tài của cải của mình, gom góp cả tiền dưỡng già, đem ta chuộc ra ngoài. Bà ấy là người đã chăm sóc cho ta từ thuở còn nằm trong tã lót, cũng chỉ có bà là thật lòng thật tâm yêu thương ta như con ruột của mình.
Tiếc là bà đến quá muộn, ta đã bị mụ tú bà ép uống thuốc tuyệt tử, không còn khả năng sinh con nữa.
Nhũ mẫu đau lòng tự trách, ngày ngày rơi lệ, thương xót cho số phận nghiệt ngã của ta.
Đương lúc ta nghĩ rằng bản thân chỉ có thể cùng nhũ mẫu nương tựa nhau mà sống nốt quãng đời còn lại. Bởi lẽ chẳng có gia đình nào bỏ tiền ra lại cưới về một người không thể sinh con đẻ cái cho con trai mình cả.
Không ngờ thế mà lại có người đến cầu hôn.
Nhìn ra ngoài sân, nhũ mẫu đang nói chuyện với bà mai, chàng trai đứng cạnh bà ấy cười ngượng ngùng, gãi đầu một cách ngốc nghếch.
Khi đi, chàng ấy đưa thịt muối cho nhũ mẫu, đặt túi gạo nhỏ trên vai xuống sân.
Nhũ mẫu mới nở nụ cười thật lòng vừa ý.
Tối hôm đó, ta và nhũ mẫu sau ba tháng mới được ăn thịt lần đầu tiên cảm khái trong lòng.
Mùi vị này, dường như cũng không tồi.
### 2.
Ba ngày sau, người nhà họ Trần đến đón dâu.
Ngoài những lễ vật thông thường như hôn thư, canh thiếp, đại nhạn, họ còn mang thêm nhiều thứ.
Tám thạch gạo, tám mảnh vải, sáu con gà vịt, hai con lợn, thậm chí còn có một thùng mỡ lợn và một bình muối nhỏ.
Cha Trần cười tươi đáp: “Nghĩ đây dù sao cũng là lần đầu đến, phải mang thêm nhiều đồ một chút.”
Đây đâu chỉ là nhiều thêm chút? Nhà bình thường không bao giờ chuẩn bị nhiều lễ vật như vậy.
Dù trước đây xuất thân từ gia đình quan lại, ta cũng biết đây là một sính lễ lớn so với ngươi dân bình thường.
Cha Trần và nhũ mẫu trò chuyện trong phòng khách, ta đứng ngoài sân nhìn lũ gà vịt chạy tán loạn, không biết làm sao.
Trần An nhanh nhẹn đuổi chúng vào chuồng, từ trong ngực rút ra cái gì đó, ngượng ngùng đưa cho ta.
“Hôm đó ta đến có thấy bút than trong sân, nghĩ rằng nàng sẽ thích cái này.”
Đó là một bộ bút mực giấy nghiên, tuy đơn giản nhưng rất đầy đủ.
Bình thường khi không có việc gì, ta thích viết chữ, nhưng giờ không có tiền mua giấy mực, chỉ có thể vẽ vời trên nền đất trong sân.
Chàng ấy còn để ý đến cả điều này.
Ta mím môi nhận lấy, trong lòng có chút phức tạp: “…Cảm ơn huynh.”
Trần An cười rạng rỡ: “Nàng thích là tốt rồi, vậy là ta không mua nhầm.”
“Ngày sau… ngày sau chúng ta… nếu nàng thích, mỗi ngày đều có thể viết, giấy tuy đắt, nhưng ta sẽ cố gắng để nàng có thể dùng loại giấy tốt nhất.”
Trong lòng dường như có dòng nước ấm chảy qua, ta nghe thấy tiếng cười nhẹ và tiếng đáp lại của chính mình: “…Được.”
### 3.
Ngày thành hôn với Trần An, hôn lễ rất trang trọng.
Nhà họ Trần chuẩn bị kiệu tám người khiêng, áo cưới là loại vải tốt nhất, thậm chí còn chuẩn bị cho ta một bộ trang sức mạ vàng.
Khi trang điểm, nhũ mẫu thở dài liên tục, nhưng ta biết vậy là đã rất tốt rồi.
Trước khi trùm khăn hỉ, ta hỏi nhũ mẫu: “Chuyện trước đây của con… nhà họ Trần có biết không?”
Dù lưu lạc thành quan kĩ không phải ý muốn của ta, nhưng nếu cố tình giấu diếm, cũng không tốt.
Nếu nhà họ Trần không biết, sau này lôn chuyện sẽ có xích mích và oán giận, ta thà rằng không cưới còn hơn.
Khăn hỉ đỏ chót vừa được trùm xuống, ta nghe nhũ mẫu nói: “Tiểu thư yên tâm.”
Ta mới an lòng, bình tĩnh bước lên kiệu hoa.
Tiếng kèn trống rộn ràng suốt dọc đường, kiệu hoa cuối cùng cũng dừng lại.
Ta biết, đây là đến nhà họ Trần rồi, nên lần mò vén màn kiệu hoa lên. Nhưng do đồ cưới nặng và trùm khăn hỉ kín mít, ta bước hụt nên loạng choạng một chút, tưởng sắp ngã nhoài ra ngoài cửa kiệu thì một đôi tay lớn đã kịp thời đỡ lấy.
Mặt ta đỏ bừng, chỉ cảm thấy dường như đôi tay ấy cũng nóng bỏng không kém khuôn mặt mình lúc này.
Nhưng là một đôi tay rất vững vàng.
Sân nhà đầy tiếng người cười cười nói nói, náo nhiệt vô cùng. Toàn bộ là họ hàng thân thích đến dự tiệc mừng, vui vẻ chúc mừng tân lang tân nương.
Cũng có người đùa giỡn muốn kéo khăn cưới: “Trần An, mau cho bọn ta xem xem tân nương của huynh trông thế nào đi.”
Tay Trần An đang đỡ lấy ta thì vỗ nhẹ lên mu bàn tay ta an ủi, tiếp đến là giọng nói dịu dàng của Trần An:
“Hôm nay ta cưới thê tử, ai dám dọa tân nương của ta, ta sẽ không tha cho người đó đâu.”
Lời nói nửa đùa nửa thật làm mọi người cười rộ lên trêu ghẹo chàng ấy, còn ta lúc này mới thở phào nhẹ nhõm.