Ta là con gái của nhũ mẫu trong phủ Hầu.
Năm ta vừa tròn mười lăm, Hầu phu nhân chú ý đến dung mạo của ta, nhẫn tâm hại chết vị hôn phu của ta, ép ta phải làm hữu thiếp cho một thương gia giàu nhất thiên hạ.
Từ đó, Hầu phủ cùng thương gia cấu kết, của cải đầy kho, bạc chất như núi.
Còn ta, bị hành hạ đến chết trong uất hận.
Khi mở mắt lần nữa, ta trở về khoảnh khắc lần đầu gặp Hầu phu nhân.
Bà ta mỉm cười nhìn ta, cất lời: “Dung mạo thực mỹ lệ, quả là chẳng giống nha đầu thôn quê chút nào.”
Biết rằng chẳng thể thoát khỏi móng vuốt của bà ta, ta quyết định làm ngược lại:
“Dì à, dì nói gì thế? Con chính là Tây Thi của làng này, mười dặm tám thôn, chẳng ai sánh được bằng con đâu.”
Sắc mặt Hầu phu nhân lập tức sa sầm.
1
Nghe ta nói năng bừa bãi, mẫu thân ta sợ đến mức lặng người.
Bà vội quỳ xuống, run rẩy tạ tội: “Phu nhân, Mạn nhi từ nhỏ lớn lên nơi thôn dã, xin người chớ chấp nhặt với nó.”
Vị hôn phu của ta, Lý Chiêu, cũng kinh ngạc nhìn ta, tựa như chẳng thể hiểu nổi từ đâu ta học được thứ lời lẽ quê mùa này.
Hai công tử, tiểu thư của Hầu phu nhân thì nhướng mày khinh miệt, ánh mắt giễu cợt nhìn ta như nhìn một kẻ ngốc.
Hầu phu nhân sắc mặt lạnh lùng, vứt chiếc vòng bạc vốn định trao cho ta sang tay nha hoàn bên cạnh, phẩy tay chán nản: “Được rồi, các ngươi lui đi.”
Ta nhân cơ hội kéo tay Lý Chiêu, bất chấp mưa lớn, lao ra khỏi từ đường.
Về đến nhà họ Lý, Lý Chiêu đuổi theo ta, nghi hoặc hỏi: “A Mạn, vừa rồi nàng nói năng thật kỳ quặc.”
Ta chỉ cười nhạt: “Những điều điên rồ hơn còn ở phía sau.”
2
Mẫu thân ta vốn là mỹ nhân tuyệt sắc, lúc trẻ, người đến cầu thân đông nghịt, nhưng bà chẳng ưng ai.
Cho đến một ngày, bà gặp và đem lòng yêu một công tử từ xa đến.
Mẫu thân ta một lòng một dạ, nhưng công tử ấy chỉ xem bà như trò tiêu khiển, ba tháng sau liền biệt tăm không rõ tung tích.
Điều đáng sợ hơn là bà đã mang thai.
Trước việc ta chào đời, mẫu thân hẳn đã muốn đưa ta trở lại trong bụng, nhưng vì không phu quân, không tiền lo tài, lại bị gia đình ruồng bỏ, bà chỉ còn cách bọc ta trong tấm chăn, đặt ta tại cổng làng, phó mặc số phận.
May mắn thay, bà không bị đói chết nơi kinh thành, mà lại tìm được việc làm trong phủ Hầu. Tiểu công tử phủ Dũng Bình Hầu thiếu nhũ mẫu, mẫu thân ta được nhận và ở lại phủ suốt mười mấy năm.
Còn ta, cũng may mắn không bị thú dữ tha đi, mà được cháu trai của thợ săn bế về nuôi dưỡng. Người ấy chính là Lý Chiêu.
Bà nội của Lý Chiêu hiền lành nhân đức, không nỡ để ta chết đói, liền quyết định nuôi ta làm cháu dâu.
Thế là ta được sống sót.
Cuộc sống trong làng khá tốt đẹp. Lý Chiêu đối với ta che chở hết lòng. Nhà họ Lý, kể cả ta, có tất cả sáu người.
Phụ thân của Lý Chiêu tòng quân, chẳng bao giờ trở về, nhưng hằng năm đều có quân lương gửi về.
Mẫu thân của huynh ấy tuy hơi keo kiệt, nhưng lại hiếu thuận.
Gia gia sợ nãi nãi, còn nãi nãi là người yêu thương ta nhất.
Từ nhỏ, Lý Chiêu ăn gì, ta cũng ăn nấy; Lý Chiêu đọc sách, ta cũng được theo học. Trong ngôi nhà ấy, ta chưa từng chịu chút khổ sở nào.
Mẫu thân từng lén quay về tìm ta khi ta một tuổi, hỏi han khắp nơi, cuối cùng tìm được nhà họ Lý.
Về việc ta trở thành con dâu nuôi từ bé, bà chẳng ý kiến gì.
Bà để lại chút bạc, rồi vội rời đi.
Hằng năm, bà đều quay lại thăm ta một lần, mang cho ta y phục mới, giày dép, cùng ít tiền.
Đối với ta, mẫu thân giống như một thân thích xa hơn là người ruột thịt.
Cho đến hôm nay, Hầu phu nhân dẫn theo hai công tử tiểu thư ra ngoài du ngoạn, gặp mưa lớn, trú vào từ đường trong làng ta.
Mẫu thân nhân cơ hội, tiến cử ta trước mặt bà ta.
Nghe nói ta dung mạo xinh đẹp, Hầu phu nhân hớn hở gọi ta lại hỏi chuyện, còn Lý Chiêu chẳng yên lòng, bèn theo sát bên.
Thế là, mới xảy ra câu chuyện hoang đường vừa rồi.
Kiếp trước, ta ngây thơ tin rằng Hầu phu nhân thật lòng muốn nhận ta làm nghĩa nữ,nửa năm sau, ta theo bà ta vào kinh thành.
Sự thật là, Hầu phu nhân đã giam giữ mẫu thân ta, ép buộc ta làm thiếp cho thương gia giàu có bậc nhất thiên hạ – Triệu Vạn.
Ba năm ở phủ Triệu Vạn, ta sống không bằng chết.
Trong khi đó, phủ Hầu dựa vào mối quan hệ này mà làm ăn phát đạt, của cải như nước.
Cho đến khi Triệu Vạn đi buôn ở nơi xa, ta lại bị chính thê của ông ta bắt được, xuống tay hạ sát không chút do dự.
3
Trong kinh thành, nhà quyền quý thường rất chú trọng giáo dưỡng, nhất là về lễ nghi và phẩm hạnh của nữ nhi.
Kiếp này, ta cứ nghĩ rằng, để Hầu phu nhân thấy ta thô bỉ, bà ta sẽ không còn nhắm vào ta nữa.
Nhưng ngày hôm sau, mẫu thân vẫn mang tin tức đến nhà họ Lý.
Bà kéo ta ra ngoài sân, nói nhỏ: “Mạn nhi, vận may của con tới rồi! Hầu phu nhân đã để ý đến con, dự định nhận con làm nghĩa nữ. Mau chuẩn bị, cùng mẹ vào kinh.”
“Con không đi!” Ta buột miệng từ chối.
Mẫu thân nghe vậy, liền gấp gáp: “Con có biết đây là cơ hội hiếm có thế nào không? Hầu phu nhân để ý đến con, đó là phúc phận mà tám đời nhà con cũng không có được! Sau này, chỉ cần bà ấy ban cho con chút bổng lộc, đủ để con cả đời không phải lo ăn lo mặc.”
“Chẳng lẽ con muốn ở lại cái làng quê nghèo nàn này, làm một cô thôn nữ đến hết đời sao?”
Mẫu thân nhìn ta, ánh mắt chan chứa sự thất vọng.
Nhưng thiên hạ này, nào có chuyện bánh nhân thịt từ trên trời rơi xuống? Với lại làm thôn nữ thì có gì không tốt?
Từ nhỏ ta đã biết mình sẽ gả cho Lý Chiêu, mà Lý Chiêu đối xử với ta rất tốt, bà nội cũng thương yêu ta như người thân ruột thịt. Ta chưa từng nghĩ đến chuyện rời khỏi thôn làng.
Kiếp trước, ta cũng đã nói như vậy, quyết tâm từ chối, không đi kinh thành. Nhưng sau đó thì sao?
Lý Chiêu trong một lần lên núi săn bắn, rơi xuống vách đá.
Khi gia gia tìm thấy cậu, thi thể cậu đã bị sói ăn đến chỉ còn lại một nửa.
Mẫu thân cậu ngất đi vì khóc, nãi nãi lâm bệnh nặng, gia gia nửa mái đầu bạc trắng chỉ trong một đêm.
Khi ấy, chúng ta đều nghĩ rằng đó chỉ là tai nạn.
Nhưng nửa năm sau, khi ta vào kinh thành, Hầu phu nhân ép ta làm thiếp của Triệu Vạn, ta mới biết, hóa ra cái chết của Lý Chiêu là do bà ta ra tay!
Bà ta chỉ muốn ta không còn lý do chối từ, vì vậy không ngại ra tay sát hại một mạng người.
Nhớ lại cảnh tượng thê thảm sau cái chết của Lý Chiêu, ánh mắt đầy tuyệt vọng của bà nội, ta căm hận đến mức muốn đồng quy vu tận với Hầu phu nhân.
Giờ phút này, ta không hề nhận ra nét căm ghét đã hiện rõ trên gương mặt.
Mẫu thân nhìn ta, vẻ mặt do dự: “Mạn nhi, con làm sao vậy? Sao lại trưng ra biểu cảm này?”
Ta nhìn bà, không nói một lời.
Những chuyện xảy ra ở kiếp trước, xét đến cùng, mẫu thân ta cũng có phần trách nhiệm không nhỏ, khiến ta vừa hận vừa giận bà.
Nhưng về sau, khi bị Hầu phu nhân bức bách, chỉ có mẫu thân là đứng về phía ta. Bà nghĩ đủ mọi cách để cứu ta thoát khỏi Hầu phủ.
Đến khi Hầu phủ dùng bà để uy hiếp ta, bà chẳng ngần ngại lao đầu vào cột, suýt mất mạng.
Chính khoảnh khắc đó, ta mới nhận ra, có lẽ bà thật sự quan tâm đến ta.
Kiếp trước, bà bị Hầu phu nhân giam giữ, chịu đủ khổ nhục, muốn chết cũng không được.
Chỉ khi ta ngoan ngoãn, bà mới được yên ổn một chút.
Nhìn mẫu thân lúc này vẫn còn ngây thơ, rõ ràng bà chưa biết gì về thủ đoạn của Hầu phu nhân.
Nhưng ta hiểu tính bà nông cạn, nhiều chuyện không thể nói ra quá nhiều, kẻo lại phản tác dụng.
Ta đành hít sâu một hơi, xoay người rời đi: “Nương, cho con chút thời gian.”
Mẫu thân nghe vậy, mừng rỡ: “Được, được, vậy con mau chóng chuẩn bị. Mẹ không thể ở đây lâu, chậm nhất là sáng mai phải về kinh.”
4
Ta không thể từ chối. Nếu cự tuyệt, chắc chắn mọi chuyện sẽ như kiếp trước.
Hôn ước của ta và Lý Chiêu, người trong thôn ai ai cũng biết. Hầu phu nhân đã quyết định nhắm vào ta, chắc chắn sẽ sai người điều tra. Nếu biết được ta từ chối bà vì hôn ước với Lý Chiêu, bà nhất định sẽ ra tay hãm hại cậu một lần nữa.
Nhưng nếu vào kinh, đó cũng là con đường chết.
Triệu Vạn là một kẻ điên cuồng, thích hành hạ người khác để mua vui, một kẻ bệnh hoạn không hơn không kém.
Vậy thì, chạy trốn thì sao?
Nếu ta chạy, mẫu thân và gia đình họ Lý chắc chắn cũng sẽ bị liên lụy.
Mang theo nuơng ta và người nhà họ Lý bỏ trốn, giữa thời loạn lạc binh hoang mãnh thú, thật sự không thể thực hiện được.
Ta trằn trọc cả đêm, nghĩ mãi mà chẳng tìm được cách nào khả dĩ.
Ngày hôm sau, ta dậy muộn, mang đôi mắt thâm quầng mở cửa phòng, chợt thấy bầu không khí trong đại sảnh có điều khác lạ.
Nương ta lại đến.
Bà đặt một bọc đồ trước mặt nãi nãi, sau đó trang trọng quỳ xuống, nghiêm giọng nói:
“Cảm tạ gia đình đã nuôi dưỡng Mạn nhi suốt bao năm qua. Ta biết con bé không dám mở lời, nhưng lần này, thời cơ đối với nó quả thật quá quan trọng. Đành để ta, thân là nương, đóng vai người xấu vậy…”
“Đây là toàn bộ số bạc ta tích góp được những năm qua, chắc cũng đủ để gia đình cưới một người cháu dâu khác. Mong người hãy để Mạn nhi theo ta.”
“Nương!” Ta biến sắc, lập tức thốt lên.
Nãi nãi nhìn ta, rồi lại quay sang mẹ ta, chậm rãi nói:
“Ngươi là mẹ ruột của nó, muốn đưa nó đi sống những ngày tốt đẹp, ta đương nhiên mừng thay.”
“Nhưng nương A Mạn, ngươi có từng nghĩ, Hầu phu nhân cớ sao lại vô duyên vô cớ muốn nhận A Mạn làm nghĩa nữ?”
“Nói một cách thẳng thắn, dù cho là vì ngươi, nhưng A Mạn là đứa trẻ lớn lên nơi thôn quê, khi vào Hầu phủ, liệu nó có thể thích ứng được hay chăng?”
“Rồi nếu mai này, Hầu phu nhân đối xử tệ bạc với nó, lại biết làm sao?”
Nương ta điềm tĩnh đáp:
“Người không biết đấy thôi. Ta ở Hầu phủ hơn mười năm, đối với bọn họ là hiểu rõ nhất. Mạn nhi vào Hầu phủ, còn có ta ở đó, tuyệt sẽ không xảy ra chuyện gì.”nãi nãi khẽ thở dài, quay sang ta:
“A Mạn, tuy rằng cháu là người nhà ta nhận nuôi, nhưng nãi nãi xưa nay luôn coi cháu như người trong gia đình. Chuyện này ta không can thiệp, cháu hãy tự mình quyết định, được không ?”
Ta khịt khịt mũi, cúi đầu không đáp.
Lý Chiêu thấy ta do dự, kinh ngạc hỏi:
“A Mạn, nàng thật sự muốn đi sao? Là ta chỗ nào làm nàng giận ư?”
Huynh ấy lại tưởng rằng lỗi lầm nằm ở bản thân mình.
Ta lắc đầu: “Không phải, huynh đừng nghĩ ngợi lung tung.”
Mẫu thân của cậu, tựa như đã nhìn thấu điều gì đó, bỗng hừ lạnh một tiếng, lẩm bẩm:
“Vào Hầu phủ là hưởng phúc, đương nhiên là nó phải đi rồi. Chẳng lẽ ở lại đây làm gì? Nuôi bao năm hóa ra uổng phí…”
“Im miệng!” Bà nội nghiêm giọng ngắt lời bà ta, lại quay sang hỏi ta:
“A Mạn, cháu thật sự đã quyết định chưa?”
Ta bước đến bên cạnh bà, quỳ xuống nắm lấy tay bà, nói:
Nãi nãi, chúng ta vào phòng rồi hãy nói.”
Bà gật đầu: “Được.”