Vị hôn phu chê ta là loại nữ nhân thô thiển quê mùa bèn nhất quyết từ hôn với ta.
Ta trở thành trò cười của các quý nữ khắp kinh thành.
Phụ thân khuyên ta xuất gia làm ni cô, kế mẫu đưa cho ta một dải lụa trắng.
Tại Quốc Tử Giám, ta say rượu rồi quyến rũ một thư sinh đẹp tựa ngọc, cũng là lần đầu nếm thử mây mưa.
Về sau, ta vẽ bức “Lạc Hà Cô Lộ Đồ” bán được mười vạn lượng vàng, danh chấn kinh thành.
Trong yến tiệc mùa xuân, Thám Hoa lang Cố Yến Chi làm thơ vì ta, nhắc lại hôn ước năm xưa.
Sau đó ta bị thư sinh mặt ngọc mày ngài chặn trong phòng, hắn bế ta đặt lên bàn, đôi mắt đỏ hoe, chất vấn —
“Nàng đã chiếm đoạt trẫm bao nhiêu lần rồi mà vẫn không chịu cho trẫm một danh phận sao? Hử?”
1
Ta tên là Lâm Thanh Ngọc, năm nay vừa tròn mười lăm.
Mẫu thân ta là người tinh thông thi thư, tài hoa xuất chúng, là thầy dạy chữ ở huyện Thượng Dư.
Ta theo họ của mẫu thân, cuộc sống tuy không giàu có gì nhưng mẫu thân vẫn giữ nguyên phong thái lãng mạn của mình.
Trồng hoa, nuôi cá, gảy đàn, vẽ tranh… người dẫn ta đi khắp nơi, ngắm cảnh non sông, cuộc sống rất an nhàn thoải mái.
Nhưng ông trời chẳng thương người, một cơn sốt cao đột ngột đã cướp mất mẫu thân của ta đi. Từ đó, nhà họ Lâm ngoài ta ra thì không còn ai khác.
Sau khi mẫu thân qua đời, xe ngựa của phủ Tể tướng dừng ngay trước cửa, đưa ta về kinh thành.
Lúc đó ta mới biết thân thế của mình.
Phụ thân ta, Tống Tông Hiến, mười lăm năm trước đỗ Trạng Nguyên rồi hòa ly với mẫu thân, nay đã là Tể tướng của triều đình.
Trên đường đi, quản gia kể cho ta nghe về gia cảnh.
Hiện tại, chủ mẫu của phủ Tể tướng là Chiêu Hoa quận chúa, trong nhà còn có Nhị tiểu thư Tống Minh Ngọc, năm nay mười bốn tuổi.
Ta đến phủ Tể tướng uy nghi đồ sộ. Một bà mụ ăn mặc quý phái dẫn ta từ cửa phía tây đi vào phủ.
“Đây là Đại tiểu thư đúng không? Thật là xinh đẹp.”
Bà ta dìu tay ta, đưa đến phòng của Chiêu Hoa Quận chúa.
Dọc đường, bọn gia nhân và nha hoàn nhìn ta bằng ánh mắt thương cảm. Bà mụ nhắc nhở ta:
“Đại tiểu thư, lát nữa gặp Chiêu Hoa Quận chúa, phải gọi người là mẫu thân.”
Khi đến Ngô Đồng các, ta thấy một nữ nhân đoan trang, quý phái đang ngồi ở chính vị, phục sức lộng lẫy. Người cầm một chén trà, từ trên cao nhìn xuống ta.
“Quả là đứa trẻ có dung mạo tươm tất.”
Ta còn chưa kịp hành lễ thì phía sau đã vang lên giọng gọi ngọt ngào, trong trẻo:
“Mẫu thân!”
Ta nhìn theo hướng phát ra tiếng nói.
Quay lại, ta thấy một trung niên nam tử mặc trường bào tối màu, phong thái nho nhã. Ánh mắt người nhìn Chiêu Hoa Quận chúa và nữ nhi hoạt bát yêu kiều kia tràn đầy yêu thương.
Không cần nói, trung niên nam tử đó chính là Tể tướng Tống Tông Hiến, người phụ thân mà ta chưa từng gặp mặt. Còn nữ nhi yêu kiều kia chính là bảo bối của họ, Tống Minh Ngọc.
Tống Minh Ngọc lập tức lao vào lòng Chiêu Hoa Quận chúa, mọi người xung quanh đều nở nụ cười.
Nhìn họ, ta thực sự cảm thấy đây là một gia đình vui vẻ, thật tốt biết bao.
Phụ thân chỉ trò chuyện qua loa với ta vài câu. Sau đó quản gia sắp xếp cho ta ở tại sân phía tây của phủ Tể tướng.
Phủ Tể tướng rộng lớn, quy củ cũng vô cùng nghiêm ngặt. Chỉ riêng thời gian trang điểm, chải chuốt, chào hỏi sáng chiều cũng đã gấp đôi so với trước đây của ta.
Ta vốn đã quen tự do bên ngoài nên hoàn toàn không thể thích nghi.
Một ngày nọ, ta còn ngái ngủ khi đến vấn an Tể tướng và Chiêu Hoa Quận chúa thì nghe có người nhắc đến mình.
“Thanh Ngọc cũng đã đến tuổi cập kê, nên tính chuyện hôn nhân rồi.”
Chiêu Hoa Quận chúa nhìn ta, mỉm cười.
“Nhà họ Cố ở Vũ Lăng, đời đời làm quan, là danh gia vọng tộc ở kinh thành. Con trai trưởng của họ, Cố Yến Chi, năm nay vừa đỗ Thám Hoa, là người mà phụ thân con xem trọng. Thanh Ngọc, con đúng là người có phúc lớn.”
Ta biết rằng cuộc hôn nhân này vốn dành cho Tống Minh Ngọc.
Hai nhà họ Tống – họ Cố đã có hôn ước từ lâu, nhưng hiện nay tân hoàng vừa mới đăng cơ, ngôi vị hoàng hậu vẫn bỏ trống.
Chiêu Hoa Quận chúa muốn bảo bối của mình tham gia tuyển chọn, nhưng cũng không muốn làm mất lòng nhà họ Cố, ảnh hưởng đến danh tiếng của phủ Tể tướng, vì vậy, cuộc hôn nhân này tự nhiên là rơi vào ta.
Thật ra, ta không có suy nghĩ gì về chuyện sẽ gả cho ai đó.
Ta nhớ lời hứa của mẫu thân trước khi qua đời, rằng sẽ đưa ta đi du ngoạn vùng Ba Thục. Người nói nơi đó địa linh nhân kiệt, phong cảnh hữu tình. Chắc chắn có nhiều cảnh sắc để ta đưa vào tranh.
Nhưng nếu phải thành hôn, thì khi nào mới có thể đi ngao du?
Nghe nói, Cố Yến Chi, công tử nhà họ Cố, vừa nghe vị hôn thê của mình là một nữ tử quê mùa từ Thượng Dư bèn kiên quyết từ hôn.
Khắp kinh thành không biết từ đâu mà đồn rằng.
Họ nói Tể tướng nhận lại trưởng nữ từ Thượng Dư, là một thôn nữ xuất thân hèn kém, không biết chữ. Phong thái và lễ nghi không thể sánh với các tiểu thư khuê các lớn lên ở kinh thành. Không xứng làm chủ mẫu của nhà họ Cố.
Ta từ đó trở thành câu chuyện bàn tán sau mỗi bữa trà dư tửu hậu của các quý nữ chốn kinh thành.
2
Ngày bị từ hôn, ta nói với Tể tướng rằng muốn ra ngoài dạo chơi cho khuây khỏa.
Tể tướng nghĩ ta vì bị từ hôn mà lòng buồn não nề nên đã đồng ý.
Ta lén lút đi vào Quốc Tử Giám.
Trong vạn thư các vắng lặng không một bóng người, ta nhấp nhẹ chút rượu quế hoa do mẫu thân tự tay ủ, lắng nghe tiếng mưa rả rích ngoài cửa sổ.
Ta lật từng trang “Tây Sương Ký” còn đang đọc dở, cảm thấy thật dễ chịu.
Khi ta đang ngà ngà say, bỗng thấy một đôi mắt đen láy nhìn qua từng lớp sách mà chăm chú dõi theo ta.
“Ai đó?”
Lòng ta bỗng thắt lại, tay cầm chén rượu ném về phía ánh mắt ấy. Chén rượu trúng ngay vào trán người nọ.
Ta vội vàng đi qua kệ sách thì thấy một thư sinh áo trắng ngồi bệt dưới đất, tay ôm trán. Ta nhẹ nhàng tiến lại gần.
“Công tử, ngài không sao chứ?”
Người đó bỏ tay ra khỏi trán, ngẩng đầu lên.
Công tử khoảng hai mươi tuổi, vai rộng, môi đỏ tựa chu sa, răng trắng như ngọc, mắt sáng mà mày thưa, phong thái thanh khiết tựa bạch ngọc.
“Ngài là môn sinh của Quốc Tử Giám?”
Thư sinh khẽ sững lại, rồi đáp một tiếng “ừm,” trên mặt thoáng nét cười mơ hồ.
Thấy trán người ấy đang rỉ máu, ta bèn lấy khăn tay ra băng bó. Thư sinh ngọc diện lại ngẩn ra, rồi nhanh chóng quay đi.
“Cô nương say lắm rồi, nên về nhà thôi.”
Ta cười nhẹ.
“Nhà ta ở Thượng Dư, xe ngựa đi hai tháng mới tới được…”
Ta đứng dậy định đi tìm rượu quế hoa uống tiếp, bước đi đã có phần loạng choạng. Thư sinh ngọc diện có vẻ lo ta ngã, hai tay giữ một khoảng cách xa mà theo sau.
“Công tử nhà ở đâu? Là người nơi nào?”
Người đó nhàn nhạt đáp.
“Ta không có nhà.”
Giọng nói trầm ấm, tựa tiếng ngọc rơi, lại phảng phất nét buồn thương.
Dù không rõ gia cảnh người ấy thế nào, lòng ta chợt dâng lên một nỗi cảm thương.
“Nếu công tử không vướng bận gì trong lòng… hay là về Thượng Dư cùng ta?”
“Nhà ta ở Thượng Dư có một khu vườn nhỏ, bên ngoài là rừng trúc xanh, trước cửa có dòng suối chảy róc rách.”
“Bể nước trong vườn trồng sen thơm ngát, dưới hiên lại có vài chú mèo nghịch ngợm, rất thú vị.”
“Ta biết dạy học, biết vẽ tranh, nếu công tử không tiêu pha nhiều, hẳn là ta có thể nuôi nổi.”
Sau lưng ta vang lên một tiếng cười nhạt.
“Công tử cười ta nói khoác sao?”
Chỉ thấy người ấy cúi xuống, nhặt cuốn “Tây Sương Ký” ta còn đọc dở, trịnh trọng gấp lại.
“Ta không dám nghi ngờ năng lực của cô nương. Ta chỉ muốn khuyên cô nương tuổi xuân tươi đẹp, bớt xem sách vàng ngọc, tránh để thay đổi tính tình khi còn quá trẻ.”
Đôi mắt đẹp của người đó nhìn ta sâu thẳm.
Mặt ta bỗng đỏ bừng, bước chân có phần lảo đảo, ta bất giác ngã vào lòng hắn. Qua lớp vải, ta cảm nhận được nhiệt độ ấm nóng từ người hắn.
Mưa bên ngoài ngày càng lớn, mà trong phòng lại im ắng đến mức ngột ngạt.
Có lẽ vì ta đã uống rượu, gan cũng lớn hơn. Ta cẩn thận chạm nhẹ vào sống mũi cao của hắn.
Thư sinh ngọc diện từ mặt mà đỏ đến tận tai, rồi cúi mắt nhìn ta, giọng nói không lớn, nhưng mang theo vẻ uy nghi khó cưỡng.
“Vô lễ.”