82
Ngày hôm sau rời Dưỡng Tâm Điện, lòng ta luôn bất an. Cuối cùng vẫn bất chấp lời khuyên của mọi người xung quanh, đưa nhị ca và Diêu Nhi đến lãnh cung.
Lãnh cung giam giữ những phi tần thất sủng, lâu năm không được quét dọn, tu sửa nên không khí nơi đây lạnh lẽo, âm u như cõi âm của những linh hồn sống vất vưởng nơi một chân đã bước qua cửa tử. Ta từng nhiều lần ngang qua cửa lãnh cung, chẳng ngờ đến hôm nay chính mình cũng bước chân vào đây.
Cánh cửa ken két mở ra, ta lấy khăn che mũi, cố gắng ngăn mùi hôi ẩm mốc xộc lên. Bên trong cánh cửa đó có không ít “kẻ điên.” Diêu Nhi bên cạnh tròn mắt cảnh giác nhìn quanh, sợ một làn gió thổi qua cũng làm hại ta.
“Tiểu Quất?”
Ở góc phòng phía Nam, nơi có vài tia nắng chiếu vào, Lạc Thường Tại ngồi trên sàn, nửa người lấm lem đất bụi. Nàng trông thấy ta đến thì ngỡ ngàng đứng dậy, phủi bụi trên người đi, lấm lét bước vài bước đến gần, trên mặt còn sự ngập ngừng như không tin nổi :
“Sao muội lại đến nơi này, không chú ý đến thân mình đang mang thai sao?”
Nói rồi, hai mắt nàng đỏ hoe, hai hàng lệ chảy dài trên đôi gò má gầy gò, nàng lại vội lau đi, cố gắng mỉm cười:
“Lại đây, để ta bắt mạch cho muội.”
Ta nuốt nước bọt, thấy nàng tiều tụy mà lòng đau như cắt, trong lòng có cảm giác rằng chính ta đã hại nàng; hoặc có lẽ không chỉ là cảm giác. Nếu nàng không giao hảo với ta, với tính cách ôn hòa không phô trương của mình, sao có thể bị người khác đố kị, toan tính đến vậy.
Đang sững sờ, Lạc Thường Tại đã bước tới trước mặt ta, Diêu Nhi nhắc nhở:
“Chủ tử.”
Ta chớp mắt, cố nuốt xuống nỗi nghẹn ngào. Mới vài ngày không gặp mà tưởng chừng cách xa một kiếp, ta nghẹn giọng gọi:
“Lạc tỷ, muội… ”
Những lời xin lỗi chẳng biết mở đầu từ đâu, cuối cùng chỉ có thể như trẻ con tập nói, chỉ thốt ra được:
“Muội, muội…”
“Không sao, ta biết rồi, ta đều hiểu cả.”
Gương mặt nàng bình thản như thể đã nghiền ngẫm thấu suốt mọi điều, phảng phất nét chấp nhận, nàng buông cánh tay ta:
“Mạch ổn định, hài tử này là phúc tinh của muội, nhờ nó quấy phá mà muội đã tránh được bao tai ương, nếu…”
Nàng cúi mắt:
“Nếu hôm đó ngất xỉu là muội, thì ta có chết vạn lần cũng chẳng hết tội.”
Ta vội vàng nói:
“Là muội đã liên lụy tỷ!”
“Nói ngốc nghếch cái gì vậy.”
Nàng kéo ta tới chỗ có ánh nắng, nơi ấm áp hơn, xua đi khí lạnh của lãnh cung.
“Không phải ta thì cũng là người khác. Chẳng tranh chẳng giành thì còn đỡ, nhưng một khi có người có ý muốn hại, mọi người đều trở thành bậc thang, thành lưỡi dao của kẻ khác, nào có thể tránh được? Ta ở trong cung bao năm, chẳng mong vinh hoa phú quý, cũng chẳng cầu mong bình an đến già.”
Lạc Thường Tại mỉm cười, ánh mắt lấp lánh thoáng qua chút sáng tỏ:
“Tiểu Quất, muội không nợ ta điều gì.”
Đôi mắt nàng lóe lên một tia sáng kì lạ, nàng nói khẽ:
“Dám tính kế với hổ, cuối cùng phải có kẻ trả giá cho tội ác.”
Ta nhíu mày, sợ nàng làm chuyện gì không nên, siết chặt tay nàng mà dặn dò:
“Tỷ đừng làm bậy, ở đây giữ gìn bản thân, muội sẽ sắp xếp người chăm lo, không để tỷ chịu khổ, đợi…”
Ta chẳng biết nói sao, đành bắt lấy khoảng thời gian vô định:
“Đợi qua cơn sóng gió này, muội nhất định sẽ xin hoàng thượng tha cho tỷ.”
Lạc Thường Tại cười khẽ, gõ nhẹ lên đầu ta:
“Ta là thầy thuốc, lòng từ bi là đạo lý, làm sao có thể làm gì được đây? Huống chi, tường lãnh cung cao vời vợi, ta ôm đầy lòng oán hận cũng chẳng hại được ai.”
Ta thở phào nhẹ nhõm.
Lạc Thường Tại buông tay ta ra:
“Nơi này ẩm thấp, không tốt cho thai nhi, muội đến thăm ta đã đủ rồi, về đi thôi.”
Ta cắn môi:
“Để muội ở với tỷ thêm một lát, tỷ tỷ.”
“Tiểu nha đầu này.”
Nàng cười trách nhẹ bằng giọng miền Giang Nam, giơ ngón tay nhắc nhở:
“Chỉ có thể ở một lát thôi, chúng ta trò chuyện đi.”
Ta vui vẻ mà cười đến híp cả mắt, gật đầu lia lịa.
Lạc Thường Tại không hỏi chuyện trong cung, tựa hồ những điều ấy chẳng còn là điều nàng bận tâm nữa. Thay vào đó, nàng kể cho ta nghe những chuyện vui thời còn là thiếu nữ.
Nàng là tiểu nữ nhi của viện sứ Thái Y Viện, từ nhỏ đã theo phụ thân học y. Ngày ngày ở trong phòng thuốc, trên người luôn phảng phất mùi cỏ cây đắng ngắt. Có người gọi nàng là “bình thuốc di động,” vậy mà nàng lại thích cái biệt danh đó, từng may một bộ y phục thêu đầy hình thảo dược.
Trước khi nhập cung, nàng từng phải lòng một tiểu khất cái giao thuốc, lần nào cũng lén nhìn trộm y trò chuyện với tiên sinh trông sổ sách. Có một lần tiên sinh đến trễ, tiểu khất cái đứng đợi trong sân, nhìn ngó xung quanh, quay đầu thì ánh mắt chạm phải nàng sau tấm rèm. Khuôn mặt thanh tú của hắn nở một nụ cười nhã nhặn, thấy nàng đỏ bừng hai má thì cúi người xuống cung kính chắp tay hành lễ. Nàng che mặt chạy trốn, từ đó không còn gặp lại hắn nữa.
Sau nghe tin, tiểu khất cái ấy đã cưới nữ nhi của chưởng quỹ, trở thành nhị chưởng quỹ của cửa hiệu, lo việc trong tiệm, không còn phải đẩy xe dưới nắng giao hàng. Khi hay tin, nàng trốn trong phòng khóc nửa ngày. Hôm sau khi đi hội chùa với phụ thân lại gặp hắn đang dắt nương tử xem đố đèn.
Lần này gặp lại, hắn đã ăn vận chỉnh tề hơn, gương mặt cũng mập mạp lên trông thấy. Hắn trông thấy tiểu thư nhà viện sứ, hẳn là vẫn nhớ nàng nên cách đám đông đang chen nhau hành hương, hắn lại mỉm cười hành lễ với nàng.
Chỉ một khoảnh khắc ấy, nàng đã buông bỏ tất cả. Những rung động non nớt trong lòng thiếu nữ đã tan biến giữa ánh đèn ngàn nhà, chỉ còn lại một nụ cười nhẹ lướt qua.
Tỷ ấy có tài năng thiên bẩm về y thuật, lại nhân từ, thường khám bệnh miễn phí cho hàng xóm gần xa. Có những đứa trẻ sợ thuốc đắng, khóc đến mức trán nổi gân xanh mà nhất quyết không chịu uống một ngụm. Để giải quyết vấn đề này, tỷ ấy đã tự học nấu ăn, chế biến ra những món thuốc bổ dưỡng ngon miệng. Tỷ ấy ngày càng thành thạo, đến nỗi mỗi dịp lễ Tết đều vào bếp cùng với các đầu bếp, mọi người trong nhà cũng khó phân biệt đâu là món do tỷ ấy làm hay đầu bếp làm.
Tỷ ấy từng mơ mộng về người mình sẽ gả, cũng có người đến dạm hỏi, nhưng tỷ ấy chưa từng tìm thấy ai làm lòng rung động như trước.
Thế nhưng, tất cả những giấc mộng đẹp ấy đã bị xé tan cùng với thánh chỉ tuyển tú. Tỷ ấy bị chỉ định làm phi tử của Lý Quân Khác. Rồi từ đó… không còn là câu chuyện của chính tỷ nữa, mà là một người hoàng gia khác giữa rực rỡ sắc hoa.
“Được rồi, nghe xong câu chuyện rồi thì trở về đi.”
Tỷ ấy thở dài rồi muốn đỡ ta đứng dậy, quay sang Diêu Nhi bảo:
“Trời đã tối rồi, mau đưa chủ tử của ngươi về, nàng không biết giữ gìn, nhưng ngươi chẳng lẽ cũng không hiểu sao?”
Ta đến trong nỗi xót xa, ra về với đầu óc đầy ắp câu chuyện, vẫn chưa hoàn hồn, kéo lấy tay Lạc Thường Tại mà hỏi:
“Tỷ tỷ, ngày mai muội có thể lại đến tìm tỷ không?”
Tỷ ấy khẽ đẩy tay ta ra:
“Không cần đến nữa, tỷ hy vọng muội đừng bao giờ đặt chân đến nơi này lần nào nữa.”
Nhị ca từ cửa nhìn vào, dường như thúc giục ta về. Trước khi rời khỏi, ta ngoái đầu lại, cố nhìn rõ tỷ ấy một lần nữa.
Tỷ ấy đứng dưới bóng cây, ánh chiều tà lốm đốm trên gương mặt, nụ cười mờ ảo như được phủ một tầng sương.
Cánh cửa kêu “rầm” một tiếng đóng sập lại sau lưng ta. Lòng ta chấn động, nước mắt bỗng chảy dài.
Y giả nhân tâm, tỷ ấy không hại người, ai cũng biết điều đó, nhưng họ vẫn cố chấp đổ lên người tỷ ấy lớp bùn nhơ bẩn, nghiền nát lòng tự tôn và sự dịu dàng của nàng.
Trên đường về tẩm cung, ngực ta nặng trĩu, đau đớn đến không chịu nổi, ta nói với Diêu Nhi trong sự khó chịu đến đau lòng:
“Chúng ta quay lại lãnh cung đi, ta… ta lo cho tỷ tỷ.”
Không khuyên nổi ta, mà sắc mặt ta thực sự tái nhợt, Diêu Nhi một mặt sai người đi mời thái y, một mặt chuẩn bị cùng ta quay lại.
Lúc này đột nhiên vài tiểu thái giám hối hả đi từ xa tới, mũ nón xộc xệch, hốt hoảng. Lòng ta dấy lên dự cảm chẳng lành, chặn một tên lại hỏi chuyện.
Tiểu thái giám kia cả người vẫn còn run rẩy:
“Bẩm nương nương, Lạc Thường Tại đã thắt cổ tự vẫn ở lãnh cung!”
Tay ta run bắn lên, vô thức lùi lại mấy bước, nước mắt rơi qua hàng mi, ta lóng ngóng quơ tay ra sau, chụp lấy cổ tay nhị ca. Ta che miệng, không nói một lời, gấp gáp quay người lại rồi loạng choạng bước đi.
“Chủ tử?” Diêu Nhi lo lắng.
Ta nói:
“Về thôi.”
Lãnh cung, ta sẽ không bao giờ quay lại nữa.