25
Đến tháng hôn kỳ, phụ thân ta liên tục vào cung nhiều lần. Mỗi lần ở lại đó khoảng một, hai canh giờ, rồi mới lau nước mắt quay về phủ.
Ta hỏi ông vào cung làm gì, ông không nói, chỉ khóc lóc chạy đến trước linh vị mẫu thân ta, khóc suốt một, hai canh giờ.
Mười ngày trước đại hôn, Tạ Hoài bắt đầu trở nên an phận.
Hắn xin nghỉ hôn lễ để ở nhà lo liệu trang trí phòng tân hôn, mỗi ngày đều sai người đến mời ta đến xem.
“Căn phòng này nàng có thích không? Đổi giường sang kiểu giường bát bộ được không? Màu đỏ thẫm hay màu gỗ nguyên bản thì hơn? Bàn trang điểm nàng thích kiểu nào? Hôm nay Tú Nương có mặt ở phủ, nàng để nàng ta đo may cho nàng vài bộ y phục mới nhé…”
Ta làm theo yêu cầu của hắn, xem xong phòng cưới, đo may y phục, rồi kéo tay hắn lại hỏi:
“Gần đây phụ thân ta có gì đó rất lạ, chẳng lẽ vẫn lo lắng việc ta lấy ngài, nên cứ buồn bã không vui? Nếu không thì tại sao cứ ngày ngày vào cung? Phụ thân ta với bệ hạ cũng không phải thân thiết gì lắm, chỉ là lễ tết mới vào thăm, dạo này thật sự là rất khác thường.”
Tạ Hoài nắm tay ta kéo lại ngồi xuống bàn, rót cho ta một tách trà, rồi nói sang chuyện khác:
“Ngày thành thân, giờ lành đến sớm, biết nàng khó dậy sớm, cứ để tỳ nữ và bà mụ lo liệu, lên kiệu rồi nàng ngủ tiếp, mọi việc cứ để ta.”
Ta gật đầu, nhưng vẫn tiếp tục hỏi:
“Ngài nói xem, có phải phụ thân ta đã đến tuổi mãn kinh rồi không, sao lại ngày ngày khóc lóc như vậy? Nếu khóc mãi, mù mắt thì phải làm sao?”
Tạ Hoài gật đầu tán thành:
“Ngày bày tiệc sẽ có rất nhiều quan khách đến, những người này vốn chẳng ưa gì ta, e rằng họ sẽ cố ép ta uống rượu. Đến lúc đó nàng nhớ sai người đến gọi ta, dù sao nàng nổi tiếng rồi, họ cũng chẳng lạ gì.”
Ta cũng gật đầu đồng ý:
“Đúng vậy, gần đây phụ thân ta cứ chạy vào từ đường mãi, trước đây, ông sợ nhìn linh vị lại nhớ mẫu thân, chỉ vào dịp Thanh Minh hoặc rằm mới ghé qua, ở được một lát là khóa cửa đi ra. Nhưng dạo này, cứ sau khi vào cung, ông lại chạy vào đó khóc suốt một, hai canh giờ, ngài không thấy điều đó có gì không bình thường sao?”
Tạ Hoài gọi hạ nhân thêm trà, rồi nói:
“Ngày đại hôn tân nương không được ăn gì, nàng cố chịu một chút, đợi đến khi về phòng, ta sẽ bảo người chuẩn bị chút điểm tâm cho nàng. Trong lúc chờ đợi, nàng ăn lót dạ một chút, không cần phải chịu đói. Còn nữa, sau này không được ăn rắn, thứ đó không sạch sẽ.”
Tạ Hoài tự thấy mình đã dặn dò đủ điều, liền vỗ mông ta bảo đứng dậy, rồi chỉ tay cho hạ nhân:
“Đưa phu nhân về nhà cẩn thận.”
Đến khi lên kiệu, ta mới ngỡ ngàng nhận ra rằng nãy giờ Tạ Hoài chẳng trả lời câu hỏi nào của ta cả.
26
Chẳng mấy chốc đã đến ngày đại hôn.
Mọi chuyện diễn ra bình thường, cho đến khi buổi chiều xảy ra chuyện.
Thật khó mà tưởng tượng được, vào ngày vui thế này, phòng của mẫu thân ta lại bốc cháy.
Ngọn lửa bùng lên rất lớn, khi mọi người phát hiện ra thì căn phòng đã cháy rụi quá nửa, mà lửa lại cháy lên rất bất ngờ.
Tạ Hoài là phu quân của ta, tất nhiên phải cùng phụ thân ta quay về kiểm tra tình hình. Nhưng vừa đi đã mất tới bốn, năm canh giờ.
Khi họ quay lại, trời đã về khuya.
Nến hỷ sắp tàn, ta cũng bắt đầu buồn ngủ. Tạ Hoài vừa bước vào phòng liền đè ta xuống giường, mặt mày đầy vẻ vui sướng, chẳng giống như nhà ta vừa bị cháy, mà trông giống như gặp chuyện vui gì đó thì hơn.
“Nhà có chuyện gì sao?”
Tạ Hoài lắc đầu, rồi lập tức chặn miệng ta lại:
“Đêm tân hôn quý giá như vàng, đừng lãng phí thời gian nữa.”
…
27
Việc mẫu thân ta tử trận lại bị nhắc lại.
Không ít phó tướng đồng loạt ra mặt tố cáo rằng năm xưa mẫu thân ta không phải chết trận nơi sa trường, mà là bị kẻ gian hãm hại. Trận chiến năm đó thực ra đã gần đến hồi kết, nhưng khi đến giai đoạn cuối cùng, mẫu thân ta lại bất ngờ bị tập kích.
Các phó tướng nói, với võ công của mẫu thân ta, nếu kẻ địch đến gần, bà không thể nào không có phản ứng, trừ phi kẻ ám sát chính là người thân cận bên cạnh.
Những lời này cũng được chứng thực trong bức thư mà phụ thân ta dâng lên. Ví dụ như, khi đại chiến sắp diễn ra, Thái phó đột ngột gửi thư yêu cầu mẫu thân ta đưa con trai mình đi theo để rèn luyện.
Mẫu thân ta từ nhỏ đã được Thái phó dạy dỗ, vì thế hoàn toàn không cảnh giác, thậm chí trên chiến trường, bà còn giữ cậu bé ở bên cạnh để tiện chăm sóc. Nhưng sau khi mẫu thân ta qua đời, cậu bé ấy cũng mất tích một cách vô lý, biến mất không tung tích, cùng với đó là bản đồ tác chiến của năm đó cũng bị mất.
Phụ thân ta nghe xong liền sợ hãi ngã khuỵu xuống đất. Tạ Hoài ra tay kịp thời, đỡ lấy phụ thân ta và bình tĩnh nói:
“Nếu năm xưa Trường Công chúa không chết trên chiến trường, thì chỉ sợ ngày bà ấy hồi kinh cũng là ngày có tin đồn bà thông đồng với giặc. Chính vì bà ấy chết trận mà kẻ đứng sau mới tạm thời tha cho dòng máu duy nhất của Trường Công chúa.”
Phụ thân ta nghe xong lại bắt đầu khóc lóc:
“Bệ hạ ơi, xin bệ hạ làm chủ cho dân đen, năm đó Oa Oa nhà thần mới chưa đầy mười tuổi, đứa trẻ vô tội biết gì đâu!”
Bệ hạ nghe vậy liền tức giận đến run rẩy. Ngài và mẫu thân ta là huynh muội cùng mẹ, tình cảm vô cùng sâu đậm. Năm xưa, triều đình thiếu tướng lĩnh, mẫu thân ta vì thương bệ hạ mà dẫn quân ra trận, một lần đi là đi mấy năm trời.
Ngài vốn nghĩ sau này sẽ được đoàn tụ với mẫu thân ta, hưởng thụ niềm vui gia đình, nhưng không ngờ, qua bao năm tháng, khi cố nhân trở về kinh chỉ còn lại một nắm xương tàn.
Nếu là chết trận thì cũng coi như là một câu chuyện đẹp, nhưng hóa ra tất cả chỉ là một âm mưu, làm sao bệ hạ có thể chịu đựng được điều này?
Ngài cúi đầu nhìn từng bức thư, càng đọc càng giận, đến cuối cùng, ngài đập mạnh xuống bàn, hét lớn:
“Mang Thái tử lên điện!”
28
Vào ngày thứ ba sau hôn lễ của ta, Thái tử bị giải vào Đại Lý Tự để thẩm vấn.
Dù Thái tử cao quý và giỏi bày mưu tính kế, nhưng cũng không chịu nổi cực hình. Đặc biệt là khi Tạ Hoài giám sát việc tra khảo, hắn trực tiếp bỏ qua những hình phạt nhẹ nhàng, thẳng tay cho dùng biện pháp tra tấn cắt thịt. Chỉ trong nửa canh giờ, Thái tử đã khai nhận toàn bộ sự việc năm xưa.
Hắn chịu sự dạy dỗ của Thái phó, và cũng nhờ Thái phó bày mưu tính kế.
Khi đó, mẫu thân ta quá lừng lẫy, đánh hết trận này đến trận khác, bệ hạ lại có ý định trao một nửa Hổ phù cho mẫu thân ta sau một lần say rượu, điều này đã khiến Thái tử nảy sinh ý định giết người.
Thái tử khóc lóc thừa nhận, triều đại nào, bệ hạ cũng sẽ trao Hổ phù cho Hoàng hậu hoặc Thái tử bảo quản, nhưng nay bệ hạ lại có ý trao Hổ phù cho Trường Công chúa, làm sao Thái tử có thể không lo sợ bệ hạ có ý định phế bỏ mình để lập Thái tử mới?
Dù sao Thái tử cũng không phải là người đương nhiên được kế vị. Khi Đại hoàng tử – con trai của Hoàng hậu – lên năm tuổi, đã chết đuối, nên vị trí Thái tử mới đến lượt hắn.
Tạ Hoài trình lên lời khai của Thái tử và tiện miệng nói thêm:
“Thần nghĩ rằng, chuyện Đại hoàng tử chết đuối năm xưa cũng cần được điều tra kỹ lưỡng.”
Chỉ một câu đó đã khiến bệ hạ phun máu.
Hoàng hậu nghe tin liền khóc lóc, chạy đến trước mặt bệ hạ làm ầm lên. Bệ hạ như đang ngồi trên đống lửa, không còn cách nào khác đành phải ra lệnh điều tra.
Quả nhiên, Đại Lý Tự phát hiện ra một cung nữ đã xuất cung hơn mười năm trước, chính là người hầu cận của Thái tử.
Nữ nhân ấy thừa nhận sau khi hoàng tử cả chết, mình đã biến mất không tung tích. Sợ liên lụy đến trượng phu và con nhỏ, nữ nhân này đã khai hết sự thật.
Người ra lệnh cho nàng là Quý phi – thân mẫu của Thái tử. Nàng ta đã tuân lệnh đẩy hoàng tử cả xuống hồ, và đúng là hoàng tử cả đã bị mưu sát.
Bệ hạ nghe xong ngay lập tức phun máu lần nữa, ngất xỉu tại chỗ.
Cuối cùng, người quyết định lập Bát Hoàng tử làm Trữ quân, xử quyết Tiên Thái tử cùng Quý phi, diệt cửu tộc của Thái phó, sau đó phong Tạ Hoài làm Nhiếp chính, từ đó không dậy nổi, bệnh tình ngày càng nặng hơn.
……….
“Chàng bắt đầu muốn đối phó với Tiên Thái tử từ khi nào?”
Đêm đó, ta nằm trong lòng Tạ Hoài, hắn vuốt ve tóc ta.
“Chẳng phải đã nói với nàng rồi sao, muốn giải quyết vấn đề thì phải giải quyết từ gốc rễ.”
Ta ngớ người:
“Gốc rễ chẳng phải là ta chưa thành thân sao? Ta thành thân rồi là vấn đề sẽ được giải quyết.”
Tạ Hoài khựng lại:
“Nàng lại nghĩ vậy thật sao?”
Ta nghiêng đầu suy nghĩ một hồi rồi ngộ ra:
“Ý chàng là, câu nói lúc đó không phải bảo ta nhanh chóng tìm người mà gả, mà là xúi ta ám sát Thái tử sao?”
Tạ Hoài bật cười, vuốt đầu ta rồi trả lời một cách không liên quan:
“Là ta đánh giá cao trí thông minh của nàng quá, Oa Oa, nàng như vậy cũng tốt lắm rồi, sống vui vẻ là được.”
“Vậy chàng đã nói gì để thuyết phục phụ thân ta, khiến ông ấy bằng lòng giúp chàng?”
“Chuyện đó đơn giản thôi, ta nói với ông ấy rằng, nếu ông giao chứng cứ cho ta, ta sẽ lật đổ Thái tử, tiện thể cưới con gái ông. Điều đó chỉ có lợi mà không có hại.”
Ta lại ngớ người:
“Nhưng làm sao phụ thân ta biết mẫu thân ta bị hãm hại?”
Thạ Hoài nhìn ta như nhìn kẻ ngốc:
“Nàng nghĩ vì sao phụ thân nàng luôn lo lắng, nhất quyết muốn gả nàng cho Thái tử?”
Ta kéo dài giọng:
“Hóa ra chàng và phụ thân ta đều biết, chỉ có ta là không biết gì, chỉ là kẻ ngốc thôi?”
Tạ Hoài mỉm cười, cúi xuống hôn ta, ta lập tức đẩy hắn ra và tức giận hỏi:
“Chàng nói thật đi, chàng cưới ta chỉ là để giành được lòng tin của phụ thân ta và lấy chứng cứ, hoàn toàn không phải vì chàng thích ta, đúng không!”
Tạ Hoài chớp mắt suy nghĩ một lúc rồi đáp:
“Không hoàn toàn đúng. Nếu ta chỉ muốn lấy lòng phụ thân nàng, ta đã dẫn người đến tịch biên nhà các nàng rồi. Theo tính cách của nhạc phụ, chỉ cần dọa một chút, ông ấy sẽ khai ra mọi thứ.”
Ta cười khúc khích:
“Vậy thì chứng tỏ chàng thích ta.”
Tạ Hoài không phủ nhận:
“Thích nàng, bởi vì nàng ngốc một cách đáng yêu.”